Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2005/Phần 3/Chương XVII/Mục 5/VII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Ðiều 361. Bảo lãnh[sửa]

Bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.

Ðiều 362. Hình thức bảo lãnh[sửa]

Việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản bảo lãnh phải được công chứng hoặc chứng thực.

Ðiều 363. Phạm vi bảo lãnh[sửa]

Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.

Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Ðiều 364. Thù lao[sửa]

Bên bảo lãnh được hưởng thù lao nếu bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thoả thuận.

Ðiều 365. Nhiều người cùng bảo lãnh[sửa]

Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì họ phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập; bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.

Ðiều 366. Quan hệ giữa bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh[sửa]

  1. Bên nhận bảo lãnh không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn.
  2. Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.

Ðiều 367. Quyền yêu cầu của bên bảo lãnh[sửa]

Khi bên bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi bảo lãnh, nếu không có thoả thuận khác.

Ðiều 368. Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh[sửa]

  1. Trong trường hợp bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định phải liên đới thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
  2. Trong trường hợp chỉ một người trong số nhiều người cùng nhận bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.

Ðiều 369. Xử lý tài sản của bên bảo lãnh[sửa]

Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh.

Ðiều 370. Huỷ bỏ việc bảo lãnh[sửa]

Việc bảo lãnh có thể được huỷ bỏ nếu được bên nhận bảo lãnh đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Ðiều 371. Chấm dứt việc bảo lãnh[sửa]

Việc bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

  1. Nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh chấm dứt;
  2. Việc bảo lãnh được huỷ bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;
  3. Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
  4. Theo thoả thuận của các bên.