Bộ luật Lao động nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1994/Chương XIV/Mục I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bộ luật Lao động nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1994
của Quốc hội Việt Nam
Mục I: Thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Điều 162[sửa]

Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân gồm:

  1. Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động của cơ quan lao động quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) đối với những nơi không có Hội đồng hòa giải lao động cơ sở;
  2. Tòa án nhân dân.

Điều 163[sửa]

  1. Hội đồng hòa giải lao động cơ sở được thành lập trong các doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên, gồm số đại diện ngang nhau của bên người lao động và bên người sử dụng lao động. Số lượng thành viên của Hội đồng do hai bên thỏa thuận.
  2. Nhiệm kỳ của Hội đồng hòa giải lao động cơ sở là hai năm. Đại diện của mỗi bên luân phiên làm Chủ tịch và thư ký Hội đồng. Hội đồng hòa giải lao động cơ sở làm việc theo nguyên tắc thỏa thuận và nhất trí.
  3. Người sử dụng lao động bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động của Hội đồng hòa giải lao động cơ sở.

Điều 164[sửa]

Trình tự hòa giải tranh chấp lao động cá nhân được quy định như sau:

  1. Hội đồng hòa giải lao động cơ sở tiến hành hòa giải chậm nhất bảy ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải. Tại phiên họp hòa giải, phải có mặt hai bên tranh chấp hoặc đại diện được ủy quyền của họ.
  2. Hội đồng hòa giải lao động cơ sở đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Nếu hai bên chấp nhận phương án hòa giải thì lập biên bản hòa giải thành, có chữ ký của hai bên tranh chấp, của Chủ tịch và thư ký Hội đồng hòa giải lao động cơ sở. Hai bên có nghĩa vụ chấp hành các thỏa thuận ghi trong biên bản hòa giải thành.
  3. Trong trường hợp hòa giải không thành, thì Hội đồng hòa giải lao động cơ sở lập biên bản hòa giải không thành, ghi ý kiến của hai bên tranh chấp và của Hội đồng, có chữ ký của hai bên tranh chấp, của Chủ tịch và thư ký Hội đồng. Bản sao biên bản phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày hòa giải không thành. Mỗi bên tranh chấp đều có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện xét xử tranh chấp. Hồ sơ gửi Tòa án nhân dân phải kèm theo biên bản hòa giải không thành.

Điều 165[sửa]

  1. Hòa giải viên lao động tiến hành việc hòa giải theo trình tự quy định tại Điều 164 của Bộ luật này đối với các tranh chấp lao động cá nhân tại các doanh nghiệp sử dụng dưới 10 người lao động, tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động, tranh chấp về thực hiện hợp đồng học nghề và phí dạy nghề.
  2. Hòa giải viên lao động phải tiến hành việc hòa giải chậm nhất bảy ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải.

Điều 166[sửa]

  1. Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân mà Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động hòa giải không thành, khi có đơn yêu cầu của một hoặc hai bên tranh chấp.
  2. Những tranh chấp lao động cá nhân sau đây có thể yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết, không nhất thiết phải qua hòa giải tại cơ sở:
    a) Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
    b) Tranh chấp về bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động.
  3. Người lao động được miễn án phí trong các hoạt động tố tụng để đòi tiền lương, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Điều 167[sửa]

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, kể từ ngày mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm được quy định như sau:

  1. Một năm đối với các tranh chấp lao động quy định tại khoản 2 Điều 166 của Bộ luật này;
  2. Sáu tháng đối với các loại tranh chấp lao động khác.