Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN  (2013) 
của John Kerry, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Phát biểu ngày 27 tháng 9 năm 2013.

BỘ NGOẠI GIAO HOA KỲ

Văn phòng Phát ngôn viên

Dành cho đăng tải ngay

27/9/2013

2013/1307

27 tháng 9 năm 2013

New York, New York

BỘ TRƯỞNG KERRY : Vâng, cảm ơn ông rất nhiều, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Russel. Thật tuyệt vời khi có ông cùng tham gia. Và tôi nghĩ rằng tất cả mọi người ở đây đều đánh giá cao các hoạt động tiếp xúc bên ngoài và các nỗ lực của ông ở khu vực, và tôi biết tất cả mọi người đều tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của ông.

Và thật vui khi cùng ngồi chung bàn với các bạn bè của chúng tôi đến từ các nước ASEAN. Tất cả quý vị đã chào đón tôi rất nồng nhiệt tại cuộc họp đầu tiên của chúng ta khi tôi tham gia cuộc họp đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao. Tôi đã gặp nhiều người trong số quý vị trước đây. Và tôi muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt đến những người bạn của chúng tôi đến từ Brunei, trong đó có Hoàng tử Mohamed. Cảm ơn các bạn rất nhiều về sự đón tiếp tuyệt vời khi tất cả chúng ta có mặt ở đó, và tôi cảm ơn các bạn về công tác lãnh đạo ASEAN trong năm trên cương vị chủ tịch của khối. Tôi cũng xin cảm ơn Myanmar về công việc là điều phối viên quốc gia của Hoa Kỳ, và tôi xin gửi lời cảm ơn trước về việc các bạn sẽ là chủ tịch ASEAN trong năm tới.

Không nghi ngờ gì, ASEAN đã nằm ở trung tâm trong cấu trúc khu vực của Châu Á Thái Bình Dương. Và tổ chức này cũng nằm ở vị trí trung tâm trong chiến lược của Hoa Kỳ về cân bằng các nguồn lực và cam kết của chúng tôi đối với khu vực. Và đó là một ưu tiên của Tổng thống Obama, và tôi vui lòng tiếp tục làm việc về ưu tiên này cùng lúc chúng tôi thực hiện nó. Và toàn bộ Chính quyền toàn tâm toàn ý với sáng kiến ​​này. Tổng thống Obama rất mong quay trở lại khu vực này trong vài ngày, vài tuần tới, để tham gia hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN, và tôi cũng vậy.

Như chúng ta đã thảo luận trong những tháng gần đây, chiến lược của chúng tôi không chỉ là an ninh mà nhiều hơn thế. Chúng tôi đang làm việc để tăng cường tất cả các thành phần trong mối quan hệ của chúng ta, kể cả những liên kết kinh tế trực tiếp giữa các công dân của chúng ta. Củng cố sự thịnh vượng chung của chúng ta thông qua tăng trưởng kinh tế và phát triển là một trong những mục tiêu chính nằm ở trung tâm của mối quan hệ Hoa Kỳ-ASEAN. Và trong thập kỷ này, một nửa trong số 600 triệu người dân sống ở khu vực Đông Nam Á sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu. Vậy như tôi đã nói ở Bandar Seri Begawan hồi tháng 7, chúng ta cần phải làm hết khả năng để giúp những người tràn đầy khát vọng và đông đảo này đạt được ước mơ của mình nhằm tiếp xúc với nền kinh tế toàn cầu, và chúng ta cần phải góp phần xây dựng một cộng đồng kinh tế tích hợp ASEAN vào năm 2015. Đó là mục tiêu của chúng tôi.

Một trong những cách mà chúng tôi đang làm việc để thực hiện điều đó là thông qua mở rộng thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và 11 quốc gia trong khu vực ASEAN. Và Sáng kiến Gắn kết Kinh tế Mở rộng ASEAN, còn gọi là E3, là một khuôn khổ hợp tác kinh tế sẽ tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và công ăn việc làm mới ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương. Tôi vừa có một cuộc họp tốt đẹp với Thủ tướng Việt Nam sáng nay. Ngài Bộ trưởng Ngoại giao đang có mặt ở đây. Và chúng tôi đã nói chuyện về E3 và tầm quan trọng của nó đối với nỗ lực này.

Thông qua các dự án khác, như Sáng kiến ​​Hạ vùng Mekong, mà tôi đặc biệt ủng hộ và tham gia sâu sát, chúng tôi đang cộng tác để giải quyết những thách thức về năng lượng và môi trường - thách thức về nước, nông nghiệp và an ninh lương thực mà không chỉ gói gọn trong đường biên giới của bất kỳ ai. Vì vậy những nỗ lực này có thể cải thiện cuộc sống cho tất cả mọi người trong khu vực trên cơ sở hàng ngày, và chúng ta cần phải đầu tư nhiều hơn nữa trong tương lai, như tất cả quý vị đều biết. Sông Mekong là một trong những con sông lớn của thế giới. Và rất nhiều quốc gia - Trung Quốc, Lào, Campuchia, Việt Nam - đều chia sẻ một số đoạn sông, và mỗi nước có mối quan tâm riêng đến tính toàn vẹn của dòng sông. Vì vậy, chúng ta cần phải tập trung vào thách thức này.

Một mục tiêu khác của chúng tôi hiển nhiên là hòa bình và an ninh. Và chúng tôi ý thức rõ rằng an ninh chung của chúng ta là điều kiện tiên quyết đối với sự thịnh vượng chung của chúng ta. Chúng tôi đang tập trung vào mọi khía cạnh, từ an ninh hàng hải tới an ninh không gian mạng, từ biển khơi tới máy tính của chúng tôi, và hơn thế nữa.

Và khu vực của quý vị là nơi có các cảng nhộn nhịp nhất cũng như các tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới, do đó sự ổn định ở nơi quy vị sống có tầm quan trọng sâu sắc đối với sự thịnh vượng ở nơi chúng tôi sống. Và điều đó có tầm quan trọng trên khắp thế giới. Đó là một trong những lý do tại sao Hoa Kỳ rất cam kết đối với an ninh hàng hải, tự do hàng hải trên các vùng biển, và đối với việc giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ cũng như đạt được một quy tắc ứng xử liên quan đến điều đó.

Điều này sẽ đòi hỏi phải có sự tôn trọng luật pháp quốc tế và thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]. Và đó là lý do tại sao Trung Quốc và ASEAN cần hành động càng nhanh chóng càng tốt để đạt được một bộ quy tắc ưng xử có tính ràng buộc để giải quyết tranh chấp mà không có những lời đe dọa, không có sự ép buộc, và không sử dụng vũ lực.

Cuối cùng, các mối quan hệ giữa các quốc gia chúng ta sẽ chỉ trở nên mạnh mẽ tương đương với các mối quan hệ giữa các công dân của chúng ta. Và đó là lý do tại sao ưu tiên thứ ba trong sáng kiến ​​của chúng tôi là những mối quan hệ nhân dân vững mạnh hơn. Ở khu vực này, thực sự là rất nhiều tin tốt lành. Năm ngoái, chúng tôi đã khởi động các chương trình tiếng Anh Hoa Kỳ-Brunei. Và trong tháng vừa qua, các học giả đầu tiên thuộc Chương trình Fulbright ASEAN đã bắt đầu các hoạt động nghiên cứu của họ. Một trong những chương trình Fulbright lớn nhất thế giới, mà tôi tự hào đã bắt đầu cách đây một vài năm khi tôi còn ở Thượng viện, là chương trình Fulbrights, và đó là một trong những chương trình lớn nhất - tôi cho rằng lớn hàng thứ hai, trên thế giới hiện nay. Và kế đến là Chương trình Fulbright tại Malaysia đang phát triển đáng kể mỗi năm. Và tất cả các chương trình này đều là cơ hội cho vô số sinh viên xây dựng sự kết nối, xây dựng tình bạn, và phát triển các tầm nhìn mới mà họ mang trở về với quốc gia của họ - và tôi có thể nói thêm, đó là những kỹ năng mới, những tài năng mới.

Vì vậy, chúng tôi tập trung cao độ vào ba mục tiêu này. Sự cam kết của Hoa Kỳ, do Tổng thống Obama lãnh đạo, rất mạnh mẽ. Và Hoa Kỳ và ASEAN, theo tôi, đều nhận thấy tiềm năng vô hạn về hợp tác trong khu vực. Tôi tin tưởng rằng quan hệ đối tác của chúng ta có thể đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong thế kỷ 21. Và chúng tôi rất biết ơn tất cả quý vị vì đã dành thời gian đến đây ngày hôm nay để tập trung vào những vấn đề này và tập trung vào mối quan hệ này, và tôi mong đợi tiến hành cuộc thảo luận của chúng ta.

Cảm ơn ông Phó Trợ lý Ngoại trưởng.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: