Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1999/Chương XXI/Mục B

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng[sửa]

  1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
  2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
  3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 286. Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác[sửa]

  1. Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80Điều 263 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
  2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
  3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 287. Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác[sửa]

  1. Người nào vô ý làm lộ bí mật công tác hoặc làm mất tài liệu bí mật công tác gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 264 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
  2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 288. Tội đào nhiệm[sửa]

  1. Người nào là cán bộ, công chức mà cố ý từ bỏ nhiệm vụ công tác gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
    a) Lôi kéo người khác đào nhiệm;
    b) Phạm tội trong hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai hoặc trong những trường hợp khó khăn đặc biệt khác của xã hội;
    c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
  3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 289. Tội đưa hối lộ[sửa]

  1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:
    a) Có tổ chức;
    b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
    c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
    d) Phạm tội nhiều lần;
    đ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
    e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
  3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:
    a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;
    b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
  4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
    a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
    b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
  5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ.

Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Điều 290. Tội làm môi giới hối lộ[sửa]

  1. Người nào làm môi giới hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
    a) Có tổ chức;
    b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
    c) Biết của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
    d) Phạm tội nhiều lần;
    đ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
    e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
  3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm:
    a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;
    b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
  4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
    a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
    b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
  5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ.
  6. Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Điều 291. Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi[sửa]

  1. Người nào trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
    a) Phạm tội nhiều lần;
    b) Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên;
    c) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.
  3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền hoặc giá trị tài sản đã trục lợi.