Đại Việt sử ký toàn thư/Tập II/Cuốn thứ tư/Đời hậu Lý

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

ĐỜI HẬU LÝ

HẬU LÝ NAM-ĐẾ

Ở ngôi ba mươi hai năm.

Nhà vua dùng mẹo lừa để cướp nước! trông bóng giặc đã vội ra hàng! Phàm việc làm trước sau, đều là phi-nghĩa cả!

Nhà vua họ Lý, húy Phật-Tử, tướng cùng họ với Nam-Đế trước. Đuổi Triệu-Việt-Vương, nối theo vị-hiệu Nam-đế. Đóng đô ở Ô-Diên, sau dời sang Phong-Châu.

Tân-Mão, năm đầu — năm thứ 3 hiệu Đại-Kiến bên Trần (571) nhà vua trái lời thề, cất quân đánh Triệu-Việt-Vương. Việt-Vương lúc đầu không hiểu ý, thảng thốt đốc quân, đội mũ đâu mâu đứng đợi. Quân nhà vua càng tiến. Việt-Vương tự biết mình kém thế chống không nổi, bèn đem con gái chạy về phương Nam, muốn chọn nơi đất hiểm để náu cho kín. Nhưng đến đâu quân nhà vua cũng theo sau gót. Việt vương giắt ngựa chạy đến cửa biển Đại-Nha, bị nước biển ngăn đường, bèn thở dài mà rằng: « Ta cùng đường rồi! » Rồi đâm đầu xuống biển. Nhà vua đuổi tới nơi, mông mênh chẳng rõ đi đâu, bèn trở về. Họ Triệu mất. Người đời sau vì cớ Việt-Vương linh-ứng, lập đền thờ phụng ở cửa biển Đại-Nha. — Đại-Nha tức huyện Đại-An ngày nay.[1]

Sử thần Ngô-Sĩ-Liên bàn rằng:

Lấy bá-thuật mà coi, thì việc Hậu-Nam-Đế đánh Triệu-Việt-Vương, thật là đắc sách! » Lấy Vương đạo mà coi, thì thật... không bằng cả loài chó, loài heo! Sao vậy? Là vì: Khi Nam-Đế trước ở động Khuất-Nao, đem việc quân mà ủy cho Việt-Vương. Vương nhặt-nhạnh đám quân tàn, giữ nơi hiểm-yếu là đất Dạ-Trạch bùn lầy, để chống với Bá-Tiên là bực anh hùng nhất trong một thuở! Vậy mà rút lại đến bắt được tướng của Bá-Tiên là Dương Sàn, người Tầu vì thế phải kéo quân lui! Khi ấy nhà vua trốn lủi trong đám dân Lào chỉ mong thoát khỏi miệng hùm mà thôi! May mà Bá-Tiên về Tầu, Thiên-Bảo cũng kế mất, bèn cất quân mà đánh Việt-Vương. Rồi giả tảng xin hòa; kết làm thông gia... Vương đem lòng thực mà đãi, cắt đất cho ở, việc làm đều là chính-đính cả. Nếu giao hảo cho có đạo, triều sính cho phải thì, há chẳng phải là đường lối trị an lâu-dài đó sao? Vậy mà lại dùng mưu bậy của Nhã-Lang; trái đạo chính của Luân-lý; bỏ mất nhân-nghĩa; hấp tấp công-lợi; đánh lấy nước của người ta... Tuy rằng được đấy, nhưng Nhã-Lang đã chết trước mà chính mình cũng không khỏi mắc vòng tù-tội! Nào lợi gì đâu!

Nhâm-Tuất, năm thứ ba mươi hai — năm thứ hai hiệu Nhân Thọ đời Văn-Dế Dương-Kiên bên Tùy (602) nhà vua sai con anh là Đại-quyền giữ thành Long-Biên, và viên tướng riêng là Lý-Phổ-Đỉnh giữ thành O-Diên. Khi ấy nhà vua đóng đô ở Phong-Châu.

Dương-Tố bên Tùy tiến cử viên Thứ sử qua châu là Lưu-Phương người ở Trường an, có tài lược làm tướng. Vua Tùy hạ chiếu cho Phương làm Hành quân Tổng quản về đạo Giao-Châu, đem hai mươi bẩy dinh quân sang lấn Lệnh quân của Phương rất nghiêm-ngặt: kẻ nào phạm tất bắt chém! Nhưng tính hay thương yêu người: quân lính có đau ốm, đến tận nơi chăm-chút. Quân lính vì thế mến ơn và sợ oai. Đến núi Đô-Long, gặp bọn giặc cỏ, đánh cho tan vỡ. Tiến quân đến trước trại nhà vua, bắt đầu hãy đem họa, phúc bảo cho biết. Nhà vua sợ xin hàng. Sang Tầu chết ở bên ấy. Nhân dân vì lập đền thờ ở cửa biển Tiểu-Nha, để sóng đôi với đền Triệu-việt-Vương.[2]

Sử-thần Ngô-sĩ-Liên bàn rằng:

Nam, Bắc mạnh, yếu, đều tùy từng lúc. Đương khi bên Tầu yếu thì ta mạnh. Đến khi bên Tầu mạnh thì ta cũng vì họ mà yếu. Ấy là thế lớn thiên-hạ xui khiến vậy! Đến như kẻ có nước nhà, thì phải sửa sang giáp binh; chỉnh đốn xe ngựa; dự-bị sự bất ngờ; đặt nơi hiểm yếu để giữ lấy bờ cõi; lấy lễ mà thờ nước lớn; lấy nhân mà đãi nước nhỏ. Đến những ngày nhàn hạ, thì dạy cho biết hiếu, đễ, trung, tín, khiến người trong nước, biết nghĩa thân với người trên, chết cho kẻ lớn. Hoặc khi bị xâm lấn thì lấy tờ mà đưa, lấy lời mà nói, lấy lễ ngọc lụa mà dâng. Thế mà còn không khỏi, thì dù rằng khốn khó nữa, cũng dựa thành đánh một trận, thề lấy chết mà giữ, cùng còn, cùng mất với non sông! Như thế mới không thẹn là giống người! Đâu có lẽ quân giặc tới nơi gươm giáo còn chưa chạm lưỡi đã sợ hãi mà xin đầu hàng! nhà vua đã hèn nhát, mà các tướng văn, tướng võ khi ấy cũng không hề có một ai nói đến! Có thể gọi là một nước không có người vậy!

Trở lên đời vua Hậu Nam-đế, bắt đầu từ Tân-Mão đến nhâm-tuất gồm ba mươi hai năm. Kể cả đời Tiền Nam-đế đời Triệu-Việt-Vương, cộng là sáu mươi hai năm.

Phụ chú

  1. Đại-Nha xưa gọi là Đại-Á, hoặc Đại-Ác. Đời Lý đổi làm Đại An, nay ở cửa Liêu, xã quần Liêu, huyện Đại An có đền thờ Triệu Việt-Vương.— Kính xét: sử cũ chép việc Triệu Việt-Vương được vuốt rồng của Chử Đồng-Tử, cùng việc Nhã-Lang vào ở rể lấy trộm, rồi Triệu-việt-Vương bị thua vì mất vuốt rồng, so với chuyện Thục-An-Dương-vương với Triệu-trọng-Thủy giống nhau như hệt! Hoang đường quái lạ, chả cần phải nói! Trong đó những chuyện trùng phúc sai sự thực, đại loại như thế khá nhiều. Vậy mà mong thủ tín với đời nay, lưu truyền đến đời nay, lưu truyền đến đời sau, âu cũng khó lắm vậy!
  2. K. Đ. V. S. chép: «...Phương đến núi Đô-Long gặp hơn hai nghìn quân của Phật, Tử đánh cho tan vỡ... Phương đem Phật ​Tử về Tầu. Bắt được các tướng cũ, người nào giỏi giang đều giết chết. » và chua: « Dương Tố quê ở Hoa-âm thuộc Hoằng-nông. Qua-châu, đời Đường thuộc đạo Sơn-nam. Núi Đô-long, Theo Đại-Thanh nhất thống chí, thì ở phủ Khánh-viễn (?) »