Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry phát biểu tại Trung tâm Đông Tây về tầm nhìn của Hoa Kỳ với Châu Á Thái Bình Dương

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry phát biểu tại Trung tâm Đông Tây về tầm nhìn của Hoa Kỳ với Châu Á Thái Bình Dương  (2014) 
của John Kerry, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Phát biểu ngày 13 tháng 8 năm 2014.

BỘ NGOẠI GIAO HOA KỲ

Văn phòng Người Phát Ngôn

Để đăng tải ngay

Ngày 13 tháng 8 năm 2014

Honolulu, Hawaii

Ông Morrison: Cám ơn. Xin chào. Tôi muốn chào mừng tất cả các bạn. Với khán giả trực tuyến, và cũng với ngài Bộ Trưởng, tôi muốn mô tả các vị khách có mặt trong cử tọa của chúng ta hôm nay. Chúng ta có sự hiện diện của thị trưởng Honolulu, Mayor Caldwell. Chúng ta có sự hiện diện của thượng nghị sĩ, Mazie Hirono. Các cựu thống đốc George Ariyoshi, và John Waihee cũng có mặt. Nhiều thành viên từ cộng đồng doanh nghiệp, quan hệ công chúng và sở hữu trí tuệ cũng có mặt. Chúng ta sự hiện diện của các cơ quan ngoại giao, các quân nhân, thành viên ban quản trị, nhân viên và những người bạn của Trung Tâm Đông Tây. Quan trọng nhất, chúng ta có sự tham dự của các lãnh đạo tương lai khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tôi vừa mới báo cho ngài Bộ trưởng, tôi nghĩ là hôm qua chúng tôi chào đón 130 người đến tham dự từ Hoa Kỳ và 40 nước khác. Họ có mặt tại đây trong một chương trình rất độc đáo để trang bị trở thành những lãnh đạo tương lai của toàn cầu và khu vực.

Bây giờ, bạn phải giới thiệu như thế nào về một người quá nổi tiếng về tài lãnh đạo và--

Bộ trưởng Kerry: trước tiên, ông nên bảo mọi người ngồi xuống

Ông Morrision: Oh (cười). Xin mời ngồi xuống, vâng. (cười). Cám ơn, ngài Bộ trưởng. Như các bạn cũng đã biết, Bộ trưởng đã phục vụ cả trong chiến tranh lẫn thời bình. Bộ trưởng là thượng nghị sĩ trong 28 năm; 50 triệu người dân Mỹ đã bầu cho ông làm Tổng thống, bao gồm 55 phần trăm người dân Hawaii. (cười và vỗ tay). Từng là cựu nhân viên của Thượng viện, tôi cho rằng cách kiểm tra năng lực hay nhất là xem cuộc điều trần chức vụ bộ trưởng của ngài diễn ra như thế nào. Các vấn đề hiện tại vẫn còn rất gây tranh cãi nhưng người được đề cử thì không. Tôi cho rằng, những gì mà các đồng nghiệp cũ nói về ngài, cả từ phía Cộng Hòa và Dân Chủ, cho một đánh giá chính xác về Bộ trưởng: là người luôn chuẩn bị kỹ càng, sinh ra trong một gia đình ngoại giao, đã phục vụ 28 năm tại Ủy ban Đối Ngoại Thượng Viện, trong đó có bốn năm giữ chức chủ tịch Ủy ban. Ông biết nhiều ngoại ngữ, đến nhiều nước, gặp nhiều lãnh đạo và biết nhiều vấn đề. Ông là người hội tụ cả trí tuệ và đạo đức tuyệt vời. Ông mang niềm tin và sự cảm thông vào công việc và có bầu nhiệt huyết lớn. Tôi nghĩ là ngài vừa thực hiện chuyến thăm thứ bảy đến Châu Á, trên đường trở về. Vì vậy chúng ta muốn chào đón ngài quay trở lại nước Mỹ. Chúng ta chào đón ngài đến với tiểu bang có tính chất Châu á Thái bình dương nhất, chào đón ngài đến với Trung Tâm Đông Tây, trung tâm kết nối cộng đồng với khu vực rộng lớn này, một khu vực rất quan trọng với tương lai của nước Mỹ.

Bộ trưởng Kerry (Vỗ tay)

Bộ trưởng Kerry: Cảm ơn. Xin chào tất cả các bạn. Aloha (xin chào). Thật tuyệt vời có mặt tại Hawaii. Tôi ước là mình cũng được thoải mái trong những chiếc áo xinh đẹp như một vài bạn có mặt hôm nay. (cười). Đây là tôi trong -cái gọi là trang phục của mình- đồng phục, một vài người có thể gọi như vậy. Thật vui khi có mặt tại đây hôm nay. Ngài Thị trưởng, rất vui có mặt cùng ngài tại đây hôm nay. Và Mazie, cám ơn. Thật tuyệt với được gặp ngài tại đây, ngài thượng nghị sĩ. Rất vui được gặp ngài. Cám ơn đã có mặt tại đây. Các ngài Thống đốc, cám ơn rất nhiều đã có mặt tại đây. Các quí ông quí bà, các vị khách quý, tôi cảm thấy thật tuyệt vời và thật vui khi có mặt tại đây. Và chủ tich Morrison, cảm ơn rất nhiều về lời giới thiệu thật là phóng khoáng đó. Tôi thật sự cảm kích.

Các bạn, Charles đã đi tiên phong vào những năm đầu 1990 khi nhìn thấy khuynh hướng hướng đến khu vực Châu á Thái bình dương. Ông đã kêu gọi xây dựng cộng đồng tại Đông á trước khi nó trở thành đề tài thảo luận chuẩn tại các nhóm nghiên cứu. Rõ ràng, và vì lợi ích của mọi người, ông có khả năng tập trung vào cuộc chơi lâu dài. Và ông đã chia sẻ tài năng này với một trong những người sáng lập ra viện nghiên cứu này, một đồng nghiệp cũ, yêu dấu với tất cả chúng ta, người đã trở thành một người bạn lớn của tôi, đó là Thượng nghị sĩ Dan Inouye. Trong những năm sau cùng tại Thượng viện, tôi lọt vào trong nhóm bảy thượng nghị sĩ cấp cao. Nếu tôi không đảm nhận công việc Bộ trưởng ngoại giao, và trong khi có nhiều thượng nghị sĩ chuẩn bị nghỉ hưu, tôi không biết, tôi có thể đóng vai trò quan trọng thứ ba hay thứ tư tại thượng viện, mà điều này thật sự rất khó khăn. Tôi đã ngồi cạnh thượng nghị sĩ Dan Inouye đáng kính trong vòng 4 hay 5 năm tại thượng viện. Bàn của chúng tôi cạnh nhau, và chúng tôi trở thành bạn tốt. Ông là một trong những người ủng hộ tôi sớm nhất khi tôi quyết định tranh cử Tổng Thống vào năm 2004, 2003. Nhưng quan trọng nhất, và như tất cả các bạn đã biết, Dan Inouye là một người yêu nước đã nhận được sự tôn trọng và tình cảm của tất cả đồng nghiệp. Hawaii đã rất khôn ngoan khi giữ ông lại làm việc trong nhiều năm.

Hôm qua tôi đã thăm đảo Guadalcanal, đứng trên đồi Bloody Ridge, hay Edson’s Ridge, và vào đi vào bên trong một trong các pháo đài còn sót lại, nơi lực lượng thủy quân lục chiến đã ẩn nấp chống lại hơn 3,000 quân Nhật đang liên tục tấn công họ vào chiều tối, tôi có một cảm giác rất đặc biệt về trận đánh đã trở thành cuộc chiến. Không có nơi nào biết được ý nghĩa của những điều đó nhiều hơn tại Hawaii.

Hôm qua, chúng ta kỷ niệm một trong những trận đánh lớn nhất của Chiến tranh Thế giới thứ Hai, tôi có cơ hội bày tỏ với niềm tự hào lẫn sự khiêm nhường về sự cống hiến của Dan với tổ quốc. Ông là anh hùng trong chiến tranh, vượt qua các tình huống khó khăn mà tất cả chúng ta đều biết rõ. Ông đã trở thành người Mỹ gốc Nhật đầu tiên được bầu vào Hạ Viện và Thượng Viện Hoa Kỳ, bất chấp cách suy nghĩ phổ biến gây ra hiểu lầm giữa mọi người. Ông không bao giờ để suy nghĩ đó cản trở mình. Ông chia sẻ cam kết cá nhân nhằm tăng cường quan hệ giữa Hoa Kỳ và Châu á Thái Bình Dương. Đó là lý do tại sao ông ủng hộ mạnh mẽ Trung Tâm Đông Tây trong nhiều thập kỷ, và tôi muốn cho các bạn biết rằng Tổng thống Obama và tôi ủng hộ mạnh mẽ chương trình của các bạn mang mọi người lại cùng nhau nhằm suy nghĩ một cách sáng tạo về tương lai vai trò của nước Mỹ trong khu vực và làm thế nào chúng ta vượt qua những khác biệt rất bản năng và cố hữu mà đôi khi cản trở các mối quan hệ và cách nghĩ thông thường.

Chúng ta đều biết rất rõ rằng tại Hoa Kỳ chế độ nô lệ đã được ghi vào Hiến Pháp từ rất lâu trước khi nó được viết rõ. Chúng ta đều biết về cuộc đấu tranh đã trải qua để viết về vấn đề này. Khi chúng ta nhìn vào thế giới hôm nay-một thế giới phức tạp, khó khăn, hỗn loạn và không ổn định-đối với nhiều người trong chúng ta đã trải qua nhiều thập kỷ giải quyết các vấn đề quan trọng của Châu Á Thái Bình Dương, thời điểm hiện tại thật là thú vị. Chúng ta rất phấn khích khi nhìn vào sự biến đổi tại Châu Á. Giống như Dan Inouye, tôi có vinh dự, cũng giống như nhiều bạn có mặt tại đây, các bạn là những người trực tiếp trải nghiệm với sự biến đổi này.

 Tổ tiên của tôi từ Boston và Massachusetts là những thương thuyền đã cập bến tại Hồng Kông trên hành trình đơn độc đến Trung Hoa buôn bán. Ông nội tôi, sinh ra tại Thượng Hải và là một thương nhân có quan hệ đối tác với các thương nhân Trung Hoa. Trong gia đình tôi và tại Massachusetts, chúng tôi từ lâu đã ý thức được các cơ hội và mối quan hệ với khu vực này. Ngày nay, Đông á là một trong những khu vực năng động, phát triển nhanh và lớn nhất trên thế giới. Khi việc đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương kết thúc, khoảng 40 phần trăm GDP toàn cầu sẽ được kết nối bởi hiệp đinh thương mại có tiêu chuẩn cao này, một hiệp đinh tạo ra cuộc đua đến đỉnh, không phải đến đáy, là nơi mà mọi người hiểu về các luật lệ của cam kết, một nơi có trách nhiệm và sự minh bạch và nơi mà các doanh nhân và nhà đầu tư biết chính xác các qui định sẽ là gì khi họ quyết định đầu tư vào các nước thành viên.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi có vinh dự phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ. Tôi đã đến Trân Châu cảng. Tôi trải qua nhiều ngày rất có ý nghĩa tại đây với vai trò là một sĩ quan trẻ trên tàu khu trục nhỏ , chúng tôi đã vượt Thái Bình Dương. Tôi đã đi khắp đảo, đến những nơi mà tôi không hề dự tính. Nhưng tôi thích trải nghiệm đó và ngay sau đó thì trải qua đợt phục vụ lần thứ hai trên các con sông Việt Nam. Vào thời điểm đó, Việt Nam có nghĩa là điều gì đó rất đáng ngại. Nó có nghĩa là chiến tranh. Nó có nghĩa là sự bất đồng lớn tại Hoa Kỳ, là các gia đình ly tán. Nhưng hôm nay, Việt Nam, khi các bạn gọi tên nó, nó có ý nghĩa hoàn toàn khác biệt với hầu hết mọi người. Việt Nam giờ đây là một đất nước năng động với các cơ hội kinh tế. Nó là thị trường cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp của chúng ta. Nó là lớp học cho con em chúng ta. Nó có chương trình Fulbright lớn nhất thế giới. Việt Nam cũng là đối tác trong việc giải quyết các thách thức về an ninh và kinh tế trong khu vực.

Sự chuyển biến đáng kinh ngạc đó đã trở thành chuẩn mực trong khu vực này. Tôi sẽ không bao giờ quyên là, cách đây 15 năm, tôi đã thăm Miến Điện, lúc đó gọi là Burma, không hề nhầm lẫn với Myanmar vì giờ đây đó là tên mọi người gọi nó. Tôi đến thăm Aung Sung Sui Kyi tại nhà, nơi bà bị quản thúc trong gần hai thập kỷ. Tuần này, tôi có dịp quay trở lại ngôi nhà đó, nó vẫn như xưa, không hề thay đổi. Bà ấy, hai mươi năm sau vẫn thế. Giờ đây bà đã là một thành viên của quốc hội và được tự do nói lên suy nghĩ của mình.   Điều này thật đáng kể. Nó không có nghĩa là mọi vấn đề của người đứng đầu đều được giải quyết. Nhưng những chuyển đổi đó làm cho Châu Á trở thành một trong những nơi thú vị và hứa hẹn nhất trên hành tinh này.

Như chủ tịch Morrison đã nói, tôi vừa trở về từ chuyến đi thứ sáu đến Châu á Thái Bình Dương chỉ trong vòng 18 tháng trên cương vị Ngoại trưởng. Cuối ngày hôm nay, tôi sẽ gặp tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ tại Thái bình Dương để xem xét lại một số vấn đề về sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ. Tôi đã trở lại khu vực này nhiều lần, tôi không thể nói cho các bạn biết là tôi đã đến đây bao nhiêu lần, cũng như nói cho Mazie, với tư cách là thượng nghị sĩ với khu vực này. Chúng ta giờ đây đang xem xét rất nghiêm túc và rõ ràng các lợi ích bền lâu của chúng ta tại đây.

An ninh và thịnh vượng của Hoa Kỳ gắn bó rất chặt chẽ và ngày càng tăng với Châu á Thái Bình Dương. Đó là lý do tại sao tổng thống Obama bắt đầu tiến hành chính sách tái cân bằng với Châu Á vào năm 2009. Đó là lý do tại sao Tổng thống yêu cầu tôi tăng gấp đôi nổ lực tại khu vực trong vòng hai năm rưỡi tới. Đó là lý do tại sao hôm nay tôi muốn trao đổi với các bạn về bốn cơ hội cụ thể: tạo ra sự tăng trưởng kinh tế bền vững, ủng hộ cách mạng về năng lượng sạch, thúc đẩy hợp tác vùng và tăng cường năng lực của người dân.

Các cơ hội quan trọng này có thể và nên được hiện thực hóa thông qua một trật tự khu vực dựa trên các luật lệ, một trật tự khu vực ổn định về các qui định và chuẩn mực hành xử chung và được tăng cường bởi các thể chế. Đó chính là điều tạo ra tiềm năng lớn nhất để tất cả chúng ta cùng tiến bộ. Chúng tôi ủng hộ cách tiếp cận này, thành thực mà nói, nó khuyến khích thái độ hợp tác. Nó thúc đẩy sự hội nhập khu vực. Nó đảm bảo rằng tất cả các nước, lớn hay nhỏ, phần nhỏ cũng thật sự quan trọng, đều có tiếng nói khi làm việc cùng nhau để giải quyết các thách thức chung. Tôi muốn các bạn biết rằng Hoa Kỳ cam kết hiện thực hóa tầm nhìn này. Tổng thống Obama rất phấn khích về nó. Tổng thống muốn tất cả chúng tôi cam kết thúc đẩy và giúp mọi người hiểu tại sao chúng tôi thực hiện. Thành thực mà nói, chính tầm nhìn này là lý do chính mà nhiều nước tại Châu Á chọn hợp tác với Hoa Kỳ.

Hiện tại, các bạn sẽ nghe một vài người nói về việc Hoa Kỳ cắt giảm ngân sách và giảm can dự. Đó là điều hoàn toàn sai sự thật. Tôi cho rằng chúng tôi can dự và hoạt động tích cực vào nhiều nước và nhiều khu vực trên thế giới nhiều hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử Hoa Kỳ. Tôi có thể nói cho các bạn biết là trên đường đến đây, tôi đã trao đổi điện thoại với các đối tác tại khu vực Trung Đông về lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực trong vài ngày tới, về lộ trình phía trước. Tôi vừa trở về từ Afghanistan, tại đây chúng tôi thảo luận về việc chuyển cho người Afghanistan và tương lai của Afghanistan. Chúng tôi thảo luận với Iran về chương trình hạt nhân, với Bắc Triều Tiên, với Trung Quốc, với Sudan và với Trung Phi. Chúng tôi vừa mời hơn 50 lãnh đạo Châu Phi đến Washington để bàn về tương lai hợp tác của Mỹ tại khu vực này. Chúng tôi can dự rất sâu vào thế giới cực kỳ phức tạp này.

Bài phát biểu này, thời khắc này tại trường đại học và tại trung tâm này, cũng như chuyến đi mà tôi vừa thực hiện đến Châu Á đều để nhấn mạnh rằng cho dù chúng tôi tập trung vào các cuộc khủng hoảng mà tôi vừa đề cập và vào các xung đột mà tin tức tràn ngập các trang báo hàng ngày đòi hỏi có sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, chúng tôi cũng không quên các nhu cầu chiến lược lâu dài vì lợi ích của Hoa Kỳ. Là ngoại trưởng, công việc của tôi không chỉ đối phó với các khủng hoảng. Công việc của tôi là xác định và nắm bắt các cơ hội lâu dài cho nước Mỹ. Vừa trở về từ Miến điện, Úc và Quần đảo Solomon, tôi có thể khẳng định với các bạn là chẳng nơi nào có các cơ hội chiến lược đó rõ ràng hơn và mạnh mẽ hơn tại khu vực Châu á Thái Bình Dương.

Đó là lý do tại sao chúng tôi đang đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương toàn diện và đầy tham vọng sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm mới ở Hoa Kỳ cũng như ở các nước khác, và nó sẽ thúc đẩy cuộc đua này tới vị trí dẫn đầu, chứ không phải tới vị trí cuối. Nó đặt ra những tiêu chuẩn kinh doanh cho chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang gia tăng sự tham gia của chúng tôi trong các tổ chức đa phương, từ Diễn đàn Khu vực ASEAN cho tới Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Và đó là lý do tại sao chúng tôi đang mang lại sức sống mới cho quan hệ đối tác an ninh của chúng tôi với các đồng minh theo hiệp ước như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, và Philippin. Và đó là lý do tại sao chúng tôi đang đấu tranh cho nhân quyền và các quyền tự do cơ bản mà mọi người ở châu Á cũng yêu mến như bất kỳ ai khác trên thế giới.

Tôi không có ảo tưởng về những thách thức, và Tổng thống Obama cũng vậy. Chúng thật phức tạp trong thế kỷ 21 này, về nhiều mặt còn phức tạp hơn trạng thái lưỡng cực, Đông-Tây, Liên Xô-thế giới phương Tây – thời Chiến tranh Lạnh mà nhiều người trong số chúng ta trải qua. Sự phức tạp hiện nay lớn hơn nhiều. Về nhiều mặt, mọi chuyện giống như ngoại giao thế kỷ 18 hay thế kỷ 19, với các nhà nước khẳng định lợi ích của họ theo những cách khác nhau và có nhiều đấu thủ kinh tế trên hành tinh hơn những gì chúng ta đã có trong thế kỷ 20 với sức mạnh và với một nhận thức về sự độc lập. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh với tất cả các bạn hôm nay là có một con đường tiến về phía trước. Nó không quá khó khăn đến mức không thể diễn tả được những gì chúng ta có thể làm.

Vậy chúng ta làm thế nào để biến tầm nhìn chung của chúng ta thành hiện thực cho khu vực và đảm bảo rằng châu Á đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng toàn cầu? Đầu tiên, chúng ta cần phải biến sự phân mảnh và chủ nghĩa dân tộc về mặt kinh tế hiện nay thành tăng trưởng bền vững trong tương lai. Tôi vẫn luôn nói: Chính sách đối ngoại là chính sách kinh tế, và chính sách kinh tế là chính sách đối ngoại. Chúng là một và chỉ một mà thôi. Không thể phủ nhận điều đó, nhất là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Châu Á-Thái Bình Dương là một động cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng chúng ta không thể coi đó là điều đương nhiên.

Bởi vì điều mà chúng ta phải đối mặt quả thực là một thách thức chung. Trên thế giới, chúng ta đã thấy một sự tăng trưởng dân số trẻ đáng kinh ngạc. Tại hội nghị thượng đỉnh châu Phi, người ta đã nhấn mạnh cho chúng ta thấy rằng có 700 triệu người ở độ tuổi dưới 30. Chúng tôi đã thấy sự tăng trưởng đáng kinh ngạc về dân số trẻ. Và hãy thử đoán xem. Trong thế kỷ 21, vào năm 2014 khi tất cả mọi người đều di chuyển với một thiết bị di động và tất cả mọi người đều liên lạc với người khác mỗi ngày vào mọi lúc, tất cả những người đó đang đòi hỏi một cơ hội. Họ đang đòi hỏi nhân phẩm. Và ngay cạnh những niềm hy vọng của họ là kẻ cầm đầu những kẻ cực đoan, hay những kẻ chống phá đang chờ đợi để dụ dỗ nhiều người trong số những người trẻ tuổi hãy chấp nhận một sự bế tắc. Và tôi xin nói với các bạn, khi mọi người không có việc làm, khi họ không thể học hành, khi họ không thể mong muốn một tương lai tốt hơn cho bản thân và cho gia đình mình, khi tiếng nói của họ bị bịt lại bởi luật hà khắc hoặc bạo lực và áp bức, thì chúng ta đã chứng kiến mọi sự bất ổn theo sau.

Giờ đây thật đáng mừng, phần lớn nếu không nói là hầu hết các chính phủ ở châu Á đang làm việc để mang lại cho các nhóm dân số trẻ đang bùng nổ với một sự thay thế, với một nền giáo dục chất lượng, với các kỹ năng cho thế giới hiện đại, với những công việc cho phép họ xây dựng một cuộc sống và một niềm tin vào đất nước họ. Đó là một phần lý do tại sao những người trẻ tuổi ở châu Á đang tham gia hàng ngũ của tầng lớp trung lưu, không phải là hàng ngũ của những kẻ cực đoan bạo lực. Và thực tế là có quá nhiều nước trên thế giới đang vật lộn để mang lại những cơ hội đó. Đang có sự thiếu sót về quản trị, và chúng ta đã lờ đi tầm quan trọng của thách thức tập thể này, không bàn đến vấn đề các quốc gia đã và đang thất bại ở các nơi khác trên thế giới.

Trong thế kỷ 21, lợi ích của một quốc gia và hạnh phúc của người dân được thúc đẩy không chỉ bởi quân đội hay các nhà ngoại giao, mà còn nhờ các doanh nghiệp, các giám đốc điều hành công ty, nhờ các doanh nghiệp có tư cách công dân kinh doanh tốt, nhờ những người lao động mà họ sử dụng, nhờ các sinh viên mà họ đào tạo, và nhờ sự thịnh vượng chung mà họ tạo ra. Đó là lý do tại sao chúng ta đang làm việc với các đối tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương để duy trì và nâng cao tiêu chuẩn cùng lúc chúng ta mở rộng thương mại và đầu tư bằng cách theo đuổi một thỏa thuận về đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện.

Hiện nay, TPP thực sự đại diện cho một chương mới thú vị trong lịch sử lâu dài của quan hệ đối tác thương mại cùng có lợi của Hoa Kỳ với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đó là hiệp định thương mại cực kỳ hiện đại của thế kỷ 21, và nó không chỉ phù hợp với lợi ích kinh tế chung của chúng ta mà với cả các giá trị chung của chúng ta. Hiệp định nhằm tạo ra tăng trưởng cho nền kinh tế và công ăn việc làm cho người dân của chúng ta bằng cách mở ra một làn sóng thương mại, đầu tư và kinh doanh. Nó nhằm đấu tranh cho công nhân của chúng ta, hoặc bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự đổi mới. Và nó nhằm vươn tới tiêu chuẩn cao để dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế khu vực năng động này. Và điều đơn giản là tất cả việc điều đó đều tốt cho các doanh nghiệp, rất tốt cho người lao động, tốt cho nền kinh tế của chúng ta. Và đó là lý do tại sao chúng ta phải thực hiện điều này.

Giờ đây, mỗi khi tôi đến châu Á, tôi có vinh dự được gặp gỡ với các doanh nhân và các chủ doanh nghiệp trẻ. Quả thực, tại hội nghị thượng đỉnh châu Phi cách đây ít lâu chúng tôi gặp một nhóm các nhà lãnh đạo châu Phi trẻ rất tuyệt vời – họ đều là các doanh nhân trẻ ở độ tuổi 20 làm những việc phi thường. Đó là chương trình có tên Sáng kiến Các nhà lãnh đạo châu Phi trẻ do Tổng thống Obama khởi động.

Tại Hà Nội, hồi cuối tháng 12, tôi đã phát động Chương trình Quản trị vì Tăng trưởng Trọn vẹn để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Tôi đã gặp với các doanh nhân tại Seoul và Manila để nói về cách chúng ta có thể thúc đẩy đổi mới. Hôm Thứ Bảy, tôi đã thảo luận với các đối tác ASEAN về một khuôn khổ cho việc tạo ra cơ hội kinh doanh và các công việc mà chúng tội gọi Sự Gắn kết Kinh tế Mở rộng, hay E3. Và mới hôm qua, tôi đã gặp các nhà lãnh đạo kinh doanh tại Sydney, Australia để tìm kiếm những phương thức giảm rào cản thương mại và đầu tư.

Để mở rộng nền móng hỗ trợ cho chiến lược này, chúng ta cần tập trung không chỉ vào tốc độ tăng trưởng nhanh, mà còn cần phải tập trung vào phát triển bền vững. Và điều đó có nghĩa là phải tận dụng tốt nhất các định chế khu vực. Tổng thống Obama sẽ họp cùng các lãnh đạo kinh tế APEC ở Bắc Kinh vào mùa thu này để tập trung thúc đẩy nhiên liệu sạch và tái tạo cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế và mở rộng trao đổi giáo dục. Và chỉ vài ngày trước, tôi đã gặp với các bộ trưởng từ các quốc gia thuộc Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong để làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác của chúng tôi và giúp họ vật lộn với những thách thức về thực phẩm, nước và an ninh năng lượng trên sông Mekong.

Hơn hết, thước đo thực sự về thành công của chúng ta sẽ không chỉ là các nền kinh tế của chúng ta có tiếp tục tăng trưởng hay không, mà còn là chúng sẽ tiếp tục tăng trưởng như thế nào. Và điều này đưa tôi đến với thách thức thứ hai của chúng ta: Chúng ta cần biến cuộc khủng hoảng khí hậu ngày nay thành cuộc cách mạng năng lượng sạch trong tương lai. Bây giờ, tất cả điều này - tất cả chúng ta trong căn phòng này đều hiểu biến đổi khí hậu không phải là một cuộc khủng hoảng của tương lai. Biến đổi khí hậu hiện diện ở đây, bây giờ. Nó đang xảy ra trên toàn thế giới. Nó không phải là một thách thức xa xôi và không cụ thể.

Nhưng điều mấu chốt là đây: Nó đang xảy ra với tốc độ đáng báo động đối với tất cả chúng ta vì các nhà khoa học đã dự đoán về mọi thứ - và tôi sẽ cho bạn biết một chút thông tin thêm. Al Gore - tôi có vinh dự được làm việc với Al Gore và Tim Worth và một nhóm các thượng nghị sĩ - Jack Heinz - từ hồi những năm 1980 khi chúng tôi tổ chức buổi điều trần đầu tiên về biến đổi khí hậu vào năm 1988. Đó là khi Jim Hansen, người của NASA, lên tiếng nói rằng: nó đang diễn ra. Nó đang diễn ra trong năm 1988. Năm 1992, chúng tôi đã có một diễn đàn ở Brazil, Rio, Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất. George Herbert Walker Bush tham gia. Chúng tôi đã đưa ra một khuôn khổ tự nguyện để đối phó với biến đổi khí hậu, nhưng sự tự nguyện không có tác dụng. Và trong 20 năm không có việc gì đáng kể được thực hiện. Sau đó, chúng tôi đến Kyoto. Chúng tôi đã đi đến tất cả những nơi này để cố gắng làm một cái gì đó, và giờ đây chúng ta đang ở năm 2014 với một cơ hội là năm sau, 2015, để làm điều đó.

Và những gì đang xảy ra chính là khoa học đang la hét vào mặt chúng ta. Hãy hỏi bất kỳ đứa trẻ nào đang đi học. Các học sinh hiểu nhà kính là gì, nguyên lý hoạt động, lý do tại sao chúng ta gọi nó là hiệu ứng nhà kính. Các học sinh hiểu được điều đó. Và hãy lưu ý - nếu bạn chấp nhận khoa học, nếu bạn chấp nhận rằng khoa học đang làm khí hậu thay đổi, bạn phải chú ý đến những gì mà cũng chính các nhà khoa học đó đang nói với chúng ta về cách bạn làm thế nào để ngăn chặn những hậu quả và tác động bất khả kháng. Bạn không thể - đó là lý do tại sao Tổng thống Obama đã đưa biến đổi khí hậu thành một ưu tiên hàng đầu. Ông đang dùng quyền hành pháp để làm những việc mà chúng tôi không thể buộc Quốc hội phải làm. Và chúng tôi đang làm việc rất tích cực để thực thi Kế hoạch Hành động Khí hậu và lãnh đạo với sự gương mẫu. Chúng tôi đang tăng gấp đôi hiệu quả nhiên liệu của xe hơi và xe tải trên các tuyến đường của Hoa Kỳ. Chúng tôi đã phát triển các tiêu chuẩn mới để đảm bảo rằng các nhà máy điện hiện có càng sạch càng tốt và càng hiệu quả càng tốt. Và chúng tôi cam kết giảm khí nhà kính và khí thải vào năm 2020 thấp hơn khoảng 17% so với mức của năm 2005.

Như vậy, chúng tôi đang đi đúng hướng. Nhưng hãy nhớ rằng: tất cả phải cùng chung tay hành động. Về định nghĩa, việc cứu khí hậu của hành tinh này là một thách thức toàn cầu đòi hỏi một giải pháp toàn cầu. Và điều này rõ nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hơn bất cứ nơi nào khác. Và không có hai quốc gia nào lại có thể có tác động hoặc ảnh hưởng lớn hơn đến cuộc tranh luận này hay thách thức này so với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Trong Đối thoại Chiến lược và Kinh tế hồi tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew và tôi đã ở Bắc Kinh trong hai ngày. Và chúng tôi và Trung Quốc đã gửi một thông điệp rõ ràng: hai nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ và Trung Quốc, cam kết thúc đẩy một mô hình tăng trưởng kinh tế các-bon thấp và giảm đáng kể lượng khí nhà kính của hai nước. Và chúng tôi đang làm việc cùng nhau để khởi động dự án trình thử nghiệm về hút lại, sử dụng và lưu trữ khí các-bon. Chúng tôi đang áp dụng tiêu chuẩn chặt hơn về hiệu quả nhiên liệu đối với các loại xe cộ hạng nặng cũng như hạng nhẹ. Chúng tôi đang thúc đẩy một sáng kiến mới về biến đổi khí hậu và rừng, bởi vì chúng ta biết rằng các mối đe dọa của nạn phá rừng và những tác động của biến đổi khí hậu là có thật và chúng nghiêm trọng, và ngày càng lớn. Và tôi sẽ nói với các bạn điều này: đó không phải là một vấn đề mà bạn có thể nửa vời. Không có chuyện như vậy. Nếu bạn chấp nhận khoa học, bạn phải chấp nhận rằng bạn phải làm một số việc vì nó.

Giờ đây, Hoa Kỳ và Trung Quốc có một vai trò đặc biệt trong việc giảm lượng khí thải và phát triển một tương lai năng lượng sạch. Nhưng tất cả mọi người - mọi quốc gia - đều có vai trò trong việc khắc phục. Tôi mới đến từ quần đảo Solomon vào hôm qua, một ngàn hòn đảo, một số trong đó có thể bị xóa sổ nếu chúng ta không có những lựa chọn đúng. Quần đảo Thái Bình Dương trên toàn bộ Thái Bình Dương dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Và hôm qua, tôi đã thấy tận mắt nước biển dâng sẽ tác động thế nào đến một số nơi: Nó sẽ là tàn phá - toàn bộ môi trường sống bị phá hủy, toàn bộ mọi người sẽ phải rời khỏi nhà của họ, trong một số trường hợp toàn bộ nền văn hóa bị xóa sổ. Họ mới bị có lũ quét ở Guadalcanal - với lượng mưa chưa từng có. Và đó là những gì đã xảy ra với biến đổi khí hậu - bão lốc mạnh chưa từng có trước đây, hạn hán chưa từng có, hoả hoạn chưa từng có, thiệt hại lớn, thiệt hại lên đến hàng tỷ, hàng tỷ đô la mà chúng ta đang bỏ ra, mà đáng ra thay vào đó là đầu tư hàng tỷ đô la đấy vào việc phòng chống những điều đó ngay từ đầu.

Đó là lý do tại sao chúng tôi đang làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác của chúng tôi với các đảo quốc Thái Bình Dương và những người khác để đáp lại các mối đe dọa trực tiếp và thách thức phát triển lâu dài. Và chúng tôi đang làm việc thông qua USAID và các tổ chức đa phương khác để tăng khả năng chống chọi của cộng đồng. Và chúng tôi đang gia tăng sự găn kết của chúng tôi thông qua Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương. Và chúng tôi đã ký kết về biên giới trên biển, biên giới trên biển mới với Kiribati và Liên bang Micronesia nhằm thúc đẩy quản trị tốt của Thái Bình Dương và quan hệ hòa bình giữa các quốc gia hải đảo. Và chúng tôi cũng đang làm việc trên dự án Con đường Thái Bình Dương là các khu bảo tồn biển bao gồm cam kết của Tổng thống Obama về khảo sát một khu vực bảo vệ rộng hơn một triệu dặm vuông ở vùng biển Thái Bình Dương xa xôi của Hoa Kỳ.

Chúng tôi mới tổ chức một hội nghị về các đại dương ở Washington cách đây ít ngày với các quốc gia trên toàn thế giới tham gia - và rất có hiệu quả. Chúng tôi đạt được các cam kết trị giá 1,8 tỷ đô la để giúp cho việc chấp pháp ngư nghiệp, chống ô nhiễm môi trường, đối phó với quá trình axit hóa, và bảo vệ các khu vực bảo tồn biển.

Cuối cùng là tin tốt lành - và thực sự là tin tốt lành. Đôi khi quý vị có một vấn đề - thưa ông Thị trưởng, tôi biết là ông biết điều này. Thưa các vị thống đốc, các ông biết điều này. Quý vị đối mặt với một vấn đề và bối rối không dám chắc về những giải pháp, phải không ạ? Và quý vị làm việc để giải quyết nó. Vâng, tin tốt lành là thách thức lớn nhất tất cả chúng ta phải đối mặt ngay bây giờ, đó là biến đổi khí hậu xét về mặt ảnh hưởng toàn cầu, lại là một cơ hội. Nó thực sự là một cơ hội tuyệt vời bởi vì nó không phải là một vấn đề không có một giải pháp. Các giải pháp cho biến đổi khí hậu rất đơn giản, được gọi là chính sách năng lượng. Chính sách năng lượng. Thực hiện các lựa chọn đúng đắn về cách bạn tạo ra năng lượng - không có khí thải, không có các nhà máy điện đốt than mà không có cơ cấu hút lại và lưu trữ các-bon hoặc không được đốt sạch - thế là bạn có thể bắt đầu sản xuất năng lượng sạch.

Và thị trường năng lượng mới trước mắt chúng ta là thị trường lớn nhất mà thế giới từng thấy. Hãy suy nghĩ về điều đó một chút. Sự giàu có mà được tạo ra trong những năm 1990 - tôi không biết bạn có biết điều này không, nhưng hầu hết mọi người nghĩ rằng Hoa Kỳ trở nên giàu nhất trong những năm 1920 khi mà người ta gọi đó và cả giai đoạn cuối của những năm 1800 là năm của những bá tước cướp của, và sau đó đã có những tên tuổi các đại gia lớn - Carnegie Mellon, Frick, Rockefeller, v.v... Và không có thuế thu nhập - chà, nhờ thế mà kiếm được rất nhiều tiền.

Hãy đoán xem. Hoa Kỳ đã làm ra nhiều tiền của cho nhiều người trong những năm 1990 hơn bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử của chúng ta. Và nguồn gốc của điều đó, nguồn gốc của sự giàu có đã được tạo ra, là cuộc cách mạng máy tính công nghệ cao của những năm 1990, và hãy đoán xem. Nó đến từ một thị trường 1 nghìn tỷ đô la với 1 tỷ người sử dụng, 1 trên 1. Thị trường năng lượng trước mắt chúng ta trên thế giới hiện nay lớn hơn 6 lần, quan trọng hơn nhiều. Đó là một thị trường 6 nghìn tỷ đô la ngày nay với 4 đến 5 tỷ người sử dụng ngày nay, và tăng lên 7 đến 9 tỷ người sử dụng trong vòng 30 năm tới. Phân khúc tăng trưởng nhanh nhất trong thị trường đó là năng lượng sạch.

Chúng ta cần phải xây dựng một lưới điện ở Hoa Kỳ. Chúng ta cần - chúng ta có thể sử dụng năng lượng nhiệt mặt trời để sản xuất nhiệt ở Massachusetts, Minnesota, lấy năng lượng gió từ các tiểu bang của chúng ta, bán nó ở nơi khác. Song chúng ta không thể làm điều đó bởi vì chúng ta chưa có ngay một lưới.

Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh với tất cả các bạn: Chúng ta sẽ không thể thấy một tập hợp các nguồn năng lượng bền vững trong thế kỷ 19 hay các giải pháp thế kỷ 20. Vấn đề là như vậy. Chúng ta cần một công thức cho thế kỷ 21 sẽ cung cấp năng lượng chúng ta bền vững tiến vào thế kỷ 22. Và tôi tin rằng, bằng cách làm việc cùng nhau, Hoa Kỳ và các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể thực hiện bước nhảy vọt này. Đó là một cơ hội thú vị và đó là những gì chúng tôi đang làm việc với Trung Quốc ngày hôm nay.

Điểm mấu chốt là chúng ta không thể phí thời gian. Nếu chúng ta muốn mang lại năng lượng cho một cuộc cách mạng năng lượng sạch, chúng ta phải làm việc cùng nhau để giảm cạnh tranh an ninh và sự ganh đua như các đối thủ ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, và tập trung vào những nỗ lực xây dựng khác. Và như vậy thách thức thứ ba của chúng ta thật rõ ràng: Chúng ta cần biến cuộc xung đột hàng hải thành hợp tác khu vực.

Tất cả chúng ta trong căn phòng này hiểu rằng các tranh chấp ở Biển Đông và các nơi khác không chỉ là tuyên bố chủ quyền về các hòn đảo, rạn san hô, đảo đá và các lợi ích kinh tế bắt nguồn từ chúng. Chúng liên quan đến chuyện lẽ phải thuộc về sức mạnh hay các quy tắc và chuẩn mực toàn cầu và nền pháp quyền và luật pháp quốc tế sẽ chiến thắng. Tôi muốn xác định rõ ràng: Hoa Kỳ không đưa ra quan điểm về các vấn đề chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, nhưng chúng tôi quan tâm đến việc các vấn đề sẽ được giải quyết như thế nào. Chúng tôi quan tâm đến hành vi. Chúng tôi kiên quyết phản đối việc sử dụng các lời đe dọa, hành động cưỡng ép hoặc vũ lực để khẳng định một tuyên bố lãnh thổ của bất cứ bên nào trong khu vực. Và chúng tôi chắc chắn phản đối ý kiến nào cho rằng tự do hàng hải và hàng không và việc sử dụng hợp pháp khác về hải phận và không phận là những đặc quyền do một nước nhà lớn cấp cho một nhà nước nhỏ. Tất cả các bên phải làm việc cùng nhau để giải quyết các lời tuyên bố chủ quyền thông qua biện pháp hòa bình, lớn hay nhỏ. Và những nguyên tắc được áp dụng bình đẳng với tất cả các nước, và tất cả các quốc gia có trách nhiệm duy trì chúng.

Tôi mới tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN, và chúng tôi khuyến khích các bên tranh chấp xoa dịu những căng thẳng và tạo ra các không gian chính trị để giải quyết. Chúng tôi kêu gọi các bên tranh chấp tự nguyện dừng các bước đi có tính chất đe dọa leo thang tranh chấp và gây mất ổn định. Và thẳng thắn mà nói, tôi nghĩ rằng đó là lẽ thường và tôi cho rằng các bạn cũng có cùng suy nghĩ. Tôi thật hài lòng xin nói rằng ASEAN đã đồng đã đến lúc tìm kiếm sự đồng thuận về những hành động cần tránh có thể là những hành động gì, dựa trên những cam kết mà họ đã đưa ra trong Tuyên bố về Ứng xử năm 2002.

Chúng ta không thể áp đặt các giải pháp với các bên tranh chấp trong khu vực, và chúng tôi không tìm cách để làm điều đó. Tuy nhiên, việc giải quyết gần đây giữa Indonesia và Philippines là một ví dụ về cách các tranh chấp có thể được giải quyết thông qua đàm phán với sự tin tưởng vào thiện chí. Tương tự như vậy, Nhật Bản và Đài Loan đã cho thấy hồi năm ngoái rằng có thể thúc đẩy sự ổn định trong khu vực bất chấp có những tuyên bố mâu thuẫn nhau. Và chúng tôi hỗ trợ việc Philippines có những bước đi nhằm giải quyết tranh chấp hàng hải với Trung Quốc một cách hòa bình, kể cả thông qua quyền đề nghị phân xử bằng trọng tài theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Và tuy chúng ta đã sống theo các nguyên tắc của nó rồi, Hoa Kỳ cần phải làm cho xong việc và dứt điểm thông qua Hiệp ước.

Tôi biết một điều sẽ góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, đó là một mối quan hệ mang tính xây dựng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tổng thống Obama đã nói rõ rằng Hoa Kỳ hoan nghênh sự trỗi dậy của một Trung Quốc hòa bình, thịnh vượng và ổn định - một nước đóng một vai trò có trách nhiệm trong khu vực châu Á và trên thế giới và hỗ trợ các luật lệ và chuẩn mực về các vấn đề kinh tế và an ninh. Tổng thống đã nói rõ, và tôi cũng vậy, rằng chúng tôi cam kết tránh rơi vào cái bẫy đối đầu chiến lược và có ý định tạo dựng một mối quan hệ mà qua đó chúng tôi có thể mở rộng hợp tác vì lợi ích chung và quản lý sự khác biệt và bất đồng của chúng tôi với những cách thức mang tính xây dựng.

Nhưng đừng nhầm: mối quan hệ có tính xây dựng này, mối quan hệ “hình mẫu mới” này giữa các cường quốc, sẽ không diễn ra chỉ nhờ việc nói chuyện về nó. Nó sẽ không trở thành hiện thực nếu chỉ tham gia bằng khẩu hiệu hay tìm cách có một phạm vi ảnh hưởng. Nó sẽ được xác định bằng sự hợp tác nhiều hơn và tốt hơn về những thách thức chung. Và nó sẽ được xác định bằng cách cùng nhau chấp nhận các luật lệ, chuẩn mực, và các định chế đã phục vụ cả hai quốc gia và khu vực rất tốt. Tôi rất vui mừng là Trung Quốc và Hoa Kỳ đang hợp tác hiệu quả về các cuộc đàm phán liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran và chúng tôi đã tăng cường đối thoại hai nước về CHDCND Triều Tiên. Chúng tôi cũng hợp tác đáng kể về các khả năng biến đổi khí hậu, các hoạt động chống cướp biển, và Nam Sudan.

Như vậy, chúng tôi đang bận rộn cố gắng xác định một mối quan hệ giữa các nước lớn với những lĩnh vực các bên có thể đạt được thỏa thuận và hợp tác với nhau. Chúng tôi đã nhìn thấy những lợi ích của quan hệ đối tác dựa trên các giá trị chung và cách tiếp cận chung đối với an ninh khu vực và toàn cầu. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và tôi đã gặp các đối tác Australia tại Sydney hồi đầu tuần này và chúng tôi xem xét lại liên minh Hoa Kỳ-Australia về mọi mặt. Và mặc dù rõ ràng là chúng tôi sống ở hai bán cầu khác nhau, và ở hai đầu của thế giới, Hoa Kỳ và Australia ngày nay rất gần gũi với nhau. Liên minh lâu đời của chúng tôi đã giúp cả hai nước đạt được mục tiêu quan trọng: sát cánh với người dân của Ukraine, hỗ trợ phát triển lâu dài ở Afghanistan, thúc đẩy sự thịnh vượng chung trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và cộng tác trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Và chúng tôi cũng nhất trí mở rộng hợp tác ba bên với Nhật Bản, và điều đó sẽ cho phép chúng tôi tiếp tục hiện đại hóa liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản cùng lúc chúng tôi xử lý nhiều thách thức an ninh hơn. Tương tự như vậy, với đồng minh của chúng tôi, Hàn Quốc, quan hệ đối tác của chúng tôi về ngày càng nhiều thách thức khu vực và toàn cầu đã tăng cường an ninh ở châu Á và hơn thế nữa.

Lịch sử cho chúng ta thấy rằng các quốc gia có chính sách tôn trọng và phản ánh nhân quyền phổ quát và các quyền tự do cơ bản thường có hòa bình và thịnh vượng, đạt hiệu quả hơn nhiều trong việc phát huy tài năng của người dân, và là các đối tác tốt hơn nhiều trong dài hạn.

Đó là lý do tại sao thách thức thứ tư và cuối cùng của chúng ta rất quan trọng: Chúng ta cần biến các vấn đề nhân quyền thành cơ hội trao quyền cho con người. Trên khắp khu vực, có những điểm sáng. Nhưng chúng ta cũng thấy những bước lùi, chẳng hạn như trục trặc trong nền dân chủ ở Thái Lan.

Chúng ta đều biết rằng một số nước trong khu vực có quan điểm khác nhau về quản trị dân chủ và bảo vệ nhân quyền. Tuy nhiên, mặc dù đôi khi chúng tôi có thể bất đồng về những vấn đề này với các chính phủ, tôi lại không nghĩ rằng chúng tôi có bất kỳ bất đồng cơ bản nào với người dân của của các chính phủ đó.

Nếu được chọn lựa, tôi không cho rằng nhiều bạn trẻ ở Trung Quốc sẽ chọn việc truy cập ít hơn vào các thông tin không bị kiểm duyệt thay vì nhiều hơn. Tôi không nghĩ rằng nhiều người ở Việt Nam sẽ nói: "Tôi chấp nhận việc không được phép tổ chức và lên tiếng kêu gọi về các điều kiện làm việc tốt hơn hoặc một môi trường trong lành". Và tôi không thể tưởng tượng rằng có ai đó ở châu Á nhìn thấy hơn 130 triệu người đi bỏ phiếu ở Indonesia để lựa chọn tổng thống sau một cuộc tranh luận lành mạnh, sôi nổi, và ôn hòa mà sau đó lại nói: "Tôi không muốn quyền đó cho bản thân mình". Tôi cũng cho rằng hầu hết mọi người sẽ đồng ý là tự do ngôn luận và báo chí là tối cần thiết đối với việc ngăn chặn tham nhũng, và điều quan trọng là cần phải có pháp quyền để bảo vệ sự sáng tạo và cho phép các doanh nghiệp phát triển mạnh. Đó là lý do vì sao sự ủng hộ dành cho những giá trị này vừa có tính phổ quát vừa có tính thực tế.

Tôi đã đến thăm Indonesia vào tháng 2, và tôi thấy sự hứa hẹn về một tương lai dân chủ. Nền dân chủ lớn thứ ba trên thế giới đã nêu một tấm gương tuyệt vời cho thế giới. Và Hoa Kỳ cam kết sâu sắc về quan hệ đối tác toàn diện của hai nước. Indonesia không chỉ là một sự thể hiện về các nền văn hóa, ngôn ngữ và tín ngưỡng khác nhau. Thông qua tăng cường nền dân chủ của mình, và giữ gìn truyền thống khoan dung, họ có thể là một hình mẫu về việc các giá trị châu Á và các nguyên tắc dân chủ có thể bổ sung và tăng cường lẫn nhau.

Tại Thái Lan, một nước bạn thân thiết và cũng là đồng minh, chúng tôi rất phiền lòng về sự thụt lùi về dân chủ và chúng tôi hy vọng đó chỉ là một ổ gà tạm thời trên đường. Chúng tôi kêu gọi nhà chức trách Thái Lan bãi bỏ các hạn chế về hoạt động chính trị và ngôn luận, để trở về - để khôi phục lại quyền dân sự, và nhanh chóng quay về với nền dân chủ thông qua bầu cử tự do và công bằng.

Ở Myanmar tuần trước, tôi tận mắt thấy sự tiến bộ ban đầu mà người dân và chính phủ đã đạt được. Và tôi tự hào - và bạn cũng nên như vậy - về vai trò mà Hoa Kỳ đã có trong một phần tư thế kỷ trong việc khuyến khích sự tiến bộ đó.

Nhưng Myanmar vẫn còn phải đi một chặng đường dài, và những người đang lãnh đạo quá trình chuyển đổi dân chủ mới chỉ đang giải quyết những thách thức sâu sắc nhất: Xác định vai trò mới của quân đội; cải cách hiến pháp và hỗ trợ bầu cử tự do và công bằng; kết thúc cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ; và đảm bảo một cách cụ thể trong luật về nhân quyền mà người dân Myanmar đã được hứa hẹn. Tất cả các điều này diễn ra đồng thời với cố gắng thu hút đầu tư, chống tham nhũng, bảo vệ rừng của đất nước và các nguồn lực khác. Đây là những bài sát hạch lớn đối với của quá trình chuyển đổi của Myanmar. Và chúng tôi có chủ trương cố gắng giúp đỡ, nhưng cuối cùng các nhà lãnh đạo sẽ phải đưa ra những lựa chọn quan trọng.

Hoa Kỳ sẽ làm mọi việc có thể để giúp các nhà cải cách ở Myanmar, đặc biệt là bằng cách hỗ trợ các cuộc bầu cử toàn quốc vào năm tới. Và chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi chính phủ - như tôi đã làm tuần trước - thực hiện các bước để giảm khủng hoảng nhân đạo ở bang Rakhine, và đẩy lùi các phát ngôn có tính thù hận và bạo lực tôn giáo, thực hiện cải cách hiến pháp, và bảo vệ tự do hội họp và ngôn luận. Chính phủ còn nợ điều này với người dân.

Và như vậy, thưa các bạn, với truyền thống vĩ đại của đất nước chúng ta, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở châu Á, không có sự ngạo mạn nhưng cũng không có lời xin lỗi.

Tại những nơi khác ở châu Á, các hoạt động phổ biến hạt nhân của Bắc Triều Tiên là mối đe dọa rất nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ, khu vực và thế giới. Và chúng tôi đang thực hiện các bước để ngăn chặn và bảo vệ trước việc Bắc Triều Tiên tìm cách đạt được năng lực có tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn hạt nhân. Nhưng xin lưu ý: Chúng tôi cũng đang lên tiếng về tình hình nhân quyền khủng khiếp. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ cuộc điều tra đặc biệt của Liên Hiệp Quốc năm nay mà đã cho thấy toàn bộ hệ thống trại lao động khổ sai và hành quyết tàn ác, kỳ quái của Bắc Triều Tiên. Sự chà đạp phẩm giá con người như vậy không có chỗ đứng trong thế kỷ 21. Các trại Gulag của Bắc Triều Tiên phải bị đóng cửa - không phải ngày mai, không phải tuần sau, mà ngay bây giờ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng về chủ đề này.

Như vậy, có lẽ các bạn đã nghe tôi lâu hơn mức mà các bạn muốn - (cười) - mô tả một nghị trình khá tham vọng. Và các bạn đúng đấy; đây là chuyện lớn. Chúng tôi cực kỳ quyết tâm. Chúng tôi có tham vọng về quá trình này: hoàn thành các cuộc đàm phán TPP, tạo ra tăng trưởng bền vững, mang lại động lực cho một cuộc cách mạng năng lượng sạch, quản lý những mối kình địch trong khu vực bằng cách thúc đẩy hợp tác, và trao quyền cho mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội - đó là cách mà chúng ta sẽ hiện thực hoá những hứa hẹn của Châu Á-Thái Bình Dương. Và đây là một khu vực mà các nước có thể và nên đến với nhau, bởi vì có nhiều điều liên kết chúng ta lại với nhau hơn là phân rẽ chúng ta ra. Đây là một khu vực có thể và nên đương đầu với nguy cơ và khó khăn bằng lòng can đảm và sự hợp tác. Và chúng ta quyết tâm mang lại các cơ hội chiến lược và lịch sử mà chúng ta có thể tạo ra cùng nhau.

Đó là lý do tại sao, cùng với các đối tác châu Á của chúng tôi, chúng tôi đang xây dựng các luật lệ hiện đại cho một thế giới thay đổi - các luật lệ giúp các nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, hợp lý và công bằng, đi cùng là bảo vệ cho môi trường, cũng như các biện pháp bảo vệ dành cho những người thường bị bỏ lại phía sau.

Đó là lý do tại sao chúng tôi đang xây dựng một khu vực nơi mà các thành phố lớn của châu Á không còn bị che phủ bởi sương mù và khói, và mọi người có thể tin tưởng vào thực phẩm và nước an toàn, và đại dương sạch sẽ, không khí trong lành, và cũng như tài nguyên chung từ các con sông và đại dương của châu lục, và với một ý thức trách nhiệm mà thế hệ này truyền cho thế hệ kế tiếp để gìn giữa tất cả những điều đó cho tương lai.

Đó là lý do tại sao chúng tôi đang xây dựng một khu vực mà các quốc gia giải quyết một cách hòa bình các khác biệt của họ về các đảo, rạn san hô, đảo đá bằng cách tìm những điểm chung trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Và đó là lý do tại sao chúng tôi đang xây dựng một khu vực có sự bảo vệ các quyền con người phổ quát và các quyền tự do cơ bản giúp làm cho tất cả các quốc gia mạnh hơn.

Hiện vẫn còn một con đường dài phía trước. Nhưng điều mang lại cho tôi niềm hy vọng hơn cả trong những dặm tiếp theo của cuộc hành trình chính là sự can đảm của những người đã đến được với một tương lai khác và đầy hy vọng hơn. Và đó là câu chuyện mà tôi muốn kể lại cho bạn trước khi chia tay ngày hôm nay.

Khi tôi trở thành một thượng nghị sĩ, ngày càng tham gia nhiều hơn vào các vấn đề khu vực với tư cách là một thành viên trẻ của ủy ban và sau đó là Chủ tịch Tiểu ban Châu Á- Thái Bình Dương, chuyến đi đầu tiên mà tôi thực hiện là vào năm 1986 đến Philippin. Ông Ferdinand Marcos đã tổ chức một cuộc bầu cử gian lận chớp nhoáng để lừa mọi người và chứng minh ông ta có trọng trách thế nào, để cố bám lấy quyền lực. Tổng thống Reagan đề nghị Thượng nghị sĩ Richard Lugar và tôi tham gia một phái đoàn quan sát những cuộc bỏ phiếu.   Và tôi sẽ không bao giờ quên khi đến Manila và thấy những dòng người ào ạt không thể tin nổi trên mọi đường phố với trang phục áo sơ mi màu vàng hoàng yến cùng biểu ngữ của cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ. Một số người trong số chúng tôi hồi đó biết là đã có những cáo buộc về gian lận. Ban đầu tôi được cử đi Mindanao để quan sát cuộc bỏ phiếu vào buổi sáng và sau đó trở lại Manila, và đang ngồi trong khách sạn ở đó thì một người phụ nữ đến gặp tôi, bà khóc và nói, "Thượng nghị sĩ, ông phải đi với tôi đến nhà thờ. Ở đó có những phụ nữ lo sợ về mạng sống của họ".

Và tôi bỏ bữa ăn tối rồi vội đi tới nhà thờ. Tôi vào phòng cất đồ thờ của nhà thờ và nói chuyện với 13 phụ nữ đang khóc và túm tụm với nhau, mạng sống của họ bị đe dọa. Và tôi nghe câu chuyện của họ về cách họ đã tính toán kết quả kiểm phiếu sơ bộ được gửi về từ tất cả mọi miền trên khắp đất nước, nhưng số liệu kiểm phiếu của họ đã không được hiển thị lên bảng ghi của máy tính tổng. Họ đã thổi còi chống tiêu cực đối với một nhà độc tài. Chúng tôi đã tổ chức một cuộc họp báo quốc tế ngay trong nhà thờ, ngay trước bàn thờ, và họ đã công bố, và đó là tín hiệu về ngày tàn của Marcos. Sự can đảm của họ và sự can đảm của người dân Philippin đã tạo ra một tia lửa và nó đã truyền đi khắp thế giới, không chỉ truyền cảm hứng cho một thượng nghị sĩ mới toanh từ tiểu bang Massachusetts, mà còn cho các phong trào quần chúng từ Đông Âu đến Myanmar.

Giờ đây, tôi vẫn nghĩ về thời điểm đó ngay cả vào ngày hôm nay, về sức mạnh của người dân nhằm làm sao để tiếng nói của họ được người khác cảm nhận thấy. Tôi suy nghĩ về cách Cory Aquino đã giành được chức tổng thống dựa trên làn sóng sức mạnh nhân dân vào lúc mà ít ai nghĩ rằng bà có thể làm được. Tôi suy nghĩ về cách chồng bà đã chiến đấu vì dân chủ, thậm chí dù phải trả giá bằng mạng sống của chính mình. Và tôi nghĩ về cách, nhiều thập kỷ sau đó, con trai của họ cũng giành được chức tổng thống qua một cuộc bầu cử dân chủ. Trong diễn văn nhậm chức, Tổng thống Benigno Aquino cho biết: "Cha mẹ tôi đã tìm kiếm, đã hy sinh vì dân chủ và hòa bình, không chấp nhận bất cứ điều gì ít hơn thế. Tôi may mắn bởi di sản này. Tôi phải cầm ngọn đuốc đi về phía trước".

Thưa các bạn, hôm nay tất cả chúng ta phải tập trung một phần sự can đảm đó, tất cả chúng ta đều phải đưa ngọn đuốc về phía trước. Sự nghiệp dân chủ và hòa bình, và sự thịnh vượng mà chúng mang lại, có thể để lại di sản của chúng ta ở châu Á-Thái Bình Dương. Sự cam kết của chúng ta đối với tương lai, hãy tin tôi, rất mạnh mẽ. Các nguyên tắc của chúng ta là chính nghĩa. Và chúng ta tham gia vào sự nghiệp này là vì dài hạn - nhưng nhìn rõ những thách thức phía trước.

Cảm ơn các bạn. (Vỗ tay)

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: