Biên dịch:Buổi học cuối cùng

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Buổi học cuối cùng
của Alphonse Daudet, do Wikisource dịch từ tiếng Anh

Sáng nay tôi đi học muộn và rất sợ một trận quở mắng. Thầy Hamel nói rằng sẽ kiểm tra chúng tôi về phân từ mà tôi thì chưa biết một chữ nào cả. Tôi định trốn học và chơi cả ngày ở ngoài trời. Hôm nay trời ấm và quang đãng. Chim hót líu lo bên bìa rừng, và quân Phổ đang tập luyện trong cánh đồng sau xưởng cưa. Những thứ này thực sự hấp dẫn hơn quy tắc về phân từ, nhưng tôi vẫn có đủ sức mạnh để kháng cự và chạy vội đến trường. Khi tôi đi ngang qua toà thị chính, một đám đông đang tụ tập trước bảng thông báo. Suốt hai năm qua chúng tôi đã đón nhận toàn tin xấu tại đây: những cuộc chiến bại, những cuộc tuyển lính, những lệnh của sỹ quan chỉ huy. Tôi tự nhủ, vẫn không dừng lại:

- Còn gì có thể xảy ra bây giờ được nữa ?

Khi tôi chạy nhanh hết sức lực, bác thợ rèn Wachter đang đứng đó đọc bảng tin cùng với người thợ học việc, gọi với theo tôi:

- Này nhóc, chạy nhanh làm gì, kiểu gì thì cháu cũng đến trường sớm thôi.

Tôi nghĩ bác ấy giễu tôi, và chạy bở hơi tai đến tận chiếc vườn nhỏ của thầy Hamel. Bình thường thì từ phố có thể nghe thấy tiếng huyên náo ở đây mỗi khi vào học, tiếng đóng mở bàn, tiếng học sinh đồng thanh đọc bài trong khi tay bịt tai để hiểu bài hơn, và tiếng thày giáo gõ thước trên bàn. Nhưng nay sao yên tĩnh quá ! Tôi đã định đến chỗ ngồi trống không để thầy giáo thấy, nhưng hôm nay mọi thứ đều yên ắng như sáng chủ nhật vậy. Qua cửa sổ tôi thấy bạn bè đã vào chỗ ngồi, và thầy Hamel đi lên đi xuống, tay cầm chiếc thước sắt đáng sợ. Tôi phải mở cửa và đi vào trước mặt mọi người. Bạn có thể tưởng tượng tôi ngượng chín mặt và sợ hãi như thế nào.

Nhưng không có gì xảy ra cả. Thầy Hamel thấy tôi và ân cần bảo tôi:

- Vào chỗ nhanh lên. Cả lớp đã bắt đầu mà chưa có mặt em.

Tôi trèo qua ghế và ngồi vào bàn. Đến khi đó, khi đã bớt sợ, tôi mới nhận thấy thầy giáo đang mặc chiếc áo khoác xanh, chiếc áo sơ mi xếp nếp, đội chiếc mũ thêu bằng lụa đen mà thầy không bao giờ mặc trừ những ngày thanh tra và những ngày trao giải thưởng. Ngoài ra trường hôm nay trông thật lạ và trang trọng. Nhưng điều ngạc nhiên nhất đối với tôi là, trên những chiếc ghế đen trước đây luôn luôn trống vắng, nhiều dân làng đang ngồi và cũng yên lặng như chúng tôi; ông già Hauser với chiếc mũ ba góc, ông thị trưởng, bác đưa thư, và vài người khác. Mọi người trông có vẻ buồn bã, ông Hauser mang theo một quyển sách vỡ lòng cũ kỹ, mép đã nhàu nát, ông mở rộng sách trên đầu gối và đặt đôi kính ngang trang sách.

Khi tôi phân vân chưa rõ mọi chuyện thì thầy Hamel ngồi lên ghế, và vẫn với giọng nghiêm nghị, hiền lành như mọi ngày, thầy nói:

- Các em thân mến, đây là bài học cuối cùng mà thầy dạy các em. Lệnh mới đến từ Berlin chỉ cho phép dạy tiếng Đức trong các trường ở Alsace và Lorraine. Thầy giáo mới sẽ đến đây ngày mai. Đây là bài học tiếng Pháp cuối cùng của các em. Thầy mong các em sẽ chăm chú.

Những lời này như làm tôi thấy như bị sét đánh! Những người tội nghiệp, đó chính là những gì người ta đã yết thị tại toà thị chính!

Bài học tiếng Pháp cuối cùng của tôi! Tại sao, khi hầu như tôi không biết viết! Tôi sẽ không bao giờ được học thêm gì nữa. Thế là phải dừng lại ở đây thôi sao! Ôi, thật ân hận vì những lần không học bài đi tìm trứng chim hoặc đi trượt tuyết! Đống sách của tôi, mà vừa một lát trước đây tôi còn thấy thật phiền nhiễu, thật khó để mang vác, rồi ngữ pháp, rồi câu chuyện về các thánh, nay trở thành những người bạn cũ mà tôi không thể từ bỏ được. Cả thầy Hamel nữa, cái ý nghĩ rằng thầy sắp đi xa, rằng tôi sẽ không bao giờ được gặp thầy nữa, làm tôi quên hết tất cả về chiếc thước và tính cáu kỉnh của thầy.

Thật tội nghiệp thầy! Thầy đã diện bộ quần áo đẹp chủ nhật để dạy buổi học cuối cùng này, và tôi đã hiểu tại sao những người già trong làng lại đến đây ngồi, ở cuối căn phòng. Bởi vì họ cũng thấy buồn không được đến ngôi trường này nữa. Đó là cách họ cảm ơn vị thầy giáo đã phục vụ tận tuỵ suốt bốn mươi năm qua, và để tỏ lòng tôn kính với đất nước nay đã không còn là của họ.

Khi đang suy nghĩ về những điều này, tôi thấy mình bị gọi tên. Đến lượt tôi phải đọc thuộc lòng. Làm sao tôi có thể đọc đến hết cái quy tắc đáng sợ về phân từ ấy, rõ ràng, dõng dạc mà không phạm lỗi ? Tôi rối trí ngay từ những từ đầu tiên và đứng đó, tay nắm chặt bàn, tim đập thình thịch, không dám ngẩng đầu lên. Tôi nghe thấy thầy Hamel nói:

- Thầy sẽ không mắng em đâu. Em bị phạt thế đủ rồi. Ngày nào chúng ta cũng tự nhủ : mình còn nhiều thời gian lắm, mai hãy học. Và em thấy cái gì đã đến rồi đấy. Đó là bất hạnh của vùng Alsace, vốn luôn hoãn việc học hành lại ngày mai. Và người ta có quyền nói: Gớm, các ông giả vờ làm người Pháp nhưng lại chẳng biết đọc cũng không biết viết ngôn ngữ của các ông. Nhưng dù sao, tội nghiệp, không phải em là người có lỗi nhất. Tất cả chúng ta đều có nhiều điều đáng trách.

- Cha mẹ các em đã không quá lo lắng về chuyện học hành của các em. Họ thích các em làm việc ở nông trại hoặc nhà máy, như vậy có thể thêm được chút tiền. Còn thầy ư ? Thầy cũng đáng trách. Có phải thầy đã thường xuyên bắt các em tưới hoa thay vì dạy học không ? Khi thầy muốn đi câu cá, có phải thầy đã không ngại ngần cho các em nghỉ học không ?

Rồi từ chuyện này sang chuyện khác, thầy Hamel tiếp tục nói chuyện về tiếng Pháp, rằng đó là ngôn ngữ đẹp nhất, rõ ràng nhất, logic nhất trên thế giới, rằng chúng tôi phải giữ gìn và không được quên nó, vì khi một dân tộc bị nô dịch, chừng nào họ còn giữ được tiếng nói là họ còn giữ được chiếc chìa khoá thoát khỏi ngục tù. Rồi thầy mở sách ngữ pháp và giảng bài. Tôi thấy rất ngạc nhiên vì mình hoàn toàn hiểu bài. Những gì thầy giảng thật dễ hiểu làm sao! Tôi nhận thấy mình chưa bao giờ nghe giảng chăm chú như vậy, và cũng chưa bao giờ thầy giảng nhiệt tình như thế. Có vẻ như người thầy tội nghiệp muốn truyền cho chúng tôi tất cả những gì thầy biết trước khi ra đi, và muốn đặt hết vào đầu chúng tôi chỉ trong chốc lát.

Sau bài học ngữ pháp, chúng tôi học viết. Hôm ấy thầy Hamel đã chuẩn bị cho chúng tôi những bản mẫu mới, trên đó có những chữ tròn trịa: France, Alsace, France, Alsace. Chúng trông như những lá cờ nhỏ phấp phới trong lớp học, treo trên những thanh trên bàn học của chúng tôi. Phải thấy là mọi người đều làm việc chăm chú! Và yên lặng là sao! Chỉ nghe thấy tiếng bút viết cọt kẹt trên giấy. Có lúc có mấy con bọ bay vào, nhưng không ai để ý đến chúng, kể cả những cậu nhỏ nhất đang chăm chú vạch những nét ngoằn ngoèo như thể đó là tiếng Pháp vậy.

Trên mái nhà bọn bồ câu khẽ cúc cu, và tôi tự nhủ:

- Liệu họ có bắt cả những con bồ câu phải gáy bằng tiếng Đức không ?

Khi nào tôi ngẩng đầu lên khỏi trang vở cũng thấy thầy Hamel ngồi bất động trên ghế, đăm chiêu nhìn những thứ xung quanh, như thể thầy muốn khắc sâu vào đầu hình ảnh mọi vật trong cái phòng học bé nhỏ này. Thử nghĩ xem, suốt bốn mươi năm qua thầy đã ở chỗ này, với chiếc vườn ngoài cửa sổ và lớp học trước mặt, y như bây giờ. Chỉ có bàn ghế bị mòn đi cùng năm tháng, những cây óc chó trong vườn đã cao hơn, cây hoa bia mà thầy tự tay trồng đã chăng hoa quanh cửa sổ lên đến tận ngói. Hẳn thầy đau lòng biết bao khi bỏ lại tất cả những thứ này, khi nghe tiếng em gái thầy đi lại ở căn phòng phía trên gói ghém hành lý! Vì họ phải đi khỏi đây mãi mãi vào ngày mai.

Dù vậy thầy vẫn có đủ can đảm để giảng tới tận bài cuối cùng. Sau giờ học viết chúng tôi học Lịch sử, và sau đó những em nhỏ hát ba, be, bi, bo, bu. Dưới kia, cuối lớp học, ông già Hauser đã đeo kính vào, hai tay cầm cuốn sách vỡ lòng, cũng đang đánh vần cùng với chúng tôi. Ông ấy cũng đang khóc, giọng run run vì xúc động. Nghe giọng ông ấy buồn cười quá mà chúng tôi vừa muốn cười vừa muốn khóc. Tôi sẽ nhớ mãi bài học cuối cùng này!

Bỗng nhiên đồng hồ nhà thờ điểm mười hai giờ. Cùng lúc tiếng kèn trumpet của quân Phổ trở về sau cuộc tập luyện vọng lên dưới cửa sổ. Thầy Hamel đứng dậy, nhợt nhạt. Tôi chưa bao giờ thấy thầy cao như thế.

"Các bạn của tôi," thầy nói, "tôi… tôi…" nhưng một thứ gì đó đã làm thầy nghẹn lại, không nói tiếp được nữa. Thầy quay lại bảng, lấy một mẩu phấn, tì bằng hết sức lực và viết thật to:

‘Vive la France’[1]

Rồi thầy đứng đó, đầu tựa vào tường, tay ra hiệu cho chúng tôi, không nói một lời:

- Hết giờ rồi, mọi người về thôi.

   




Chú thích

  1. Nước Pháp muôn năm


 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này được phát hành theo Giấy phép Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 3.0 Chưa chuyển đổi, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ ràng, cùng với việc ghi công tác giả gốc.

 

Tác phẩm này được phát hành theo các điều khoản của Giấy phép Tài liệu Tự do GNU.


Điều khoản sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu văn bản được cấp phép theo GFDL được nhập sau tháng 11 năm 2008 cũng phải cấp phép kép với một giấy phép tương thích khác. "Nội dung chỉ khả dụng trong GFDL không được phép" (§7.4). Điều này không áp dụng cho phương tiện phi văn bản.