Ba ngày luân lạc/Chương 9

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Thấy Cu Nhớn khiêng một khúc gỗ lớn và vác một con dao rựa nặng bằng cả thân hình nó, Đức kinh ngạc hỏi ngay:

- Mày đem những thứ ấy ra để làm gì đấy?

- Băm rau lợn chứ có làm gì.

Đức lè lưỡi trỏ đống bèo sen:

- Thế thì đến bao giờ cho xong?

- Ồ, chỉ một loáng thôi, băm xong lại còn phải nấu cho lợn ăn nữa chứ.

- Thế thì đến tối rồi còn gì! Thế thì mày còn lúc nào để mà chơi? Thế cả ngày mày không chơi một tí nào ư?

Cu Nhớn nhìn Đức như người ta nhìn một quái tượng:

- Nhỏ như chúng nó mới chơi chứ. Tao lớn rồi còn chơi gì? Làm suốt cả ngày còn chưa hết công việc. Bu tao thế mà về còn gắt với tao đấy. Nếu chơi nữa thì có chết.

Đức lẩm bẩm như nói với mình:

- Cậu mợ tao thì không bao giờ gắt với tao cả.

Tuy thế, nhưng còn một đoạn nữa nó không dám nói ra miệng, thứ nhất nói trước mặt thằng Cu Nhớn, nó chỉ nói thầm ở trong bụng: “Chỉ có tao là gắt với cậu mợ tao thôi”.

Thật ra thì lúc ấy nó nhận thấy mình hư lắm rồi. Và không hiểu sao nó thấy ngượng không dám nhìn thẳng lên mặt Cu Nhớn nữa.

Cu Nhớn thấy nó thế, không hiểu cái tâm sự, lại hỏi nó một câu khiến cho nó đã thẹn lại càng thẹn, đã hối lại càng hối:

- Thế mày cả ngày chỉ chơi thôi à?

Tuy không muốn trả lời, nhưng Đức bị một sức mạnh bí mật vít cổ xuống, nó sẽ gật đầu:

- Ồ, thế thì trẻ con Hà Nội kỳ nhỉ?

Ý nó thì là muốn nói: “Trẻ con Hà Nội hỏng và vô dụng nhỉ?” Nhưng chữ hỏng thì nó không nỡ nói, mà hai chữ vô dụng thì nó chưa biết dùng đến.

Mặc dầu nó không nói ra, nhưng Đức ta cũng cảm rõ rệt thấy cái ý của nó. Đức ta mới ngửng đầu lên, nói một lời để tự thú cái tội của mình:

- Không, từ giờ giở đi thì tao phải khác mới được.

Cu Nhớn gật lấy gật để:

- Ừ, phải thế chứ. Mày được đi học, mày lại lười trốn về, chứ tao ấy à, cầu xin đi không được. Tao mà được đi học thì tao cứ sướng mê đi, tao học cả ngày. Với lại mày bảo tốn cơm, tốn áo, tốn giấy, tốn bút để đi học, mà không chịu học, thì chỉ có đem chôn, ấy lúc nào tao làm hỏng cái gì, thầy bu tao vẫn nói như thế.

Đức nhìn Cu Nhớn bằng con mắt kính phục, rồi se sẽ nói:

- Nhưng mày thì chắc ít khi mày làm cái gì hỏng lắm.

- Cũng có chứ. Nhưng là lúc nào tao vô ý thôi. Với lại dù tao có không làm hỏng thì thầy bu tao cũng cố tìm ra lỗi để mắng vì thầy bu tao bảo trẻ con phải răn dạy từ bây giờ thì nhớn lên mới khá được. Tao biết thầy bu tao như thế, cho nên dù có bị mắng oan, tao cũng chả cãi. Bố mẹ có thương con thì mới mắng con chứ.

Đức sực nghĩ đến cách của cậu mợ đối với mình. Chẳng những không mắng bao giờ, mà lại còn chiều cả những cái hư của mình nữa. Mà mình thì chẳng những chẳng giúp đỡ gì cậu mợ, lại còn tìm đủ mọi cách để quấy rối.

Thốt nhiên, nó thấy thương cậu mợ sắt ruột lại, rồi thì nó hấp tấp hỏi Cu Nhớn:

- Thế thầy bu mày có đánh mày bao giờ không?

Cu Nhớn lắc đầu:

- Không, không. Tao có làm gì mà phải đòn. Chỉ có khi nào hư và lười thì thầy bu tao mới đánh chứ, à, à, thế mà có.

Rồi nó chép miệng:

- Nhưng lần ấy cũng không phải lỗi ở tao. Chà, lần ấy, tao bị năm roi đau quắn đít. Nhưng tao chỉ khóc thôi, tao không muốn gì.

Rồi giơ dao chỉ về phía các em:

- Lần ấy mà tao nói ra thì chúng nó chết đòn, thầy tao hôm ấy đang nóng lắm.

Bất giác, Đức ngồi xích vào để nghe cho được rõ. Cu Nhớn ngùi ngùi:

- Đằng nào thì nồi cám cũng cháy rồi mà chúng nó thì còn bé. Tao nấu cám lợn xong rồi tao dụi bếp để đấy đi kiếm củi thì chúng nó ở nhà chúng nó chơi nấu cám, chúng nó đốt lửa đùng đùng lên cháy hết cả cám và hỏng cái nồi. Lúc tao về tao thấy thế, tao đã chữa hết sức mà không thể được. Mày tính cám khê mùi nồng nặc, và chiếc nồi đã bị cháy xém đen, còn chữa thế nào được. Tao biết thầy tao mà biết thì thế nào thầy tao xót ruột, thầy tao cũng đánh ghê lắm. Mà thầy tao biết ngay. Y như rằng, về tới sân, thầy tao ngửi thấy mùi cám khê. Thầy tao đã gắt ngay. Đến khi trông đến cái nồi thì thầy tao quát rầm nhà. Chúng nó sợ hãi mặt mũi tái xanh, ngồi nép vào một xó, run lên cầm cập. Tao thấy chúng nó thế, thương hại, thành ra khi thầy tao đánh tao, tao cắn răng chịu không mách chúng nó.


o O o


Không muốn, mà Đức cũng phải thốt ra:

- Thế mày chịu đòn oan cho chúng nó à?

Cu Nhớn thản nhiên như không:

- Kể thì cũng chẳng phải là oan. Thầy bu tao phải đi làm vắng, mà để cho chúng nó nghịch ngợm như thế thì cũng là lỗi tại tao rồi.

Rồi nó buông dao giơ ngón tay cái:

- Với lại thầy tao đánh bằng cái roi tre đực to ngần này, để cho chúng nó bị đòn thì chúng nó có chết, với lại tao im đi thì tao chỉ bị một mình năm roi thôi. Tao biết tính thầy tao đã đánh thì chỉ năm roi thôi, và ít ra thì cũng là năm roi. Năm roi với mười lăm roi, mày bảo đằng nào hơn?

- Nhưng mười lăm roi đánh chúng nó chứ có đánh mày đâu?

Cu Nhớn đã trả lời một cách rất anh hùng khiến cho Đức ta xạm cả mặt mà không tự biết:

- Thì mày tính chúng nó cũng như tao, khác gì. Chúng nó là em tao, chứ là ai.

Rồi nhìn về phía ba đứa em đang lấy những đồng xu của thằng Đức cho ra chơi đáo:

- Tao thấy chúng nó bị đòn thì tao thương lắm, không chịu được. Lần nào chúng nó bị đòn cũng khóc thét lên gọi tao.

Rồi lấy gân tay:

- Mày phải biết tao nhớn, tao cố chịu được nhé.

- Nhưng mày có đau không?

Cu Nhớn xuýt xoa:

- Ứ ù, lại chả đau, đau mê cù đì đi ấy chứ lị.

- Thế mày có khóc không?

- Mọi lần thì tao cũng có khóc, nhưng lần ấy tao biết nghe thấy tao khóc thì chúng nó… sẽ thương tao, tao cắn răng tao chịu. Nhưng cắn răng mà tự nhiên đau quá, răng cũng phải rời ra. Thầy tao tay lò gạch, đánh thì mày bảo roi nào chẳng chết người. Tao cố không khóc, nhưng nước mắt nó cứ trào ra. Rồi tới khi thầy tao cho tao dậy, chúng nó chạy đến để dỗ tao, tao phải vội vàng lau đi, không cho chúng nó trông thấy.


o O o


Đức nghe đến đấy, vùng ôm chầm lấy Cu Nhớn khóc rưng rức. Cu Nhớn ngơ ngác không hiểu, hay nó chỉ hiểu ở chỗ Đức thương nó vội vàng đàn giải:

- Bố mẹ đánh con là thường. Đau một tí thì nó hết đi, chứ mày tính có phải đòn hằn, đòn thù đâu mà đau lâu.

Đức cứ khóc, khóc rũ rượi, khóc thảm thiết. Bọn trẻ con nghe thấy Đức khóc xúm cảm lại, Cu Nhớn lại vội vàng an ủi:

- Tao bị đánh đã từ mấy tháng trước cơ, hết đau đã từ tám hoánh rồi, việc gì mà mày còn khóc nữa. Kìa nín đi, không chúng nó cười cho kia kìa.

Đức lau nước mắt, nhưng miệng vẫn còn mếu:

- Thế ra mày hơn tao nhiều, bác tao bảo tao hư thật là đúng quá.

Cu Nhớn vội dỗ dành:

- Từ sáng đến giờ, tao chả thấy cái gì là mày hư cả.

- Có, có, tao hư, ở nhà tao, tao hư lắm, mày không biết đấy thôi, mày chịu đòn thay cho em mày. Còn tao thì tao đánh em tao luôn. Tao lại còn làm cho chúng nó bị cậu mợ tao đánh là khác nữa.

- Thế mày không thương chúng nó à?

Đức lặng thinh một lát:

- Tao cũng không biết nữa.

Rồi giọng bỗng rắn lại:

- Nhưng từ giờ giở đi thì tao thương lắm rồi.

Cu Nhớn vẫn không hiểu hết tâm sự của Đức:

- Ừ, em thì phải thương chúng nó chứ.

Rồi vì lăn lóc với cuộc mưu sinh gay go đã quen, Cu Nhớn không chịu được những sự tỏ tình một cách “đàn bà” như thế, vội ẩy Đức ra:

- Thôi mày tránh ra để cho tao băm, rồi còn nấu, chứ không chiều mà chưa xong thì có giời cũng không can được bu tao đánh tao.

Tuy thế, nhưng từ đấy, nó đã nhìn Đức bằng một con mắt khác. Đức cũng cảm thấy như thế.


o O o


Giời tháng một, rét như thế, mà Cu Nhớn chỉ băm bèo có một lúc, mồ hôi đã vã ra ở mặt. Đức thấy thế, liền bảo:

- Thôi, mày mệt rồi, để tao băm đỡ cho mày một lúc.

Không phải Cu Nhớn mệt đâu, nhưng vì nể bạn, nó đưa dao:

- Đây thì mày băm, nhưng khéo không chặt phải tay đấy nhé.

Đức cầm con dao thấy nặng trĩu cả tay, cơ hồ giơ lên không muốn nổi. Và đúng như lời Cu Nhớn dặn, chỉ đến nhát thứ năm, là nó băm phải đầu ngón tay.

Nó kêu rú lên một tiếng, buông dao. Cu Nhớn vội vàng nắm ngay lấy tay nó:

- Tao đã bảo mà, tao đã bảo mà. Nhưng không sao, chỉ sướt một tí ở đầu ngón thôi. May quá, may quá, nếu vào trong thì mất tay đi, đứng dậy tao lấy mồ hóng rịt cho thì cầm máu ngay, và mai thì khỏi.

Đức đau, đau lắm. À, giá ở nhà nó thì thôi thật là loạn nhà lên rồi. Nó đã khóc và giẫy lên như con trạch bị nằm trong rọ cua rồi. Đằng này ở đây không, nó nghiến răng chịu, và thấy Cu Nhớn lo sợ, nó cố cười:

- Không, không đau đâu

Cu Nhớn lấy bồ hóng dịt cho nó, rồi lấy giẻ buộc gọn gàng và khéo léo như một người lớn. Buộc xong nó cười:

- Thôi, mày cứ ngồi đấy mà xem tao băm.

Còn đoạn dưới tuy nó chỉ nói ra ở cái cười hóm hỉnh. Đức cũng hiểu. Rồi Đức dịch cái cười ấy ra thành tiếng:

- Tao chỉ được có cái ăn thôi có phải không?

Nói xong, nó cảm ngay thấy lời chế giễu ấy còn là nhẹ. Thì nó có bằng lòng cứ ngồi yên mà ăn đâu, nó còn bắt người ta dỗ dành lạy lục mới chịu ăn. Và ăn rồi, thì còn gây ra cho gia đình nó bao nhiêu cái khổ ải nữa chứ.

Cu Nhớn ngồi băm, thì nó ngồi nhìn Cu Nhớn, vừa nhìn, nó vừa nghĩ đến những hành vi của nó trước kia. Nó cảm mơ hồ thấy rằng nó cần phải thay đổi để cho nó giống được Cu Nhớn.

Cu Nhớn băm xong, nhặt bèo vào rổ. Nó muốn giúp Cu Nhớn trong cái công việc ấy thì Cu Nhớn vội can:

- Thôi, thôi, mày đừng có động đậy tay, máu nó đã cầm, động đậy nó lại bật ra thì khốn. Kìa mày phải nghe tao mới được.

Thì nó chỉ muốn nghe Cu Nhớn, nên nó thôi ngay.

Nó theo Cu Nhớn ra ao, xem rửa, nó lại theo Cu Nhớn từ ao vào để xem nhôm bếp, bắc nồi.

Chà, cái nồi gì mà to quá thế cơ, chừng có thể nấu luôn nó và Cu Nhớn ở trong được.

Cu Nhớn đặt cái nồi không lên ông đồ rau rồi hò các em:

- Mau mau, đi đổ nước vào cho tao.

Các em nó rất sung sướng được nó sai, đứa đi lấy liễn, đứa lấy gạo vục nước từ chum chuyên sang, cả cái Đĩ Con cũng lấy cái bát làm theo anh và chị.

Thằng Đức cũng toan giúp thì Cu Nhớn đã gắt:

- Kìa tao đã bảo mày yên tay, không nó lại bật máu ra mà.

Đức muốn làm lắm, nhưng vì nể bạn, nên phải ngồi im. Nhưng ngồi im mà nó thấy khó chịu. Nó chép miệng:

- Ra tao ở đâu cũng chỉ ngồi ăn không thôi.

- À, lúc này mày đau tay kể gì. Người ta lúc đau thì phải nghỉ chứ.


o O o


Sau khi nồi nước gần đầy rồi, Cu Nhớn nhìn cái nồi, rồi nhìn Đức:

- Người nhớn bao giờ cũng hơn chúng mình mày ạ. Thầy bu tao có ở nhà, thì thầy bu tao chỉ vục một cái ở ao đem lên là được ngay, chứ không phải mất công như thế này.

Rồi đá một cái gộc tre:

- Mà đàn ông thì hơn đàn bà mày ạ. Đấy tối hôm qua, bu tao chẻ cho tao đấy, còn to nguyên. Thầy tao mà ở nhà ấy à, chỉ vài nhát búa là cứ nhỏ tí tất cả. Đun mới dễ làm sao. Đằng này thì phải nhóm lâu lắm, và tốn nhiều cành tre thì lửa mới bén được vào gộc.

Rồi bâng khuâng nhìn lên ba gian nhà xiêu vẹo:

- Thầy tao đi vắng thế mà cũng lôi thôi cơ.

Rồi lại lắc đầu:

- À, nhưng mà không sao. Chỉ vài ba năm nữa, tao lớn là tao thay thầy tao được. Chưa biết chừng mà tao cũng đi làm gạch được với thầy tao cơ đấy. Thầy tao bảo nếu tao nhớn lên có sức một chút thì tao cũng đóng gạch được ngày cơm nuôi một hào cơ đấy.

Đức nhìn đàn em của Cu Nhớn một cách khắc khoải:

- Nhưng mày đi thì ở nhà mày…

Cu Nhớn ngắt lời:

- À, à, thì thằng Cu Con nó lại nhớn lên, nó thay tao, và rồi nhà tao lúc ấy, chắc không nghèo như bây giờ nữa.

Những câu nói ấy vùng mở cho Đức nhìn thấy những chân trời mới lạ, mà từ trước đến nay, Đức chưa bao giờ nghĩ tới.

Sao Cu Nhớn cũng mười tuổi như nó mà Cu Nhớn đã biết nghĩ đến ngày mai, đến sự giúp đỡ gia đình. Còn nó, nó chỉ độc một niềm quấy rầy cha mẹ và hành hạ các em?

Sao cùng một tuổi như nhau, mà nó lại “tồi” như thế?

Thường ngày, nó làm những gì, mà Cu Nhớn làm những gì?

Tự vấn tâm như thế, nó thấy nó thật là “đáng đem chôn” như lời bu Cu Nhớn vẫn mắng các con.

Rồi thì tự nhiên nó thấy rúm người nó lại, chẳng muốn nhúc nhích.

Cu Nhớn thấy nó thế, liền hỏi:

- Mày rét đấy à?

- Không. Mày mặc có hai chiếc áo mà không lạnh, tao mặc áo dạ lại áo len trong còn lạnh chỉ có đem chôn.

Cu Nhớn thấy nó nhắc lại câu ấy mỉm cười:

- Chôn gì! Bu tao bảo mặc bao nhiêu áo mà cứ ngồi yên, không làm việc thì cũng rét. Chờ tao nhóm xong nồi cám, rồi tao luộc khoai cho mà ăn.

Các em nó nghe nói thế, mừng nhảy cỡn lên:

- A, sắp có khoai ăn.

Nhìn lũ em vui mừng một cách thái quá, Đức liền hỏi:

- Thế mọi ngày, chúng nó không được ăn khoai à?

- Không, khoai để ghế vào cơm buổi chiều. Mỗi ngày cứ có hai bữa cơm là tốt rồi, khoai nữa thì có chết. Mày ở Hà Nội, chắc trưa mày ăn nhiều lắm đấy nhỉ? Tao nghe thầy tao thường đi Hà Nội về nói ở Hà Nội có bán nhiều thứ ngon lắm cơ mà.

Đức đã không dám công khai các nết xấu của mình ra nữa, và đã thấy cần phải giấu bớt đi:

- Không, tao cũng ăn vừa thôi.

- Thế bây giờ mày đã thấy đói chưa?

Nhịn đói buổi chiều hôm trước, lại buổi sáng có ba vực cơm, lại sống một cuộc đời như thế, quả tình là thằng Đức thấy đói rồi, nhưng bây giờ thì đời nào nó lại đi quan tâm về những cái vặt như thế.

- Không, tao không đói. Thế mày?

Cu Nhớn cười tủm:

- Tao ấy à? Giá bây giờ có một rổ khoai tao ăn cũng hết. Nhưng tao không dám ăn rồi sợ quen đi thì chết. Hà Nội chúng mày thế thì ăn yếu lắm. Mày xem sáng ngày hôm nay, tao có no đâu, chỉ có ba bát vơi. Tao thật no ấy à? Phải sáu bát đầy.

Đức bâng khuâng:

- Thế thường ngày, không bao giờ mày được no cả à?

- Ít khi lắm. Chỉ trừ khi nào thầy tao gửi tiền về, bu tao bảo thổi thêm gạo, nhưng chỉ một bữa thôi.

Đức sực nhớ đến sự nhịn đói của mình chiều hôm qua:

- Thế có bao giờ mày bị nhịn đói không?

Cu Nhớn ngập ngừng nhìn Đức, rồi thấy kẻ đứng trước mặt nó là một đứa bạn có thể nói thật được:

- Luôn, như những buổi chợ mà bu tao đi trưa thế này chẳng hạn, hay hôm nào mưa gió, bu tao không đi làm thuê được, không có tiền mua gạo thì phải nhịn chứ. Hay nếu kiếm được ít thì thổi ít cho chúng nó ăn thôi, còn tao với bu tao nhịn.

- Thế ra… mày làm nhiều như thế, chúng nó chẳng làm gì, mà chúng nó lại được sướng hơn mày à?

- À, thì mình nhớn, mình phải thế chứ.

Rồi nhìn thấy bóng nắng ngả qua hàng rào, Cu Nhớn liền giục Đức:

- Thôi, mày đưa chúng nó lên nhà trên mà chơi, tao luộc khoai xong, tao khắc gọi chúng mày xuống.

Đức đời nào muốn xa Cu Nhớn một bước:

- Không, tao ở đây với mày cơ.

Cu Nhớn thích chí:

- Mày cũng trẻ con như chúng nó, mày chỉ thích gần tao thôi.

Thì thằng Đức cảm ngay thấy sự đúng nghĩa của câu nói ấy, chẳng những thế, nó còn trẻ con hơn. Mà những đứa trẻ con này lại là những đứa trẻ con bảo được, chứ nó thì là đứa trẻ con mất dạy.

Nó lặng lẽ một khắc không nói gì, rồi thì bỗng nó ngửng đầu lên:

- Trước kia, tao cứ dính lấy mợ tao, nhưng từ nay thì không. Quyết là tao không trẻ con nữa. Rồi bao giờ mày sang chơi với tao mà xem, à hôm nào mày sang chơi với tao nhé, tao sẽ cho mày ăn tha hồ, tao sẽ bảo cậu mợ tao cho mày vô số vải lụa để mày và các em mày may áo. Tao sẽ cho mày vô khối là xu.

Cu Nhớn lắc đầu:

- Tao bận thế này thì còn đi chơi đâu được nữa.

- Thì mai đấy, mày đi thẳng sang nhà tao.

- À, không được. Tao chỉ đưa mày quá Yên Viên một đỗi thôi. Rồi tao còn phải xuống lò gạch với thầy tao chứ.

- Mày đưa áo cho thầy mày rồi sang tao.

- Thầy tao thì không thích sự đi chơi nhảm. Thầy tao thì không bao giờ bằng lòng như thế. Tao cũng muốn sang Hà Nội lắm, người ta bảo Hà Nội đẹp lắm lắm, nhưng một khi thầy tao đã không bằng lòng cho đi thì tao biết làm thế nào.

Đức ngẫm nghĩ một lát:

- Thế hay mai mày cứ trốn sang chơi tao đi rồi mày hãy về lò gạch với thầy mày.

Cu Nhớn mở to hai mắt:

- Thế thì thầy tao biết, thầy tao đánh ốm. Với lại thế không được, thế là tao hư à? Thôi để chờ khi nào tao nhớn, tao đi làm ăn một mình được, tao sang chơi với mày. Hay là bao giờ mày nhớn, mày sang chơi với tao, mày đã biết nhà tao, chứ tao chưa biết nhà mày.

Đức vội vàng nói ngay:

- Tao thì không cần phải chờ nhớn, tao đòi cậu mợ tao cho đi thì cậu mợ tao cho đi ngay.

- Thế thì mày sang chơi tao có tốt hơn không, tao sang mày chơi để nhỡ phải đòn và làm cho thầy bu tao buồn.

Cái lý của nó cứng quá, khiến Đức không còn nói gì nữa, mặc dầu Đức yêu nó, muốn cho nó sang nhà mình chơi, để cho nó ăn no một bữa, và cho nó các thứ.

Đức dí mũi giày xuống đất rồi tần ngần bảo nó:

- Ừ thôi, thế hôm nào tao sang chơi với mày vậy. Thế ra mày sợ thầy bu mày thế cơ à?


o O o


Cu Nhớn thật quả không muốn nói đau, nói đớn bạn, bởi cách ăn ở của Đức, nó biết đâu. Đây chẳng qua là tấm lòng thực của kẻ làm con nó thốt ra:

- Con mà không sợ cha mẹ thì có đem chôn. Cha mẹ nuôi cho ăn, cho mặc, không sợ thì còn sợ ai?

Rồi nó hỏi Đức ta một câu khiến Đức ta có cái cảm tưởng như nó tát vào mặt mình:

- Thế mày không sợ thầy bu mày à?

Đức đời nào còn dám thú ra nữa:

- Không, tao cũng có sợ chứ!

- Thế sao mày lại hỏi tao như thế?

Đức không còn biết trả lời làm sao, phải nói tránh:

- À, thì tại tao muốn cho mày sang chơi với tao mà lỵ.

- Tao thì những cái gì, thầy bu tao không bằng lòng thì tao không làm bao giờ, và thầy bu tao đã dặn tao điều gì là thế nào tao cũng theo. Bởi mày phải biết, người lớn bao giờ cũng hơn trẻ con. Trẻ con mà không có người nhớn thì chết đói rã họng ra ngay.

Đức cũng nói đưa đà:

- Tao cũng thế chứ, tao cũng biết thế chứ.


o O o


Ấy thế là bao nhiêu điều kiện cốt yếu để làm người mà Đức không học được ở gia đình thì tới đây, thằng Cu Nhớn đã vô tình mà dạy cho nó biết cả.

Tới đây, nhìn thằng Cu Nhớn làm, và nghe thằng Cu Nhớn nói, nó vụt nhận thấy nó là một đứa con hư, một người anh tồi, một đứa học trò lười.

Những bài học gián tiếp ấy, lý ưng ra thì nó cũng không nhận thấy đâu, nhưng nhờ những đau đớn của đêm hôm trước mở đường, nó đã cảm thấy được một cách thấm thía, nó cảm thấy rằng từ nay nó phải ăn ở khác, ăn ở để hơn thằng Cu Nhớn, bởi nó đã được may hơn thằng Cu Nhớn là đứa lúc nào cũng bị đói luôn.

Là con nhà nghèo, thằng Cu Nhớn còn ngoan như thế; là con nhà giàu, nó phải ngoan hơn thằng Cu Nhớn chứ.

Nó nói xong, tần ngần nhìn thằng Cu Nhớn:

- Nhưng thế nào thì tao cũng còn kém mày nhiều.

Giọng nói của nó mới buồn làm sao, khiến cho thằng Cu Nhớn phải thương hại:

- À, rồi thì mày… gì… thì mày cũng bằng tao chứ lỵ.

Rồi trỏ đàn em:

- Bây giờ chúng nó thế, rồi sau chúng nó cũng như tao chứ.

- Nhưng chúng nó bây giờ còn bé, chứ tao thì bằng tuổi mày.

- Thế thì chắc là mày để non năm hơn tao.

- Không, ta đẻ tháng ba cơ. Tao lại già năm hơn mày chứ.

Rồi nó gật gật đầu, như thầm nhủ điều gì với mình.

Rồi thì nó thở dài và ngửng đầu lên:

- Nhà này mà không có mày thì lôi thôi to nhỉ?

Cu Nhớn thản nhiên chẳng một chút tự phụ:

- Đói to ấy chứ lỵ, không có tao ở nhà cơm nước, và trông coi chúng nó thì bu tao phải ở nhà. Thế thì một ngày thiệt đi bao nhiêu là tiền, bao nhiêu là gạo, và dù thằng Cu Con nó có thay tao trông nhà tạm được, thì nó cũng không thể nấu cám lợn. Thiệt một năm bao nhiêu. Nhà tao tuy nghèo, nhưng có ba con lợn đấy, lúc nào bán đi, cũng có vô khối là tiền… thành ra cũng không nghèo mấy.


o O o


Đức ta không muốn là đồ vô dụng liền đề nghị với Cu Nhớn:

- Thôi, mày bận nấu cám lợn thì để tao đi luộc khoai cho.

Cu Nhớn thật không muốn, nhưng biết để cho Đức làm thì Đức sẽ sung sướng nên bằng lòng:

- Nếu thế thì mày vào trong cái thạp kia lấy khoai ra rửa đi, rồi lấy cái nồi đất kia, để nước vào mà luộc, luộc tất cả.

Đức sung sướng quá, cởi phăng ngay giày, lấy bảy củ khoai to tướng bỏ vào rổ đem ra cầu ao để rửa. Ba em thằng Cu Nhớn theo ra.

Quan viên Hà Nội thì có quen xuống cầu ao đất sét trơn như mỡ bao giờ! Ấy thế là khi bước xuống bậc thứ tư, Đức bị trượt chân suýt ngã, văng cả rổ khoai xuống ao.

Ba em Cu Nhớn thấy mất ăn, liền khóc thét lên.

Cu Nhớn nghe thấy tiếng khóc, vội chạy ra. Nhìn thấy cơ sự như thế, nó liền mắng các em:

- Nín đi. Sao lại khóc? Mọi hôm không có khoai ăn thì làm sao.

Rồi thấy nét mặt buồn khổ của Đức, nó liền an ủi:

- Tại mày đau tay đấy mà. Tao quên khuấy đi mất. Nhưng không sao. Lên đi, tao mò cho.

Miệng nói là nó cởi phăng quần áo, nhảy tủm xuống. Chỉ một loáng là nó mò được hai củ, ném lên bờ.

Bọn trẻ sung sướng, hò reo. Mà có lẽ người sung sướng nhất là thằng Đức. Cu Nhớn, khi nó mò, nó sục, nó ngụp, nó lặn, trong nửa tiếng đồng hồ, chỉ mò được sáu củ, còn một củ mò mãi không thấy.

Thằng Đức thấy trời rét, thương nó:

- Thôi, mày ạ. Thiếu cái củ ấy thì tao không ăn, tao không đói đâu.

Cu Nhớn không nghe:

- Đành thế, nhưng bỏ mất thì phí của giời chứ. Mày tính những củ khoai lớn như thế, bây giờ gần một xu một củ đấy.

Rồi nó lại lặn, lại mò, lại ngụp, rồi thì vụt, bọn trẻ nhìn thấy củ khoai từ từ ở mặt nước dâng lên, mà chẳng thấy Cu Nhớn đâu:

Cả bọn vỗ tay hò reo:

- A, được rồi! Được rồi!


o O o


Cu Nhớn, một lúc lâu mới ngoi lên:

- Đấy, mày xem, nếu không cố một tí nữa thì có phải phí một đồng xu không?

Đức đăm đăm nhìn những giọt nước chạy trên da nó:

- Nhưng mày rét.

- Ồ, không rét.

Tuy miệng nó nói thế mà nó cứ run cầm cập. Đức vội cởi áo tây của mình khoác cho nó. Nó giờ tay xua và nói chữa:

- Ở dưới nước ấm, lên bờ mới rét đấy. Không, tao không cần.

Rồi nó rửa sạch nõn những củ khoai, bỏ vào rổ, đưa cho Đức:

- Thôi, bây giờ thì không còn sợ mất đi đâu được nữa.

Rồi nhe bộ răng trắng nhởn:

- Có lẽ mất vào mồm.

Các em nó nghe câu khôi hài ấy thấy thú quá, đều cười rũ lên.

- Thôi, con khỉ, cười ít chứ! Đứa nó về nhóm bếp lên, để tao tắm một cái cho sạch sẽ rồi tao về. À, đun củi ấy, chứ đừng có đun rơm. Chúng mày lóng ngóng, nhỡ cháy nhà một cái thì chết.


o O o


Đức cho nước vào nồi, Đức bỏ khoai vào nồi. Phải, những công việc ấy thì dễ lắm rồi. Nhưng tới khi nhóm bếp thì nó mới khó làm sao! Nó thổi, nó quạt, nó ra sân châm bao nhiêu lần lữa mà vẫn chưa cháy cho, lửa vẫn chưa bén vào củi cho.

Cu Nhớn ở ao về, thấy cái cơ ngơi ấy, cười tít:

- Thôi, hỏng rồi, quan viên Hà Nội không biết đun bếp rồi. Mày cứ cho những cái củi tướng như thế vào, rồi mày giơ cái đóm tí ti ra, thì bao giờ mà lửa bắt vào củi được. Đây này, mày xem tao. Tao không cần phải làm nòm bằng đóm mà cũng cháy đùng đùng lên cho mày xem.

Nó ẩy Đức ta ra, rồi nó rút những thanh củi lớn ra. Nó lấy một tí rơm để vào giữa bếp, xếp một ít cành con lên, rồi nó mới đặt những thanh củi lớn vào. Chỉ một thanh đóm đốt vào giữa là lát sau, lửa bốc lên đùng đùng.

Nó nhìn Đức một cách khoái chí:

- Phải để rác và củi con vào giữa thì lửa mới bén, mới bắt ra được chứ.

Đức tiu nghỉu:

- Tại tao không đun bếp bao giờ.

Cu Nhớn kinh ngạc, vì nó không thể ngờ rằng ở trần gian này lại có những đứa trẻ con nhớn như nó mà không đun bếp bao giờ:

- Thế ở nhà mày, mày làm gì?

Nhưng hỏi xong, nó lại sực nhớ đến những câu tâm sự mà Đức đã nói với nó:

- À quên, tao quên, mày ở nhà chỉ chơi không thôi nhỉ. Nhưng tại nhà mày giàu, chứ nhà tao nghèo, tao phải làm.

Rồi nhìn vào nồi khoai, thấy đầy ắp những nước, nó la trời:

- Luộc có mấy củ khoai ranh mà mày làm như cả tổng làm lợn thế này ư? Thế này thì bao giờ sôi, và tốn bao nhiêu củi!

Nó đổ đi ba phần tư nước, rồi gật gật đầu:

- Trước kia, tao tưởng mày nói đùa. Ra ở nhà mày, mày không làm gì thật.

- Giá tao có định làm thì cậu mợ tao cũng không cho làm.

Cu Nhớn cười khì khì:

- Ở đây, giá tao không làm thì thầy bu tao đánh chết!

Rồi chép miệng:

- Mà tao làm thì nó đã quen rồi, bây giờ không làm thì nó buồn buồn làm sao ấy.


o O o


Sau khi sôi vài dạo rồi, Cu Nhớn chắt hết nước ở nồi khoai đi, rồi rút hết lửa ra, chỉ để một tí than và giảng cho Đức nghe:

- Thế này thì nó ngọt và ra mật, nghe chưa. Không làm thế này thì khoai nhủn ra mà không ngon nghe chưa. Chốc mày xem, mật bám chung quanh củ khoai bóng lọng. Thôi, để một tí tao trông cho nồi cám chín, vào bắc ra thì vừa.

Bọn trẻ con không theo Cu Nhớn ra sân, ngồi túc trực chung quanh nồi khoai. Cu Nhớn sẽ củng vào đầu Cu Con, rồi hét ngay:

- Chúng mày làm gì như lũ chết đói thế! Ra ngoài kia chơi, rồi lúc nào chín, ta khắc cho ăn mà.

Bọn trẻ con tiu nghỉu đi ra. Cu Nhớn tủm tỉm cười, bảo Đức:

- Tao mắng chúng nó thế thôi, sợ chúng nó quen cái tính ấy đi thì có người lạ, người ta cười cho. Chứ tao cũng biết chúng nó đói lắm chứ. Mày tính từ sáng giờ có vài bát cơm và chiều nay thì không biết có được ăn không.

Rồi nhìn cái vẻ băn khoăn của Đức, nó lại nói:

- Nhưng hôm nay có mày thì nếu không kiếm được, bu tao cũng sang vay bác tao.

- Thế nếu không có tao?

- Thì nhịn cả. Hay chạy được ít gạo thì nấu cháo lên.

Xưa nay, Đức ta thường ăn cháo cao lâu có trứng và thịt, liền hỏi một câu dớ dẩn:

- Tao tưởng cháo ăn ngoan chứ?

Cu Nhớn cười:

- Nhưng nó không no. Cứ ra đằng đầu nhà vài lần, là hết veo ngay.

- Thế đói thế thì các em mày nó có khóc không?

- Cũng có hôm nó khóc. Nhưng bu tao quát lên vài tiếng thì chúng nó lại im ngay. Với lại ngủ tít đi thì nó quên đi chứ. Nhưng sáng dậy thì phải biết.

- À tao hiểu rồi.

- À nhỉ, chiều qua mày nhịn đói nhỉ. Thế mày nhịn đói tất cả mấy lần rồi?

- Chỉ có một lần chiều qua. Thế mày?

- Úi chào, tao thì luôn, không nhớ hết nữa.


o O o


Sau khi nồi cám chín rồi, Cu Nhớn vươn vai, nói to:

- Nào vào đây, tao cho ăn khoai.

Các em nó sung sướng, chạy ùa lên.

Nó vớt khoai ra rổ, rồi bảo Đức:

- Đấy mày xem, tao nói có đúng không? Những củ khoai bóng lên những mật, trong ngon không?

À, giá ở Hà Nội thì những củ khoai ngon thế, chứ ngon nữa, Đức cũng vứt đi. Bây giờ thì nó thấy ngon, vì sáng nó ăn ít cơm, lại không ăn quà, lại nhịn đói tối hôm qua. Tuy thế, nó cũng có can đảm từ chối, khi Cu Nhớn cầm hai củ khoai đưa cho nó.

- Không, tao không ăn đâu. Tao không đói mà. Để cho mày và các em mày.

Cu Nhớn không bằng lòng.

- Bu tao có mày thì mới bảo luộc khoai mà. Mày không ăn thì bu tao sẽ mắng tao.

Đức ta buộc lòng phải cầm, nhưng chỉ cầm một củ thôi:

- Thôi, thế tao ăn củ nhỏ này vậy.

Cu Nhớn nhìn các em:

- Thế sướng nhé!

Rồi chia đều cho mỗi đứa hai củ, chẳng để một củ nào cho mình.

Đức vội bẻ củ khoai làm đôi:

- Thế mày không ăn à? Thôi, mày ăn với tao một nửa vậy.

Cu Nhớn hất tay nó ra:

- Không, tao không đói.

Rồi nó vỗ vào cái bụng lép kẹp:

- Đây, tao vẫn hãy còn no căng, mày trông đây.

Đức ta đã hiểu cái no của nó là thế nào rồi, liền rơm rớm nước mắt:

- Nếu mày không ăn thì tao cũng không ăn đâu.

Rồi nó cầm hai mảnh khoai, toan đưa cho Cái Đĩ Nhớn và cái Đĩ Con.

Thằng Cu Nhớn vội giằng lấy.

- Ừ thì tao ăn vậy, nhưng sao mày hay khóc thế?

- Thôi, từ giờ tao không khóc nữa.

Tuy nó nói thế, nhưng nước mắt nó cứ chảy ra ròng ròng.

Cu Nhớn lấy tay chùi nước mắt cho nó:

- Thôi nín đi, không nước mắt nó xuống miệng, lại nhạt cả khoai ra bây giờ đây này.