Các hình thái của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu năm 2003

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
Các hình thái của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu năm 2003  (2004) 
của Cofer Black, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch
Lời giới thiệu


Đại sứ Cofer Black
Điều phối viên Văn phòng chống khủng bố

"Kết quả mà chúng ta đã đạt được cho đến ngày hôm nay là nhờ lòng kiên nhẫn, sự quyết tâm và những hành động tập trung. Và đó là chiến lược của chúng ta trong thời gian tới. Cuộc chiến chống khủng bố là một hình thái khác của chiến tranh, được tính bằng mỗi vụ bắt giữ, mỗi cơ sở khủng bố bị triệt hạ, và từng chiến thắng. An ninh của chúng ta được đảm bảo bởi lòng kiên nhẫn và niềm tin chắc chắn của chúng ta vào thắng lợi của tự do. Và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ sẽ không từ bỏ cho đến khi giành thắng lợi trong cuộc chiến này".
Tổng thống George W.Bush
ngày 14 tháng 12 năm 2003
sau khi Saddam Hussein bị bắt


Năm 2003, những kẻ khủng bố đã tấn công vào nhiều mục tiêu trên toàn thế giới, thậm chí ngay cả Iraq cũng đã trở thành mặt trận trung tâm của cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố và là trọng tâm của những cuộc tấn công đẫm máu chống lại thường dân. Al-Qaida và các nhóm khủng bố khác đã một lần nữa tuyên bố rõ ràng là chúng tiếp tục theo đuổi những việc làm sai trái không tuân thủ bất kỳ luật lệ nào - của con người hay thần thánh. Năm qua đã chứng kiến những tội ác tàn bạo chống lại cộng đồng quốc tế, các tổ chức nhân đạo, và những người đang hết lòng giúp đỡ nhân loại.

  • Một quả bom trong một chiếc xe tải chở xi măng đã phát nổ tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại Baghdad vào tháng 8, giết chết đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc Sergio Vieira de Mello và 22 người khác.
  • Ủy ban Quốc tế Baghdad của Hội chữ Thập đỏ đã bị đánh bom tháng 10.
  • Trụ sở tổ chức Cứu tế Công giáo tại Nassiryah đã bị phá hủy trong trận đánh bom ngày 12 tháng 11.
  • Một vụ nổ xảy ra gần văn phòng tổ chức Cứu trợ Trẻ em của Hoa Kỳ tại Kabul vào tháng 11, cơ quan này đã và đang trợ giúp về giáo dục, y tế, và kinh tế cho trẻ em và gia đình tại Afghanistan trong hơn 20 năm qua.


Các nhà thờ, giáo đường Do Thái và nhà thờ Hồi giáo đều trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ khủng bố trong năm 2003. Trong những đồ vật thu được của những kẻ khủng bố Al-Qaida năm ngoái có các cuốn Kinh Koran có chứa bom. Rõ ràng, những hành động này chứng tỏ những kẻ khủng bố là kẻ thù của tất cả mọi người bất kể tôn giáo.
Thế giới phải tiếp tục đoàn kết chống lại mối đe dọa khủng bố. Về phần mình, Hoa Kỳ tiếp tục cam kết thực hiện Chiến lược Quốc gia Chống khủng bố. Chúng ta sẽ:

  • Đánh bại các tổ chức khủng bố trên phạm vi toàn cầu bằng cách tấn công vào nơi ẩn náu của chúng; vào những tên trùm khủng bố; bộ phận chỉ huy, và thông tin của chúng; sự hỗ trợ vật chất; và tài chính.
  • Từ chối không tiếp tục bảo trợ, hỗ trợ và cho phép cư trú đối với những kẻ khủng bố.
  • Giảm bớt những điều kiện căn bản mà những kẻ khủng bố có thể tìm cách tận dụng để tồn tại.
  • Bảo vệ nước Mỹ, công dân của chúng ta, và lợi ích trong nước và ở nước ngoài của chúng ta.
  • Sử dụng tất cả các công cụ mà chúng ta có thể: về ngoại giao, thực thi luật pháp, tình báo, tài chính và quân sự.
Ngoại giao


Bằng con đường ngoại giao, Bộ Ngoại giao thúc đẩy hợp tác quốc tế chống khủng bố phục vụ cho lợi ích của chính chúng ta cũng như của các đối tác của chúng ta. Chúng ta tăng cường khả năng của đồng minh của chúng ta để đấu tranh chống mối đe dọa khủng bố và tạo điều kiện thuận lợi để phá hủy mạng lưới khủng bố và bắt giữ những kẻ tình nghi.

Trong năm qua, các quốc gia trên thế giới tiếp tục gia tăng các nỗ lực chống khủng bố và tăng cường hợp tác cả song phương và khu vực để ngăn chặn các cuộc tấn công. OAS, Liên minh châu Âu, OSCE, ASEAN, APEC và các tổ chức khác đã có những bước đi cụ thể đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố hiệu quả hơn và hợp tác với nhau trong cuộc chiến này. Kẻ từ ngày 11 tháng 9, NATO đã có bước tiến lớn trong việc chuyển đổi năng lực quân sự của mình theo hướng làm cho Liên minh có thể chuyển quân và triển khai nhanh chóng hơn để chống lại mối đe dọa khủng bố. NATO hiện tại đang đóng góp một phần quan trọng cho cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố thông qua việc lãnh đạo Lực lượng Quốc tế Hỗ trợ An ninh (ISAF) tại Afghanistan. Những đóng góp chống khủng bố khác của Liên minh bao gồm theo dõi hoạt động khủng bố trên biển tại Địa Trung Hải, tổ chức một đơn vị phòng thủ về Hóa học-Sinh học-Phóng xạ-Hạt nhân, và một đơn vị tình báo nhằm tăng cường việc chia sẻ thông tin tình báo.

Tại cuộc họp Thượng đỉnh G-8 năm 2003 ở Evian, Pháp, các nhà lãnh đạo đã thành lập một Nhóm hành động chống khủng bố của các nước tài trợ nhằm mở rộng và phối hợp đào tạo và hỗ trợ cho các nước có mong muốn - nhưng không có đủ khả năng - đấu tranh chống khủng bố, đặt trọng tâm vào các lĩnh vực trọng yếu như kiểm soát tài chính, thuế và sự nhập cư của những kẻ khủng bố, buôn lậu vũ khí trái phép, và cảnh sát và thực thi luật pháp. Tại phiên họp thường kỳ thứ tư của Ủy ban chống khủng bố liên Mỹ (CICTE), các quốc gia thành viên đã nhất trí với một kế hoạch làm việc toàn diện không chỉ nhằm củng cố kiểm soát biên giới và tài chính mà còn giải quyết các nguy cơ đối với an ninh cảng biển và hàng không cũng như an ninh mạng máy tính. Tháng 6, Tổng thống Bush tuyên bố Sáng kiến chống khủng bố Đông Phi trị giá 100 triệu đô-la để mở rộng và đẩy nhanh các nỗ lực chống khủng bố với Kenya, Ethiopia, Djibouti, Uganda, Tanzania, và các nước khác.

Thực thi luật pháp


Sự hợp tác thực thi luật pháp tăng đáng kể giữa các quốc gia sau vụ tấn công ngày 11/9 tiếp tục được mở rộng trong năm 2003.
Al-Qaida không còn là một tổ chức như trước kia nữa, phần lớn là nhờ sự hợp tác này. Hầu hết các nhân vật lãnh đạo cao cấp của nhóm này đã bị chết hoặc bị bắt giam, các thành viên đang bỏ chạy, và khả năng của chúng bị suy giảm đáng kể. Hơn 3.400 kẻ tình nghi Al-Qaida đã bị bắt hay giam giữ trên toàn thế giới. Tại Hoa Kỳ, các kẻ tình nghi khủng bố quốc tế liên tục phải đối mặt với luật pháp:

  • Tháng 2, Bộ Tư pháp tuyên bố bản cáo trạng đối với kẻ lãnh đạo Nhóm chiến binh Hồi giáo Jihad Palestine ở khu vực Bắc Mỹ, Sami Al-Arian, và bảy tên đồng phạm khác. Bản cáo trạng buộc tội chúng đã điều hành một doanh nghiệp kinh doanh gian lận để hỗ trợ nhiều hoạt động khủng bố bạo lực kể từ năm 1984. Al-Arian và ba kẻ khác đã bị bắt.
  • Tháng 3, Bộ Tư pháp tuyên bố cáo trạng và bắt ba thành viên tổ chức Quân đội Giải phóng Rwanda vì tội giết hại dã man hai khách du lịch người Mỹ năm 1999.
  • Tháng 5, một công dân nhập quốc tịch Hoa Kỳ, Iyman Faris, bị buộc tội điều tra khảo sát một chiếc cầu tại Thành phố New York cho al-Qaida, và tháng 10 bị tuyên án 20 năm tù vì cung cấp hỗ trợ vật chất cho nhóm đó và có âm mưu cung cấp cho chúng thông tin về các mục tiêu có thể tấn công ở Hoa Kỳ.
  • Cũng trong tháng 5, Bộ Tư pháp đã tuyên bố cáo trạng gồm 50 tội đối với hai người Yemen vì đã đánh bom tàu chiến USS Cole tháng 10/2000 giết 17 thủy thủ Mỹ và làm bị thương hơn 40 người khác.
  • Tháng 11, hai kẻ tình nghi Yemen đã được dẫn độ từ Đức tới Hoa Kỳ vì bị buộc tội có âm mưu hỗ trợ vật chất cho al-Qaida và HAMAS.
  • Trong năm qua, nhiều thành viên của các cơ sở khủng bố bị triệt hạ ở Detroit, Portland, Buffalo và Seattle đã nhân tội hoặc bị tuyên án vì có âm mưu hỗ trợ vật chất cho những kẻ khủng bố, trong đó có al-Qaida và Taliban.
Thông tin tình báo


Cùng với việc tăng cường chia sẻ thông tin tình báo giữa các quốc gia, những kẻ khủng bố đang bị truy đuổi và các âm mưu đã bị đập tan.
Tháng 3, tên trùm điều hành hoạt động al-Qaida và là kẻ chủ mưu vụ tấn công khủng bố 11/9, Khalid Sheikh Mohammed, đã bị bắt tại Pakistan và được giao cho cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ.

Tháng 8, tên phó chỉ huy của hắn là Riduan bin Isomuddin, hay còn gọi là Hambali đã bị bắt tại Thái Lan và được trao cho cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ. Hambali được cho là có trách nhiệm chính trong vụ tấn công khủng bố tại Bali làm hơn 200 người thiệt mạng.

Thông tin thu thập được từ những kẻ thù bị bắt và những kẻ khủng bố tình nghi bị giam giữ tiếp tục được khai thác hiệu quả trên toàn thế giới.
Tháng 1/2003, Tổng thống Bush tuyên bố thành lập Trung tâm Tổng hợp Thông tin Đe dọa Khủng bố, và đã bắt đầu hoạt động từ tháng 5 vừa qua. Trung tâm này phân tích các thông tin liên quan đến các lời đe dọa được thu thập trong nước và ở nước ngoài nhằm đưa ra một bức tranh toàn cảnh về đe dọa khủng bố và đảm bảo thông tin được chia sẻ giữa các cơ quan của Hoa Kỳ.

Tháng 9, Bộ trưởng Tư pháp John Ashcroft, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Tom Ridge, Ngoại trưởng Colin Powell, Giám đốc FBI Robert Mueller, và Giám đốc CIA George Tenet tuyên bố thành lập Trung tâm Truy tìm Khủng bố nhằm tập hợp danh sách theo dõi những kẻ khủng bố và hỗ trợ hoạt động liên tục cho hàng nghìn nhân viên truy tìm của liên bang trên khắp đất nước và trên thế giới.

Tài chính


Cộng đồng thế giới đang tiến hành một chiến dịch chưa từng có nhằm phá vỡ lưu chuyển tài chính cho mạng lưới khủng bố và làm tê liệt khả năng vận hành của chúng trên phạm vi toàn cầu. Hoa Kỳ đang hợp tác chặt chẽ với các chính phủ khác và các thể chế quốc tế nhằm phong tỏa các tài sản của bọn khủng bố ở hải ngoại, tiến hành các biện pháp phòng ngừa để ngăn không cho tài sản rơi vào tay bọn khủng bố, và đào tạo và trợ giúp cho các chính phủ mong muốn cải thiện năng lực thể chế của họ để có thể thực hiện các chiến lược chống rửa tiền.

Tất cả các nước trên thế giới đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến chống cung cấp tài chính cho khủng bố: 173 quốc gia đã ban hành lệnh phong tỏa tài sản của bọn khủng bố, hơn 100 nước đã ban hành luật mới để đấu tranh chống cung cấp tài chính cho khủng bố, và 84 nước đã thiết lập các đơn vị tình báo về tài chính để chia sẻ thông tin.

Nhóm đặc trách về Tài chính (FATF) gồm 31 thành viên, một tổ chức tiêu chuẩn của thế giới trong đấu tranh chống rửa tiền, đã chấp nhận những khuyến nghị cho các nước mong muốn bảo vệ hệ thống tài chính của mình trước những kẻ tài trợ cho khủng bố. Hơn 90 nước và lãnh thổ không phải là thành viên của FATF đã nộp bản báo cáo tự đánh giá cho FATF về việc tuân thủ các đề nghị này.

Khoảng 350 tổ chức và cá nhân khủng bố đã bị nêu đích danh trong Lệnh hành pháp số 13224, do Tổng thống Bush ký ngày 23/9/2001, nhằm phong tỏa tài sản của những kẻ khủng bố và những kẻ tài trợ cho chúng và cho phép chính phủ xác định, chỉ rõ và phong tỏa các tài sản tại Hoa Kỳ của những kẻ hỗ trợ tài chính cho các nhóm khủng bố.

Cơ quan tài chính chống khủng bố của Bộ Ngoại giao và Nhóm làm việc liên ngành về chống tài trợ cho khủng bố đã phối hợp với nhau cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các chính phủ trên thế giới mong muốn tăng cường khả năng điều tra, xác định và ngăn chặn dòng chảy tiền tệ đến tay các nhóm khủng bố.

Hoa Kỳ đã phong tỏa khoản tài sản khoảng 36 triệu đô-la của Taliban, al-Qaida, và các tổ chức khủng bố và những kẻ tài trợ, trong số đó khoảng 26 triệu đô-la đã được chuyển lại cho Chính phủ Afghanistan. Các quốc gia khác đã phong tỏa hơn 100 triệu đô-la tài sản của bọn khủng bố.

Quân sự


Tại Iraq and Afghanistan, lực lượng quân sự đang phải gánh vách trách nhiệm chống những kẻ khủng bố với những thành công thật sự.
Việc Saddam Hussein bị bắt hồi tháng 12/2003 là một thất bại lớn cho những kẻ tàn bạo và bọn khủng bố ủng hộ ông ta. Qua Chiến dịch Tự do Iraq, Hoa Kỳ và các đối tác đồng minh đã đánh bại chế độ Saddam, vô hiệu hóa một nhà nước tài trợ của chủ nghĩa khủng bố và lật đổ chính phủ đã sử dụng vũ khí giết người hàng loạt chống lại chính nhân dân mình. Iraq không còn là nơi cư trú của mạng lưới do Abu Musab al-Zarqawi điều hành, những kẻ có mối quan hệ với giới lãnh đạo cao cấp của al-Qaida giúp thiết lập một trại huấn luyện về thuốc độc và chất nổ tại đông bắc Iraq.
Trong Chiến dịch Tự do Bền vững, Hoa Kỳ đã xây dựng một liên minh trên toàn thế giới để lật đổ chế độ Taliban hà khắc tại Afghanistan và không cho al-Qaida có nơi ẩn náu. Liên quân vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình tại đây.

(Hầu hết các cuộc tấn công đã xảy ra trong quá trình Chiến dịch Tự do Iraq và Chiến dịch Tự do Bền vững không theo định nghĩa lâu nay của Hoa Kỳ về khủng bố quốc tế vì chúng nhằm vào binh lính, đó là, lực lượng của Hoa Kỳ và Liên quân trong lúc thi hành công vụ. Các cuộc tấn công chống lại dân thường và nhân viên quân sự, những người mà tại thời điểm xảy ra vụ việc không được trang bị vũ khí và/hoặc không trong lúc thi hành công vụ, được coi là vụ tấn công khủng bố).

Phần kết


Chúng ta đã đạt được tiến bộ quan trọng trong 2 năm rưỡi qua kể từ khi cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố bắt đầu. Tuy nhiên, chiến thắng cuối cùng của chiến dịch toàn cầu chống khủng bố này sẽ phụ thuộc phần lớn vào hai yếu tố: ý chí chính trị quốc tế bền vững và xây dựng năng lực hiệu quả.

Trước tiên, chúng ta phải duy trì và tăng cường ý chí chính trị của các nhà nước để đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố. Chìa khóa để duy trì một liên minh là phải thường xuyên nhắc nhở với các nước thành viên rằng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc và rằng nỗ lực bền bỉ rõ ràng là vì lợi ích lâu dài của họ. Chúng ta đã đạt được bước tiến quan trọng trong lĩnh vực này.

Tôi muốn nói đến Arập Xêut như là một ví dụ điển hình về một quốc gia không ngừng tăng cường ý chí chính trị của mình để đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố. Arập Xêut đã tiến hành một chiến dịch tấn công toàn diện chưa từng có nhằm lùng bắt những kẻ khủng bố, phá tan những âm mưu của chúng, và cắt đứt các nguồn viện trợ tài chính của chúng. Những vụ đánh bom thảm khốc tại Riyadh vào tháng 5 và tháng 11 đã củng cố hơn quyết tâm của Arập Xêut, tăng cường nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố hiện tại, và mở ra cơ hội hợp tác mới. Tôi đã có hàng loạt các cuộc viếng thăn đến Vương quốc này trong năm qua và đã gặp những người lãnh đạo cao nhất trong Chính phủ Arập Xêut, và tôi đã đặc biệt ấn tượng với những tiến bộ mà họ đạt được và ý thức coi trọng mục đích của họ.

Thứ hai, chúng ta cần phải nâng cao năng lực của tất cả các nước để đấu tranh chống khủng bố. Hoa Kỳ không thể tự mình điều tra tất cả các đầu mối, bắt giữ tất cả những kẻ bị tình nghi, thu thập và phân tích tất cả thông tin tình báo, trừng phạt tất cả những kẻ tài trợ cho khủng bố, ngăn chặn phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, hay tìm kiếm và tấn công tất cả các căn cứ khủng bố.

Tôi muốn nói đến Malayxia là một quốc gia đang giúp đỡ các nước khác tăng cường khả năng chống chủ nghĩa khủng bố trong khi cũng tăng cường năng lực của chính mình. Malayxia mở một Trung tâm chống khủng bố ở khu vực Đông Nam Á vào tháng 8. Đại biểu từ 15 nước của khu vực Nam Á và Đông Nam Á đã tham gia các lớp đào tạo do Hoa Kỳ thực hiện tại trung tâm về các biện pháp cắt đứt các nguồn cung cấp tài chính cho khủng bố. Malayxia là một đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, và vai trò của Malayxia trong việc sáng lập trung tâm của khu vực để xây dựng năng lực chống khủng bố và chia sẻ thông tin về khủng bố tại châu Á được hoan nghênh nhiệt liệt.

Hoa Kỳ cùng chia sẻ mục tiêu hỗ trợ các chính phủ trở thành những đối tác đầy đủ và tự lực trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố.

Cuộc chiến này sẽ không biết trước hồi kết, nhưng chắc chắn sẽ có thêm những cuộc tấn công đẫm máu.

Như Ngoại trưởng Colin Powell đã nhắc nhở chúng ta trong lễ kỷ niệm lần thứ hai vụ tấn công 11/9: "Dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, các quốc gia trên toàn cầu đã xích lại gần nhau trong một nỗ lực lịch sử để xóa bỏ chủ nghĩa khủng bố khỏi Trái đất. Những người bạn trung thành và những nước trước đây là kẻ thù nay đã đoàn kết lại để chống khủng bố, và chúng ta đang sử dụng tất cả công cụ của nghệ thuật lãnh đạo để chống lại khủng bố - về quân sự, tình báo, thực thi luật pháp, tài chính, và tất nhiên là cả ngoại giao".

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: