Điếu văn Trần Trọng Kim (Nguyễn Hữu Trí)

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
(Đổi hướng từ Điếu văn Trần Trọng Kim)
Điếu văn Trần Trọng Kim  (1953) 
của Nguyễn Hữu Trí

Thưa Quý vị,

Cách đây hai tháng, đồng bào lại được thấy cụ Trần Trọng Kim hoạt động tại Đại hội toàn quốc họp ở Saigon nên ai cũng tin rằng tuổi cụ tuy cao nhưng sức vẫn khang cường, tinh thần vẫn quắc thước, ngờ đâu nay đã ra người thiên cổ! Duy một số thân hữu, vẫn riêng lo sức khỏe cho cụ ít lâu nay sút kém mà cụ vẫn ngày đêm bận tâm về thời cuộc. Cụ lại không quản mệt nhọc, hăng hái tham dự Đại hội để đem tài năng kinh nghiệm tận tụy đến cùng với Tổ quốc thân yêu mà Cụ suốt đời phụng sự.

Phụng sự Quốc gia, 4 chữ đó tóm tắt hết mục đích cao quý và thân thế siêu phàm của Cụ phụng sự bằng văn hóa, bằng chính trị, và nhất là bằng cuộc đời mẫu mực mô phạm, bằng danh tiết thanh cao của vị học giả uyên thâm đã tham bác đông tây kim cổ.

Thưa Quý vị,

Tôi không cần nhắc kỹ tới một sự nghiệp quang minh mà Quốc Dân vẫn rõ. Ai không biết Cụ là một danh sư đã từng đào tạo ra cả một thế hệ trí thức ở đất Bắc này? Ai chưa tham khảo những công trình nghiên cứu của Cụ, về văn học, Phật học, Nho giáo, Việt Sử? Và gần đây lại trong giai đoạn cực kỳ bi đát 1945, chúng ta đều nhớ tới nhiệm vụ gian lao mà Cụ đã kiên gan đảm nhiệm, trong lúc thế nước chênh vênh, để mưu đồ độc lập cho non sông Hồng Lạc. Lấy tư cách một công dân Việt Nam, đã được thụ giáo Cụ vào khoảng 30 năm về trước đã từng được học hỏi nhiều ở Cụ và trước sau vẫn mến phục Cụ, tôi thấy có bổn phận cùng nhận thức lại với toàn thể đồng bào giá trị vô song của sự nghiệp và ý nghĩa cao quí của thân thế Cụ. Cụ nhập thế cũng như xuất thế, trong lúc quốc vận biến thiên, tâm can anh kiệt thấy kích thích mạnh mẽ; nhưng trí tuệ thông minh lại quảng bác nên tinh thần ái quốc của cụ vừa rồi rào vừa lại sáng suốt. Đương khi thanh niên cấp tiến và ngay cả một số cựu nho rào rạt hy vọng và chỉ còn tin tưởng vào khoa học thực nghiệm để mau đưa đất nước tới phú cường, cụ đã bình thản nhận chân thấy học thuật Âu tây mặc dầu sán lạn chỉ có giá trị và hiệu quả tương đối, nghĩa là chưa đủ để cứu vãn một dân tộc mất tự do, nhưng cần phải bồi bổ bằng tinh túy cựu học là căn bản một văn minh thích hợp với giống nòi.

Cụ nhận thấy thời thế chưa cho phép tranh đấu có hiệu quả trên trường chính trị nên hướng hoạt động vào công cuộc đào tạo hun đúc một lớp người mới, một tinh thần vững chắc, để đuơng đầu với các tân trào và sửa soạn những phương tiện giải phóng dân tộc. Những phương tiện đó là những phẩm giá tinh thần cao quý mấy nghìn năm rèn luyện đã đúc thành bao nhiêu gan vàng dạ đá, bao nhiêu hào kiệt anh hùng cho đất nước; nếu bị tràn ngập dưới sự quyến dũ vật chất của thời đại khoa học hay chìm đắm dưới trào lưu vô thần phá hoại của những tư tưởng ngoại lai, thì văn minh tân tiến đến đâu cũng thành vô dụng cho tiền đồ Tổ quốc. Cho nên cần sưu tầm, kết hợp, để khôi phục bảo tồn những tinh hoa của Nho giáo, Phật giáo của lịch sử oai hùng, của văn hóa một nước bốn ngàn năm, ấy cũng nhờ vậy mà tinh thần quốc gia mặc dầu sự thay đổi về chính trị vẫn hun đúc như lửa thiêng không tắt và mãnh liệt cháy bùng khi thời cơ thuận lợi, hơn nữa, kho tàng muôn thuở mà Cụ đã cố công gìn giữ cho dân tộc, có một giá trị vô song, nhất là trong giai đoạn vô cùng thảm khốc mà chúng ta đương cố vượt. Vì hiện nay, vì biến chuyển của đại cục quốc tế những tư tưởng phá hoại đã do một thiểu số quá khính nhập cảng từ phương xa, để reo rắc trong dân gian và lôi cuốn quốc dân tới điêu tàn tiêu diệt. Nhưng may thay, ảnh hưởng của tà thuyết đó, bất quá chỉ lướt qua dân tộc như mưa nguồn rốc núi không thể thấm nhuần đến nền tảng sắt đá của tinh thần cố hữu Việt-Nam là kết tinh của kỷ cương, đạo đức, tập quán, lịch sử mà cụ đã dầy công giảng cứu, cổ võ thiết tha hay chấn hưng bổ khuyết. Còn tin thần đó, thì nước Việt-Nam còn, và ngoại thuyết, dẫu hoành hành chốc lát, rồi cũng tiêu tan thất bại.

Bao năm Cụ vẫn đinh ninh rằng tâm trí Cụ dành riêng cho công cuộc chiến đấu tinh thần, cũng đủ trọn một đời người. Nhưng phong ba nổi dậy. Thái Bình Dương tràn tới Việt Nam khiến con thuyền tổ quốc bấp bênh gẫy lái lênh đênh giữa hai luồng gió lốc Đông Tây. Quốc gia nguy vong sất phu hữu trách, huống chi một bực tài đức như Cụ nên buộc lòng Cụ phải tạm rời kinh sử, tay không tấc sắt, đem tấc thành gánh vác non sông. Song cuồng phong lôi cuốn, loạn trào mạnh quá sức người, quốc vận chưa chiều lòng quốc sĩ. Cụ lại phiêu nhiên thoái an với tất cả sự điềm tĩnh của tiên hiền thuở trước, và lại nối duyên với sử sách văn chương. Lập trường chính trị của Cụ đã đem lại cho Cụ nhiều sự đe dọa, song đe dọa nào lấy được son sắt chân nho; uy tín của Cụ cũng đưa lại cho Cụ nhiều sự cám dỗ, mong Cụ trở lại những địa vị mà bao nhiêu người nhọc lòng khao khát. Nhưng Cụ một mực bế môn tạ khách và an tâm với đạo học thánh hiền. Ở tướng vị cũng như khi còn dạy học lúc nào cũng ung dung trong cảnh thanh bạch của hàn nho. « Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất ». Cụ quả đã xử sự đúng như lời Thày Mạnh. Nay Cụ hốt nhiên tạ thế, đương lúc thế nước chênh vênh, cần đến bực tài đức lão thành như Cụ. Thật là một tang chung cho tất cả các giới đồng bào, cho chính trị và văn học giới nước nhà. Nhưng công nghiệp và thân thế Cụ là cả một bài học thiêng liêng cho người còn lại, sách sử của Cụ sẽ còn đời đời truyền tụng và anh linh của Cụ sẽ cùng với quốc hồn tồn tại trên đất nước Việt Nam. Thưa Cụ, trong giờ vĩnh quyết, gọi là có vài lời tâm huyết chia tay, xin cầu chúc Cụ an giấc ngàn năm và xin Cụ tin rằng với tinh thần Cụ đã phục hưng, gương sáng Cụ đã treo cao, lý tưởng Cụ sẽ phát huy sán lạn, ý nguyện bình sinh của Cụ sẽ thực hiện cho sự cố gắng noi theo của thế hệ hiện thời để Việt Nam vinh quang độc lập.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)