A Q. chính truyện/Chương 4

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
A Q. chính truyện của Lỗ Tấn, do Phan Khôi dịch
Chương 4
Tấn kịch buồn của tình yêu

Có người nói: Có những kẻ đắc thắng muốn làm sao cho kẻ địch như con hùm, như con ó thì mới cảm thấy sự đắc thắng là sung sướng; giá phỏng như con dê, như con gà con trở thấy sự đắc thắng là tẻ ngắt. Lại có những kẻ đắc thắng, sau khi chinh phục hết thảy rồi, nhìn thấy kẻ chết đã chết, kẻ hàng đã hàng, khẩn khất kêu van, cắn rơm cắn cỏ, thế là mình không còn có kẻ địch, không còn có đối thủ, không còn có bầu bạn, chỉ một mình vò võ ngồi trên, lạnh lẽo, vắng vẻ, trở lại cảm thấy sự buồn rầu của cuộc đắc thắng. Nhưng mà A Q. của chúng ta chẳng hề kém như vậy, hắn chỉ cứ đắc ý lâu dài: Đó hoặc là một chứng cứ tỏ ra rằng cái thức văn minh tinh thần của nước Trung Hoa là đứng bậc nhất cả toàn cầu[1].

Thì hãy xem, A Q. vẫn cứ phới phới hình như muốn bay bổng.

Song le, lần đắc thắng đó làm cho hắn có vẻ hơi là lạ. Hắn phới phới bay một lúc, về tới đền Thổ Cốc, theo lệ thường đáng lẽ nằm xuống ngủ ngay. Ai ngờ đêm hôm ấy hắn không thể nhắm mắt được. Hắn thấy ngón tay cái và ngón tay trỏ của mình có cái gì kỳ cục: hình như hơi nhờn nhờn khác lúc bình thường. Hắn không biết đó là bởi trên má cô tiểu có thứ gì nhờn nhờn dính vào tay hắn, hay là bởi hắn đã mài hai đầu ngón tay trên má cô tiểu đến nỗi hóa nhờn nhờn?...

Thằng A Q. đồ tuyệt tự vô hậu kia!

Trong lỗ tai A Q. lại như nghe đến câu này. Hắn nghĩ bụng: Đúng lắm, thế nào cũng phải có một người đàn bà mới được. Ôi, bất hiếu có ba, vô hậu là lớn[2], mà con ma đói Nhược Ngao cũng là một sự bi ai lớn của đời người. Ấy thế, cái điều hắn nghĩ đó, thực ra, rất hiệp với kinh thánh truyền hiền, chỉ đáng tiếc là sau đó rồi hắn không kìm chế được cái lòng đã buông thả.

Đàn bà, đàn bà!... Hắn tơ tưởng.

... Sư cụ mó được... Đàn bà, đàn bà!... Đàn bà! Hắn lại tơ tưởng.

Không biết đêm hôm ấy A Q. đến giờ nào mới ngủ. Nhưng đại khái từ đó hắn cứ thấy trên đầu ngón tay có hơi nhờn nhờn, cho nên từ đó hắn cũng lại có hơi phơi phới: Đàn bà!.... Hắn tơ tưởng.

Nội một chút đó, đủ thấy đàn bà lại giống hại người rồi!

Vốn tình, người đàn ông Trung Hoa phần nhiều có thể làm nên thánh hiền được, tiếc thay chỉ bị đàn bà phá hỏng. Nhà Thương bởi Đát Kỷ làm mất, nhà Chu bởi Bao Tự làm hư. Nhà Tần, dù sử không nói rõ, ta cứ đoán phỏng là vì đàn bà, thì cũng chẳng đến mười phần sai cả. Đến như Đổng Trác thì chắc chắn là bị Điêu Thuyền làm hại mà chết.

A Q. vốn là người ngay thẳng, tuy ta không rõ hắn đã học với ông thầy nào, chứ đối với cái bờ lớn giữa trai gái từ trước hắn vẫn giữ nghiêm lắm. hắn lại cũng có cái chính khí hay bài xích dị đoan, như cái lũ cô tiểu cùng Thằng Tây giả. Cái học thuyết của hắn là: hễ là cô tiểu, nhất định là tư thông với sư cụ; một người đàn bà ra khỏi nhà, nhất định là muốn ve vãn đàn ông; một trai một gái chuyện trò với nhau, nhất định là có tằng tịu gì đó. Vì muốn trừng trị chúng nó nên hắn thường thường lườm mắt, hay là cả tiếng nói mấy câu tru tâm, hay là ở đằng sau ném cho một cục đá nhỏ nếu ở nơi vắng vẻ.

Ngờ đâu hắn đã hầu đến cuối nhi lập, còn bị một cô tiểu cớ trêu làm cho phới phới. Cái tinh thần phới phới ấy, theo lễ giáo là không nên có, bởi vậy đàn bà thật đáng ghét. Phải chi trên má cô tiểu không nhờn nhờn thì A Q. chẳng đến nỗi mê hoặc; lại phải chi trên má cô tiểu có che một lớp vải, thì A Q. cũng không đến nỗi mê hoặc nữa. Thì hắn, năm sáu năm về trước, hắn từng ở giữa đám đông trong rạp hát bẹo đùi non của một người đàn bà, nhưng vì cách một lớp quần, thành thử về sau không hề phới phới. Thế mà cô tiểu lại không thế, điều đó cũng đủ thấy dị đoan đáng ghét là dường nào.

Đàn bà!... A Q. tơ tưởng.

Hắn đối với đàn bà mà hắn cho là nhất định ve vãn đàn ông, thường hay để ý dò xem, nhưng mà chúng nó chẳng hề cười với hắn. Khi có đàn bà nói chuyện với hắn, hắn cũng để ý nghe, nhưng mà chúng nó chẳng hề giở đến chuyện tằng tịu gì hết. Hừm! Này cũng là một cớ thấy ra đàn bà là đáng ghét: chúng nó toàn là đóng vai đạo đức giả cả.

Ngày hôm ấy, A Q. ở nhà ông cụ Triệu giã gạo cả ngày. Ăn cơm tối rồi, hắn ngồi ở nhà bếp hút thuốc. Nếu ở nhà khác thì ăn xong, có thể đi về được đấy. Nhưng ở nhà cụ Triệu ăn cơm tối sớm hơn. Tuy rằng lệ thường không cho thắp đèn, ăn xong là đi ngủ, nhưng đôi khi cũng có một vài ngoại lệ: Một là, khi cậu Tú chưa đỗ, cho phép thắp đèn đọc sách; hai là, khi A Q. đến làm công ngày, cho phép thắp đèn giã gạo. Bởi có cái ngoại lệ ấy nên trước khi A Q. bắt tay giã gạo, còn ngồi hút thuốc ở nhà bếp.

U Ngò, đứa ở gái có một trong nhà cụ Triệu, rửa bát đĩa xong, cũng ngồi trên chiếc ghế dài, nói chuyện gẫu với A Q.:

Cụ bà hai ngày nay không ăn cơm nhé, vì cụ ông muốn lấy nàng hầu...

Đàn bà!... U Ngò... Mụ góa trẻ này... A Q. ngẫm nghĩ.

Mợ Tú nhà ta sẽ ở cữ vào tháng tám này...

Đàn bà... A Q. ngẫm nghĩ.

A Q. bỏ ống điếu xuống, đứng dậy. U Ngò vẫn còn lai nhai nói: Mợ Tú nhà ta...

A Q. vụt sấn tới, quỳ sụp xuống trước mặt U Ngò: Tôi với u ngủ chung nhé! Tôi với u ngủ chung nhé!

Rất im lặng trong chốc lát.

Ối chao ôi! U Ngò thở hổn hển,run cầm cập, chạy ra ngoài kêu to lên, vừa chạy vừa kêu, hình như sau còn khóc nữa.

A Q. quỳ trước bức tường, cũng hồi hộp, bèn hai tay vịn lấy cái ghế bỏ không, từ từ đứng dậy, cảm thấy như có sự gì lôi thôi đã xảy ra. Lúc bấy giờ hắn quả thực có đánh trống ngực, cuống quýt cầm cái ống điếu giắt vào thắt lưng, toan đi giã gạo. Bỗng một tiếng ầm, có cái gì to đánh xuống trên đầu hắn, hắn vội vàng quay mình lại, thì cậu Tú cầm một cái đòn tre lớn đứng trước mắt hắn.

Mầy làm giặc rồi!... Mầy, cái thằng!...

Cái đòn tre lớn lại bổ xuống trên hắn. A Q. hai tay ôm lấy đầu, những lóng ngón tay bị đánh đau nhức nhối. Hắn tuôn ra cửa nhà bếp, lại thấy như bị một vố xuống trên lưng nữa.

Voòng pát tạn![3] Cậu Tú ở phía sau mắng như thế bằng tiếng quan.

A Q. chạy vào chỗ giã gạo, đứng một mình, còn thấy đau ở những đầu ngón tay. Hắn cũng còn nhớ Voòng pát tạn, vì câu mắng này thuở nay người nhà quê làng Mùi không dùng đến, chỉ có những người tai mắt hay vào ra cửA Q.uan mới dùng mà thôi, cho nên hắn nghe thì sợ quá và nhớ dai quá. Song le trong lúc đó thì A Q. không còn có sự nghĩ ngợi về đàn bà nữa. Vả lại sau cơn đánh mắng xong, hình như câu chuyện cũng đã kết liễu, hắn trở thấy trong người nhẹ nhõm, bèn lại bắt tay giã gạo. Giã một lúc, hắn thấy bức nghỉ tay cởi áo ra.

Giữa lúc cởi áo, hắn nghe phía ngoài rất ồn ào. A Q. từ trước vốn thích xem đám ồn ào, liền nhằm chỗ có tiếng ồn ào đi ra. Tiếng ấy đưa hắn dần dần vào đến nhà trong của cụ Triệu. Mặc dầu trong nhá nhem, hắn cũng nhận ra được bao nhiêu người, cả nhà cụ Triệu, có cả cụ bà luôn hai ngày nay không ăn cơm, lại chị Bảy Trâu ở cách vách, hai người bà con chính tông là Triệu Bạch Nhãn và Triệu Tư Thần.

Mợ Tú đang kéo u Ngò ra khỏi buồng nhà dưới, miệng nói:

U ra ngoài này... đừng nấp trong buồng mình mà tính việc...

Ai chẳng biết u chính chuyên? Nhưng dù thế nào nữa cũng không có lẽ đi hành thân hoại thể như vậy. Chị Bảy Trâu đứng bên cạnh xen vào.

U Ngò chỉ việc khóc, vừa khóc vừa lằm bằm không ai nghe rõ.

A Q. nghĩ bụng: Hừ, ngộ nhỉ! Mụ góa trẻ này lại đã giở trò gì đây? Hắn muốn nghe ngón, bước tới gần bên Triệu Tư Thần. Đùng một cái, hắn thấy cậu Tú nhằm hắn chạy sả tới, tay cầm cái đòn tre lớn. Thấy cái đòn tre lớn, hắn chợt tỉnh biết trận đòn mình mới bị cùng với đám ồn ào này hình như có dính dấp nhau. Hắn sấp lưng chạy, toan chuồn về chỗ giã gạo, chẳng dè bị cái đòn tre ấy cản đường, hắn lại sấp lưng chạy nữa, một mạch chạy ra cửa sau, không bao lâu đã ở trong đền Thổ Cốc.

A Q. ngồi một lát, da dẻ sởn gai lên, hắn thấy rét. Vì bấy giờ tuy đã cuối xuân, mà ban đêm còn lạnh, chưa có thể ở trần được. Hắn cũng nhớ rằng cái áo vải còn để ở nhà cụ Triệu, nhưng nếu đi lấy, lại nơm nớp sợ cái đòn tre của cậu Tú. Song le, Trương Tuần đã bước vào rồi.

A Q., mẹ mày nhá! Cả đêm con ở nhà cụ Triệu mà mày cũng chòng ghẹo thì thật mày đã làm giặc! Báo hại tao cả đêm không nhắm mắt được, mẹ mày nhá!...

Bị quở mắng văn nọ thế kia một hồi, tự nhiên A Q. không nói năng gì. Cuối cùng, vì đương ban đêm, phải gấp đôi số tiền kỉnh rượu Trương Tuần lên là bốn quan, mà A Q. không có tiền mặt, đành thế chưa bằng một cái mũ dạ, và chịu cam đoan năm khoản:

1. Ngày mai dùng một đôi nến đỏ - phải là thứ nặng một cân, - một bao hương, đến thú lỗi nhà cụ Triệu;

2. Nhà cụ Triệu mời thầy phù thủy nhương thần vòng, phí tổn bao nhiêu A Q. phải gánh lấy;

3. Từ rày A Q. không được bước tới cửa nhà cụ Triệu nữa;

4. U Ngò sau này nếu có điều chi, sẽ trách cứ A Q.;

5. A Q. không được trở lại lấy tiền công và cái áo vải.

A Q. sẵn sàng nhận tất cả, ngặt không có tiền. May mà mùa xuân sắp hết, cái mền bông có thể không dùng nữa, bèn đem cầm lấy hai chục quan để thực hành lời cam đoan. Sau khi ở trần lạy lục, còn thừa được ít tiền, hắn cũng không chuộc mũ dạ, đem uống rượu tất cả. Song le, nhà cụ Triệu cũng chẳng đốt hương thắp đèn, vì sẽ dùng được trong khi cụ bà đi lễ Phật, nên cất đi để dành. Còn ái áo vải rách thì lấy già nửa làm tã lót cho em bé của mợ Tú ở cữ quãng tháng tám; non nửa, tả tơi quá, đem làm tới giày của U Ngò.

   




Chú thích

  1. Vào khoảng mấy năm đầu Dân quốc, sau Thế giới đại chiến thứ nhất, học giới Trung Hoa có cuộc tranh luận về văn minh loài người. Bấy giờ có mấy thuyết khác nhau: hoặc cho rằng văn minh Âu châu là văn minh động, văn minh Trung Quốc là văn minh tĩnh; hoặc cho rằng văn minh Âu châu là văn minh vật chất, văn minh Trung Quốc là văn minh tinh thần. Đây Lỗ Tấn có ý đay lại cái thuyết sau cùng.
  2. Đây giở xuống có mấy chỗ dùng từ ngữ văn ngôn hay điển tích văn ngôn. Như: "bất hiếu có ba, vô hậu là lớn; bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại"; "con ma đói Nhược Ngao": Nhược Ngao, tên một người trong sách Tả truyện, chết mà không có con; "không kìm chế được cái lòng đã buông thả: bất nàng thu kỳ phóng tâm"; "cái bờ lớn giữa trai gái; năm nữ chi đại phòng"; "tru tâm": tru là trách phạt, tru tâm nghĩa là trách phạt người ta, không cứ ở việc làm mà cứ ở chỗ dụng tâm, dụng tâm đây cũng như nói "động cơ".
  3. "Voòng pát tạn", theo tiếng ta, đọc là "vòng bát đản", một từ ngữ quan thoại dùng mắng người. Có nơi giải rằng "vong bát" là quên tám điều: hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Còn "đản", nghĩa đen là cái trứng, khi dùng trong từ ngữ mắng mỏ, chỉ hạng người hạ tiện, như ta nói "cái đồ...".