Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2005/Phần 2/Chương XIII/Mục 2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Ðiều 208. Sở hữu tập thể[sửa]

Sở hữu tập thể là sở hữu của hợp tác xã hoặc các hình thức kinh tế tập thể ổn định khác do cá nhân, hộ gia đình cùng góp vốn, góp sức hợp tác sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện mục đích chung được quy định trong điều lệ, theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, dân chủ, cùng quản lý và cùng hưởng lợi.

Ðiều 209. Tài sản thuộc hình thức sở hữu tập thể[sửa]

Tài sản được hình thành từ nguồn đóng góp của các thành viên, thu nhập hợp pháp do sản xuất, kinh doanh, được Nhà nước hỗ trợ hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu của tập thể đó.

Ðiều 210. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc hình thức sở hữu tập thể[sửa]

  1. Việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản thuộc hình thức sở hữu tập thể phải tuân theo pháp luật, phù hợp với điều lệ của tập thể đó, bảo đảm sự phát triển ổn định của sở hữu tập thể.
  2. Tài sản thuộc hình thức sở hữu tập thể được giao cho các thành viên khai thác công dụng bằng sức lao động của mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế chung và lợi ích, nhu cầu của các thành viên.
  3. Thành viên của tập thể có quyền được ưu tiên mua, thuê, thuê khoán tài sản thuộc hình thức sở hữu tập thể.