Cành hoa điểm tuyết/Đoạn thứ ba/III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

III

Giời mới sáng, mặt giời mới mọc đàng xa, ngoài đường còn vắng, thỉnh thoảng mới có ít người đi lại, nhà nhà còn đóng cửa, chỉ có một vài hàng cháo sôi rao các phố, những nhà buôn bán thời chỉ có một vài nhà là đương sắp mở cửa, còn những nhà khác thì cửa ngõ vẫn đóng chặt, kẻ ra người vào chưa thấy ai...... Hà-Thị nghe thấy Trần-Quân bảo rằng Bùi-Sinh thuê nhà cho Chúc-Lan ở phố hàng N, thời bây giờ thuê xe đến phố ấy, chớ cũng không biết số nhà bao nhiêu mà tìm..... Nàng còn đương phân vân đứng giữa phố, thời chợt trông thấy một người ở trong cái nhà tây to trước mặt đi ra, liền chậy lại hỏi: « Thưa ông, ông làm ơn chỉ dùm cho tôi nhà cô Chúc-Lan là cô đầu ở hàng Giấy mới lấy Bùi-Sinh ở đâu? »

Người ấy nghe hỏi dừng chân lại nhìn mợ cả rồi bảo:

« Có phải nhà cô đầu mới lấy ông Họ Bùi được hơn một tháng nay, thời nhà kia kià, ngoài có mành mành treo cửa ấy ».

Miệng nói, tay chỉ, Hà-Thị nom theo, thì thấy cái nhà tây hẹp, hai tầng, ngoài có cái mành mành cạp điều treo kín cả, nàng liền lại đấy, thì thấy đóng cửa, bụng nghĩ thầm có nhẽ Bùi-Sinh sợ ai biết cho nên đóng cửa, bây giờ làm thế nào gọi cửa mà vào được, vả tiếng mình thì chồng biết, vậy thì liệu làm sao? Nàng bèn nghĩ một kế, giả làm tiếng người láng diềng sang mượn đôi thùng gánh nước, nghĩ lấy làm đắc kế, liền lên giọng khác:

Mở cửa.

Thì nghe trong nhà có hỏi: « Ai đấy! » Tiếng hỏi rõ giống tiếng Bùi-Sinh. Thời chẳng còn nghi ngại gì nữa, Hà-Thị lấy làm sốt ruột lắm, nhưng cũng phải giả lờ đáp:

Tôi ở bên láng diềng sang mượn cô đôi thùng gánh nước!»

Vì làm sao mà Hà-Thị lại nói thế? Là bởi vì nàng thường khi có qua phố này, thấy nhà cô Chúc-Lan đây cùng nhà bên cạnh thỉnh thoảng vẫn có con đỏ đi lại mượn đồ đạc, cho nên mới nghĩ cái mưu ấy, ai ngờ lại trúng. Hà-Thị vừa nói buông lời, thời thấy cửa mở, trông rõ ngay thấy Bùi-Sinh, còn người đứng đàng sau là Chúc-Lan, xuân-xanh chạc độ ngoài 20, mình ngọc tóc mây, óng ả một người có nhan sắc, Hà-Thị trông thấy Bùi-Sinh giận đà tái người đi: « Còn già mồm mà chối nữa thôi, đẹp mặt cho cậu, người như thế mà đi phải lòng con đĩ! »

Nói xong lại nhìn cô Chúc-Lan, thật quả là sắc nước hương giời, trách nào mà chồng mình chẳng ưa, đem so mình với người thật là hai đàng cách xa, nên nàng càng nhìn cô lại càng giận, càng tức. Còn cô Chúc-Lan khi thấy Hà-Thị thời đã sợ run, không dám nhìn lên, chỉ cúi đầu đứng im một chỗ.

Hà-Thị mặt mày đỏ như gấc, hoa chân hoa tay mắng:

« Con đĩ kia, mày cướp chồng bà, mày bòn rút của chồng bà bao nhiêu rồi! Bước ngay đi, con đĩ, bà không chứa mày nửa ngày! »

Bùi-Sinh thấy vợ mình mắng Chúc-Lan thế, cũng không dám can, chỉ đứng mà nhìn. Cô thì vừa tủi-thân, nghe những lời Hà-Thị riếc móc mà hạt châu lai láng, như cánh hoa đầm thấm những sương móc sáng mùa đông.

Hà-Thị mắng chán chê một lúc, rồi kéo Bùi-Sinh về.

Hai vợ chồng đi rồi, còn một mình Chúc-Lan, lúc này cô trong người bàng-hoàng, tinh thần phảng phất như mê như tỉnh, càng nghĩ đến thân-thể mình bao nhiêu, càng cám cảnh duyên ôi phận hẩm bấy nhiêu. Đóa hoa tươi, khi giãi gió, khi dầm mưa, trách chi mà chẳng chóng tàn!..... Cách năm thỏ bạc ác tà, đoạn-tràng lúc ấy nghĩ mà buồn tanh!

Hà-Thị ghen tuông như thế, mà Bùi-Sinh thì là người sợ vợ, còn có thể làm chi được mà che chở cho cô nữa? Ở sao yên, mà đi thì đi đâu? Bây giờ chỉ còn cách có vốn đi buôn bán, kiếm lấy mà ăn, nhưng bao nhiêu vốn Bùi-Sinh cho đã hết từ bao giờ, hàng họ bán không chậy, ăn tiêu một ngày một nhiều, có để rành đâu đến bây giờ?

Nghĩ lui nghĩ tới, thật rất khó khăn, bốn phương non nước quê người, chân mây mặt bể ai người đoái thương?

Vậy thì đi đâu, ở với ai, ai nuôi, ai quen biết?.....

Hay lại đâm vào sóm Bình-Khang, nhưng cô vốn là người không quen nghề nghiệp, không thạo các khóe tình mà lả lơi như các chị em, thời làm sao được?

May sao ở bên láng giềng, có một bà lão, thường có đôi khi đi lại truyện trò với cô, hôm nay thấy cô bị Hà-Thị rầy rà làm khó, thời đã biết rõ, bèn sang mà bảo cô rằng:

Đến nông nỗi này thì cô cũng không thể ở được đâu, thôi đành phải bỏ Bùi-Sinh, không thì không yên được với Hà-Thị. Nếu cô bằng lòng nghe lời tôi thì tôi sẽ đưa cô lại ở may vá cho bà Án T. ở phố M. ăn bà ta nuôi, còn tiền tháng bà ta cũng cho mươi mười hai đồng, lần hồi như thế cũng xong.

Chớ hoài công đâu mà bám chặt lấy Thúc-Sinh, lại mắc tay Hoạn-Thư, thời chẳng là khổ lắm sao? »

Chúc-Lan đã cùng kế, được bà cụ bảo mấy điều khác nào như người mở mắt cho ra chỗ sáng sủa, lập tức xin nghe và dặn bà cụ rằng:

« Cụ có lòng thương tưởng đến con, muốn cho con được yên thân, thời con cảm-tạ cụ vô cùng. Vậy cụ để con thu sếp ít quần áo, đến chiều xin mời cụ sang bên này, rồi cùng đi mấy con »

Bà cụ về rồi, Chúc-Lan liền lấy bút mực viết ngay một phong thơ, niên phong tử tế, để trên bàn gửi cho Bùi-Sinh.

Thơ rằng:

Cậu Bùi-Sinh,

Tôi được gặp cậu là người thủy-chung tử tế, được nưng khăn sửa túi, nương nhờ dưới bóng Tùng-Quân, thân bồ liễu đã mấy phen rãi rầu với nắng mưa, mà lại gặp duyên lành, thật nghĩ lấy làm cảm-tạ ơn cậu, ví dù phải làm thân trâu ngựa đền bồi cũng cam.

Như ngày nay nên nông nỗi thế, cũng là vì Hà-Thị ghen tuông, tôi tự xét chút phận con con, không có thể cùng cậu vẹn cuộc trăm năm, cũng biết rằng là người phụ-bạc, sao nên, nhưng thôi, lòng tôi ăn ở cùng cậu đã có giời xét soi.

Vậy xin cậu đừng đoái tưởng đến thân hèn này làm chi nữa, để cho hai mẹ con tôi đi tìm nơi trú-ngụ, kiếm ăn mà nuôi lẫn nhau. Giấy ngắn tình dài, duyên hội ngộ xin đành kiếp sau. Xin cậu soi xét cho phận tôi được yên nơi đất khách.

Nay thơ: Chúc-Lan

Cô viết xong, giao cả thìa khóa cửa cùng các đồ đạc trong nhà cho con nhài ở mấy cô, song, đến chiều cùng bà cụ bên láng diềng, lại nhà bà Án T......

Mãi đến sáng hôm sau Bùi-Sinh mới đến, tiếp được giấy, bụng buồn rầu không xiết, hỏi không biết cô đi đâu. Chàng lấy làm thương cảm vô cùng, muốn tìm cô cho ít tiền lộ phí, nhưng không biết cô đi đâu. Nên đành phải về nhà, Hà-Thị từ đấy giữ riết không cho bước chân ra khỏi nhà.