Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2005/Phần 2/Chương XII/Mục 3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Ðiều 195. Quyền định đoạt[sửa]

Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó.

Ðiều 196. Ðiều kiện định đoạt[sửa]

Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp pháp luật có quy định trình tự, thủ tục định đoạt tài sản thì phải tuân theo trình tự, thủ tục đó.

Ðiều 197. Quyền định đoạt của chủ sở hữu[sửa]

Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.

Ðiều 198. Quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu[sửa]

Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo uỷ quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật.

Người được chủ sở hữu uỷ quyền định đoạt tài sản phải thực hiện việc định đoạt phù hợp với ý chí, lợi ích của chủ sở hữu.

Ðiều 199. Hạn chế quyền định đoạt[sửa]

  1. Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do pháp luật quy định.

Khi tài sản đem bán là di tích lịch sử, văn hoá thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua.

Trong trường hợp pháp nhân, cá nhân, chủ thể khác có quyền ưu tiên mua đối với tài sản nhất định theo quy định của pháp luật thì khi bán tài sản, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể đó.