Điều lệ quy định việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình trong khu tự trị Việt Bắc
Căn cứ vào Điều 95 của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Điều 35 của Luật hôn nhân và gia đình ngày 29-12-1959;
Hội đồng nhân dân khu tự trị Việt Bắc nhận thấy rằng:
Luật hôn nhân và gia đình của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dựa trên bốn nguyên tắc cơ bản:
- Hôn nhân tự do và tiến bộ,
- Một vợ một chồng,
- Nam nữ bình đẳng,
- Quyền lợi của phụ nữ và con cái được bảo vệ.
Luật hôn nhân và gia đình nhằm xây dựng những gia đình xã hội chủ nghĩa, hạnh phúc, dân chủ và hòa thuận, trong đó mọi người đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau tiến bộ, là hoàn toàn phù hợp với lợi ích trước mắt và lâu dài của các dân tộc trong khu tự trị Việt Bắc.
Thi hành nghiêm chỉnh Luật hôn nhân và gia đình, nhân dân các dân tộc trong khu chẳng những có thể xóa bỏ những tàn dư của chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến, một trong những nguyên nhân đã kìm hãm sự phát triển của các dân tộc miền núi từ bao đời nay, mà còn thực hiện chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ, tạo điều kiện đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ, cứu nước.
Vì những lẽ trên đây, nhân dân các dân tộc trong khu tự trị Việt Bắc cần phải ra sức thi hành Luật hôn nhân và gia đình.
Để cho việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình được sát với tình hình của địa phương và đạt được kết quả tốt, Hội đồng nhân dân khu tự trị Việt Bắc quy định một số điểm cụ thể như sau:
Điều 1
[sửa]Đối với tất cả các dân tộc trong khu tự trị Việt Bắc, việc kết hôn phải do người con trai và người con gái hoàn toàn tự nguyện và quyết định, không bên nào được ép buộc bên nào, không một ai được cưỡng ép hoặc cản trở.
Cha mẹ cần quan tâm giúp đỡ con cái trong việc xây dựng gia đình, nhưng không được nhân việc đó mà ép buộc hoặc cản trở việc lấy vợ, lấy chồng của con cái.
Điều 2
[sửa]Việc kết hôn giữa hai người thuộc hai dân tộc hoặc thuộc hai tôn giáo khác nhau hoàn toàn do người con trai và người con gái quyết định, không ai được viện lý do khác dân tộc hoặc khác tôn giáo để ngăn cản.
Điều 3
[sửa]Không ai được vin vào việc xem "lục mệnh" hoặc một hình thức mê tín, dị đoan nào khác mà cản trở việc tự do kết hôn.
Điều 4
[sửa]Việc bắt cóc phụ nữ để cưỡng ép làm vợ, còn sót lại ở một vài nơi, vi phạm nguyên tắc tự do kết hôn, xâm phạm tự do thân thể và nhân cách của phụ nữ.
Nay nghiêm cấm tệ bắt cóc phụ nữ để cưỡng ép làm vợ.
Điều 5
[sửa]Việc bán vợ, bán con, bán con dâu góa, còn sót lại ở một vài nơi, là tàn dư của chế độ nô lệ xem con người như một thứ hàng hóa.
Nay nghiêm cấm tệ bán vợ, bán con, bán con dâu góa.
Điều 6
[sửa]Nguyên tắc một vợ một chồng là nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình xã hội chủ nghĩa. Nó phù hợp với nguyện vọng, lợi ích và yêu cầu tiến bộ của các dân tộc trong khu tự trị Việt Bắc.
Nhân dân các dân tộc trong khu cần thấm nhuần tính chất cách mạng sâu sắc của nguyên tắc một vợ một chồng mà ra sức phấn đấu thực hiện triệt để nguyên tắc đó.
Điều 7
[sửa]Luật hôn nhân và gia đình quy định con gái từ 18 tuổi trở lên, con trai từ 20 tuổi trở lên mới được kết hôn, nhằm bảo đảm nguyên tắc tự do kết hôn, giữ gìn sức khỏe và tương lai của giống nòi, đồng thời bảo đảm cho người con trai và người con gái có đủ khả năng gánh vác trách nhiệm gia đình và xã hội.
Nhân dân các dân tộc trong khu cần thấm nhuần tính chất cách mạng sâu sắc của điều quy định đó mà ra sức phấn đấu thực hiện nghiêm chỉnh và triệt để việc kết hôn đúng tuổi luật định.
Điều 8
[sửa]Việc thách cưới có tính chất mua bán, vừa làm tổn thương đến nhân cách của phụ nữ, vừa trái với nguyên tắc tự do kết hôn.
Nay nghiêm cấm tệ thách cưới, như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu dẫn cưới, sêu tết v.v..
Lễ cưới hỏi, việc tổ chức ăn uống nhân ngày cưới, việc mua sắm những vật kỷ niệm và đồ dùng để làm lễ cưới đều phải giản dị và tiết kiệm.
Điều 9
[sửa]Việc kết hôn phải được Uỷ ban hành chính thị trấn, xã hoặc khu phố trú quán của người con trai hoặc của người con gái công nhận và ghi vào sổ đăng ký kết hôn. Các Uỷ ban hành chính thị trấn, xã hoặc khu phố có trách nhiệm bảo đảm thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn trong địa phương mình.
Điều 10
[sửa]Sau khi kết hôn, vợ chồng có quyền sống chung với nhau, không ai được ngăn cản.
Nơi ở do vợ chồng lựa chọn. Vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau về ở gia đình nhà chồng hoặc gia đình nhà vợ.
Điều 11
[sửa]Tục ở rể cưỡng bách trái với nguyên tắc tự do kết hôn, làm trở ngại lớn cho hoạt động chính trị và xã hội của người đi ở rể.
Nay nghiêm cấm tục ở rể cưỡng bách.
Điều 12
[sửa]Đàn bà góa có quyền tái giá. Khi tái giá, quyền lợi của người đàn bà góa về con cái và tài sản được bảo đảm.
Đàn bà góa khi tái giá không phải trả lại tiền cưới cho nhà chồng cũ.
Nay nghiêm cấm việc bắt buộc đàn bà góa phải lấy em chồng hoặc một người khác trong gia đình nhà chồng.
Điều 13
[sửa]Vợ chồng bình đẳng về mọi mặt.
Vợ chồng đều có quyền tự do chọn nghề nghiệp, tự do hoạt động chính trị, văn hóa và xã hội, đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản của gia đình và có quyền thừa kế tài sản của nhau.
Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, quý trọng, săn sóc nhau, giúp đỡ nhau tiến bộ, nuôi dạy con cái, lao động sản xuất, xây dựng gia đình hòa thuận và hạnh phúc. Chồng không được bạc đãi, hành hạ vợ.
Điều 14
[sửa]Cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, nuôi nấng và giáo dục con cái.
Nay nghiêm cấm việc đánh chửi, bạc đãi con cái, bất cứ là con đẻ, con dâu, con nuôi hay là con riêng.
Con trai, con gái, con đẻ, con nuôi đều có nghĩa vụ và quyền lợi như nhau.
Con cái phải kính yêu, săn sóc và nuôi dưỡng cha mẹ.
Điều 15
[sửa]Khi ly hôn, việc chia tài sản phải công bằng, hợp lý, dựa vào sự đóng góp về công sức của mỗi bên, vào tình hình tài sản và tình trạng cụ thể của gia đình và phải chú trọng bảo vệ quyền lợi của người vợ, của con cái và lợi ích sản xuất.
Từ nay khi ly hôn, cấm đòi trả của.
Điều 16
[sửa]Những điều quy định trong Luật hôn nhân và gia đình ngày 29-12-1959 và những điều quy định trong bản Điều lệ này đều được áp dụng trong khu tự trị Việt Bắc.
Điều 17
[sửa]Ai vi phạm Điều lệ này thì sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Điều 18
[sửa]Uỷ ban hành chính khu tự trị Việt Bắc ra chỉ thị cụ thể hướng dẫn thi hành Điều lệ này.
Điều lệ này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn ngày 18 tháng 4 năm 1968.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".