Bước tới nội dung

Đại sứ Osius phát biểu tại Hội thảo Phát triển các Doanh nghiệp Cung ứng do Phụ nữ sở hữu

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Đại sứ Osius phát biểu tại Hội thảo Phát triển các Doanh nghiệp Cung ứng do Phụ nữ sở hữu  (2017) 
của Ted Osius, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Phát biểu của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius trong "Hội thảo Phát triển các Doanh nghiệp Cung ứng do Phụ nữ sở hữu" nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3 năm 2017. Hội thảo do Phòng Thương mại Hoa Kỳ phối hợp cùng công ty Walmart, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.


Chào tất cả quý vị và các bạn! Chúc mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ tất cả các chị em!

Hôm nay, tôi hân hạnh được tham gia cùng mọi người tại đây vào Ngày Quốc tế Phụ nữ để thảo luận về một thách thức rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội và nền kinh tế của Việt Nam: cải thiện khả năng tiếp cận cơ hội kinh tế cho phụ nữ và các doanh nghiệp của phụ nữ.

Rất cảm ơn cô Jocelyn Tran và Walmart đã hỗ trợ cho cuộc hội thảo này; tôi luôn vui mừng mỗi khi được thấy sự thể hiện những công việc tuyệt vời mà khu vực tư nhân Hoa Kỳ đang làm ở đây tại Việt Nam, cả thông qua các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và qua việc xây dựng các mối liên kết giữa Hoa Kỳ và những người bạn Việt Nam của chúng tôi.

Tôi cũng cảm ơn Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã tạo thuận lợi của các sự kiện hôm nay và những cố gắng không mệt mỏi trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở đây tại Hà Nội.

Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ, tôi đã nỗ lực đóng góp cho những mục tiêu chung của Việt Nam về hội nhập toàn diện hơn vào nền kinh tế toàn cầu và gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình. Chúng ta đã đạt được nhiều tiến triển hướng tới cả hai mục tiêu này, nhưng chúng ta không thể hy vọng đạt được thành công nếu phụ nữ không được tham gia với tư cách là đối tác bình đẳng trong đối thoại.

Khi phụ nữ là đối tác đầy đủ thì kinh tế sẽ phát triển và tất cả chúng ta đều hưởng lợi. Ví dụ, khi phụ nữ làm nông nghiệp ở các nước đang phát triển được tiếp cận các nguồn lực như nam giới thì sản lượng nông nghiệp có thể tăng tới 4%. Tại Việt Nam, giá trị đó là trên 800 triệu USD! Khi phụ nữ được tham gia lãnh đạo doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả hơn trên hầu hết mọi khía cạnh. Những doanh nghiệp như vậy thường đi đầu trong việc tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo cho những vấn đề đã tồn tại từ lâu chính là vì họ khuyến khích nhiều tiếng nói khác nhau tham gia.

Nhưng việc mở rộng các cơ hội kinh tế cho phụ nữ không chỉ là về kinh tế; các lợi ích còn sâu rộng hơn. Toni Morrison, một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ, đã từng nói “Không có xã hội hiện đại và công lý mà thiếu tài năng, nhiệt tình và trí tuệ sắc sảo của phụ nữ.” Khi phụ nữ có quyền quản lý nhiều hơn về tài chính trong gia đình thì các thế hệ tương lai được đầu tư nhiều nguồn lực hơn – các con được ăn uống tốt hơn, được giáo dục tốt hơn, và có sức khỏe tốt hơn. Khi phụ nữ đảm nhiệm nhiều vai trò lãnh đạo hơn trong kinh doanh thì họ đồng thời có được ảnh hưởng về mặt chính trị; và khi phụ nữ tham gia nhiều hơn vào chính trị thì những ưu tiên của họ được phản ánh trong các văn bản pháp luật và các nước tập trung nhiều hơn vào mục tiêu tăng trưởng dài hạn, bảo vệ môi trường, và đầu tư vào người dân. Rốt cuộc, tất cả chúng ta, con cháu chúng ta, và cháu chắt chúng ta đều được hưởng lợi.

Việc đảm bảo để phụ nữ được bình đẳng tiếp cận cơ hội kinh tế bắt đầu từ sớm; nó bắt đầu bằng việc đảm bảo cho trẻ em gái được bình đẳng tiếp cận việc học hành. Khi trẻ em gái được đến trường học chính quy, các em sẽ kết hôn muộn hơn, có con muộn hơn, và có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS thấp hơn. Chỉ cần một năm học chính quy là dẫn tới giảm từ 5% đến 10% tỷ lệ trẻ tử vong. Con sinh ra bởi một người mẹ biết đọc thì có thêm 50% khả năng sống quá 5 tuổi và giảm 67% khả năng lớn lên bị còi cọc. Trẻ em gái được học hành thì tự do hơn để trở thành những phụ nữ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mở rộng phạm vi hiểu biết khoa học, và đưa cộng đồng của họ đến một tương lai thịnh vượng hơn.

Điều đáng mừng là Việt Nam đã đi đầu trong việc đưa phụ nữ tham gia đầy đủ vào nền kinh tế. Sự khác biệt về tỷ lệ học sinh giữa nam và nữ chỉ ở mức tối thiểu, và khoảng cách thu nhập theo giới tính thì thuộc nhóm thấp nhất trong số các nước đang phát triển. Điều này không gây ngạc nhiên đối với tất cả chúng ta, những người hiểu rõ phụ nữ Việt Nam. Kể từ thời Hai Bà Trưng, thế giới đã biết rằng đánh giá thấp phụ nữ Việt Nam là điều liều lĩnh. Ngày nay, chúng ta có thể thấy những phụ nữ như bà Cao Thị Ngọc Dung của PNJ, bà Nguyễn Thị Phương Thảo của HD Bank và VietJet, và bà Thái Hương của công ty sữa TH đang tiếp tục truyền thống lãnh đạo nữ mạnh mẽ đã có từ lâu này ở Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn việc phải làm để thúc đẩy bình đẳng giới. Việt Nam tiếp tục là một trong những nước có tỷ lệ chênh lệch giới tính ở trẻ sơ sinh cao nhất thế giới, với tâm lý thích sinh con trai mạnh hơn so với sinh con gái. Quyền bình đẳng mà phụ nữ được hưởng tại các thành phố của Việt Nam thường không vươn đến được các vùng nông thôn. Và mặc dù khả năng tiếp cận giáo dục nói chung là tốt, nhưng phụ nữ vẫn chỉ có rất ít đại diện trong các ban lãnh đạo doanh nghiệp và trong hàng ngũ lãnh đạo chính trị.

Hoa Kỳ đang giúp Việt Nam giải quyết một số trong những vấn đề bất bình đẳng giới đó. Thông qua Dự án Sức sống Mekong Mở rộng, chúng tôi đang hỗ trợ các món vay tài chính vi mô dành cho các doanh nghiệp nhỏ của phụ nữ, giúp những người làm bánh, chăn nuôi gia súc, và đan lát giỏ rổ tạo vốn và tiếp cận các thị trường quốc tế. Thông qua chương trình Tiếp cận Đất đai, chúng tôi đang giúp phụ nữ – nhất là phụ nữ ở nông thôn và những vùng dịch vụ còn hạn chế – hiểu được các quyền của họ khi họ tìm mua bất động sản, bước đầu tiên cần thiết để khởi đầu đối với nhiều doanh nghiệp, và là một thử thách đáng kể phải vượt qua đối với nhiều người không hiểu rõ các quy định pháp luật phức tạp.

Và thông qua chương trình Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện, chúng tôi đang giúp chính phủ Việt Nam thực hiện pháp luật bảo vệ các quyền không phải chỉ của phụ nữ, mà còn của tất cả các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có các dân tộc thiểu số, cộng đồng LGBT, và các nhóm khác.

Thưa quý vị, tôi tin tưởng rằng việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng đồng đều là phương thức tốt nhất để đạt được tăng trưởng tổng thể bền vững dài hạn với kết quả cao nhất. Các số liệu đã minh chứng cho điều này. Tôi biết rằng đây là niềm tin được chia sẻ bởi các đối tác Việt Nam của chúng tôi. Tôi hy vọng rằng trong cuộc thảo luận hôm nay chúng ta có thể giúp phụ nữ và các doanh nghiệp của phụ nữ được tiếp cận nhiều hơn các thị trường quốc tế và góp phần đầy đủ hơn vào quá trình tăng trưởng đồng đều của Việt Nam.

Cảm ơn quý vị!

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: