Bình Ngô đại cáo (Trần Trọng Kim dịch)

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
Bình Ngô đại cáo  (1920) 
của Nguyễn Trãi, do Trần Trọng Kim dịch

Bản dịch trong Việt Nam sử lược/Quyển I/Phần III/Chương XIV.

Xem thêm:

Tượng-mảng:

Việc nhân-nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt chỉ vì khử bạo. Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn-hiến đã lâu. Sơn-hà cương-vực đã chia, phong-tục bắc nam cũng khác. Từ Đinh, , , Trần, gây nền độc-lập; cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng-cứ một phương. Dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào-kiệt đời nào cũng có.

Vậy nên:

Lưu Cung sợ uy mất vía, Triệu Tiết nghe tiếng giật mình. Cửa Hàm-tử giết tươi Toa Đô, sông Bạch-đằng bắt sống Ô Mã. Xét xem cổ-tích, đã có minh-trưng[1].

Vừa rồi:

họ Hồ chính-sự phiền-hà, để trong nước nhân-dân oán bạn. Quân cuồng Minh đã thừa cơ tứ ngược[2], bọn gian-tà còn bán nước cầu vinh. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung-tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai-vạ. Chước dối đủ muôn nghìn khóe, ác chứa ngót hai mươi năm. Bại nhân-nghĩa, nát cả càn-khôn, nặng khoa-liễm[3] vét không sơn trạch. Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò châu, nào hố bẫy hươu đen, nào lưới dò chim sả. Tàn-hại cả côn-trùng thảo-mộc; nheo-nhóc thay quan quả điên-liên[4]. Kẻ há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no-nê chưa chán. Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục-dịch cho vừa. Nặng-nề về những nỗi phu-phen, bắt-bớ mất cả nghề canh-cửi. Độc-ác thay! trúc rừng không ghi hết tội; dơ-bẩn thay ! nước bể không rửa sạch mùi. Lẽ nào trời đất tha cho, ai bảo thần-nhân nhịn được.

Ta đây:

Núi Lam-sơn dấy nghĩa, chốn hoang-dã nương mình. Ngắm non sông căm nỗi thế thù, thề sống chết cùng quân nghịch-tặc. Đau lòng nhức óc, chốc là mười mấy nắng mưa; nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối. Quên ăn vì giận, sách lược-thao suy-xét đã tinh; ngẫm trước đến nay, lẽ hưng-phế đắn-đo càng kỹ. Những trằn-trọc trong cơn mộng-mị, chỉ băn-khoăn một nỗi đồ-hồi. Vừa khi cờ nghĩa dấy lên, chính lúc quân thù đang mạnh.

Lại ngặt vì:

Tuấn-kiệt như sao buổi sớm, nhân-tài như lá mùa thu. Việc bôn-tẩu thiếu kẻ đỡ-đần, nơi duy-ác hiếm người bàn-bạc. Đôi phen vùng-vẫy, vẫn đăm-đăm con mắt dục đông[5]; mấy thủa đợi-chờ, luống đằng-đẵng cỗ xe hư tả[6]. Thế mà trông người, người càng vắng-ngắt, vẫn mịt-mờ như kẻ vọng dương[7]; thế mà tự ta, ta phải lo toan, thêm vội-vã như khi chửng-nịch[8]. Phần thì giận hung-đồ ngang-dọc, phần thì lo quốc-bộ khó-khăn. Khi Linh-sơn lương hết mấy tuần; khi Khôi-huyện quân không một lữ. Có lẽ trời muốn trao cho gánh nặng, bắt trải qua bách chiết thiên ma; cho nên ta cố-gắng gan bền, chấp hết cả nhất sinh thập tử. Múa đầu gậy, ngọn cờ phất-phới, ngóng vân-nghê bốn cõi đan hồ. Mở tiệc quân, chén rượu ngọt-ngào, khắp tướng-sĩ một lòng phụ tử. Thế giặc mạnh, ta yếu mà ta địch nổi; quân giặc nhiều, ta ít mà ta được luôn.

Dọn hay:

Đem đại nghĩa để thắng hung-tàn, lấy chí nhân mà thay cường-bạo. Trận Bồ-đằng sấm vang sét dậy, miền Trà-lân trúc phá tro bay. Sĩ-khí đã hăng, quân thanh càng mạnh. Trần Trí, Sơn Thọ mất vía chạy tan; Phương Chính, Lý An tìm đường trốn-tránh. Đánh Tây-kinh phá tan thế giặc, lấy Đông-đô thu lại cõi xưa. Dưới Ninh-kiều máu chảy thành sông; bến Tụy-động xác đầy ngoài nội. Trần Hiệp đã thiệt mạng, Lý Lương lại phơi thây. Vương thông hết cấp lo lường, Mã Anh khôn đường cứu đỡ. Nó đã trí cùng lực kiệt, bó tay không biết tính sao; ta đây mưu phạt tâm công, chẳng đánh mà người chịu khuất. Tưởng nó phải thay lòng đổi dạ, hiểu lẽ tới lui; ngờ đâu còn kiếm kế tìm phương, gây mầm tội-nghiệt. Cậy mình là phải, chỉ quen đổ vạ cho người; tham công một thời, chẳng bỏ bày trò dơ-duốc. Đến nỗi đứa trẻ ranh như Tuyên-đức[9], nhàm võ không thôi; lại sai đồ nhút-nhát như Thạnh, Thăng, đem dầu chữa cháy. Năm đinh-mùi tháng chín, Liễu Thăng từ Khâu-ôn tiếng sang; lại năm nay tháng mười, Mộc Thạnh tự Vân-nam kéo đến. Ta đã điều binh giữ hiểm để ngăn lối Bắc-quân; ta lại sai tướng chẹn ngang để tuyệt đường lương-đạo. Mười tám, Liễu Thăng thua ở Chi-lăng, hai mươi, Liễu Thăng chết ở Mã-yên. Hai-mươi-lăm, Lương Minh trận vong; hai-mươi-tám, Lý Khánh tự vẫn. Lưỡi dao ta đang sắc, ngọn giáo giặc phải lùi. Lại thêm quân bốn mặt vây thành, hẹn đến rằm tháng mười diệt tặc. Sĩ-tốt ra oai tì hổ, thần-thứ đủ mặt trảo nha. Gươm mài đá, đá núi cũng mòn; voi uống nước, nước sông phải cạn. Đánh một trận sạch không kình-ngạc, đánh hai trận tan-tác chim-muông. Cơn gió to trút sạch lá khô, tổ kiến hổng sụt toang đê cũ. Thôi Tụ phải quì mà xin lỗi, Hoàng Phúc tự trói để ra hàng. Lạng-giang, Lạng-sơn thây chất đầy đường, Xương-giang, Bình-than máu trôi đỏ nước. Gớm-ghê thay! sắc phong-vân cũng đổi; thảm-đạm thay! sáng nhật-nguyệt phải mờ. Binh Vân-nam nghẽn ở Lê-hoa, sợ mà mất mật; quân Mộc Thạnh tan chưn Cần-trạm, chạy để thoát thân. Suối máu Lãnh-câu, nước sông rền-rĩ; thành xương Đan-xá, cỏ nội đầm-đìa. Hai mặt cứu binh, cắm đầu trốn chạy; các thành cùng khấu, cởi giáp xuống đầu. Bắt tướng giặc mang về, nó đã vẫy đuôi phục tội; thể lòng trời bất sát, ta cũng mở đường hiếu sinh. Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến bể chưa thôi trống ngực. Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến Tàu còn đổ mồ-hôi. Nó đã sợ chết cầu hòa, ngỏ lòng thú-phục; ta muốn toàn quân là cốt, cả nước nghỉ-ngơi.

Thế mới là mưu-kế thật khôn, vả lại suốt xưa nay chưa có. Giang-san từ đây mở mặt, xã-tắc từ đây vững nền. Nhật-nguyệt hối mà lại minh, càn-khôn bĩ mà lại thái. Nền vạn thế xây nên chăn-chắn, thẹn nghìn thu rửa sạch làu-làu. Thế là nhờ trời đất tổ-tông khôn-thiêng che-chở, giúp-đỡ cho nước ta vậy.

Than ôi!

Vẫy-vùng một mảng nhung-y nên công đại-định, phẳng-lặng bốn bề thái-vũ mở hội vĩnh-thanh. Bá-cáo xa gần, ngỏ cùng nghe biết.

   




Chú thích

  1. Minh-trưng: chứng-cớ rõ-ràng
  2. Tứ-ngược: Hết sức tàn ngược
  3. Khoa-liễm: Thuế-má
  4. Quan: Người không vợ; quả: người góa chồng; điên-liên: những kẻ không có nhà ở, không trông-cậy vào đâu được.
  5. Dục đông: Ý nói muốn về Đông-đô
  6. Hư tả: Cỗ xe không bên trái để đợi người hiền
  7. Vọng dương: Trông ra biển không thấy gì
  8. Chửng-nịch: Vớt người chết đuối
  9. Vua Tuyên-tông nhà Minh, niên-hiệu Tuyên-đức.


 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)