Bước tới nội dung

Bản ghi nhớ giữa Cục Sở hữu trí tuệ Vương quốc Thái Lan và các cơ quan liên quan của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về hợp tác thúc đẩy và bảo hộ sở hữu trí tuệ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bản ghi nhớ giữa Cục Sở hữu trí tuệ Vương quốc Thái Lan và các cơ quan liên quan của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về hợp tác thúc đẩy và bảo hộ sở hữu trí tuệ

Đây là bản dịch không chính thức của Cục Bản quyền tác giả.

Cục Sở hữu trí tuệ trực thuộc Bộ Thương mại Vương quốc Thái Lan (sau đây gọi tắt là "DIP") và Cục Sở hữu trí tuệ trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Bản quyền tác giả văn học – nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin và Cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Thương mại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là "Các cơ quan có liên quan của Việt Nam"), sau đây gọi là "Các Bên";

Nhắc lại chuyến thăm Việt Nam từ ngày 24-25/09/2003, trong dịp đó Ông Wanata Muangsonk - Thứ trưởng Bộ Thương mại Vương quốc Thái Lan đã hội đàm với Ông Trương Đình Tuyển - Bộ trưởng Bộ Thương mại, Ông Hoàng Văn Huây - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Ông Lê Tiến Thọ - Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhận thấy rằng sở hữu trí tuệ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bởi vậy trong khi cần thiết phải hợp tác chặt chẽ hơn nhằm sáng tạo tài sản trí tuệ mới cũng như sử dụng các tài sản hiện có vì sự phát triển kinh tế của hai nước, cũng cần phải hợp tác chặt chẽ hơn để giải quyết tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ tại cả hai nước;

Đồng ý như sau:

Điều 1 Thành lập đầu mối

[sửa]

Hai Bên sẽ thành lập Đầu mối nhằm phối hợp việc triển khai Bản ghi nhớ cũng như nhận và chuyển thông tin, tin tức và cập nhật về sự phát triển sở hữu trí tuệ của mỗi bên:

Về phía DIP:

Phòng Thúc đẩy và Phát triển sở hữu trí tuệ

Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan, Bộ Thương mại

44/100 Sanambin Nam Road, Tumbol Bangkasor

Ampur Muang, Nonthaburi 11000, Thailand

Tel: (66-2) 547 4650, 547 4655

Fax: (66-2) 547 4651

E-mail:

Về phía Các cơ quan liên quan của Việt Nam:

Phòng Hợp tác quốc tế

Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam

384-386 đường Nguyễn Trãi, Hà Nội, Việt Nam

Tel: (84 4) 5588217, 558 8774, 858 3425,

Fax: (84 4) 858 4002, 858 8449

E-mail:

Điều 2 Phạm vi hợp tác

[sửa]

Nhằm phát huy tính tích cực của hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ, thúc đẩy việc sáng tạo ra những tài sản trí tuệ mới và bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ sẵn có của Thái Lan và Việt Nam, việc hợp tác có thể bao gồm, nhưng không chỉ hạn chế, trong các lĩnh vực sau: sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả và quyền liên quan và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Điều 3 Trao đổi thông tin và kinh nghiệm

[sửa]

Nhằm hỗ trợ công tác quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như làm cho các chủ thể quan tâm tới hoạt động sở hữu trí tuệ của Thái Lan và Việt Nam hiểu rõ để sử dụng hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ tại mỗi nước, hai Bên nhất trí duy trì thường xuyên việc trao đổi thông tin sở hữu trí tuệ. Thông tin về sở hữu trí tuệ có thể bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn, ở các thông tin sau:

  • Luật và các quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ;
  • Thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ;
  • Chính sách và biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ;
  • Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại mỗi nước;
  • Bất kỳ thông tin hữu ích khác đối với các cơ quan quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như người nộp đơn tại mỗi nước.

Hai Bên sẽ đẩy mạnh việc trao đổi kinh nghiệm về tất cả các vấn đề liên quan đến quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại mỗi nước cũng như thảo luận các vấn đề mà hai Bên cùng quan tâm, được thực hiện dưới hình thức trao đổi thông tin, gặp gỡ, tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, thăm quan, khảo sát…

Điều 4 Sáng chế và giải pháp hữu ích

[sửa]

Nhằm tăng số đơn đăng ký và số văn bằng bảo hộ được cấp cho sáng chế và giải pháp hữu ích của mỗi nước tại nước kia, hai Bên nhất trí:

  • Tiến hành các hoạt động cần thiết nhằm đơn giản hoá các thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế/giải pháp (mẫu) hữu ích, bao gồm cả việc xem xét một thoả thuận về chấp nhận ngày ưu tiên giữa hai Bên, trao đổi danh sách đơn đăng ký của nước này nộp vào nước kia để mỗi Bên, trong phạm vi pháp luật của mỗi nước cho phép, tạo thuận lợi cần thiết khi tiến hành các thủ tục xét nghiệm những đơn này.

Điều 5 Nhãn hiệu hàng hoá

[sửa]

Nhằm tăng số đơn đăng ký và số văn bằng bảo hộ được cấp cho nhãn hiệu hàng hoá của mỗi nước tại nước kia, hai Bên nhất trí:

  • Tiến hành các hoạt động cần thiết nhằm đơn giản hoá các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, trao đổi danh sách đơn đăng ký của nước này nộp vào nước kia để mỗi Bên, trong phạm vi pháp luật của mỗi nước cho phép, tạo thuận lợi cần thiết khi tiến hành các thủ tục xét nghiệm những đơn này;
  • Quy định thủ tục bảo hộ các nhãn hiệu nổi tiếng được hai Bên trao đổi với nhau mà kết quả là đăng bạ hoặc từ chối nếu xác định có dụng ý xấu, trước mắt có thể trao đổi 5 nhãn hiệu nổi tiếng đầu tiên trong năm 2005.

Điều 6 Kiểu dáng công nghiệp

[sửa]

Nhằm tăng số đơn đăng ký và số văn bằng bảo hộ được cấp cho kiểu dáng công nghiệp của mỗi nước tại nước kia, hai Bên nhất trí:

  • Tiến hành các hoạt động cần thiết nhằm đơn giản hoá các thủ tục đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, bao gồm cả việc xem xét một thoả thuận về chấp nhận ngày ưu tiên giữa hai Bên, trao đổi danh sách đơn đăng ký của nước này nộp vào nước kia để mỗi Bên, trong phạm vi pháp luật của mỗi nước cho phép, tạo thuận lợi cần thiết khi tiến hành các thủ tục xét nghiệm những đơn này.

Điều 7 Chỉ dẫn địa lý

[sửa]

Nhận thấy rằng cả Thái Lan và Việt Nam đều có nhiều nguồn tài nguyên có ý nghĩa quan trọng và góp phần tạo nên đặc thù địa lý của sản phẩm của hai nước, các Bên nhất trí:

  • Thiết lập một hệ thống bảo hộ phù hợp đối với các sản phẩm có nguồn gốc địa lý của mỗi nước, bắt đầu bằng việc trao đổi danh mục 3 sản phẩm có chỉ dẫn nguồn gốc địa lý cần bảo hộ.

Điều 8 Quyền tác giả và quyền liên quan

[sửa]

Nhận thấy rằng ở cả Thái Lan và Việt Nam có nhiều tác phẩm có tính sáng tạo cần được bảo hộ, hai Bên nhất trí tiến hành các hoạt động sau:

  • Tổ chức các diễn đàn thảo luận các nội dung liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền tác giả và quyền liên quan tại mỗi nước, bao gồm cả phần mềm máy tính, nếu thấy cần thiết;
  • Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức của Việt Nam và Thái Lan trong việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, phù hợp với luật pháp của mỗi nước;
  • Trong quá trình thực hiện Bản ghi nhớ giữa Cục Sở hữu trí tuệ Vương quốc Thái Lan và Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, ký ngày 07/11/1996, nếu có bất kỳ nội dung nào trái với Bản Ghi nhớ này thì hiệu lực thi hành của Bản Ghi nhớ này là cao hơn.

Điều 9 Thực thi quyền sở hữu trí tuệ

[sửa]

Nhằm ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt việc buôn bán hàng giả qua biên giới giữa hai nước, hai Bên thống nhất đẩy mạnh công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại mỗi nước cũng như phối hợp thực thi giữa hai nước, bao gồm, trong số đó, các hoạt động sau:

  • Tiến hành các biện pháp thực thi kịp thời trong trường hợp phát hiện các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được nhập khẩu vào hay xuất khẩu từ mỗi nước hoặc khi phát hiện được nhập khẩu từ nước thứ ba. Các biện pháp thực thi này gồm: các biện pháp tạm thời, biện pháp kiểm soát biên giới, biện pháp dân sự và biện pháp hành chính;
  • Tiến hành xử lý theo quy định của nước sở tại khi phát hiện các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc thương nhân của nước kia có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại nước sở tại, đồng thời thông báo cho cơ quan chức năng của nước kia biết về hành vi vi phạm và cách thức xử lý;
  • Hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp của mỗi nước trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, khuyến khích đầu tư và thương mại giữa hai nước;
  • Tạo điều kiện thuận lợi cho các Hiệp hội, các tổ chức xã hội chống hàng giả và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mỗi nước hoạt động có hiệu quả;

Điều 10 Điều khoản cuối cùng

[sửa]

Bản ghi nhớ này có hiệu lực kể từ ngày ký và tiếp tục có hiệu lực trừ khi một trong hai Bên có thông báo bằng văn bản cho Bên kia trước ba tháng về việc chấm dứt hiệu lực.

Bản ghi nhớ này có thể được sửa đổi trên cơ sở có sự đồng ý bằng văn bản của các Bên.

Với sự chứng kiến, những người ký tên dưới đây đã ký Bản ghi nhớ này.

Làm tại ... ngày ... thành bốn bản bằng tiếng Anh.

Thay mặt Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan Thay mặt Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam Thay mặt Cục Bản quyền tác giả văn học - nghệ thuật Thay mặt Cục Quản lý thị trường
Cục trưởng Cục trưởng Cục trưởng Cục trưởng

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".