A Q. chính truyện/Chương 7

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
A Q. chính truyện của Lỗ Tấn, do Phan Khôi dịch
Chương 7
Cách mạng

Tuyên Thống năm thứ ba, tháng chín, ngày mười bốn - tức là ngày A Q. đem cái hồ bao đeo lưng bán cho Triệu Bạch Nhãn - lúc quá canh ba, có một chiếc thuyền mui đen lớn ghé vào bên sông ngay nhà cụ Triệu. Chiếc thuyền đến trong lúc tối đen, người làng đều ngủ kỹ, không ai biết cả. Nó rời bến khi mờ mờ đất, thì có mấy kẻ trông thấy. Theo như cái kết quả đã âm thầm dò la được, họ biết đó là thuyền của cụ Cử.

Chiếc thuyền ấy đã chở một sự lo ngại đến cho làng Mùi. Chưa tới trưa, khắp cả làng, lòng người đã xôn xao dữ. Thuyền đến có việc gì, nhà cụ Triệu vốn giữ kín; nhưng ở tiệm trà quán rượu người ta đều nói: đảng cách mạng sẽ vào thành, ông cụ Cử chạy về lánh nạn trong làng ta. Duy có chị Bảy Trâu nói khác, nói rằng đó chẳng qua là mấy cái rương da đã hư, cụ Cử gửi nhờ giữ hộ, nhưng cụ Triệu đã giào trở về rồi. Thực ra thì cụ Cử với cậu Tú Triệu vốn chẳng ưa gì nhau, theo lẽ, có tình nghĩa đâu hòng "chung hoạn nạn" được; vả lại chị Bảy Trâu ở cạnh nhà cụ Triệu, nghe thấy chắc chắn hơn, có lẽ chị nói đúng.

Song le, tiếng đồn vẫn sôi nổi, nói rằng mặc dầu cụ Cử hình như không về đến, chứ có gửi một phong thư dài, kể lể bà con hàng mấy chục cái bã trầu với nhà cụ Triệu. Thế rồi cụ Triệu suy nghĩ, thấy cũng chẳng có hại gì cho mình, bèn cho gửi rương lại, mấy cái rương ấy hiện đương để chật dưới giường cụ bà. Còn như về đảng cách mạng, có kẻ nói đã vào thành cùng một đêm ấy, ai nấy mũ trắng giáp trắng: để chờ đức hoàng đế Sùng Chính ấy mà[1].

Trong lỗ tai A Q. vốn đã được nghe ba chữ "đảng cách mạng" rồi, mới đây, chính mắt lại thấy chém bọn cách mạng nữa. Nhưng hắn có một cái ý kiến chẳng biết từ đâu đến, cho rằng cách mạng tức là làm giặc, mà làm giặc, tức là làm báo hại đến hắn, cho nên hồi nào đến giờ hắn vẫn ghét cay ghét đắng. Ngờ đâu bọn ấy đã làm cho cụ Cử danh giá như trời cũng phải sợ thế kia! Thế rồi hắn không khỏi có hơi động lòng hâm mộ. Huống chi còn trông thấy cái vẻ hãi hùng cuống quýt của một lũ đàn ông đàn bà phải gió ở làng Mùi, lại làm cho hắn càng thỏa thích.

"Cách mạng cũng hay đấy chứ!" A Q. nghĩ bụng: "Đem mà cách cái mạng "mẹ kiếp" của lũ chúng nó đi, đáng ghét quá! đáng giận quá!... Đến ta đây, ta cũng sẽ đầu hàng đảng cách mạng đi thôi."

A Q. gần nay túng tiêu, chừng cũng hơi có ý bất bình; thêm nữa, lúc trưa bụng đói uống hai chén rượu, say chóng quá. Hắn vừa đi vừa suy nghĩ, lại thấy trong người phới phới lên. Chẳng biết thế quái nào, bỗng nghĩ ra chính mình là đảng cách mạng, người làng Mùi đều là phù tù của mình, sung sướng quá, hắn buột mồm la to lên:

"Làm giặc! Làm giặc!"

Người làng Mùi đều nhìn hắn bằng cặp mắt sợ hãi. Thứ mắt đáng thương hại ấy thuở nay A Q. chưa hề thấy qua. Bây giờ thấy một cái, làm cho hắn khoăn khoái như trời tháng sáu được uống nước đá, càng cao hứng lên vừa đi vừa hát to:

"Hảo a! Ta muốn gì thì được nấy, ta ưa ai thì nấy nhờ.

"Cắc cắc, tùng tùng!

"Ăn năn trót đã, rượu say nhỡ chém Trịnh hiền đệ.

"Ăn năn trót đã, a ý a...

"Cắc cắc, tùng tùng, cắc, tùng rình tùng!

"Tay ta cầm roi sắt đánh mầy đây..."

Hai vị đàn ông nhà cụ Triệu và hai người bà con chính tông cũng đương đứng ở cổng bàn về cách mạng. A Q. không thấy gì cả, cứ vác mặt lên hát và đi qua:

"Cắc cắc..."

"Ông Q.!" Cụ Triệu khép nép khẽ tiếng đón chào.

"Tùng, tùng." A Q. không ngờ đến cái tên mình lại có thể dính với chữ "ông" được, cho là một câu chuyện gì khác không can đến mình, cứ việc hát:

"Cắc, tùng, tùng rình tùng, tùng!"

"Ông Q.!"

"Ăn năn trót đã..."

"A Q.!" Cậu Tú gọi xách mé hắn ra.

Khi ấy A Q. mới dừng lại, nghếch đầu hỏi: "Cái gì?"

"Ông Q.!... bây giờ đây..." Ông cụ Triệu định nói gì đấy, lại day chiều: "Bây giờ đây... phát tài chứ?"

"Phát tài à? Cố nhiên. Muốn thế nào thì được thế..."

"A... Anh Q.! Bạn nghèo đến nước như chúng mình thì chẳng thấm vào đâu..." Triệu Bạch nhãn rụt rè nói, hình như muốn dò cho biết ý tứ đảng cách mạng.

"Bạn nghèo à? Thế nào anh cũng vẫn có tiền hơn tôi chứ." A Q. nói rồi đi thẳng.

Mọi người đều bơ phờ, không nói năng gì. Cha con cụ Triệu về nhà, bàn tính với nhau cho tới đỏ đèn. Triệu Bạch Nhãn về nhà, liền cởi cái hồ bao đeo lưng ra, đưa cho vợ giấu dưới đáy rương.

A Q. phới phới bay một vòng, về đến đền Thổ Cốc, đã tỉnh hẳn rượu. Đêm hôm ấy, lão từ cũng vui vẻ một cach skj ngờ, mời hắn uống trà. Hắn được thể nài luôn hai cái bánh. Sau khi ăn xong, lại nhờ nốt một cây nến bốn lạng thắp giở cả với chân đèn, đem về thắp lên, một mình nằm ở cái nhà nhỏ của mình. Bấy giờ A Q. thấy có sự tươi sáng hớn hở không tả ra được, ngọn đèn thì nhảy rần rật như đèn đêm thượng nguyên, tư tưởng của hắn cũng nhảy theo:

"Làm giặc à? Thú lắm chứ... Một bọn cách mạng mũ trắng giáp trắng đã đến kia, ai nấy cầm dao tu, roi sắt, tạc đạn, súng tây, đinh ba, câu liêm đi ngang đền Thổ Cốc, gọi: "A Q.! Đi nhé, đi nhé!" thế rồi cũng đi một loạt...

"Lúc đó một lũ đàn ông đàn bà phải gió làng Mùi mới đáng nực cười thay! Chúng nó quỳ xuống, kêu van: "Ông Q. ơi! Xin tha cho khỏi chết!" Ai thèm nghe chúng nó! Những đứa đáng chết thứ nhất là cu Don và ông cụ Triệu, rồi đến cậu tú, rồi đến Thằng Tây giả. Có nên tha cho đứa nào không? Vương Xồm tha được đấy, nhưng cũng chẳng cần.

"Đồ vật... cứ vào thẳng bửa rương ra: nào tiền, nào bạc, nào áo vải tây... Cái giường Hồng Kông của mợ Tú thì khiêng trước về đền Thổ Cốc đây. Ngoài ra, bàn ghế thì khuân của nhà họ Tiền - hay là dùng ngay của nhà họ Triệu cũng được. Chính mình ta không nhúng tay đến, bắt thằng cu Don khuân, phải khuân cho chóng, khuân không chóng thì tát tai nó...

"Con em gái của Triệu Tư Thần xấu lắm. Con bé của chị Bảy Trâu vài năm nữa sẽ hay. Vợ Thằng Tây giả chịu ngủ chung với cả thằng không có đuôi sam, tởm lắm, không phải là của tốt! Vợ cậu Tú có cái nốt trên mí mắt... U Ngò lâu không thấy, chẳng biết ở đâu - tiếc bàn chân lớn quá."

A Q. chưa nghĩ được mười phần đâu ra đó, đã ngáy lên khò khò. Cây nến bốn lạng mới chỉ cháy được vài lóng tay, ánh sáng đỏ rần rật rọi vào cái mồm hắn đang há hốc.

"A ha ha!" A Q. thình lình kêu to lên, ngước đầu sớn sác nhìn quanh quất; khi thấy cây nến bốn lạng, lại ngã người ra ngủ.

Ngày hôm sau, hắn chỗi dậy khá trưa, khi đi ra đường cái xem, mọi sự đều y nguyên như cũ. Hắn vẫn cứ đói bụng, hắn nghĩ ngợi, mà nghĩ chẳng ra cái gì. Bỗng dưng hắn như có một quyết định, thư thả bước đi, lơ lửng đi đến chùa Tịnh Tu.

Cảnh chùa vẫn lặng lẽ như dạo mùa xuân, cũng bức tường trắng và cái cửa sơn đen. Hắn suy nghĩ một chốc rồi bước tới gõ cửa, thì một con chó đương sủa ở bên trong. Hắn vội vàng nhặt mấy cục gạch vỡ, lại bước tới gõ mạnh hơn, gõ đến khi trên cảnh cửa đen hiện ra những nốt lổ đổ, mới nghe có người ra mở cửa.

A Q. vội nắm chặt mấy cục gạch, hạ bộ xuống, trụ chân trước, giang chân sau, chực cự nhau với con chó mực. Song le, cửa chùa chỉ hé một tị, không có con mực xông ra, thấy chỉ có một bà vãi già.

"Chú lại đến định làm gì đó?" Bà vãi hất hơ hất hải nói.

"Cách mạng rồi... Bà biết không? A Q. đáp vu vơ.

"Cách mạng! Cách mạng! Đã cách qua một lần rồi... các chú còn muốn cách chúng tôi cho đến nước nào nữa?" Bà vãi già nói mà hai mắt đỏ bừng lên.

"Thế nào?" A Q. sững sờ hỏi.

"Chú không biết đấy, họ đã đến đây cách qua một lần rồi."

"Ai thế bà?" A Q. càng sững sờ hơn.

"Thì thầy Tú và Thằng Tây chứ ai?"

A Q. rất không ngờ, không cầm được sự ngạc nhiên. Bà vãi già thấy hắn nhụt mất hăng hái, liền đóng ập cửa lại. Khi A Q. lại xô, cửa không mở được nữa; hắn lại gõ, chẳng có ai trả lời.

Đó là việc buổi sáng. Cậu Tú Triệu nhờ nhạy tin tức, biết được đảng cách mạng đã vào thành đêm hôm qua một cái, liền quấn đuôi sam lên đỉnh đầu,?? sáng đi thăm Thằng Tây họ Tiền, cái người không ưa nhau với mình bấy lâu. Bây giờ là lúc "ai nấy cùng nhau đổi mới"[2] cho nên hai người họ nói với nhau rất ăn khớp, tức khắc thành ra bạn đồng chí tâm đầu ý hiệp, và rủ nhau đi cách mạng. Họ nghĩ đi rồi nghĩ lại, sau mới nghĩ ra rằng trong chùa Tịnh Tu có một cái bài vị thờ vua viết những chữ "hoàng đế vạn tuế vạn vạn tuế", cũng nên cách quách đi, thế rồi cùng đi đến làm ngay cuộc cách mạng trong chùa. Vì có bà vãi già đến gàn trở, nói ba điều bốn chuyện gì đó, họ bèn coi bà là chính phủ Mãn Thanh, lấy gậy và dùi đục đánh một mớ trên đầu bà. Đợi họ đi xong, cô tiểu tỉnh người ra đi kiểm soát lại, thì cái bài vị thờ vua đành đã nát ra trên đất, lại còn cái lư hương Tuyên Đức đặt trước bàn thờ đức Quan Âm cũng không thấy đâu nữa.

Việc đó về sau A Q. mới biết. Hắn lấy làm tiếc vì mình mải ngủ, nhưng cũng lấy làm quái sao chúng chẳng đến gọi mình cùng đi. Hắn lại lùi một bước nghĩ rằng:

"Có lẽ bọn họ còn chưa biết ta đây đã đầu hàng đảng cách mạng hay sao ấy."

   




Chú thích

  1. Sau khi nhà Minh mất nước, bên Trung Quốc, trong dân gian có những cuộc bí mật vận động gọi là "phản Thanh phục Minh". Cái khẩu hiệu ấy thấm vào lòng người, cho đến cuộc Cách mạng Tân Hợi, dân gian những người không biết chi, vẫn cứ tin như thế, cho nên họ nói "để chở cho Hoàng đế Sùng Chính". "Sùng Chính" tức là "Sùng Trinh", ông vua nhà Minh cuối cùng bị tử nạn, họ gọi lầm là "Sùng Chính".
  2. "Ai nấy cùng nhau đổi mới = Hàm dữ duy tân", một câu trong Kinh Thư.