Bài nói chuyện Forrestal tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton
Ngày 10 tháng 4 năm 2012
Annapolis, Maryland
NGOẠI TRƯỞNG CLINTON: Cảm ơn các bạn rất nhiều. Cảm ơn Zach đã dành cho tôi sự giới thiệu nồng ấm. Cám ơn Jordan, người sẽ giúp chúng ta tổng kết các câu hỏi vào cuối bài phát biểu này. Cảm ơn Phó Đô đốc Miller và Đại úy Clark đã chào đón tôi nồng hậu. Tôi cũng muốn gửi lời chào tới một người bạn vong niên, ngài Thống đốc tiểu bang Maryland Martin O'Malley. Và tôi hiểu rằng ở đây có cả các đại biểu từ Hội nghị Ngoại giao của Học viện Hải quân, từ các trường đại học trên khắp thế giới, trong đó có cả các học giả Fulbright. Một lần nữa cho phép tôi được chào đón tất cả các bạn. Tôi chỉ hy vọng họ không bắt các bạn leo lên khu Herndon trước khi các bạn rời khỏi học viện.
Xin cảm ơn các học viên sĩ quan hải quân đã gác lại những bài học của mình để dành thời gian đến dự buổi nói chuyện này. Với các học viên năm nhất thì tôi đoán chắc là các bạn thà đi ngủ còn hơn. Còn với các bạn học viên năm thứ hai, hẳn là các bạn đang rất hài lòng vì không phải là học viên năm nhất. Với các bạn năm thứ ba, tôi chắc chắn là các bạn đang sốt ruột muốn hoàn thành nốt một số bài tập về nhà. Còn với các bạn năm cuối, hẳn là các bạn đang mơ màng tưởng tượng đến giây phút được thoát khỏi bộ quân phục này và thích thú nhìn những thứ này chỉ còn là quá khứ.
Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi vô cùng vinh dự được ở đây tối nay. Hiện nay, tôi rất may mắn được biết và được làm việc với một số cựu học viên của học viện này và nhiều người trong số họ đã trở thành bạn tôi, trong đó phải kể đến cựu Đô đốc đã về hưu Mike Mullen, Tổng Tham mưu trưởng Liên quân, và Đô đốc Harry Harris, niên khóa 1978, người đã cùng tôi công du khắp thế giới và cũng đang hiện diện ở đây tối nay. Và khi tôi ký sổ lưu bút của các bạn thì tôi cũng được biết rằng gần đây các bạn cũng đã chào đón bài phát biểu của một đồng nghiệp cũ của tôi, Thượng nghị sĩ John McCain, người không phải lúc nào cũng đứng đầu lớp trong suốt niên khóa của ông, nhưng điều đó đã không ngăn ông trở thành người hùng của nước Mỹ, đồng thời cũng là một đồng nghiệp tuyệt vời và là bạn đồng hành của tôi trong những năm tại Thượng viện.
Vừa mới hôm qua, tôi cũng đã nhận được một bức thư điện tử từ một cựu học viên khác mà tôi biết, người đã nghe nói rằng tôi sẽ đến phát biểu tại học viện. Và ông ấy muốn tôi hiểu rõ cách thức mà học viện đã trang bị cho các bạn không chỉ những kỹ năng và kiến thức cần thiết để thực hiện nghĩa vụ quân sự, mà còn để thực hiện các nghĩa vụ công dân và các nghĩa vụ đối với cuộc sống. Khi còn là một đứa trẻ, Carlos đã cùng với cha mẹ rời khỏi Cu Ba đến Annapolis. Ở đây, cha mẹ ông đều đã tìm được việc làm để khởi đầu một cuộc sống mới ở Mỹ. Khóa đào tạo trong lực lượng hải quân mà ông nhận được đã giúp ông trở thành sĩ quan chỉ huy đầu tiên trên một tàu khu trục trang bị tên lửa có điều khiển, và nghiên cứu của ông về chiến lược và ngoại giao đã giúp ông trở thành một học giả tại Nhà Trắng.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Ông đã sử dụng các kiến thức học được trong các lớp động cơ điện - tôi biết nhiều người trong số các bạn rất thích môn học này - để bắt đầu công việc kinh doanh nhỏ của mình với 50 nhân công. Chính những phẩm chất quý giá và tính liêm chính của học viện đã giúp cho người Mỹ thế hệ đầu tiên này tham gia vào cộng đồng và thậm chí còn tham gia tranh cử tại địa phương. Trong bức thư gửi cho tôi, ông viết: "Cuộc sống của tôi sẽ không được như ngày nay nếu tôi không được đào tạo ở Học viện Hải quân Hoa Kỳ. Annapolis đã dạy tôi luôn luôn phấn đấu theo cách thức nhỏ bé của riêng mình để tạo ra sự khác biệt tích cực trong cuộc sống của người khác bởi vì đó là điều đúng đắn mà chúng ta phải làm”.
Giờ đây, tư tưởng đó không chỉ là một xúc cảm tuyệt vời cho cuộc sống của mỗi cá nhân, mà đã trở thành tư tưởng sống cho đất nước chúng ta và tương lai đất nước của chúng ta. Các bạn thấy đấy, chúng tôi mong muốn các bạn trở thành những nhà lãnh đạo có thể sử dụng mọi công cụ và tất cả các kỹ năng đã được đào tạo để đóng góp cho đất nước. Những thách thức của thế kỷ 21 đang làm mờ ranh giới giữa quốc phòng, ngoại giao và phát triển, ba thành tố vô cùng quan trọng trong chính sách đối ngoại. Vì vậy, chúng tôi mong muốn đào tạo ra những sĩ quan vừa có khả năng chiến đấu, vừa có khả năng đàm phán các hiệp định, và vừa có khả năng cứu trợ khẩn cấp. Chúng ta gọi đó là Lực lượng Hải quân thông minh. Đó là những gì Annapolis đang chuẩn bị cho các bạn, và đó là những gì mà đất nước chờ đợi ở các bạn.
Và khi chúng ta xem xét tương lai này, chúng ta hãy cùng hồi tưởng lại quá khứ. Đây là bài giảng Forrestal, bài giảng mang tên Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của nước Mỹ, James Forrestal. Ông đã góp phần xây dựng nên quân đội hiện đại và tổ chức lại Chính phủ cho thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Và trong suốt sự nghiệp của mình, ông luôn coi lực lượng Hải quân là một trụ cột trong sứ mệnh lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ.
Hiện nay, quan điểm này không phải lúc nào cũng được dân chúng đồng tình. Sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, nhiều người Mỹ có lẽ sẽ thấy hài lòng nếu chúng ta chỉ đứng yên phía sau biên giới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Forrestal đã là một phần của thế hệ các nhà lãnh đạo phi thường cho rằng quyền lợi của người Mỹ gắn bó chặt chẽ với vận mệnh của người dân trên khắp mọi nơi. Năm 1946, ông đã viết trong cuốn nhật ký của mình rằng Liên Xô tin rằng thế giới sau chiến tranh nên được định hình bởi một số các cường quốc đơn lẻ. Nhưng "quan điểm của người Mỹ là tất cả các quốc gia mong muốn vì hòa bình và dân chủ đều phải tham gia”, ông viết.
Trong những năm sau đó, Hoa Kỳ và các đối tác đã xây dựng một trật tự quốc tế mới - một cấu trúc bao gồm các thể chế, quy tắc, và các liên minh - một cấu trúc mang lại hòa bình và thịnh vượng cho một Thế giới Tự do. Chúng ta đã thấy các đối thủ cũ như Pháp và Đức tiến hành hòa giải và loại bỏ xung đột. Chúng ta cũng thấy hội nhập kinh tế đang khiến mức sống gia tăng, các quyền tự do cơ bản đã được ghi nhận trong luật pháp quốc tế, và nền dân chủ đã bắt rễ và phát triển mạnh mẽ.
Giờ đây, không còn chế độ độc tài nào đe dọa thế giới. Tuy nhiên, các nước tham gia vào trật tự thế giới mới hiện đang mong muốn mở rộng ảnh hưởng của mình trong các vấn đề quốc tế. Các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đang trở thành một khu vực quan trọng điều khiển xu thế chính trị và kinh tế toàn cầu. Kết quả là, cấu trúc mà chúng ta đã xây dựng sau chiến tranh cần phải được đổi mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh thay đổi này, có hai điều không hề thay đổi. Thứ nhất là, một trật tự quốc tế công bằng, cởi mở và bền vững phải có mục tiêu thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên toàn thế giới. Thứ hai, khi cấu trúc quyền lực toàn cầu có thể đã thay đổi, thì vai trò lãnh đạo của nước Mỹ lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Tôi vừa nói rằng thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của khu vực Thái Bình Dương của nước Mỹ, giống như những thế kỷ đã qua. Và hôm nay, tôi muốn mô tả vắn tắt về các chiến lược đầu tư về ngoại giao, kinh tế và quân sự mà nước Mỹ đang xây dựng trong một mạng lưới các thể chế và quan hệ đối tác chặt chẽ trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khu vực rộng lớn này, bắt đầu từ vùng biển Ấn Độ Dương đến thềm lục địa phía tây của nước Mỹ, là khu vực chiếm một nửa dân số thế giới, là khu vực có một số đồng minh tin cậy nhất của chúng ta, nơi có những cường quốc kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xia, và là nơi quy tụ nhiều con đường buôn bán thương mại và năng lượng năng động nhất thế giới.
Chính việc gia tăng xuất khẩu của nước Mỹ đến khu vực này đã giúp chúng ta thúc đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi kinh tế nội địa. Và sự tăng trưởng trong tương lai cũng phụ thuộc vào sự tăng trưởng về số lượng người tiêu dùng và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại châu Á. Thật vậy, bộ mặt của nền kinh tế toàn cầu, sự tiến bộ của nền dân chủ và nhân quyền, hy vọng của chúng ta về một thế kỷ 21 ít đổ máu hơn thế kỷ 20, tất cả những điều đó đều tùy thuộc vào những gì đang và sẽ diễn ra ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hãy nhìn vào các tin tức nóng hổi trong tháng này là ta có thể thấy những thách thức và cơ hội mà khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt. Vào lúc chúng ta gặp nhau ở đây tối nay, Bắc Triều Tiên đang sẵn sàng phóng tên lửa tầm xa, vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đe dọa bầu không khí hòa bình tại các nước láng giềng cũng như toàn khu vực. Mối đe dọa này đã được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Bắc Triều Tiên đồng ý ký thỏa thuận cấm thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân. Sự trở mặt nhanh chóng này đã đặt ra câu hỏi về mức độ nghiêm túc của Bình Nhưỡng khi khẳng định mong muốn cải thiện mối quan hệ với chúng ta và các nước láng giềng. Tuyên bố thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên cho thấy các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên coi việc cải thiện quan hệ với thế giới bên ngoài như là một mối đe dọa cho sự tồn tại chế độ. Và câu chuyện mới đây đã minh chứng mạnh mẽ cho các hành động khiêu khích có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai.
Vì vậy, chúng ta hiện đang ngày đêm phối hợp với Hàn Quốc và Nhật Bản để tăng cường hơn nữa liên minh của chúng ta và đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn. Như Tổng thống Obama đã nói tại Seoul hồi tháng trước sau khi có chuyến thăm khu vực phi quân sự tại Hàn Quốc, cam kết của Hoa Kỳ đối với nhân dân Hàn Quốc là không thể lay chuyển. Chúng ta cũng sẽ hợp tác với Nga và Trung Quốc. Cả hai đều chia sẻ mối quan tâm mạnh mẽ đối với sự ổn định tại bán đảo Triều Tiên, đồng thời cam kết sẽ gửi thông điệp tới Bắc Triều Tiên trong đó tỏ rõ quan điểm cho rằng hòa bình và ổn định sẽ chỉ đạt được bằng việc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ, và trước hết là các cam kết và nghĩa vụ đối với chính dân chúng Bắc Triều.
Trong khi đó, cũng trong thời gian này, Mi-an-ma lại đang có cơ hội to lớn để tăng trưởng kinh tế và tiến bộ về chính trị. Trong nhiều thập kỷ qua, quốc gia Đông Nam Á này đã bị cô lập sau bức màn tự chủ do chính họ tạo ra trong khi nhiều quốc gia khác trong khu vực đã thực hiện thành công quá trình chuyển đổi dân chủ và thực hiện mở cửa thị trường. Hoa Kỳ đã thực hiện nhiều nỗ lực quan trọng để hỗ trợ cho những chuyển đổi này tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ Hàn Quốc đến Phi-líp-pin đến Thái Lan đến In-đô-nê-xia. Thực ra, đôi khi tôi cũng có đôi chút thất vọng vì người ta đã quên những khó khăn mà bốn quốc gia này đã phải trải qua trong quá trình chuyển đổi của họ. Họ đã trải qua tất cả các loại chế độ độc tài quân sự, các cuộc đảo chính và bất ổn. Vì vậy, chúng ta vẫn phải tiếp tục kiên nhẫn và kiên trì nuôi dưỡng những tiến bộ mới đâm chồi mà tôi đã quan sát được khi đến thăm Mi-an-ma, chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ trong 50 năm qua. Tất nhiên là vẫn còn quá sớm để biết câu chuyện này sẽ kết thúc như thế nào. Nhưng mới chỉ cách đây chín ngày, nhân vật được trao giải Nobel vì Hòa bình Aung San Suu Kyi, sau rất nhiều ngày bị giam cầm, đã được bầu vào quốc hội.
Phần lớn lịch sử của thế kỷ 21 đang được viết ra trước mắt chúng ta. Và những thay đổi nhanh chóng của Mi-an-ma và Bắc Triều Tiên đã cho thấy nước Mỹ có ảnh hưởng sâu sắc tới giai đoạn lịch sử hiện nay. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu nhậm chức, chính quyền Obama đã bắt đầu định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ vào tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tôi đã có nhiều quyết định phá vỡ truyền thống và thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách là một Ngoại trưởng Mỹ tới khu vực chiến lược này. Tổng thống Obama cũng đã có bốn chuyến công du tới khu vực Tây Thái Bình Dương. Cùng với các quốc gia và các thể chế khác, nước Mỹ đã từng bước tăng cường tham gia trong cái gọi là chính sách ngoại giao mở rộng. Đồng thời, chúng ta cũng không quay lưng lại với các đồng minh cũ và lợi ích của chúng ta tại những khu vực khác trên thế giới. Chúng ta vẫn tiếp tục củng cố mối quan hệ của chúng ta với các đồng minh châu Âu và NATO, những đối tác hàng đầu và có tầm quan trọng không thể phủ nhận đối với vai trò của nước Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Và chúng ta cần phải phối hợp với những đồng minh cũ này để tăng cường sự tham gia của nước Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Như vậy, chúng ta không mất đi những người bạn cũ và chúng ta không muốn có thêm kẻ thù mới. Trung Quốc ngày nay không phải là Liên minh Xô Viết. Chúng ta không muốn gây ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới ở châu Á. Hãy nhìn vào hoạt động thương mại đang ngày càng mở rộng giữa các nền kinh tế, các mối liên kết dân tộc, các cuộc tham vấn giữa các chính phủ đang diễn ra. Trong chưa đến 35 năm, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thay đổi từ hai quốc gia hầu như không có bất kỳ mối quan hệ nào trở thành hai quốc gia có hàng loạt mối quan hệ tùy thuộc lẫn nhau. Điều đó đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về tư duy và phương pháp tiếp cận của cả hai bên. Địa chính trị ngày nay không cho phép các quốc gia duy trì tư duy coi thương mại và quan hệ quốc tế là một trò chơi theo kiểu “có kẻ thắng người thua”. Một Trung Quốc phát triển thịnh vượng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nước Mỹ và ngược lại, miễn là cả hai quốc gia phát triển thịnh vượng theo cách góp phần củng cố lợi ích của toàn khu vực và thế giới. Nói một cách sâu sắc hơn thì chúng ta sẽ chỉ thành công trong việc xây dựng hòa bình, thịnh vượng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nếu chúng ta thành công trong việc xây dựng một mối quan hệ Mỹ-Trung có hiệu quả.
Vì vậy, mục tiêu của chúng ta là xây dựng nên các thể chế vững chắc và hoạt động có hiệu quả, từ đó có thể huy động các hành động chung và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, có thể xây dựng nên các quy tắc và chuẩn mực giúp điều tiết mối quan hệ giữa các dân tộc, các thị trường, và các quốc gia, đồng thời thiết lập các thỏa thuận an ninh nhằm tăng cường ổn định và xây dựng lòng tin. Tôi cũng biết rằng một số quốc gia trong khu vực châu Á lo sợ rằng sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ tại khu vực này và e ngại rằng những tuyên bố của chúng ta về cấu trúc chính trị, về các thể chế và các luật lệ chẳng qua là lá chắn bảo vệ cho đặc quyền của các nước phương Tây và không cho các cường quốc đang nổi lên được chia sẻ quyền ảnh hưởng một cách công bằng. Họ cho rằng chúng ta đang cố gắng lôi kéo họ vào một hệ thống gian lận trong đó nước Mỹ chính là người được hưởng lợi. Không, thực ra không đúng như vậy. Tất cả chúng ta hiện đều đã đồng ý với nhau rằng cấu trúc địa chính trị của khu vực và trên toàn thế giới không thể không thay đổi. Luật lệ và các thể chế được thiết kế cho giai đoạn lịch sử trước đây nay đã không còn phù hợp nữa.
Vì vậy, chúng ta phải hợp tác để thích ứng và cập nhật các thể chế đó, thậm chí để tạo ra các thể chế mới khi cần thiết. Nhưng có những nguyên tắc chung cần phải được bảo vệ: các quyền tự do cơ bản và phẩm giá con người, hệ thống kinh tế mở, thương mại tự do, đảm bảo tính minh bạch và công bằng, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Đây là những quy tắc mang lại lợi ích cho tất cả mọi người và giúp người dân cũng như các quốc gia trên toàn thế giới được sống và trao đổi buôn bán trong hòa bình. Một hệ thống quốc tế dựa trên những nguyên tắc này đã thúc đẩy chứ không hề ngăn cản sự nổi lên của Trung Quốc và của các cường quốc mới nổi khác như Ấn Độ và In-đô-nê-xia. Những quốc gia này được hưởng lợi từ chính môi trường an ninh mà hệ thống quốc tế này tạo ra, từ chính các thị trường mà hệ thống quốc tế đã mở cửa, và từ chính lòng tin mà hệ thống quốc tế này đã nuôi dưỡng. Và một khi sức mạnh và khả năng đóng góp của các quốc gia này tăng lên thì hiển nhiên sự đánh giá và kỳ vọng của thế giới đối với họ cũng sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, một số các cường quốc mới nổi hiện nay ở châu Á và ở một vài nơi khác trên thế giới đang chọn cách hành động “tham gia có lựa chọn”. Họ cân nhắc và quyết định lúc nào thì nên tham gia với tinh thần xây dựng và khi nào thì nên đứng ngoài hệ thống quốc tế. Mặc dù điều đó có thể phù hợp với lợi ích của họ trong ngắn hạn, song về dài hạn, nó sẽ làm tổn thương chính hệ thống đã giúp họ có được những gì họ đang có hôm nay. Và điều đó sẽ tạo ra kết cục xấu cho tất cả mọi người.
Lịch sử đã chỉ ra cho chúng ta thấy rằng một cấu trúc khu vực mạnh mẽ có thể tạo ra động cơ hợp tác đồng thời ngăn cản các hành động khiêu khích và các hành vi gây rối. Tuy nhiên, cấu trúc này không tự nhiên xuất hiện, cũng giống như NATO và các thể chế khác trong cấu trúc địa chính trị sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai cũng không phải bỗng nhiên mà có. Cần phải có nỗ lực nhất quán và liên tục, có các quan hệ đối tác mạnh mẽ, và điều quan trọng là phải có vai trò lãnh đạo của nước Mỹ. Về cốt lõi đó chính là toàn bộ chiến lược của chúng ta ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tất cả các hành động của chúng ta - trên phương diện ngoại giao, kinh tế và quân sự đều được thiết kế để thúc đẩy mục tiêu này. Tôi sẽ trình bày ở đây ba ví dụ minh họa.
Đầu tiên là sự tham dự của Tổng thống Obama vào Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tháng 11 vừa qua. Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á là nơi tập hợp người đứng đầu nhà nước của tất cả các quốc gia trong khu vực để đề ra các biện pháp toàn diện nhằm đối mặt với những thách thức lớn nhất, có thể là vấn đề phổ biến hạt nhân, thiên tai, hay an ninh hàng hải. Nhưng từ trước tới nay, chưa có Tổng thống Hoa Kỳ nào từng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh này. Quyết định tham dự của Tổng thống Obama là kết quả của ba năm quan hệ tích cực với các thể chế ở khu vực này như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương APEC, đồng thời cũng cho thấy sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á với tư cách là diễn đàn hàng đầu của khu vực để thảo luận về các vấn đề chính trị và an ninh.
Việc có một thể chế như vậy có thể tạo nên sự khác biệt. Lấy ví dụ về trường hợp vùng Biển Nam Trung Hoa. Vùng biển này kết nối nhiều quốc gia trong khu vực, một vài quốc gia trong số này hiện đang có tranh chấp chủ quyền trên vùng biển và hải đảo. Một nửa khối lượng hàng hóa trên thế giới đang được lưu chuyển qua vùng biển Nam Trung Hoa, do đó, vấn đề an ninh và tự do hàng hải cần phải được coi trọng. Hoa Kỳ không có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở vùng biển này, và Hoa Kỳ cũng không đứng về bên nào trong các vụ tranh chấp lãnh thổ. Nhưng Hoa Kỳ có các hàng hóa thương mại lưu chuyển qua đây và quan tâm đến việc tuân thủ các quy tắc về bảo vệ các vùng biển, tôn trọng luật pháp quốc tế và thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp hàng hải bằng các biện pháp hòa bình.
Việc cố gắng giải quyết các tranh chấp phức tạp như vậy theo con đường đàm phán song phương, riêng giữa hai nước, tỏ ra là cách thức không mấy hiệu quả, dễ gây hiểu lầm và thậm chí là tạo thái độ thù nghịch. Có quá nhiều tuyên bố và các quyền lợi chồng chéo, mối quan ngại của một số nước đã leo thang trong khi thái độ căng thẳng của một số nước đã giảm bớt. Nhưng khi Tổng thống Obama gặp gỡ các vị lãnh đạo đồng nhiệm của ông tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, họ đã cùng nhau ủng hộ một nỗ lực chung trên toàn khu vực để bảo vệ quyền lưu chuyển hàng hải tự do trên vùng biển Nam Trung Hoa, hướng tới xây dựng một bộ quy tắc ứng xử, tôn trọng lợi ích chính đáng của tất cả các bên tranh chấp và đảm bảo rằng các tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua một quá trình đồng thuận dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Giờ đây, chúng ta cần phải nhớ rằng đối với một số vấn đề, không có cách nào hiệu quả hơn là để các bên liên quan ngồi lại với nhau trong một phòng thương thảo và để họ có cơ hội bắt đầu trao đổi ý kiến và cùng nhau giải quyết vấn đề. Trong những trường hợp như vậy, các nước nhỏ vẫn có thể chắc chắn rằng tiếng nói của họ vẫn được lắng nghe; và những nước lớn, với vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định và an ninh khu vực, có thể theo đuổi các giải pháp cho những thách thức phức tạp này. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được trong một cấu trúc địa chính trị hiệu quả.
Sau đây là một ví dụ thứ hai, minh chứng cho sức mạnh ảnh hưởng của các quy tắc và chuẩn mực quốc tế đối với cuộc sống của người dân. Cũng trong chuyến công du hồi cuối tháng 11 vừa rồi, Tổng thống Obama đã khởi động một nỗ lực tiến tới việc ký kết một thỏa thuận mới về thương mại toàn diện - thỏa thuận về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương mà nước Mỹ đang đàm phán với tám quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thỏa thuận này không chỉ đề cập đến việc xóa bỏ các rào cản thương mại, mặc dù đây là nội dung cốt yếu để thúc đẩy xuất khẩu của Hoa Kỳ và tạo ra công ăn việc làm trong thị trường nội địa, mà còn đề cập đến các quy tắc thống nhất để khu vực châu Á - Thái Bình Dương xây dựng thành công một nền kinh tế hội nhập, mở cửa, tự do, minh bạch và công bằng. Thỏa thuận này có mục đích nhằm bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy tính sáng tạo - tất cả đều là những giá trị mà nước Mỹ bấy lâu vốn coi trọng. Thỏa thuận này cũng bao gồm các vấn đề đang nổi lên như khả năng kết nối của các chuỗi cung ứng trong khu vực, tác động cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước, và tạo ra cơ hội thương mại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các quy tắc này giúp tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả các quốc gia và các doanh nghiệp. Và khi sự cạnh tranh công bằng và các quy tắc minh bạch được công nhận cũng như khi đã có các hệ thống cưỡng chế thực thi những quy tắc này thì các doanh nghiệp Mỹ có thể cạnh tranh với bên ngoài và tự do phát huy khả năng đổi mới và sáng tạo hơn bất cứ doanh nghiệp nào trên thế giới. Tuy nhiên, các quy tắc này chỉ có thể vận hành một cách có hiệu quả nếu chúng được công nhận và thi hành, đó là lý do tại sao chính quyền Obama hiện đang tiếp tục khởi kiện chống lại các hành vi vi phạm các quy tắc thương mại và lên tiếng chống lại các hành vi vi phạm này.
Và nhân nói đến các chuẩn mực và quy tắc quốc tế, tôi cũng muốn nói thêm rằng Hoa Kỳ đang ngày càng lo ngại về mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh kinh tế và an ninh quốc gia trước sự xâm nhập trên mạng, đặc biệt là trước các hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và thông tin mật thông qua không gian mạng. Vì Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai trong số các quốc gia sử dụng không gian mạng lớn nhất trên thế giới, nên việc thiết lập các thực tiễn dễ hiểu và có thể ứng dụng trong không gian mạng là vô cùng quan trọng. Tôi đã rất vui mừng được nghe từ Đô đốc Miller rằng Học viện Hải quân đang bắt đầu triển khai một khóa học về không gian mạng - khóa học không chỉ cung cấp cho các bạn kiến thức về cơ hội và thách thức trong không gian mạng, mà còn giúp các bạn được trang bị kỹ càng trước khi thực hiện một chức năng cơ bản về quốc phòng của đất nước chúng ta trong tương lai.
Giờ đây chúng ta sẽ phải tiếp tục hết sức tỉnh táo về vấn đề này và cùng nhau phân tích những tác hại cũng như những nguy cơ nảy sinh trong vài năm qua. Ở Bộ Ngoại giao, chúng tôi bị tấn công vô số lần mỗi ngày. Trên thực tế, bức tường phòng thủ của chúng ta không bị xâm phạm, nhưng đôi khi, một số người nào đó, vì lý do nào đó, đột nhiên lại muốn công bố các tài liệu an ninh cho công chúng biết. Vì vậy, chúng ta phải suy nghĩ để tìm ra cách đối phó với yếu tố con người ngay khi chúng ta bắt đầu xây dựng đội ngũ chuyên gia kỹ thuật.
Ví dụ thứ ba của tôi rất gần gũi với nhiều người trong số các bạn, bởi vì nó nói đến sức mạnh của các mối quan hệ liên minh và quan hệ đối tác - đặc biệt là hợp tác quân sự của đất nước chúng ta với các quân đội trên khắp thế giới - nhằm bảo vệ cuộc sống, xây dựng lòng tin, và thúc đẩy lợi ích của chúng ta trên khắp thế giới. Trong nhiều thập kỷ qua, quân đội Hoa Kỳ và mối quan hệ liên minh lâu dài của chúng ta với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ốt-xtrây-li-a, Phi-líp-pin và Thái Lan đã đảm bảo cho an ninh và ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỗi ngày, lực lượng Hải quân Hoa Kỳ có khoảng 50 tàu chiến, hàng trăm máy bay, hàng chục ngàn thủy thủ và thủy quân lục chiến hoạt động trên Thái Bình Dương tại bất kỳ thời điểm nào. Vai trò của lực lượng Hải quân Hoa Kỳ đang ngày càng trở nên lớn lao hơn, được minh chứng rõ nét trong Định hướng Chiến lược Quốc phòng mới mà Tổng thống Obama đã đề ra.
Mỗi năm, tàu chiến và thủy quân lục chiến của lực lượng Hải quân Hoa Kỳ tham gia vào hơn 170 đợt diễn tập song phương và đa phương, tiến hành hơn 250 chuyến viếng thăm đến các cảng trong khu vực. Một trong những lần thăm cảng yêu thích của tôi là chuyến ghé thăm của tàu sân bay USS McCain đến Việt Nam. Điều này cho phép chúng ta đáp ứng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn khi chúng ta cần phải hợp tác với các đối tác, chẳng hạn như khi cần phải ứng phó với các thảm họa thiên tai tại một trong những khu vực dễ bị tổn thương và bất ổn nhất về môi trường trên thế giới.
Tôi hy vọng rằng các bạn đã biết và tự hào về những nỗ lực của lực lượng Hải quân Hoa Kỳ sau thảm họa động đất, sóng thần, và cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản hồi năm ngoái. Hạm đội 7 đã triển khai mối quan hệ đối tác chặt chẽ với các lực lượng Tự vệ Hàng hải của Nhật Bản từ nhiều thập kỷ qua, vì vậy chúng ta đã có thể làm việc sát cánh bên họ, cung cấp thực phẩm và vật tư y tế, thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, sơ tán người bị thương, và nhiều hơn nữa. Sau khi các nhiệm vụ đã hoàn tất, tôi đã có cơ hội đến thăm phi hành đoàn tàu khu trục USS Fitzgerald, khi cả tôi và tàu khu trục USS Fitzgerald đều đang ở Manila. Trong chuyến thăm này, tôi đã được nghe mô tả về hiệu quả của sự chuẩn bị và quan hệ đối tác đó. Để tối đa hóa khả năng của chúng ta tham gia vào các nỗ lực này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và để đáp ứng được các thách thức về an ninh ngày càng trở nên đa dạng, Hoa Kỳ đang chuyển sang một lực lượng quân sự đồng đều hơn về mặt địa lý, dẻo dai hơn trong hoạt động, và bền vững hơn về chính trị trong khu vực. Chúng ta đang gửi thủy quân lục chiến đến Ốt-xtrây-li-a để liên kết huấn luyện - khóa huấn luyện kéo dài sáu tháng đầu tiên đã được khai giảng tại Darwin vào tuần trước. Chúng ta cũng đang đưa tàu tới Singapore và đang tiến hành hiện đại hóa các thỏa thuận quân sự với các đồng minh ở Đông Bắc Á.
Chúng ta cũng đang làm việc tích cực để giảm nguy cơ tính toán sai lầm hay nguy cơ hiểu lầm giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc, đồng thời cố gắng tiến tới một mối quan hệ đối tác quân sự lâu bền. Lực lượng hải quân của chúng ta cũng đang góp phần với các quốc gia khác để cùng nhau chống lại nạn cướp biển ngoài khơi khu vực Mũi châu Phi. Nhưng chúng ta có thể, chúng ta nên và chúng ta phải hợp tác nhiều hơn nữa. Chúng ta cũng hy vọng tăng cường hơn nữa cuộc Đối thoại An ninh Chiến lược mới được triển khai, cuộc đối thoại mang đến cho các nhà lãnh đạo quân sự cũng như các nhà lãnh đạo dân sự của Mỹ và Trung Quốc cơ hội ngồi vào bàn thảo luận về các vấn đề nhạy cảm như an ninh hàng hải và an ninh không gian mạng.
Sau đây là mấy dòng tôi muốn nói và tôi cho rằng các bạn nên ghi nhớ khi các bạn làm việc, học tập, và chuẩn bị cho tương lai của các bạn trong lực lượng Hải quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ: Sự cống hiến phi thường và sự hy sinh cao cả của những quân nhân Hoa Kỳ, dù là đàn ông hay phụ nữ, đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của người dân trên khắp thế giới. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự hy sinh và cống hiến này đã tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của những người dân Nhật Bản được chúng ta cứu thoát khỏi nước lũ, hoặc của một thuyền trưởng người Singapore được chúng ta bảo vệ khỏi bọn cướp biển, hoặc của một gia đình Hàn Quốc được chúng ta bảo vệ trước nguy cơ bị tấn công. Khi nói đến việc bảo đảm sự ổn định và an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và xa hơn nữa, thì sức mạnh của nước Mỹ là không thể thay thế. Chỉ nước Mỹ mới có tầm ảnh hưởng toàn cầu, có đủ các nguồn lực và quyết tâm để ngăn chặn sự hiếu chiến, tập hợp liên minh, và mang lại sự ổn định cho các khu vực khác nhau về mức độ nguy hiểm, các mối đe dọa, hay các cơ hội phát triển.
Bây giờ không phải là năm 1912, khi mâu thuẫn giữa một nước Anh đang suy thoái và một nước Đức đang mạnh lên gây ra cuộc xung đột toàn cầu. Giờ đã là năm 2012, và một nước Mỹ lớn mạnh luôn chào đón các cường quốc mới cùng tham gia vào một hệ thống quốc tế được thiết kế để ngăn chặn xung đột toàn cầu.
Chúng ta đã đi qua một thập kỷ dài của chiến tranh, khủng bố và suy thoái kinh tế. Và những ngày tháng khó khăn sẽ vẫn còn tiếp diễn đối với nhiều đồng bào của chúng ta. Nhưng nước Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới với nền sản xuất năng suất cao, các trường đại học tốt nhất và các công ty giàu sức sáng tạo nhất. Quân đội của chúng ta là lực lượng quân đội ưu việt nhất trong lịch sử thế giới và bỏ xa bất kỳ đối thủ nào. Không có quốc gia nào khác ngoài nước Mỹ có thể tự hào vì có một mạng lưới liên minh và quan hệ đối tác toàn cầu để có thể triển khai lực lượng ở tất cả các lục địa và trên tất cả các đại dương.
Và điều quan trọng là không có quốc gia nào khác trên thế giới có thể tập hợp các quốc gia riêng rẽ để cùng nhau hành động vì một mục tiêu chung. Tôi quan sát thấy điều này trong các chuyến công du khắp châu Á và trên thế giới: vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ được cần đến và được tôn trọng. Có điều này không chỉ do sức mạnh quân sự của chúng ta, do chúng ta có đầy đủ nguồn lực mà còn do những giá trị và những cam kết của chúng ta đối với sự công bằng, công lý, tự do và dân chủ. Quá khứ của chúng ta có thể không được hoàn hảo, nhưng trong suốt các giai đoạn lịch sử của mình, Hoa Kỳ luôn cố gắng thúc đẩy lợi ích không chỉ của riêng mình mà còn vì một lợi ích chung lớn hơn. Và đó chính là một trong những lý do khiến vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trở nên đặc biệt. Thực sự không có tiền lệ nào trong lịch sử giống như vai trò và trách nhiệm đặc biệt mà chúng ta đang gánh vác. Và cũng không quốc gia nào trên thế giới có thể gánh vác trách nhiệm này thay cho chúng ta.
Tuy nhiên, vai trò lãnh đạo toàn cầu của đất nước chúng ta không phải tự nhiên mà có. Chúng ta có được trách nhiệm trọng đại này là nhờ được kế thừa từ nhiều thế hệ, nhờ trung thành với các giá trị và với những truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc. Trong những năm tới, chính các bạn là thế hệ kế tục để gánh vác trách nhiệm này.
Một trong những ký ức lưu dấu lâu nhất về thời thơ ấu của tôi là được nghe cha tôi kể về những tháng ngày ông phục vụ trong lực lượng Hải quân Hoa Kỳ giai đoạn Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Ông là một sĩ quan chịu trách nhiệm huấn luyện hàng ngàn tân binh tại Trạm Hải quân khu vực Ngũ Hồ ngoài Chicago trước khi họ ra khơi, chủ yếu là tới Thái Bình Dương. Ông đã không bao giờ quên được cảm giác của mình khi thấy những người lính trẻ bước lên tàu để di chuyển về bờ biển phía Tây khi ông biết rõ rằng nhiều người trong số họ sẽ không bao giờ được trở về nhà. Cha tôi chưa bao giờ đánh mất ý thức về nhiệm vụ hay niềm tin về vai trò đặc biệt mà đất nước chúng ta đang gánh vác. Sau khi ông mất, tôi đã nhận được nhiều lá thư và hình ảnh từ các thủy thủ mà ông từng huấn luyện và từ những sĩ quan đã làm việc cùng ông. Thậm chí cả nhiều năm sau đó, họ vẫn chia sẻ một lòng tin sâu sắc về sự tốt đẹp của đất nước chúng ta và về những gì chúng ta đang làm với thế giới.
Một ngày nào đó sắp tới, các bạn cũng sẽ rời khỏi nơi này và bước lên những con tàu, những chiếc tàu ngầm, và những chiếc máy bay để đi tới các vùng biển xa xôi. Một số bạn sẽ tới Đại Tây Dương để bảo vệ những người bạn cũ. Những người khác sẽ tới Thái Bình Dương để đối mặt với những thách thức của một thời kỳ lịch sử mới. Dù bạn tới nơi đâu, bạn cũng sẽ là người đại diện cho niềm tự hào và sức mạnh của quốc gia vĩ đại này mà chúng ta yêu mến. Và chính bạn sẽ là người bày tỏ hy vọng của chúng ta về một thế giới tự do, hòa bình và thịnh vượng.
Nhưng trước khi các bạn bước vào thế giới đó, tôi nghĩ rằng các bạn nên cùng nhau trải qua nhiều kỷ niệm hơn tại ngôi trường này. Vì vậy, với sự chấp thuận của ngài Giám đốc học viện và chỉ huy trưởng, tôi vui mừng cho các bạn học viên năm nhất được một đêm không phải mang vũ khí, và các bạn học viên năm trên được một cuối tuần không phải mang vũ khí.
Cám ơn các bạn. Cám ơn các bạn đã học tập và làm việc phục vụ cho lợi ích của tổ quốc. Chúc các bạn may mắn và Chúa phù hộ các bạn.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).