Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền kề cận giữa Cục bản quyền tác giả nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cục bản quyền quốc gia nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền kề cận giữa Cục bản quyền tác giả nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cục bản quyền quốc gia nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa  (1998) 

Cục Bản quyền tác giả nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Và Cục Bản quyền Quốc gia nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa,

- Trên tinh thần hợp tác hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước;

- ý thức được tầm quan trọng của quyền tác giả và quyền kề cận trong việc phát triển các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học;

- Mong muốn thông qua hợp tác trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền kề cận đặt nền móng cho sự phát triển và phồn vinh kinh tế, văn hoá giữa hai nước;

- ý thức được sự cần thiết mở rộng phạm vi hợp tác trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền kề cận;

Hai bên đi đến thoả thuận chung như sau:

Điều 1: Mục tiêu và hoạt động[sửa]

1. Thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền kề cận;

2. Thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền kề cận, bao gồm đào tạo và trao đổi chuyên gia;

3. Đẩy mạnh việc trao đổi thông tin về quyền tác giả và quyền kề cận;

4. Thúc đẩy giải quyết vấn đề chung liên quan đến quyền tác giả và quyền kề cận giữa hai Bên;

5. Thúc đẩy sự bảo hộ lẫn nhau cho công dân hai nước về quyền tác giả và quyền kề cận.

Điều 2: Phạm vi hợp tác[sửa]

1. Trao đổi, phổ biến thông tin, tài liệu có liên quan đến quyền tác giả và quyền kề cận, bao gồm cả mạng thông tin điện tử;

2. Phát triển nguồn nhân lực con người trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền kề cận, bao gồm cả việc đào tạo chuyên gia;

3. Hai bên thông qua những chuyến viếng thăm lẫn nhau để cùng nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm;

4. Tăng cường hợp tác giữa hai Bên trong phạm vi quốc tế về quyền tác giả và quyền kề cận;

5. Thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ của hai nước trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền kề cận.

Điều 3: Trao đổi[sửa]

1. Quan chức của các cơ quan Nhà nước có liên quan về quyền tác giả và quyền kề cận của hai nước sẽ tiến hành gặp gỡ và trao đổi thảo luận trong quá trình hợp tác giữa hai Bên;

2. Hai năm một lần, quan chức hai Bên sẽ tiến hành thăm viếng lẫn nhau.

Điều 4: Điều khoản thi hành[sửa]

1. Điều khoản hợp tác này không những không được gây nguy hại đối với pháp luật và quyền lợi của mỗi Bên, mà còn không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đối với những văn bản pháp luật về quyền tác giả và quyền kề cận mà hai Bên hay nhiều bên ký kết với nhau.

Điều 5: Hiệu lực, sửa đổi và hoàn chỉnh[sửa]

1. Bản ghi nhớ này có hiệu lực khi hai Bên ký kết thông báo cho nhau về việc thực hiện các điều khoản trong Bản ghi nhớ;

2. Hai Bên trao đổi văn bản nhanh chóng theo quy định ở khoản1 Điều này trong Bản ghi nhớ, chậm nhất không quá (06) tháng kể từ ngày hai Bên ký Bản ghi nhớ này;

3. Hai Bên có thể sửa đổi Bản ghi nhớ này thông qua trao đổi văn bản.

Bản ghi nhớ này ký tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 14 tháng 9 năm 1998, được làm thành hai bản, một bản bằng tiếng Trung và một bản bằng tiếng Việt. Hai bản đều có giá trị như nhau.

Cục bản quyền tác giả nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Cục bản quyền quốc gia nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó được miễn trừ theo Điều 5 của Luật Bản quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Các tác phẩm được miễn bảo hộ bảo quyền bao gồm các văn bản của chính phủ Trung Quốc, các văn bản tư pháp và các bản dịch chính thức của chúng; tin tức thời sự (sự kiện thuần túy trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, tạp chí, phát thanh và truyền hình theo Điều 5 Quy định thực hiện Luật Bản quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), cùng với lịch, bảng số, các mẫu thông dụng khác và công thức.