Báo cáo của ban vận động sáng tác quốc ca mới
CỦA BAN VẬN ĐỘNG SÁNG TÁC QUỐC CA MỚI
(Do ông Cù Huy Cận, Phó Trưởng Ban vận động sáng tác Quốc ca mới, kiêm Chủ tịch Hội đồng
giám khảo trình bày tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa VII, ngày 23-6-1982)
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Theo quyết định của Hội đồng Nhà nước, tôi xin thay mặt Ban vận động sáng tác Quốc ca mới và Hội đồng giám khảo cuộc thi sáng tác Quốc ca mới báo cáo trước Quốc hội về quá trình của cuộc vận động cho đến nay.
Thực hiện quyết định của Quốc hội khóa VI, kỳ họp cuối cùng, cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới đã được tiến hành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trước đây và hiện nay là của Hội đồng Nhà nước.
Tháng 2 năm 1981, Chủ tịch Trường Chinh và Phó Chủ tịch Xuân Thủy đã triệu tập đại diện Bộ Văn hóa, Hội liên hiệp Văn học, nghệ thuật, Chủ nhiệm Uỷ ban văn hóa và giáo dục của Quốc hội, đại diện các đoàn thể nhân dân, đông đảo các nhà sáng tác nhạc, các nhà thơ để bàn về việc sáng tác Quốc ca mới. Chủ tịch đã phổ biến quyết định của Quốc hội và nêu rõ lý do nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần có Quốc ca mới. Chủ tịch nêu rõ: Bài “Tiến quân ca” (Quốc ca hiện nay) ra đời trong Tổng khởi nghĩa và Cách mạng tháng Tám là Quốc ca hay của chúng ta và đã có tác dụng to lớn cổ vũ động viên nhân dân ta hơn 30 năm qua trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài để giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Bài “Tiến quân ca” thật sự đã gắn liền với cuộc đời cách mạng của nhân dân ta, của mỗi chúng ta. Nhạc sĩ Văn Cao, tác giả bài “Tiến quân ca” đã góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Ngày nay, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới. Để cổ vũ mạnh mẽ đồng bào và chiến sĩ ta, thể hiện sâu sắc chí khí hào hùng của toàn dân quyết tâm thực hiện những nhiệm vụ mới của cách mạng, thì cần có một Quốc ca mới.
Tiếp đó, Chủ tịch đã hướng dẫn một số điểm cơ bản để chọn Quốc ca mới:
a) Quốc ca là bài ca chính thức của nước nhà. Nội dung Quốc ca mới phải nói được truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, ca ngợi đất nước ta giàu đẹp, cổ vũ nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
b) Quốc ca mới cần được soạn theo thể loại bài hát nghi lễ dùng cho toàn dân ca hát, tấu nhạc. Quốc ca phải vừa hùng tráng, vừa trữ tình, vừa sôi nổi, vừa lắng đọng.
c) Quốc ca không nên dài; độ dài tương đương với bài “Tiến quân ca” là vừa.
d) Nghệ thuật của Quốc ca phải mang tính dân tộc - hiện đại. Nhạc và lời, làm sao cho dễ hát.
đ) Yêu cầu về nghệ thuật phải cao (cả về nhạc và lời).
Trong một cuộc họp thứ hai, Chủ tịch Trường Chinh đã thay mặt Nhà nước cho thành lập Ban vận động sáng tác Quốc ca mới và Hội đồng giám khảo.
Ban vận động gồm các thành viên sau đây:
Trưởng ban: Đồng chí Xuân Thủy, Phó Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Phó trưởng ban: Đồng chí Cù Huy Cận, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Các ủy viên:
- Đồng chí Lưu Hữu Phước, Viện trưởng Viện Âm nhạc, Chủ nhiệm Uỷ ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội khóa VI.
- Đồng chí Nguyễn Xuân Khoát, Hội trưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
- Đồng chí Đỗ Nhuận, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
- Đồng chí Huy Du, Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
- Đồng chí Phạm Đình Sáu, Vụ trưởng Vụ Âm nhạc và Múa, Bộ Văn hóa.
- Đồng chí Văn Cao, tác giả bài “Tiến quân ca”.
- Đồng chí Nguyễn Văn Thương, Giám đốc Nhạc viện Hà Nội.
- Đồng chí Phan Huỳnh Điểu, Ủy viên thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
- Đồng chí Trần Hoàn, nhạc sĩ, Hội trưởng Hội Văn nghệ tỉnh Bình Trị Thiên.
- Đồng chí Chính Hữu, nhà thơ, Cục Tuyên huấn của quân đội.
- Đồng chí Đàm Linh, Ủy viên thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
- Đồng chí Huy Thục, nhạc sĩ trong quân đội.
- Đồng chí Nguyễn Hữu Ba, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc.
- Đồng chí Trần Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội.
- Đồng chí Dương Đình Thảo, Giám đốc Sở Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.
- Đại diện Tổng Công đoàn Việt Nam.
- Đại diện Hội Nông dân tập thể Việt Nam.
- Đại diện Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
- Đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
- Đồng chí Phạm Tuân, Phó Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam.
Hội đồng giám khảo cuộc thi sáng tác Quốc ca mới gồm có:
- Chủ tịch: Đồng chí Cù Huy Cận, nhà thơ, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học, nghệ thuật Việt Nam.
- Phó Chủ tịch: Đồng chí Lưu Hữu Phước, nhạc sĩ, Chủ nhiệm Uỷ ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội khóa VI.
Các ủy viên:
- Nguyễn Xuân Khoát, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam;
- Đỗ Nhuận, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam;
- Huy Du, Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
- Phạm Đình Sáu, Vụ trưởng Vụ Âm nhạc và Múa, Bộ Văn hóa.
- Nguyễn Đình Thi, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam;
- Giang Nam, nhà thơ, Ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam.
- Trần Hoàn, nhạc sĩ, Hội trưởng Hội Văn nghệ tỉnh Bình Trị Thiên.
- Phan Huỳnh Điểu, Ủy viên thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
- Phạm Tuân, Phó Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam.
Trong phiên họp đó, cũng đã thành lập một Ban thường trực chung cho cả Ban vận động và Hội đồng giám khảo gồm các đồng chí: Cù Huy Cận, Lưu Hữu Phước, Phạm Đình Sáu, Đỗ Nhuận, Huy Du, Phạm Tuân.
Ban thường trực chung đã cử một Ban Thư ký giúp việc gồm ba người: Đồng chí Quốc Anh (nhạc sĩ công tác ở Vụ Âm nhạc và Múa) đồng chí Cầm Phong (nhạc sĩ, công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam) đồng chí Tú Ngọc (nhạc sĩ, công tác ở Ban Văn hóa - Văn nghệ của Đảng).
Ban vận động đã họp và quyết định:
1. Mọi công dân Việt Nam đều có quyền dự thi sáng tác Quốc ca mới.
Tác giả dự thi có thể là một người, một nhóm hoặc một tập thể và có thể gửi một bài hoặc nhiều bài dự thi.
2. Những bài hát được sáng tác từ sau Đại thắng mùa Xuân 1975 phù hợp với yêu cầu về nội dung và hình thức nêu ở trên đều có thể dự thi.
3. Thời hạn gửi bài dự thi: Từ ngày 19-5-1981 đến ngày 19-12-1981.
Sau khi thành lập Ban vận động, Hội đồng giám khảo và Ban thường trực, Ban vận động đã mời giới nhạc sĩ sáng tác có mặt ở Hà Nội họp bàn về cuộc thi này (họp tại trụ sở của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Đồng chí Xuân Thủy đã nói rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc thi sáng tác Quốc ca mới. Chúng tôi nêu lại những điểm cơ bản mà Chủ tịch Trường Chinh đã hướng dẫn. Trong không khí hào hứng, mọi người đã nhất trí tán thành chủ trương mở cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới. Có một điểm về thể lệ đã được thảo luận sôi nổi: Đó là vấn đề lúc chấm bài thi có rọc phách hay không? Sau một cuộc trao đổi ý kiến dồi dào, mọi người đã nhất trí: theo kinh nghiệm của nhiều cuộc thi văn nghệ trong nước và trên quốc tế, cuộc thi này nêu công khai tên tác giả trong cả quá trình tuyển chọn.
Một điểm khác trong thể lệ cũng được định rõ: những người ở trong Hội đồng giám khảo mà có bài dự thi, thì lúc bàn đến bài của mình, không ngồi dự, và lúc bỏ phiếu chọn bài, thì không được bỏ phiếu cho bài của mình (phiếu kín, nhưng mỗi phiếu có ghi tên của người bỏ phiếu).
Các điểm khác của thể lệ đều đã đăng báo, phát thanh, chúng tôi xin phép không nhắc lại ở đây.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Lưu Hữu Phước cũng đã có một cuộc họp tương tự với các nhạc sĩ sáng tác trong đó.
Sau khi công bố cuộc thi và thể lệ thi, Ban vận động đã có những bài giải thích trên báo và trên đài về ý nghĩa của cuộc vận động và về thể lệ của cuộc thi.
Từ sau ngày 19-5-1981, bài dự thi đã được gửi về dồn dập. Hằng tháng, chúng tôi đã có báo cáo với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Quốc hội về tình hình tiến triển của cuộc vận động.
Đến hết ngày 19-12-1981, Ban vận động đã nhận được cả thẩy 1.420 bài của 1.181 tác giả. Trong số này, có 625 bài có đủ cả nhạc và lời ca, 795 bài thơ, từ, văn; trong 1.181 tác giả, có 173 nhạc sĩ chuyên nghiệp và 10 nhà thơ. Việc hưởng ứng của nhân dân đối với cuộc thi này có nhiều nét cảm động: có cụ già gửi hàng chục bài thơ để “nói hết tấm lòng với Tổ quốc”; có những cặp vợ chồng, vợ viết nhạc, chồng viết lời ca để dự thi...; còn các nhạc sĩ thì ai nấy đều xác định rằng sáng tác bài dự thi là làm một nhiệm vụ đối với Tổ quốc, là bày tỏ tấm lòng đối với cách mạng.
Dưới đây, Ban vận động và Hội đồng giám khảo xin trân trọng báo cáo với Quốc hội về công việc sơ tuyển đã làm và kết quả đạt được như sau:
A- PHƯƠNG PHÁP VÀ KẾT QUẢ SƠ TUYỂN VÒNG I
[sửa]Trong gần 7 tháng liên tục (từ đầu tháng 8-1981 đến ngày 23-3-1982), bộ phận thường trực của Hội đồng giám khảo với sự giúp sức của Ban thư ký, theo đúng thể thức chấm thi vòng I, đã tiến hành như sau:
1. Sau khi bàn kỹ và thống nhất ý kiến về các tiêu chuẩn chấm thi và tuyển chọn, từng đồng chí trong Ban thường trực đọc kỹ từng bài. Các ủy viên Hội đồng giám khảo là nhạc sĩ, sau khi đọc kỹ lời ca, còn xướng âm giai điệu nhạc vài ba lượt rồi hát lời ca theo đúng giai điệu, đánh đàn để nghe riêng giai điệu. Như vậy, trung bình mỗi bài được đọc lời ca, đàn, hát tất cả khoảng từ 8 đến 10 lượt, có trường hợp tới 15, 20 lượt. Sau đó, các ủy viên ghi nhận xét riêng, cân nhắc kỹ, rồi ghi dự kiến bỏ phiếu cho từng bài và chuyển cho Ban thư ký.
2. Ban thư ký tập hợp các dự kiến, chuẩn bị nội dung cho các cuộc họp chấm thi tập thể của toàn bộ phận thường trực Hội đồng giám khảo.
3. Hằng tuần, trong ngày họp chấm thi tập thể định kỳ, Ban thư ký báo cáo tổng hợp các dự kiến bỏ phiếu của các ủy viên thường trực Hội đồng giám khảo (thí dụ: Bài X được bao nhiêu phiếu đồng ý đưa vào vòng II, bao nhiêu phiếu loại bỏ, hoặc bao nhiêu phiếu có ý kiến phân vân, chưa quyết định dứt khoát, lý do vì sao...). Trừ những trường hợp các bài được toàn bộ các ủy viên thường trực Hội đồng giám khảo nhất trí tuyển chọn đưa vào vòng II, còn các bài khác đều được nêu ra để trao đổi ý kiến, nhận xét mặt mạnh, mặt yếu của từng bài đối với các tiêu chuẩn cần có của một bài Quốc ca.
4. Sau khi thảo luận và lắng nghe một cách nghiêm túc ý kiến của nhau, các ủy viên thường trực Hội đồng giám khảo chính thức bỏ phiếu kín về các bài dự kiến đưa vào vòng II. Những bài được toàn bộ hoặc quá nửa số phiếu tán thành, thì được chính thức đưa vào vòng II.
5. Theo đúng thể lệ, các ủy viên Hội đồng giám khảo có bài dự thi, thì không dự cuộc thảo luận về bài của mình và không bỏ phiếu cho bài của mình.
6. Theo đúng thể lệ, tất cả những ý kiến thảo luận và số phiếu bỏ cho từng bài đều được giữ bí mật, không được tiết lộ ra ngoài. Chỉ công bố kết quả tuyển chọn trong nội bộ Hội đồng giám khảo để chuẩn bị cho việc chấm thi vòng II của toàn thể Hội đồng giám khảo.
Sau gần 7 tháng làm việc nghiêm túc, thận trọng, bộ phận thường trực Hội đồng giám khảo đã sơ tuyển vòng I được 74 bài của 74 tác giả (58 tác giả soạn nhạc chuyên nghiệp và 16 tác giả soạn nhạc không chuyên, trong đó có một nữ giáo viên dạy văn ở cấp III phổ thông trung học và chồng là giáo viên dạy toán cùng trường, cùng làm chung nhạc và lời, có một sĩ quan công an, hai sĩ quan quân đội, một vụ trưởng của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, một linh mục...).
Toàn thể Hội đồng giám khảo đã nghe báo cáo kỹ về việc tuyển chọn vòng I và đã nhất trí thông qua kết quả sơ tuyển vòng II.
B- PHƯƠNG PHÁP VÀ KẾT QUẢ SƠ TUYỂN VÒNG II
[sửa]Việc sơ tuyển vòng II được tiến hành như sau:
1. Tất cả 74 bài được sơ tuyển vòng I đều đã được dàn dựng và thu thanh theo hình thức biểu diễn đơn ca hoặc song ca đệm bằng đàn pianô (dùng hình thức đơn ca là để nghe rõ lời). Mỗi bài còn được sao chép để gửi tới từng ủy viên Hội đồng giám khảo.
2. Sau khi nghe bộ phận thường trực báo cáo về công việc đã làm và kết quả sơ tuyển, cách quán triệt và vận dụng các tiêu chuẩn, nhận xét, đánh giá chung các bài, kinh nghiệm chấm thi vòng I, toàn thể Hội đồng giám khảo đã nghe toàn bộ 74 bài, mỗi bài nghe ba lần. Mỗi Ủy viên Hội đồng giám khảo còn tự đọc, xướng âm, hát, phân tích thêm các bài. Hội đồng giám khảo đã làm việc như vậy liên tục trong bảy ngày vào cuối tháng 3-1982.
3. Trong những buổi làm việc tiếp vào các ngày 01-4, 03-4, 19-4 và 22-4, toàn thể Hội đồng đã một lần nữa thảo luận để cùng nhất trí với tiêu chuẩn tuyển chọn bài, đã bỏ phiếu kín, chọn được 17 bài đưa vào vòng III. Các bài ấy được xếp theo thứ tự A, B, C của tên các tác giả như sau:
1- Việt Nam - Việt Nam (nhạc của Văn An, lời của Tạ Hữu Yên - Văn An).
2- Việt Nam nắng hồng (nhạc của Hồ Bắc, lời thơ của Xuân Thủy).
3- Quốc ca Việt Nam (của Trọng Bằng).
4- Tổ quốc ta (nhạc của Lưu Cầu, lời của Diệp Minh Tuyền).
5- Vinh quang Việt Nam (của Huy Du).
6- Mở hướng tương lai (của Vân Đông).
7- Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh (của Ngô Sĩ Hiển).
8- Việt Nam bốn ngàn năm lịch sử (của Nguyễn Thị Lan và Trần Ngọc Huy).
9- Việt Nam non nước ngàn năm (của Chu Minh).
10- Việt Nam Tổ quốc ta (của Đỗ Nhuận).
11- Tổ quốc (của Nguyên Nhung).
12- Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (nhạc của Lưu Hữu Phước, lời của Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiểng).
13- Việt Nam quang vinh (nhạc của Phạm Đình Sáu, ý thơ của Xuân Thủy).
14- Ngợi ca đất nước (của Nguyễn Trọng Tạo).
15- Việt Nam nắng hồng (nhạc của Ngô Quốc Tính, lời thơ của Xuân Thủy).
16- Tổ quốc vinh quang (của Nguyễn Đức Toàn).
17- Quốc ca Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (của Hoàng Vân).
4. Cũng như vòng trước, theo đúng thể lệ, ủy viên Hội đồng giám khảo có bài dự thi, không bỏ phiếu cho bài của mình.
Các bài hát nói trên đã được phối âm, phối khí và dàn dựng thu thanh (một lần hát đơn ca, một lần hòa tấu nhạc, một lần hát hợp xướng đệm bằng dàn nhạc; cả ba lần trình diễn và thu thanh liền nhau).
Ngày 23-4-1982, Ban vận động và Hội đồng giám khảo đã báo cáo với Hội đồng Nhà nước về quá trình vận động, chấm thi và kết quả sơ tuyển. Ngày 28-5, chúng tôi lại được báo cáo với Hội đồng Nhà nước bằng băng ghi âm 17 bài đã được sơ tuyển. Qua hai lần báo cáo, Hội đồng Nhà nước đã đánh giá tốt công tác của Ban vận động và của Hội đồng giám khảo, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần hào hứng sáng tác của tất cả những người dự thi, chuyên nghiệp và không chuyên, người làm nhạc cũng như người làm thơ, làm lời ca.
Hội đồng Nhà nước đã quyết định: Ban vận động và Hội đồng giám khảo sẽ báo cáo trước Quốc hội (trong kỳ họp này) về kết quả sơ tuyển và trình bày 17 bài ấy để Quốc hội nghe.
Sau khi Quốc hội nghe, chúng tôi có kế hoạch giới thiệu rộng rãi 17 bài để trưng cầu ý kiến của nhân dân.
Các cuốn băng ghi âm 17 bài cũng sẽ được in gửi tới các Đài truyền thanh các tỉnh, thành phố để phát thanh trực tiếp tại địa phương theo những quy định chung. Mẫu trưng cầu ý kiến nhân dân sẽ được phát thanh cùng với 17 bài, phát thanh ở Đài Trung ương và các đài địa phương.
Dự kiến đầu tháng 7-1982 sẽ bắt đầu phát thanh ở Đài Trung ương và các địa phương 17 bài được sơ tuyển. Các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Tạp chí Âm nhạc, v.v. sẽ lần lượt đăng giới thiệu rộng rãi các bài sơ tuyển, kèm theo mẫu trưng cầu ý kiến. Các tập 17 bài ấy cũng sẽ được gửi tới các địa phương, các ngành, các đoàn thể. Các tổ, đội văn nghệ sẽ dạy hát rộng rãi các bài này. Sẽ có kế hoạch lấy ý kiến nhân dân ở một số trọng điểm: một số thành phố, xí nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, trường học, đơn vị quân đội, địa phương miền núi.
Nhân dịp này, chúng tôi trân trọng đề nghị với Quốc hội giao cho các Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, thành phố, đặc khu, trách nhiệm thu thập ý kiến của nhân dân địa phương mình để báo cáo lên Hội đồng Nhà nước và Quốc hội (và xin đề nghị gửi một bản báo cáo ấy cho Hội đồng giám khảo).
Bốn tháng sau khi chính thức giới thiệu và trưng cầu ý kiến nhân dân bằng các hình thức như trên, cuối tháng 10-1982, Ban vận động và Hội đồng giám khảo sẽ tập hợp ý kiến nhân dân để báo cáo lên Hội đồng Nhà nước và Quốc hội.
Hội đồng giám khảo căn cứ vào ý kiến nhận xét của nhân dân, sẽ họp thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng rồi bỏ phiếu kín chọn ra 5 bài khá nhất; sau đó, mời các tác giả của 5 bài này tới để truyền đạt ý kiến của nhân dân, đồng thời góp ý kiến sửa chữa, nâng cao (nếu thấy cần thiết). Sau khi tác giả đã sửa chữa bài, sẽ tiến hành việc dàn dựng thu thanh lại 5 bài đó, trình Hội đồng Nhà nước và Quốc hội để xét chọn bài xứng đáng làm Quốc ca mới.
Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội rằng anh em nhạc sĩ đã hứa sẽ chung sức đóng góp để nâng 5 bài này lên cho thật hay, bất cứ bài đó do ai sáng tác. Ao ước chung và phấn đấu chung của anh em là làm sao có được bài xứng đáng để Quốc hội chọn làm Quốc ca mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Kính thưa Quốc hội,
Các bài dự thi mà chúng tôi sẽ trình bày Quốc hội nghe lần này đã hay và đạt đến mức nào, thì chúng tôi trân trọng chờ đón nhận xét của nhân dân và của các đại biểu Quốc hội.
Kết thúc báo cáo này, chúng tôi chỉ xin thưa với Quốc hội rằng: với tư cách là Ban vận động và Hội đồng giám khảo được nghe đi nghe lại rất nhiều lần các bài ấy, chúng tôi đã xúc động và thấy quý vô cùng tấm lòng của các tác giả, tấm lòng của những nghệ sĩ - chiến sĩ đã biết lắng lại để cảm nghĩ những vấn đề lớn, những điều thiêng liêng của Tổ quốc ta, của dân tộc ta, của sự nghiệp cách mạng vinh quang của Đảng và nhân dân ta trong giai đoạn mới này.
Chúng tôi trân trọng đề nghị Quốc hội biểu dương tinh thần trách nhiệm đối với Tổ quốc, đối với nhân dân của giới sáng tác (sáng tác nhạc và sáng tác thơ), đã hào hứng nhiệt tình tham gia đông đảo cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới mà Quốc hội đã đề ra.
Buổi tối hôm nay, chúng tôi xin lần lượt trình bày qua băng ghi âm 17 bài dự thi sáng tác Quốc ca đã được sơ tuyển.
Xin cảm ơn các đồng chí đại biểu.
Tác phẩm này được giả định rằng nó được phát hành vào phạm vi công cộng dưới hình thức một bản tuyên ngôn, diễn văn hoặc thư ngỏ công khai mà không được cấp phép bản quyền.
Nếu phát hiện một tác phẩm được cấp phép bản quyền, tác phẩm đó nên được tẩy trống và thảo luận tại có thể vi phạm bản quyền. Bản mẫu này chỉ nên dùng sau khi đã xác minh rằng tác phẩm không được cấp phép bản quyền.
Bản mẫu này đang gây tranh cãi tại Wikisource tiếng Anh, vì vậy tốt nhất đừng sử dụng bản mẫu này.