Bộ trưởng Ngoại giao Pompeo tại tiệc tối với cộng đồng doanh nhân tại Hà Nội, Việt Nam

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
Bộ trưởng Ngoại giao Pompeo tại tiệc tối với cộng đồng doanh nhân tại Hà Nội, Việt Nam  (2018) 
của Michael Richard Pompeo, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Bài phát biểu ngày 8 tháng 7 năm 2018.

Lời phát biểu


Michael R. Pompeo
Bộ trưởng Ngoại giao


Khách sạn Sofitel Metropole
Hà Nội, Việt Nam
Ngày 8 tháng 7 năm 2018

ĐẠI SỨ KRITENBRINK: (Tiếng vỗ tay.) Cảm ơn các bạn. Xin chào tất cả các bạn. Tôi rất vui có mặt tại đây. Tôi là Dan Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, và tôi rất vui mừng được thấy rất nhiều những người bạn của mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam tại đây tối nay. Đây là một buổi tối rất đặc biệt. Chúng ta có sự hiện diện của Bộ trưởng Pompeo, người đang thực hiện một chuyến công du toàn cầu đặc biệt quan trọng. Chúng tôi rất vinh dự vì Bộ trưởng đã quyết định tới Việt Nam và dành buổi tối hôm nay với chúng ta.

Bây giờ, các bạn hãy cùng tôi nhiệt liệt chào mừng Bộ trưởng Ngoại giao Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Ngài Michael Pompeo. (Tiếng vỗ tay.)

BỘ TRƯỞNG POMPEO: Việc này làm tôi nhớ đến nhà thờ — nào các bạn, các hàng ghế phía trước vẫn còn trống. Mời các bạn. (Tiếng cười.) Thật tuyệt vời được – tôi thấy có hai cái – họ có thể có sẵn bài phát biểu của tôi trên kia, và mọi người thì không lạ với việc tôi hay nói khác đi. Cho nên nếu có – nếu có một sự lẫn lộn, thì tôi mới đúng, còn bài phát biểu chiếu kia là sai. (Tiếng cười.)

Xin chào! Cảm ơn các bạn đã tới đây với tôi tối nay. Đây là trường hợp mà tôi đến Việt Nam lần đầu tiên. Lần đầu với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao, tôi có cơ hội tới Đông Nam Á, và tôi đã rất muốn tới đất nước này. Đây là một nơi đặc biệt với một lịch sử lâu đời và phong phú. Với nước Mỹ, là người từng phụ vụ trong quân đội Mỹ, tôi hiểu và biết lịch sử này và rất tự hào về những gì hai nước chúng ta đã làm được trong các thập kỷ qua.

Tôi muốn cám ơn Đại sứ Dan Kritenbrink đã sắp xếp mọi việc để có được sự kiện tối nay. Ông ấy cũng đã có vai trò trung tâm trong việc tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ ở đây. Tôi hy vọng các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ chặt chẽ này. Việc đó sẽ có lợi cho hai nước chúng ta, và cho cả doanh nghiệp của các bạn. Và tôi hiểu rằng Thứ trưởng Ngọc, người sẽ sớm trở thành tân Đại sứ của chúng ta, cũng đang có mặt tại đây? Đúng à? Vui được gặp lại ngài. Cảm ơn! Cảm ơn ngài đã tới dự tối nay. Tôi rất mong ngài sớm đến Washinton. Chúng tôi sẽ rất vui được thấy ngài ở đó.

Các bạn biết không, trong vài ngày qua, tôi đã dành thời gian để suy ngẫm về chuyến thăm Việt Nam lần này. Tôi – tôi chỉ là một đứa trẻ trong thời gian Chiến tranh Việt Nam. Lúc đó, xung quanh tôi ai cũng nói về nó. TV đưa tin hàng tối. Chúng tôi đều nhớ người dẫn chương trình Walter Cronkite kể cho chúng tôi về những diễn biến mới nhất ở đây. Tôi biết trong cộng đồng tôi lớn lên, một số gia đình có con và cha không bao giờ trở về. Đó là một thời gian khó khăn trong lịch sử nước Mỹ và trong lịch sử Việt Nam.

Nhưng thử nhìn xem chúng ta đang ở đâu hôm nay. Thật là đáng kể. Tôi vừa có cuộc gặp với ngài Tổng bí thư, và thật kỳ diệu khi nghĩ rằng tôi đã gặp ông ấy với tư cách một bộ trưởng Mỹ. Liệu ai đó trong thập niên 1960 hoặc 70 có thể hy vọng hoặc tin rằng một Ngoại trưởng Mỹ lại có thể có các cuộc thảo luận tuyệt vời với một số lãnh đạo chính trị hàng đầu của Việt Nam, trong đó chúng tôi đã chia sẻ tầm nhìn chung về cách thức chúng ta sẽ đi về phía trước? Liệu có ai lúc bấy giờ có thể tin rằng một Ngoại trưởng Mỹ sẽ có một bài phát biểu về cách thức chúng ta có thể tiếp tục phát triển quan hệ kinh doanh và kinh tế, quan hệ đối tác với Việt Nam? Tôi nghĩ khả năng là không ai có thể đã tiên lượng được việc này.

Thực tế chúng ta trò chuyện như thế này tối nay là một minh chứng cho lợi ích chung của hai quốc gia, cho sự tôn trọng lẫn nhau, cho quyết tâm dứt khoát của chúng ta – bất chấp những khó khăn to lớn – để vượt qua quá khứ và hướng tới tương lai.

Tôi nói những điều vừa rồi vì nó rất quan trọng. Nhưng tôi hy vọng rằng Hoa Kỳ, một ngày nào đó, chúng tôi cũng có mối quan hệ giống như vậy với Bắc Triều Tiên. Chúng tôi biết đó là một khả năng có thật, bởi vì chúng tôi đã chứng kiến Việt Nam đã bước đi trên con đường đó tuyệt vời như thế nào. Trong những năm đầu thập niên 1980, Việt Nam ở trong tình thế (khác) so với hiện nay: hàng triệu người trước đó đã bỏ mạng trong các cuộc chiến khủng khiếp, trong đó, tất nhiên có cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ. Hàng triệu người khi ấy vẫn phải tìm kiếm nguồn cung ứng lương thực và nơi ở ổn định. Trước tình hình đất nước trải qua các cuộc xung đột tiếp nối nhau trong các thập kỷ trước đó, lãnh đạo chính trị và quân sự của Việt Nam không ngừng lo ngại về khả năng xảy ra những cuộc xung đột mới. Và ngoại trừ quan hệ với một số quốc gia cộng sản, Việt Nam lúc đó đã bị cô lập với thế giới.

Nhưng giai đoạn thách thức này cũng đưa ra các cơ hội cho Việt Nam. Lãnh đạo Việt Nam nhận thấy đất nước có thể cải cách, mở cửa và gây dựng các mối quan hệ mà vẫn không đe dọa tới chủ quyền, độc lập và mô hình chính phủ của nước mình. Một chìa khóa dẫn tới sự vươn lên đáng kinh ngạc của Việt Nam trong vài thập niên vừa qua là cách giao tiếp mới với Hoa Kỳ. Việc này đã bắt đầu khi Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu hợp tác để hồi hương hài cốt của các quân nhân Mỹ hy sinh tại Việt Nam. Bước đầu tiên, tuy nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa này, rốt cuộc đã giúp dẫn đến mối quan hệ tốt đẹp hơn và việc tái lập quan hệ chính thức giữa hai nước chúng ta vào năm 1995.

Đây cũng chính là vấn đề Hoa Kỳ hiện nay đang đối mặt với Chủ tịch Kim. Mối quan hệ mới mẻ với Hoa Kỳ, kết hợp với sự cần cù của nhân dân Việt Nam và sự lãnh đạo sáng suốt, đã giúp Việt Nam có một câu chuyện thành công đáng kinh ngạc. Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Trong hai thập kỷ qua, thương mại song phương nói chung đã tăng trưởng đáng kinh ngạc ở mức 8.000%. Chỉ trong thập kỷ qua, xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam tăng hơn 300%, và các công ty Mỹ đã đầu tư hàng tỷ đôla vào Việt Nam, với doanh thu to lớn. Người dân Việt Nam đã trải nghiệm sự cải thiện đáng kinh ngạc về đời sống kinh tế. Theo tiêu chuẩn toàn cầu, khoảng 60% người dân ở mức nghèo đói vào những năm đầu thập niên 1990. Giờ đây, tỷ lệ này là dưới 10%.

Và quan trọng là, sự phát triển quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam còn vượt xa ra ngoài lĩnh vực kinh tế. Về mặt chính trị, sự giao tiếp của chúng tôi với lãnh đạo Việt Nam đã đạt tới tầm cao mới. Bộ trưởng Mattis đã thăm Việt Nam vào tháng 1. Mới tháng trước, Phó Thủ tướng Huệ đã đến thăm tôi tại Bộ Ngoại giao. Và tất nhiên, Tổng thống Trump đã có chuyến thăm Việt Nam đầu tiên vào năm ngoái.

Trong quá khứ, chúng ta là đối thủ trên chiến trường. Nhưng hôm nay, mối quan hệ an ninh của chúng ta chỉ là hợp tác. Tháng 3 vừa qua, USS Carl Vinson đã đến thăm Đà Nẵng, là hàng không mẫu hạm đầu tiên của Mỹ đến Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh. Và, sau khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cách đây hai năm, quân đội hai nước đang tìm cách tăng cường hơn nữa mối quan hệ về an ninh. Việc chúng ta đang hợp tác – chứ không phải giao chiến – là bằng chứng cho thấy khi một quốc gia quyết định gây dựng cho mình một tương lai tươi sáng hơn cùng với Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ giữ đúng lời hứa của mình. Dù vẫn còn nhiều thách thức trong mối quan hệ giữa chúng tôi với Việt Nam, thực tế chúng ta có thể có những cuộc thảo luận thẳng thắn nhưng bình tĩnh khi hai bên có bất đồng, là minh chứng thêm nữa về mối quan hệ giữa hai nước.

Và cuối cùng, hãy nhìn vào kết quả của sự giao tiếp của Hoa Kỳ với lãnh đạo và nhân dân Việt Nam – chúng ta thấy thịnh vượng và an ninh nở rộ. Khi các nhà lãnh đạo ở Hà Nội đi ngủ mỗi đêm, ý niệm về chuyện xung đột với Mỹ là cái cuối cùng trong đầu họ. Thay vào đó, họ nghỉ ngơi với niềm tin chắc chắn rằng nước Mỹ không quan tâm đến chuyện khơi lại vết thương cũ trong quá khứ. Trong bối cảnh quan hệ thương mại đang sôi động và hợp tác an ninh ngày càng tăng, không gì thiệt hại cho quyền lợi của Mỹ hơn là chọn một cuộc tranh chấp với Việt Nam.

Trước sự thịnh vượng và mối quan hệ đối tác chưa từng thấy mà Hoa Kỳ đang có với Việt Nam hiện nay, tôi xin có một thông điệp cho Chủ tịch Kim Jong Un: Tổng thống Trump tin rằng đất nước của ngài có thể lặp lại con đường của Việt Nam. Sẽ là cơ hội của ngài nếu ngài nắm bắt nó. Phép màu này có thể trở thành phép màu của ngài ở Bắc Triều Tiên.

Hoa Kỳ đã rõ ràng về những gì chúng tôi mong đợi từ phía Bắc Triều Tiên để khởi động cho tiến trình này. Sự lựa chọn bây giờ thuộc về Bắc Triều Tiên và nhân dân của họ. Nếu họ làm được việc này, họ sẽ được nhớ đến, và Chủ tịch Kim sẽ được nhớ đến như một anh hùng của nhân dân Triều Tiên.

Bây giờ tôi xin chuyển đề tài một chút. Tôi muốn nêu rõ rằng một vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở là ưu tiên đích thực của Hoa Kỳ. Như Chiến lược An ninh quốc gia của Tổng thống Trump và bài diễn văn của ông tại hội nghị APEC tháng 11 năm ngoái tại Đà Nẵng đã nói rõ, Hoa Kỳ cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi các quốc gia độc lập và hùng mạnh tôn trọng chủ quyền của nhau, thực thi pháp quyền và thúc đẩy thương mại có trách nhiệm. Chúng tôi hy vọng những nguyên tắc này sẽ giúp các chính phủ và doanh nghiệp của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi họ lựa chọn đối tác. Chúng tôi hy vọng họ sẽ thấy rằng hành động của Hoa Kỳ, trái ngược với những nước khác trong khu vực, không chỉ vì lợi ích kinh tế đơn thuần. Hoa Kỳ tìm kiếm các quan hệ đối tác trong khu vực được xây dựng trên các giá trị tôn trọng, công bằng và pháp quyền.

Một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở mang tính sống còn cho sự tăng trưởng thương mại liên tục giữa hai nước chúng ta. Trong cuộc họp của Tổng thống Trump với Chủ tịch Quang vào tháng 11 năm ngoái, hai nhà lãnh đạo đã cam kết làm sâu đậm mối quan hệ thương mại và kinh tế. Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc này. Chúng ta sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do, công bằng và đối ứng trong các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm thương mại kỹ thuật số, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, ôtô, thanh toán điện tử và hàng hóa nông nghiệp. Nhìn chung, chúng tôi sẽ thúc đẩy các thị trường mở, minh bạch và cạnh tranh, cũng như các cơ hội thương mại và đầu tư cho các công ty Mỹ.

Tổng thống Trump cũng đã nhấn mạnh với Việt Nam về tầm quan trọng của việc giảm thâm hụt thương mại về phía chúng tôi. Chúng ta cần giải quyết các vấn đề cản trở các công ty Mỹ tiếp cận thị trường ở Việt Nam. Tôi hy vọng được nghe ý kiến ​​của quý vị tối nay về cách thức chúng ta có thể đạt tiến bộ nhằm xóa bỏ các rào cản đối với hàng hóa của Mỹ, để mỗi nước chúng ta đều giàu lên.

Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực vì một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, một quốc gia tham gia thương mại công bằng và đối ứng. Và ngay cả khi chúng ta tập trung vào tương lai, chúng ta sẽ cùng hợp tác để giải quyết cuộc xung đột trong quá khứ. Điều này bao gồm việc phối hợp để thống kê đầy đủ tất cả người mất tích và khắc phục tác động kéo dài của dioxin ở đất nước này.

Tôi rất mong chờ sự kiện tối nay. Tôi đã mong đợi nó vài ngày nay, từ khi Dan cho tôi biết là đã sắp xếp được sự kiện này. Chúng ta sẽ có những thảo luận tôt đẹp về cách thức tất cả chúng ta có thể thúc đẩy sự thịnh vượng chung. Với sự giúp đỡ của quý vị, cả người Việt và người Mỹ trong phòng này, chúng ta có thể bảo đảm rằng Việt Nam tiếp tục là một mô hình cho các quốc gia đang khát vọng một tương lai tươi sáng hơn, bất kể họ đang ở giai đoạn nào trong hành trình của mình. Một lần nữa, cảm ơn quý vị rất nhiều về sự đón tiếp nồng ấm và về việc tham gia với tôi tối nay. Tôi mong sẽ (không nghe được). Cảm ơn! (Tiếng vỗ tay.)

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: