Biên dịch:Tuyên bố chung Trung-Anh

50%
Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tuyên bố chung của Chính phủ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Vấn đề Hồng Kông  (1984) 
của Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ Anh, do Wikisource dịch từ tiếng Anh
Tuyên bố chung Trung-Anh là một hiệp ước song phương quốc tế được ký kết giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Vương quốc Anh vào ngày 19 tháng 12 năm 1984 tại Bắc Kinh. Bản tuyên bố quyết định vấn đề chủ quyền và thỏa thuận quản lý đối với Hồng Kông sau ngày 1 tháng 7 năm 1997, khi thời hạn thuê Tân Giới kết thúc theo Công ước mở rộng lãnh thổ Hồng Kông. Tuyên bố bao gồm tám đoạn, ba Phụ lục về Các chính sách cơ bản đối với Hồng Kông, Nhóm liên lạc Trung-Anh và Việc thuê đất cũng như hai Bản ghi nhớ của hai bên. — Trích dẫn từ Tuyên bố chung Trung-Anh của Wikipedia, bách khoa toàn thư mở.

Tuyên bố chung[sửa]

Chính phủ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sau khi xem xét mối quan hệ hữu nghị giữa hai Chính phủ và nhân dân hai nước trong những năm gần đây, đã đồng ý rằng việc đàm phán để giải quyết thấu đáo vấn đề Hồng Kông, một vấn đề tồn tại từ quá khứ, sẽ tạo thuận lợi cho việc duy trì sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông và sẽ tăng cường và phát triển thêm mối quan hệ giữa hai nước dựa trên một nền tảng mới. Vì vậy, sau các cuộc thảo luận giữa hai phái đoàn của hai Chính phủ, các bên đồng ý tuyên bố:

1. Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố rằng việc thu hồi khu vực Hồng Kông (bao gồm Đảo Hồng Kông, Cửu Long và Tân Giới, sau đây sẽ được gọi chung là Hồng Kông) là khát vọng chung của toàn thể nhân dân Trung Quốc, và quyết định thực hiện quyền chủ quyền đối với Hồng Kông kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1997.

2. Chính phủ Vương quốc Anh tuyên bố sẽ trao trả Hồng Kông cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1997.

3. Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố các chính sách cơ bản của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với Hồng Kông như sau:

(1) Để duy trì sự thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ và có tính tới lịch sử và thực tế của Hồng Kông, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định hình thành, thể theo các quy định trong Điều 31 của Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đặc khu Hành chính Hồng Kông khi thực hiện quyền chủ quyền đối với Hồng Kông.
(2) Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ Nhân dân Trung ương của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ được hưởng mức độ tự quyết cao, ngoại trừ các vấn đề về đối ngoại và quốc phòng sẽ thuộc trách nhiệm của Chính phủ Nhân dân Trung ương.
(3) Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ được trao quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp độc lập, bao gồm cả quyền phán xử cuối cùng. Pháp luật hiện hành tại Hồng Kông về cơ bản sẽ không thay đổi.
(4) Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ bao gồm cư dân tại địa phương. Trưởng Đặc khu sẽ do Chính phủ Nhân dân Trung ương chỉ định dựa trên kết quả bầu cử hoặc tư vấn diễn ra tại Đặc khu. Các viên chức chính yếu sẽ do Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông đề cử lên Chính phủ Nhân dân Trung ương để được chỉ định. Những người mang quốc tịch Trung Quốc và ngoại quốc trước đây làm việc trong cơ quan hành chính và cảnh sát tại các cơ quan chính quyền Hồng Kông vẫn được tiếp tục làm việc. Những người mang quốc tịch Anh và các ngoại quốc khác cũng vẫn có thể tiếp tục làm việc với vai trò cố vấn hoặc giữ những chức vụ công cộng nhất định trong chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông.
(5) Hệ thống xã hội và kinh tế, cũng như lối sống hiện tại ở Hồng Kông sẽ không thay đổi. Các quyền lợi và quyền tự do, bao gồm tự do cá nhân, ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, du lịch, đi lại, thư tín, đình công, lựa chọn việc làm, nghiên cứu học thuật và niềm tin tôn giáo sẽ được đảm bảo bằng pháp luật tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Quyền tư hữu về tài sản, quyền sở hữu doanh nghiệp, quyền thừa kế chính đáng và đầu tư ra nước ngoài sẽ được pháp luật bảo hộ.
(6) Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ được giữ tình trạng cảng tự do và lãnh thổ hải quan riêng rẽ.
(7) Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ được giữ tình trạng trung tâm tài chính quốc tế, và thị trường riêng khi trao đổi ngoại tệ, vàng, chứng khoán và hợp đồng tương lai sẽ vẫn tiếp tục. Sẽ có dòng vốn tự do. Đô la Hồng Kông sẽ tiếp tục được lưu hành và vẫn được chuyển đổi tự do.
(8) Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ có tài chính độc lập. Chính phủ Nhân dân Trung ương sẽ không đánh thuế lên Đặc khu Hành chính Hồng Kông.
(9) Đặc khu Hành chính Hồng Kông có thể lập quan hệ tài chính đôi bên cùng có lợi với Vương quốc Anh và các nước khác, và lợi ích kinh tế của họ sẽ được đối đáp một cách chính đáng.
(10) Với tên gọi "Hồng Kông, Trung Quốc", Đặc khu Hành chính Hồng Kông được phép tự duy trì và phát triển các mối quan hệ kinh tế và văn hóa và ký kết các thỏa thuận tương ứng với các quốc gia, lãnh thổ và các tổ chức quốc tế tương ứng.
Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông được phép tự cấp giấy tờ du lịch để nhập cảnh và xuất cảnh Hồng Kông.
(11) Việc duy trì trật tự công cộng tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông là trách nhiệm của Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông.
(12) Các chính sách cơ bản như đề cập ở trên của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với Hồng Kông và các chi tiết được làm rõ trong Phụ lục I của Tuyên bố chung này sẽ được Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quy định trong Luật Cơ bản của Đặc khu Hành chính Hồng Kông thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và sẽ không thay đổi trong vòng 50 năm.

4. Chính phủ Vương quốc Anh và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố rằng, trong thời kỳ chuyển giao từ khi Tuyên bố chung này có hiệu lực cho tới ngày 30 tháng 6 năm 1997, Chính phủ Vương quốc Anh sẽ chịu trách nhiệm trong việc điều hành Hồng Kông với mục đích duy trì và bảo tồn sự thịnh vượng về kinh tế và ổn định về chính trị; và rằng Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ hợp tác với cùng mục tiêu này.

5. Chính phủ Vương quốc Anh và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố rằng, nhằm bảo đảm sự chuyển giao chính quyền một cách suôn sẻ vào năm 1997, và với quan điểm thực hiện Tuyên bố chung một cách có hiệu quả, một Nhóm Liên lạc Trung-Anh sẽ được hình thành khi Tuyên bố chung này có hiệu lực; và rằng nó sẽ được hình thành và vận hành theo các điều khoản của Phụ lục II của Tuyên bố chung này.

6. Chính phủ Vương quốc Anh và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố rằng việc cho thuê đất tại Hồng Kông và các vấn đề liên quan khác sẽ được xử lý theo các điều khoản của Phụ lục III của Tuyên bố chung này.

7. Chính phủ Vương quốc Anh và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đồng ý thực hiện các tuyên bố trên và các Phụ lục của Tuyên bố chung này.

8. Tuyên bố chung này sẽ được phê chuẩn và sẽ có hiệu lực vào ngày trao đổi các văn kiện phê chuẩn, sẽ diễn ra tại Bắc Kinh trước ngày 30 tháng 6 năm 1985. Tuyên bố chung này và các Phụ lục của nó sẽ có tính ràng buộc như nhau.

Được làm tại Bắc Kinh vào ngày 19 tháng 12 năm 1984 bằng tiếng Anh và tiếng Trung với giá trị pháp lý như nhau.

(Đã ký) (Đã ký)
Đại diện Chính phủ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland Đại diện Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Phụ lục I: Giải thích của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về các chính sách cơ bản đối với Hồng Kông[sửa]

Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa giải thích các chính sách cơ bản của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với Hồng Kông như đề cập tại đoạn 3 của Tuyên bố chung của Chính phủ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về vấn đề Hồng Kông như sau:

I. HIẾN PHÁP[sửa]

Việc ban hành Luật Cơ bản của Đặc khu Hành chính Hồng Kông[sửa]

Điều 31 của Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nói rằng "nhà nước trong trường hợp cần thiết có thể thành lập khu hành chính đặc biệt. Trong khu hành chính đặc biệt thi hành chế độ căn cứ theo tình hình cụ thể do Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc quy định theo pháp luật." Theo Điều này, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sau khi tiếp quản quyền chủ quyền đối với Hồng Kông vào ngày 1 tháng 7 năm 1997, sẽ thành lập Đặc khu Hành chính Hồng Kông của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ ban hành và công bố một bộ Luật Cơ bản của Đặc khu Hành chính Hồng Kông của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (từ sau sẽ được gọi tắt là Luật Cơ bản) thể theo Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quy định rằng sau khi hình thành Đặc khu Hành chính Hồng Kông hệ thống xã hội chủ nghĩa và các chính sách xã hội chủ nghĩa sẽ không được thực thi tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông và rằng hệ thống tư bản chủ nghĩa trước đây và lối sống của Hồng Kông sẽ không bị thay đổi trong 50 năm.

Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ Nhân dân Trung ương của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và sẽ được hưởng quyền tự quyết cao. Ngoại trừ các vấn đề đối ngoại và quốc phòng sẽ thuộc trách nhiệm của Chính phủ Nhân dân Trung ương, Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ được trao quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp, bao gồm cả quyền phán xử cuối cùng. Chính phủ Nhân dân Trung ương sẽ cho Đặc khu Hành chính Hồng Kông các quyền đối ngoại được ghi trong Mục XI của Phụ lục này.

Trưởng Đặc khu. Viên chức chính yếu. Hội đồng lập pháp[sửa]

Chính quyền và hội đồng lập pháp của Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ bao gồm những cư dân địa phương. Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ được lựa chọn thông qua bầu cử hoặc các cuộc tư vấn tổ chức tại chỗ, sau đó sẽ do Chính phủ Nhân dân Trung ương chỉ định. Các viên chức chính yếu (tương đương với các Bí thư) sẽ được Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông đề cử và do Chính phủ Nhân dân Trung ương chỉ định. Hội đồng lập pháp của Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ được lựa chọn bằng bầu cử. Nhánh hành pháp sẽ hoạt động theo pháp luật và bị giám sát bởi hội đồng lập pháp.

Ngôn ngữ[sửa]

Ngoài tiếng Trung, tiếng Anh cũng được dùng trong các cơ quan chính quyền và trong tòa án tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông.

Lá cờ và huy hiệu[sửa]

Bên cạnh việc treo quốc kỳ và quốc huy của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đặc khu Hành chính Hồng Kông có thể sử dụng lá cờ và huy hiệu riêng của đặc khu.

II. HỆ THỐNG PHÁP LUẬT[sửa]

Luật đã có hiệu lực[sửa]

Sau khi thành lập Đặc khu Hành chính Hồng Kông, pháp luật đã có hiệu lực tại Hồng Kông (gồm thông luật, luật công bình, luật địa phương, luật thứ cấp và luật theo thói quen) sẽ được duy trì, ngoại trừ các luật mâu thuẫn với Luật Cơ bản và được sửa chữa bởi hội đồng lập pháp của Đặc khu Hành chính Hồng Kông.

Quyền lập pháp[sửa]

Quyền lập pháp của Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ được trao cho hội đồng lập pháp của Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Hội đồng lập pháp được sử dụng quyền của mình để ban hành những luật theo các điều khoản của Luật Cơ bản và quy trình pháp luật, và báo cáo chúng cho Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc để lưu chiểu. Những luật do hội đồng lập pháp ban hành nếu thể theo Luật Cơ bản và quy trình pháp luật sẽ được xem là hợp lệ.

Pháp luật của Đặc khu Hành chính[sửa]

Pháp luật của Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ là Luật Cơ bản, các luật đã có hiệu lực tại Hồng Kông và các luật do hội đồng lập pháp Đặc khu Hành chính Hồng Kông ban hành như trên.

III. HỆ THỐNG TƯ PHÁP[sửa]

Hệ thống tư pháp cũ[sửa]

Sau khi thành lập Đặc khu Hành chính Hồng Kông, hệ thống tư pháp được thi hành trước đây tại Hồng Kông sẽ được giữ nguyên ngoại trừ các thay đổi do các tòa án của Đặc khu Hành chính Hồng Kông quyết định với quyền lực phân xử cuối cùng của mình.

Quyền tư pháp; Án lệ[sửa]

Quyền tư pháp tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ được trao cho các tòa án của Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Các tòa án sẽ thực thi quyền tư pháp một cách độc lập và không bị bất kỳ sự can thiệp nào. Các thành viên của nhánh tư pháp sẽ được hưởng quyền miễn trừ pháp luật theo chức năng tư pháp của họ. Các tòa án sẽ phán xử các vụ án dựa theo các luật của Đặc khu Hành chính Hồng Kông và có thể sử dụng án lệ trong các lĩnh vực thông luật.

Bổ nhiệm và bãi nhiệm thẩm phán[sửa]

Các thẩm phán của các tòa án Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ do trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông bổ nhiệm theo đề xuất của một ủy ban độc lập bao gồm các thẩm phán địa phương, những người hành nghề luật và những cá nhân quan trọng khác. Các thẩm phán sẽ được lựa chọn dựa trên năng lực tư pháp của họ và có thể được tuyển từ các lĩnh vực thông luật khác. Một thẩm phán sẽ chỉ bị bãi nhiệm khi không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ của chức vụ, hoặc vì cư xử sai trái, bởi trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông thi hành theo đề xuất của một tòa án do chánh án tòa chung thẩm chỉ định, bao gồm không ít hơn ba thẩm phán địa phương. Ngoài ra, việc bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm các thẩm phán chính (tức là những người có cấp bật cao nhất) sẽ do trưởng đặc khu thực hiện với sự ủng hộ của cơ quan lập pháp Đặc khu Hành chính Hồng Kông và sẽ được báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc để lưu chiểu. Hệ thống bổ nhiệm và bãi nhiệm các viên chức tư pháp không phải là thẩm phán sẽ được giữ nguyên.

Quyền phán quyết cuối cùng[sửa]

Quyền phán quyết cuối cùng của Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ được trao cho tòa chung thẩm của Đặc khu Hành chính Hồng Kông, có thể phải mời các thẩm phán từ các khu vực thông luật khác vào tòa chung thẩm.

Truy tố[sửa]

Cơ quan có quyền truy tố của Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ kiểm soát quyền truy tố tội phạm mà không bị bất cứ can thiệp nào.

Những người hành nghề luật[sửa]

Dựa trên nền tảng hệ thống đã được vận hành tại Hồng Kông, Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ tự ra các quy định cho những luật sư địa phương và luật sư bên ngoài Đặc khu Hành chính Hồng Kông để làm việc và hành nghề tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông.

Hỗ trợ tư pháp lẫn nhau[sửa]

Chính phủ Nhân dân Trung ương sẽ hỗ trợ hoặc cho phép Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông thực hiện những thỏa thuận hỗ trợ tư pháp lẫn nhau hợp lý với ngoại quốc.

IV. DỊCH VỤ CÔNG[sửa]

Viên chức chính quyền và thành viên tư pháp từng làm việc tại Hồng Kông[sửa]

Sau khi thành lập Đặc khu Hành chính Hồng Kông, toàn bộ các viên chức chính quyền đã làm việc tại Hồng Kông trước đây tại tất cả các phòng ban của chính phủ, bao gồm sở cảnh sát, và các thành viên tư pháp đều được tiếp tục nhiệm sở và tiếp tục công việc với lương, trợ cấp, quyền lợi và điều kiện làm việc không tệ hơn trước. Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ trả lương cho những người về hưu hoặc kết thúc hợp đồng, cũng như những người đã về hưu từ trước ngày 1 tháng 7 năm 1997, hoặc cho người thân của họ, tất cả tiền hưu trí, tiền thưởng, tiền trợ cấp và những lợi ích xứng đáng với họ theo những điều khoản không tệ hơn trước, và không phân biệt quốc tịch hoặc nơi sinh sống.

Người nước ngoài trong lĩnh vực công[sửa]

Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông có thể thuê người Anh và người nước ngoài khác trước đây đang phục vụ tại lĩnh vực công tại Hồng Kông, và có thể tuyển người Anh và người nước ngoài khác đang có thẻ căn cước định cư lâu dài tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông để làm viên chức chính quyền tại tất cả mọi cấp độ, ngoại trừ vị trí đứng đầu các phòng ban chính quyền quan trọng (tương ứng với các chi nhánh hoặc sở ban ngành ở mức Bí thư) gồm cả sở cảnh sát, và làm phó tại một số các phòng ban đó. Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông cũng có thể mướn người Anh và người nước ngoài khác làm cố vấn cho các phòng ban chính quyền và, khi cần thiết, có thể tuyển những ứng viên có chất lượng ở bên ngoài Đặc khu Hành chính Hồng Kông cho các vị trí chuyên gia và kỹ thuật trong các phòng ban chính quyền. Những người ở trên sẽ được thuê chỉ dựa trên năng lực cá nhân và, như các viên chức chính quyền khác, sẽ chịu trách nhiệm với Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông.

Bổ nhiệm và thăng chức cho viên chức chính quyền[sửa]

Việc bổ nhiệm và thăng chức cho các viên chức chính quyền sẽ dựa trên nền tảng năng lực, kinh nghiệm và khả năng. Hệ thống tuyển dụng, thuê mướn, rèn luyện, đào tạo và quản lý trước đây dành cho viên chức chính quyền (bao gồm các cơ quan đặc biệt để bổ nhiệm, trả lương và điều kiện làm việc), ngoại trừ các điều khoản trao đặc quyền cho người nước ngoài, sẽ được giữ nguyên.

V. TÀI CHÍNH[sửa]

Ngân sách[sửa]

Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ tự xử lý các vấn đề tài chính của đặc khu, bao gồm việc xử lý các nguồn tài chính và lập ngân sách và các tài khoản quyết toán. Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ báo cáo ngân sách và tài khoản quyết toán cho Chính phủ Nhân dân Trung ương để lưu chiểu.

Hệ thống thuế và chi tiêu công[sửa]

Chính phủ Nhân dân Trung ương sẽ không thu thuế tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ được sử dụng khoản thu tài chính với mục đích riêng của mình và sẽ không nộp nó cho Chính phủ Nhân dân Trung ương. Hệ thống thu thuế và chi tiêu công phải được hội đồng lập pháp thông qua, và phải chịu trách nhiệm với hội đồng lập pháp đối với mọi chi tiêu công, và hệ thống kiểm toán các tài khoản công sẽ được giữ nguyên.

VI. HỆ THỐNG KINH TẾ[sửa]

Hệ thống kinh tế và thương mại. Quyền sở hữu tài sản[sửa]

Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ duy trì hệ thống kinh tế và thương mại tư bản chủ nghĩa như đã vận hành tại Hồng Kông. Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ tự quyết định các chính sách kinh tế và thương mại của mình. Những quyền liên quan đến việc sở hữu tài sản, bao gồm quyền mua, sử dụng, từ bỏ, thừa kế và đền bù hụt giá hợp pháp (tương ứng với giá trị thật của tài sản liên quan, được chuyển đổi tự do và chi trả không có sự chậm trễ không đáng có) sẽ tiếp tục được luật pháp bảo vệ.

Cảng tự do và chính sách thương mại tự do[sửa]

Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ giữ tình trạng cảng tự do và tiếp tục chính sách thương mại tự do, bao gồm việc vận chuyển hàng hóa và dòng vốn một cách tự do. Đặc khu Hành chính Hồng Kông được tự mình duy trì và phát triển các quan hệ kinh tế và thương mại với tất cả các quốc gia và khu vực.

Lãnh thổ hải quan. GATT[sửa]

Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ có một lãnh thổ hải quan riêng biệt. Đặc khu được tham gia vào các tổ chức quốc tế và các thỏa thuận thương mại quốc tế phù hợp (bao gồm các thỏa thuận thương mại ưu đãi), như Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch và các thỏa thuận liên quan đến việc buôn bán dệt may quốc tế. Hạn ngạch xuất khẩu, ưu đãi thuế quan và các thỏa thuận tương tự khác do Đặc khu Hành chính Hồng Kông có được sẽ chỉ được dành cho Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ có quyền cấp chứng chỉ xuất xứ riêng cho sản phẩm được sản xuất tại đặc khu, theo các quy luật xuất xứ hiện hành.

Phái đoàn thương mại[sửa]

Đặc khu Hành chính Hồng Kông, khi cần thiết, có thể thành lập các phái đoàn kinh tế và thương mại chính thức hoặc bán chính thức tại nước ngoài, báo cáo việc thành lập các phái đoàn đó cho Chính phủ Nhân dân Trung ương để lưu chiểu.

VII. HỆ THỐNG TIỀN TỆ[sửa]

Hệ thống tiền tế và tài chính trước đây[sửa]

Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ được giữ tình trạng trung tâm tài chính quốc tế. Các hệ thống tiền tệ và tài chính đã được vận hành tại Hồng Kông, bao gồm các hệ thống điều tiết và giám sát các tổ chức nhận tiền gửi và thị trường tài chính, sẽ được duy trì.

Chính sách tiền tệ và tài chính[sửa]

Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông có thể tự quyết định các chính sách tiền tệ và tài chính của mình. Nó sẽ giúp bảo vệ việc vận hành tự do việc kinh doanh tài chính và nguồn vốn tự do bên trong, vào và ra khoi Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Sẽ không có chính sách quản lý trao đổi nào được áp đặt cho Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Thị trường trao đổi ngoại tệ, vàng, cổ phiếu và hợp đồng tương lai sẽ tiếp tục.

Đô-la Hồng Kông[sửa]

Đô-la Hồng Kông, tiền tệ hợp pháp tại đặc khu, sẽ tiếp tục được lưu hành và vẫn được chuyển đổi tự do. Quyền phát hành tiền Hồng Kông sẽ được trao cho Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông có thể cho phép các ngân hàng chỉ định phát hành hoặc tiếp tục phát hành tiền Hồng Kông với thẩm quyền luật định, sau khi đã đảm bảo rằng việc phát hành tiền sẽ được dựa một cách vững chắc và các thỏa thuận phát hành như vậy phải nhất quán với mục tiêu duy trì sự ổn định của đồng tiền. Tiền Hồng Kông nếu chịu sự tham chiếu bất hợp lý đến tình trạng Đặc khu Hành chính của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Hồng Kông sẽ bị thay thế nhanh chóng và rút khỏi lưu hành.

Quỹ chuyển đổi[sửa]

Quỹ chuyển đổi sẽ được quản lý và kiểm soát bởi Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông, dành để điều tiết giá trị chuyển đổi của đô-la Hồng Kông.

VIII. VẬN TẢI HÀNG HẢI[sửa]

Hệ thống quản lý và điều tiết vận tải hàng hải trước đây[sửa]

Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ duy trì hệ thống quản lý hàng hải và điều tiết hàng hải trước đây, bao gồm hệ thống điều tiết điều kiện của thủy thủ. Chức năng và trách nhiệm cụ thể của Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông trong lĩnh vực vận tải hàng hải sẽ do Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông tự quyết định. Các doanh nghiệp vận tải hàng hải tư nhân và các doanh nghiệp liên quan đến vận tải hàng hải và các bến côngtenơ tư nhân tại Hồng Kông sẽ được tiếp tục vận hành một cách tự do.

Đăng ký vận chuyển và cấp chứng nhận[sửa]

Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ được Chính phủ Nhân dân Trung ương cho phép tiếp tục duy trì việc đăng ký vận chuyển và cấp các giấy chứng nhận liên quan do mình quản lý với tên gọi 'Hồng Kông, Trung Quốc'.

Tiếp cận các cảng tại Đặc khu[sửa]

Ngoại trừ các tàu chiến nước ngoài cần phải có sự cho phép của Chính phủ Nhân dân Trung ương, các tàu bè sẽ tiếp tục được quyền vào các cảng của Đặc khu Hành chính Hồng Kông theo pháp luật của Đặc khu Hành chính Hồng Kông.

IX. HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG[sửa]

Hệ thống quản lý hàng không dân dụng trước đây[sửa]

Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ tiếp tục duy trì tình trạng trung tâm hàng không quốc tế và khu vực. Các hãng hàng không của đặc khu và có nơi kinh doanh chính tại Hồng Kông và các doanh nghiệp liên quan đến hàng không dân dụng sẽ được tiếp tục hoạt động. Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ tiếp tục hệ thống quản lý hàng không dân dụng trước đây tại Hồng Kông, và giữ quyền đăng ký máy bay thể theo các quy định do Chính phủ Nhân dân Trung ương quy định liên quan đến dấu hiệu quốc tịch và dấu hiệu đăng ký của máy bay. Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ tự chịu trách nhiệm về các vấn đề kinh doanh thường nhật và quản lý kỹ thuật đối với hàng không dân dụng, bao gồm việc quản lý sân bay, điều chỉnh dịch vụ điều tiết bay bên trong khu vực thông tin bay của Đặc khu Hành chính Hồng Kông, và làm tròn các trách nhiệm khác được phân chia theo quy trình quản lý bay khu vực của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.

Dịch vụ hàng không[sửa]

Chính phủ Nhân dân Trung ương, với sự tham vấn từ Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông, sẽ sắp xếp cung cấp các dịch vụ bay giữa Đặc khu Hành chính Hồng Kông và những phần khác của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với những hãng hàng không của đặc khu và có nơi kinh doanh chính đặt tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông và các hãng hàng không khác của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tất cả các Thỏa thuận Dịch vụ Hàng không cung cấp dịch vụ hàng không giữa các phần khác của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các quốc gia và khu vực khác có điểm dừng tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông và các dịch vụ hàng không giữa Đặc khu Hành chính Hồng Kông và các quốc gia và khu vực khác có điểm dừng tại các phần khác của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ do Chính phủ Nhân dân Trung ương quyết định. Vì lý do này, Chính phủ Nhân dân Trung ương sẽ tính tới các điều kiện đặc biệt và lợi ích kinh tế của Đặc khu Hành chính Hồng Kông và tham vấn với Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Các đại diện của Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông có thể tham gia làm thành viên các phái đoàn của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong những cuộc tư vấn về dịch vụ hàng không với các chính phủ nước ngoài liên quan đến các thỏa thuận cho những dịch vụ trên.

Thỏa thuận Dịch vụ Hàng không[sửa]

Với sự cho phép cụ thể từ Chính phủ Nhân dân Trung ương, Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông có thể:

  • làm mới hoặc sửa đổi các Thỏa thuận Dịch vụ Hàng không và các thỏa thuận có hiệu lực trước đây; về nguyên tắc, những Thỏa thuận và sắp xếp như vậy có thể được làm mới hoặc sửa đổi với những quyền lợi trong những Thỏa thuận và sắp xếp đó được duy trì càng nhiều càng tốt;
  • thương thảo và quyết định những Thỏa thuận Dịch vụ Hàng không mới cho những đường bay của các hãng hàng không thành lập và có nơi kinh doanh chính tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông và những quyền bay qua và dừng đỗ kỹ thuật; và
  • thương thảo và quyết định những thỏa thuận khi không có Thỏa thuận Dịch vụ Hàng không với nước ngoài hoặc khu vực khác có hiệu lực.

Tất cả các dịch vụ hàng không đã lên kế hoạch, bay đến, bay đi hoặc bay qua Đặc khu Hành chính Hồng Kông mà không vận hành đến, đi hoặc qua đại lục sẽ do các Thỏa thuận Dịch vụ Hàng không hoặc các thỏa thuận tạm thời trong đoạn này điều chỉnh.

Chính phủ Nhân dân Trung ương sẽ cho Chính quyền Đặc khu Hồng Kông quyền hạn để:

  • thương thảo và quyết định với các cơ quan chức năng tất cả mọi thỏa thuận liên quan đến việc thực hiện các Thỏa thuận Dịch vụ Hàng không hoặc các thỏa thuận tạm thời như đã nói ở trên;
  • cấp giấy phép cho các hãng hàng không thành lập và có nơi kinh doanh chính tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông;
  • chỉ định các hãng hàng không như vậy theo các Thỏa thuận Dịch vụ Hàng không và các thỏa thuận tạm thời như ở trên; và
  • cấp giấy phép cho các hãng hàng không nước ngoài để cung cấp dịch vụ khi những dịch vụ đó không phải đến, đi hoặc qua lục địa Trung Quốc.

X. GIÁO DỤC[sửa]

Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ duy trì hệ thống giáo dục đã được vận hành tại Hồng Kông. Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ tự quyết định các chính sách trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, bao gồm cả các chính sách liên quan đến hệ thống giáo dục và các cơ quan quản lý nó, ngôn ngữ được giảng dạy, phân chia ngân quỹ, hệ thống kiểm tra, hệ thống trao thưởng về học vấn và công nhận các bằng cấp giáo dục và công nghệ. Mọi loại cơ sở giáo dục, bao gồm cả những cơ sở do những tổ chức tôn giáo và cộng đồng vận hành, có thể giữ nguyên tính tự quyết. Họ có thể tiếp tục tuyển nhân viên và dùng các tài liệu giảng dạy từ bên ngoài Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Sinh viên sẽ được hưởng quyền tự do lựa chọn học vấn và quyền tự do theo đuổi học vấn bên ngoài Đặc khu Hành chính Hồng Kông.

XI. ĐỐI NGOẠI[sửa]

Tổng quan[sửa]

Với nguyên tắc các vấn đề đối ngoại là trách nhiệm của Chính phủ Nhân dân Trung ương, các đại diện của Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông có thể tham gia, với tư cách thành viên của phái đoàn Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong các cuộc thương thảo ở cấp độ ngoại giao có ảnh hưởng trực tiếp đến Đặc khu Hành chính Hồng Kông do Chính phủ Nhân dân Trung ương tiến hành. Đặc khu Hành chính Hồng Kông có thể tự mình, với tên gọi 'Hồng Kông, Trung Quốc', duy trì và phát triển các mối quan hệ và quyết định và thực hiện các thỏa thuận với các quốc gia, khu vực và các tổ chức quốc tế phù hợp trong các lĩnh vực phù hợp, bao gồm các lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính và tiền tệ, vận tải hàng hải, liên lạc, du lịch, văn hóa và thể thao. Các đại diện của Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông có thể tham gia, với tư cách thành viên của phái đoàn Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong những tổ chức hoặc hội nghị quốc tế trong các lĩnh vực phù hợp có giới hạn chỉ dành cho quốc gia và có ảnh hưởng đến Đặc khu Hành chính Hồng Kông, hoặc có thể tham dự trong những tổ chức như vậy khi có sự cho phép của Chính phủ Nhân dân Trung ương và tổ chức hoặc hội nghị có liên quan, và có thể thể hiện quan điểm dưới tên gọi 'Hồng Kông, Trung Quốc'. Đặc khu Hành chính Hồng Kông, khi sử dụng tên gọi 'Hồng Kông, Trung Quốc', có thể tham gia vào các tổ chức và hội nghị quốc tế không giới hạn chỉ cho quốc gia.

Các thỏa thuận quốc tế[sửa]

Việc áp dụng các thỏa thuận quốc tế đối với Đặc khu Hành chính Hồng Kông mà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là hoặc sắp là một bên tham gia sẽ do Chính phủ Nhân dân Trung ương quyết định, tùy vào tình trạng và nhu cầu của Đặc khu Hành chính Hồng Kông, và sau khi đã lắng nghe quan điểm của Chính quyền Đặc khu Hồng Kông. Các thỏa thuận quốc tế mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không phải là một bên tham gia nhưng được thực hiện tại Hồng Kông có thể tiếp tục được thực hiện tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Chính phủ Nhân dân Trung ương, khi cần thiết, sẽ cho phép hoặc hỗ trợ Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông thỏa thuận hợp lý đối với việc tham gia của Đặc khu Hành chính Hồng Kông vào các thỏa thuận quốc tế tương ứng. Chính phủ Nhân dân Trung ương sẽ có những bước đi cần thiết để đảm bảo Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ tiếp tục giữ được vị trí một cách phù hợp trong những tổ chức quốc tế mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một thành viên và Đặc khu Hành chính Hồng cũng tham gia với tư cách này hay tư cách khác. Chính phủ Nhân dân Trung ương, khi cần thiết, sẽ tạo thuận lợi cho việc tiếp tục tham gia của Đặc khu Hành chính Hồng Kông theo một cách thích hợp trong những tổ chức quốc tế như vậy mà trong đó Hồng Kông là một bên tham gia với tư cách này hay tư cách khác, nhưng trong đó Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không phải là thành viên.

Lãnh sự và các phái đoàn ngoại giao khác[sửa]

Lãnh sự nước ngoài và các phái đoàn chính thực hoặc bán chính thức khác sẽ được thành lập tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông với sự chuẩn thuận của Chính phủ Nhân dân Trung ương. Lãnh sự và các phái đoàn chính thức khác được thành lập tại Hồng Kông bởi những quốc gia đã có quan hệ ngoại giao chính thức với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ vẫn được duy trì. Tùy theo tình huống mỗi trường hợp, lãnh sự và các phái đoàn chính thức khác của các quốc gia không có quan nghệ ngoại giao chính thức với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có thể hoặc được duy trì hoặc thay đổi thành phái đoàn bán chính thức. Các quốc gia không được Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công nhận chỉ có thể thành lập các cơ sở phi chính phủ.

Vương quốc Anh có thể hình thành một Tổng lãnh sự tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông.

XII. QUỐC PHÒNG[sửa]

Việc duy trì trật tự xã hội tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ là trách nhiệm của Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Các lực lượng quân đội do Chính phủ Nhân dân Trung ương gửi đến để đóng quân tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông với mục đích quốc phòng sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Việc chi tiêu cho các lực lượng quân đội này sẽ do Chính phủ Nhân dân Trung ương nhận lãnh.

XIII. QUYỀN VÀ QUYỀN TỰ DO CƠ BẢN[sửa]

Tổng quan[sửa]

Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ bảo vệ các quyền và quyền tự do của cư dân và những người khác tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông theo luật định. Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ duy trì các quyền và quyền tự do do những luật trước đó tại Hồng Kông cho phép, bao gồm quyền tự do cá nhân, ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, hình thành và tham gia công đoàn, thư tín, du lịch, đi lại, đình công, biểu tình, lựa chọn nghề nghiệp, nghiên cứu học thuật, tín ngưỡng, gia cư bất khả xâm phạm, quyền tự do kết hôn và quyền tạo dựng gia đình một cách tự do.

Tư vấn pháp luật và thi hành bản án[sửa]

Tất cả mọi người sẽ có quyền được tư vấn pháp luật một cách bí mật, tiếp cận tòa án, được đại diện tại tòa bởi luật sư do họ lựa chọn, và quyền được thi hành bản án. Tất cả mọi người sẽ có quyền kháng việc thi hành pháp luật tại tòa.

Tín ngưỡng[sửa]

Các tổ chức và những người có niềm tin tín ngưỡng sẽ được duy trì mối quan hệ của hệ với các tổ chức tín ngưỡng và những người có niềm tin tín ngưỡng ở những nơi khác, và trường học, bệnh viện và các tổ chức từ thiện do các tổ chức tín ngưỡng vận hành sẽ vẫn được tiếp tục. Mối quan hệ giữa các tổ chức tín ngưỡng tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông và những nơi khác của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ được dựa trên nguyên tắc bình đẳng, không can thiệp và tôn trọng lẫn nhau.

Các công ước quốc tế[sửa]

Những điều khoản của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa như đã áp dụng tại Hồng Kông sẽ vẫn có hiệu lực.

XIV. QUYỀN ĐỊNH CƯ, DU LỊCH, NHẬP CƯ[sửa]

Quyền định cư[sửa]

Những người được phân loại sau đây sẽ có quyền định cư tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông, và, theo luật của Đặc khu Hành chính Hồng Kông, đủ tiêu chuẩn để có được thẻ căn cước định cư lâu dài do Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông cấp, và mong muốn nhận quyền định cư:

  • tất cả các công dân Trung Quốc được sinh ra hoặc sinh sống lâu dài tại Hồng Kông trước hoặc sau khi thành lập Đặc khu Hành chính Hồng Kông trong vòng liên tục từ 7 năm trở lên, và những người có quốc tịch Trung Quốc được sinh ra bên ngoài Hồng Kông nhưng là con của gia đình công dân Trung Quốc như vậy;
  • tất cả những người khác sinh sống lâu dài tại Hồng Kông trước hoặc sau khi thành lập Đặc khu Hành chính Hồng Kông trong vòng liên tục từ 7 năm trở lên và đã nhận Hồng Kông làm nơi định cư lâu dài trước hoặc sau khi thành lập Đặc khu Hành chính Hồng Kông, và những người nào dưới 21 tuổi là con của gia đình những người như vậy tại Hồng Kông trước và sau khi thành lập Đặc khu Hành chính Hồng Kông;
  • bất kỳ những người nào khác có quyền định cư chỉ ở Hồng Kông trước khi thành lập Đặc khu Hành chính Hồng Kông.

Hộ chiếu v.v.[sửa]

Chính phủ Nhân dân Trung ương sẽ cho phép Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông cấp, theo quy định của pháp luật, hộ chiếu Đặc khu Hành chính Hồng Kông thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho tất cả những công dân Trung Quốc có thẻ định cư lâu dài của Đặc khu Hành chính Hồng Kông, và các giấy tờ du lịch của Đặc khu Hành chính Hồng Kông thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho tất cả những người khác đang sống một cách hợp pháp tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Các hộ chiếu và giấy tờ ở trên sẽ là hợp lệ đối với tất cả các quốc gia và khu vực và sẽ ghi nhận quyền trở lại Đặc khu Hành chính Hồng Kông của người sở hữu chúng.

Việc sử dụng giấy tờ du lịch[sửa]

Với mục đích du lịch đến và đi từ Đặc khu Hành chính Hồng Kông, những cư dân của Đặc khu Hành chính Hồng Kông có thể sử dụng giấy tờ du lịch do Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông, hoặc các cơ quan có thẩm quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, hoặc các quốc gia khác, cấp. Những người sở hữu thẻ căn cước định cư lâu dài của Đặc khu Hành chính Hồng Kông có thể được ghi lại điều này trong giấy tờ du lịch của họ để làm bằng chứng rằng người sở hữu nó có quyền định cư tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông.

Việc nhập cảnh vào Đặc khu Hành chính Hồng Kông của những cá nhân từ những nơi khác của Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục được điều chỉnh theo như cách làm hiện nay.

Quản lý nhập cư[sửa]

Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông có thể áp dụng việc kiểm soát nhập cư khi nhập cảnh, ở lại và xuất cảnh khỏi Đặc khu Hành chính Hồng Kông đối với những người đến từ quốc gia hoặc khu vực bên ngoài.

Quyền tự do rời khỏi Đặc khu[sửa]

Trừ khi bị ngăn cấm bởi luật pháp, những người sở hữu giấy tờ du lịch hợp lệ sẽ được tự do rời khỏi Đặc khu Hành chính Hồng Kông mà không cần sự cho phép đặc biệt nào.

Thỏa thuận miễn giấy thông hành[sửa]

Chính phủ Nhân dân Trung ương sẽ hỗ trợ hoặc cho phép Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông quyết định các thỏa thuận miễn giấy thông hành với các quốc gia hoặc khu vực.

Phụ lục II: Nhóm Liên lạc Chung Trung-Anh[sửa]

1. Để cùng tiến tới mục tiêu chung và để đảm bảo một sự chuyển giao chính quyền suôn sẻ vào năm 1997, Chính phủ Vương quốc Anh và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đồng ý tiếp tục thảo luận với tinh thần thân thiện và phát triển mối quan hệ hợp tác vốn đã tồn tại giữa hai Chính phủ đối với Hồng Kông với quan điểm hiện thực một cách hiệu quả Tuyên bố chung.

2. Nhằm thỏa mãn các yêu cầu liên lạc, tham vấn và trao đổi thông tin, hai Chính phủ đã quyết định thành lập một Nhóm liên lạc chung.

3. Chức năng của Nhóm liên lạc chung sẽ bao gồm:

a) thực hiện tham vấn để hiện thực Tuyên bố chung;
b) thảo luận các vấn đề liên quan đến việc chuyển giao chính quyền một cách suôn sẻ vào năm 1997;
c) trao đổi thông tin và thực hiện tham vấn về các chủ đề đã được đồng ý bởi hai bên.

Những vấn đề còn bất đồng trong Nhóm liên lạc chung sẽ được chuyển cho hai Chính phủ để được giải quyết thông qua tham vấn.

4. Những vấn đề cần xem xét trong nửa đầu của giai đoạn từ khi thành lập Nhóm liên lạc chung với đến ngày 1 tháng 7 năm 1997 sẽ bao gồm:

a) việc cần làm của hai Chính phủ để cho phép Đặc khu Hành chính Hồng Kông duy trì mối quan hệ kinh tế với tư cách một lãnh thổ hải quan riêng biệt, và cụ thể là nhằm đảm bảo duy trì sự tham gia của Hồng Kông trong Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch, Hiệp định về Hàng Dệt may và các thỏa thuận quốc tế khác; và
b) việc cần làm của hai Chính phủ để đảm bảo việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ quốc tế có ảnh hưởng đến Hồng Kông.

5. Hai Chính phủ đã đồng ý rằng trong nửa sau của giai đoạn từ khi thành lập Nhóm liên lạc chung và ngày 1 tháng 7 năm 1997 sẽ cần có sự hợp tác gần gũi hơn, và sẽ tăng cường hơn nữa trong giai đoạn đó. Những vấn đề cần xem xét trong giai đoạn hai sẽ bao gồm:

a) tiến trình cần thực hiện để có sự chuyển giao suôn sẻ vào năm 1997;
b) việc cần làm để hỗ trợ Đặc khu Hành chính Hồng Kông duy trì và phát triển các mối quan hệ kinh tế và văn hóa và đạt được thỏa thuận về các vấn đề trên với các quốc gia, khu vực và các tổ chức quốc tế phù hợp.

6. Nhóm liên lạc chung sẽ là một cơ quan để liên lạc chứ không phải cơ quan quyền lực. Nó không có vai trò trong việc quản lý Hồng Kông hoặc Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Nó cũng không có bất cứ vai trò giám sát nào đối với việc quản lý. Các thành viên và nhân viên hỗ trợ của Nhóm liên lạc chung sẽ chỉ thực hiện những công việc nằm trong khuôn khổ chức năng của Nhóm liên lạc chung.

7. Mỗi bên sẽ cử một đại diện cấp cao nhận vai trò Đại sứ, và bốn thành viên khác của nhóm. Mỗi bên có thể gửi tối đa 20 nhân viên hỗ trợ.

8. Nhóm liên lạc chung sẽ được thành lập khi Tuyên bố chung có hiệu lực. Từ ngày 1 tháng 7 năm 1988 Nhóm liên lạc chung sẽ đặt cơ sở chính tại Hồng Kông. Nhóm liên lạc chung sẽ tiếp tục công việc cho đến ngày 1 tháng 1 năm 2000.

9. Nhóm liên lạc chung sẽ gặp nhau tại Bắc Kinh, Luân Đôn và Hồng Kông. Nhóm sẽ gặp ít nhất một lần tại ba địa điểm mỗi năm. Nơi gặp sẽ do hai bên thỏa thuận.

10. Các thành viên của Nhóm liên lạc chung sẽ được hưởng các đặc quyền và miễn trừ ngoại giao một cách phù hợp tại ba địa điểm. Biên bản của Nhóm liên lạc chung sẽ được giữ bí mật trừ khi có sự đồng ý của cả hai bên.

11. Nhóm liên lạc chung, khi có sự đồng ý của cả hai bên, có thể quyết định lập các nhóm chuyên môn nhỏ để xử lý các vấn đề cụ thể cần phải có hỗ trợ của chuyên gia.

12. Những cuộc họp của Nhóm liên lạc chung và các nhóm nhỏ có thể có các chuyên gia không phải là thành viên của Nhóm liên lạc chung tham dự. Mỗi bên sẽ quyết định thành phần của phái đoàn mình đến từng cuộc họp cụ thể của Nhóm liên lạc chung hoặc các nhóm nhỏ tương ứng với chủ đề được thảo luận và địa điểm được chọn.

13. Quy trình làm việc của Nhóm liên lạc chung sẽ do hai bên thảo luận và quyết định dựa trên các hướng dẫn trong Phụ lục này.

Phụ lục III: Việc thuê đất[sửa]

Chính phủ Vương quốc Anh và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đồng ý rằng, với tác động khi Tuyên bố chung có hiệu lực, việc thuê đất tại Hồng Kông và các vấn đề liên quan khác sẽ được xử lý theo các điều sau đây:

1. Mọi việc thuê đất được giao hoặc quyết định trước khi Tuyên bố chung có hiệu lực và được giao sau đó theo đoạn 2 và 3 của Phụ lục này, và kéo dài sau ngày 30 tháng 6 năm 1997, và mọi quyền liên quan đến việc thuê đất như vậy sẽ tiếp tục được công nhận và bảo vệ theo luật của Đặc khu Hành chính Hồng Kông.

2. Tất cả mọi việc thuê đất do Chính quyền Hồng Kông thuộc Anh giao không ghi quyền gia hạn và hết hạn trước ngày 30 tháng 6 năm 1997, ngoại trừ việc thuê mướn trong thời hạn ngắn vì lý do đặc biệt, có thể được kéo dài nếu người thuê muốn như vậy để kéo dài với thời hạn không quá ngày 30 tháng 6 năm 2047 mà không phải trả thêm bất cứ phụ phí nào. Tiền thuê hàng năm sẽ được tính từ ngày gia hạn tương đương với 3 phần trăm của giá chấp thuận của tài sản vào thời điểm đó, được điều chỉnh phù hợp với các thay đổi đối với giá chấp thuận sau đó. Trong trường hợp khoảnh đất trước khi phân chia, khoảnh đất làng, nhà nhỏ và các khu đất nông nghiệp tương tự, nơi tài sản tại thời điểm ngày 30 tháng 6 năm 1984 do một người thừa kế theo họ nội từ một người vào thời điểm 1898 là cư dân của một làng đã có tại Hồng Kông nắm giữ, hoặc được giao trong trường hợp là nhà nhỏ được giao sau ngày đó, tiền thuê sẽ được giữ nguyên miễn là tài sản vẫn do người đó hoặc người thừa kế theo họ nội của người đó nắm giữ. Ở những nơi việc thuê đất không có quyền gia hạn hết hạn sau ngày 30 tháng 6 năm 1997, chúng sẽ được xử lý theo các luật và quy định về đất đai tương ứng của Đặc khu Hành chính Hồng Kông.

3. Kể từ ngày Tuyên bố chung có hiệu lực cho đến ngày 30 tháng 6 năm 1997, việc thuê đất mới có được Chính quyền Hồng Kông thuộc Anh cho phép nếu thời điểm hết hạn không được sau ngày 30 tháng 6 năm 2047. Việc cho thuê như vậy sẽ được thực hiện với mức phí và tiền thuê trên danh nghĩa cho đến ngày 30 tháng 6 năm 1997, sau ngày đó chúng sẽ không cần phải trả mức phí bổ sung nhưng sẽ bị tính tiền thuê theo năm tương đương với 3 phần trăm giá chấp thuận của tài sản vào thời điểm đó, được điều chỉnh phù hợp với các thay đổi với giá chấp thuận sau đó.

4. Tổng số đất mới được giao theo đoạn 3 của Phụ lục này được giới hạn 50 héc-ta mỗi năm (ngoại trừ đất sẽ được giao cho Cơ quan Nhà ở Hồng Kông để làm nhà mướn công cộng) từ khi Tuyên bố chung có hiệu lực cho đến ngày 30 tháng 6 năm 1997.

5. Việc điều chỉnh các điều kiện được ghi trong việc thuê đất do Chính quyền Hồng Kông thuộc Anh thực hiện có thể được tiếp tục được giao trước ngày 1 tháng 7 năm 1997 với mức phí tương đương với khác biệt giữa giá trị đất theo điều kiện trước đó và giá trị của nó theo điều kiện được điều chỉnh.

6. Từ khi Tuyên bố chung có hiệu lực cho đến ngày 30 tháng 6 năm 1997, thu nhập từ phí thuê do Chính quyền Hồng Kông thuộc Anh có được từ các giao dịch về đất, sau khi trừ đi giá sản xuất trung bình, sẽ được chia đều giữa Chính quyền Hồng Kông thuộc Anh và Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông tương lai. Tất cả các thu nhập do Chính quyền Hồng Kông thuộc có được, bao gồm cả số trừ đi như đã nói ở trên, sẽ được bỏ vào Quỹ dự trữ xây dựng để tiêu dùng cho việc phát triển đất và công trình công cộng tại Hồng Kông. Phần chia thu nhập từ phí cho Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ được bỏ vào ngân hàng đặt tại Hồng Kông và sẽ không được rút ra trừ khi dùng để tiêu dùng cho việc phát triển đất và công trình công cộng tại Hồng Kông theo các điều khoản của đoạn 7(d) của Phụ lục này.

7. Một Ủy ban Đất đai sẽ được thành lập tại Hồng Kông ngay sau khi Tuyên bố chung có hiệu lực. Ủy ban Đất đai sẽ bao gồm một số lượng bằng nhau các viên chức do Chính phủ Vương quốc Anh và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chỉ định cùng với các nhân viên hỗ trợ tương ứng. Các viên chức của hai bên sẽ chịu trách nhiệm đối với chính phủ tương ứng. Ủy ban Đất đai sẽ được giải thể vào ngày 30 tháng 6 năm 1997.

Các điều khoản tham chiếu của Ủy ban Đất đai là:

a) thực hiện tham vấn để thực hiện Phụ lục này;
b) giám sát việc chấp hành giới hạn được ghi tại đoạn 4 của Phụ lục này, số đất đai được cấp cho Cơ quan Nhà ở Hồng Kông để xây nhà cho công chúng thuê, và việc phân chia và sử dụng thu nhập từ phí được nhắc đến trong đoạn 6 của Phụ lục này;
c) xem xét và quyết định các đề xuất từ Chính quyền Hồng Kông thuộc Anh để tăng giới hạn được nhắc đến trong đoạn 4 của Phụ lục này;
d) kiểm định các đề xuất rút tiền từ phần chia thu nhập từ phí của Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông được nhắc đến trong đoạn 6 của Phụ lục này và để thực hiện khuyến nghị cho bên Trung Quốc để quyết định.

Những vấn đề còn bất đồng trong Ủy ban Đất đai sẽ được chuyển sang Chính phủ Vương quốc Anh và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định.

8. Các chi tiết cụ thể liên quan đến việc thành lập Ủy ban Đất đai sẽ được mỗi bên hoàn thiện riêng rẽ thông qua tham vấn.

Các bản ghi nhớ (được trao đổi giữa hai bên)[sửa]

Bản ghi nhớ của Vương quốc Anh[sửa]

Liên quan tới Tuyên bố chung của Chính phủ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về vấn đề Hồng Kông sẽ được ký kết vào hôm nay, Chính phủ Vương quốc Anh tuyên bố rằng, tùy thuộc vào việc hoàn tất các sửa đổi cần thiết của pháp luật tương ứng của Vương quốc Anh:

a) Tất cả những người vào ngày 30 tháng 6 năm 1997, do sự liên hệ với Hồng Kông, là Công dân Lãnh thổ thuộc Anh (British Dependent Territories Citizens, BDTC) theo luật hiện hành tại Vương quốc Anh sẽ không còn là BDTC kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1997, nhưng sẽ đủ điều kiện để giữ được địa vị phù hợp, mà không cần phải được trao quyền định cư tại Vương quốc Anh, để cho phép họ tiếp tục sử dụng hộ chiếu do Chính phủ Vương quốc Anh cấp. Địa vị này chỉ được có nếu những người này sở hữu hoặc được ghi kèm trong hộ chiếu Anh cấp trước ngày 1 tháng 7 năm 1997, ngoại trừ trường hợp những người đủ điều kiện đó được sinh ra vào hoặc sau ngày 1 tháng 1 năm 1997 nhưng trước ngày 1 tháng 7 năm 1997 có thể có hoặc được ghi kèm trong hộ chiếu cho tới ngày 31 tháng 12 năm 1997.
b) Không một ai được là BDTC vào hoặc sau ngày 1 tháng 7 năm 1997 do có sự liên hệ với Hồng Kông. Không có ai sinh vào hoặc sau ngày 1 tháng 7 năm 1997 được có địa vị như đã nhắc đến trong tiểu đoạn (a).
c) Các viên chức lãnh sự Vương quốc Anh tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông và các nơi khác có thể gia hạn và thay thế hộ chiếu cho những người được đề cập trong tiểu đoạn (a) và cũng có thể cấp chúng cho những người, sinh trước ngày 1 tháng 7 năm 1997 và là con của những người đó, trước đây đã được ghi kèm trong hộ chiếu của cha mẹ họ.
d) Những người đã có hoặc được ghi kèm trong hộ chiếu do Chính phủ Vương quốc cấp trong tiểu đoạn (a) và (c) sẽ được quyền nhận, khi có yêu cầu, các dịch vụ lãnh sự và sự bảo vệ của nước Anh khi ở đất nước thứ ba.

Bắc Kinh, ngày 19 tháng 12 năm 1984.

Bản ghi nhớ của Trung Quốc[sửa]

Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã nhận được bản ghi nhớ của Chính phủ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đề ngày 19 tháng 12 năm 1984.

Theo Luật Quốc tịch của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tất cả những đồng hương Trung Quốc Hồng Kông, dù cho họ có sở hữu 'Hộ chiếu Công dân Lãnh thổ thuộc Anh' hay không, đều là công dân Trung Quốc.

Sau khi xem xét đến bối cảnh lịch sử của Hồng Kông và thực tại, các cơ quan có chức năng của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ, kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1997, cho phép công dân Trung Quốc tại Hồng Kông, những người trước đây được gọi là 'Công dân Lãnh thổ thuộc Anh', được sử dụng tài liệu du lịch do Chính phủ Vương quốc Anh cấp với mục đích du lịch đến các quốc gia và lãnh thổ khác.

Những công dân Trung Quốc nói trên sẽ không được phép nhận sự bảo hộ lãnh sự của Anh tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông và những phần khác của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dù họ đang sở hữu các tài liệu du lịch của Anh như đã nói trên.

Bắc Kinh, ngày 19 tháng 12 năm 1984.