Bước tới nội dung

Cái chết của con Mực

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cái chết của con Mực  (1941) 
của Nam Cao

CÁI CHẾT









của CON MỰC


Người ta định giết Mực đã lâu rồi. Mực là con già hơn trong hai con chó của nhà. Nhưng lại cũng là con nhiều nết xấu. Nó tục ăn: cũng là thường, vì nó là con chó. Nó nhiều vắt: thì nó khổ! Nó hay cắn càn: ấy là cái khó chịu của bọn ăn mày. Nhưng nó lại xủa như một con gà gáy: cái này thì không thể tha-thứ được.

Thoạt tiên, người ta định ngày chết cho nó vào dịp thanh-minh. May cho nó, bà chủ nhà bị ốm. Rồi thì là tết tháng năm. Bỗng nhiên đứa con út của bà hơi ươn mình: bà phải kiêng để lấy sữa lành cho con bú. Sau hết người ta nhất định thịt nó vào ngày rằm tháng bẩy, ai ốm mặc. Nhưng lần này Mực vẫn còn thoát nạn. Và thoát nạn là vì nhờ có Du. Người con cả ở xa xôi ấy vừa viết giấy báo: sắp về. Bà mẹ mừng như tìm được một vật quý bị rơi. Thế là người ta nhất định lùi ngày xử con Mực lại...

Bây giờ thì Du đã về rồi. Chiều hôm qua, con người phóng-đãng ấy đã khệ-nệ xách cái va-ly rất nặng bước vào sân, miệng nở cười, mặt đỏ. Cái nhà tranh, mấy cây cau hình như đứng thẳng lên để chào chàng. Rồi đến lũ em ầm-ỹ ẩy mành chạy òa ra, và bà mẹ, mừng quá, cười và khóc. Nhưng kẻ lên tiếng trước nhất là con Mực. Con chó già nua ấy rít lên cái thứ tiếng gà gáy của nó và chạy lại phía Du. Bà mẹ thét lên; lũ em chửi những câu thô tục. Du thấy mắt hình như ướt nước. Chàng bỡ ngỡ nhìn mọi người...

— Hình như mẹ không được khỏe... Ồ, các em lớn cả rồi: Thanh, Tú... đứa nào đây? à Thảo, con chuột nhắt! trông Thảo xinh quá nhỉ?.. Ồ con Mực! Vẫn con ngày ấy đây à? trông con Mực già đi tệ!...

Con chó đã nhận ra người chủ cũ. Nó đứng lặng vẫy đuôi, đầu cúi xuống, hai mắt nhoèn ướt nhìn đất, như tủi phận. Du ái-ngại: đó là người bạn lặng-lẽ, thui-thủi bên chàng những năm xưa, khi đêm vắng chàng ngồi nhìn trăng mà mộng. Chàng muốn vuốt-ve nó, nhưng nó bẩn ghê-gớm quá: lông rụng từng mảng, thịt trắng lộ ra, có khi sần mụn đỏ. Dáng-điệu thì già nua, ảo-não buồn, len-lén như phòng-bị một cách hơi yếu ớt. Không còn những cái vẫy duôi mạnh-dạn, những cái nhìn rất bạn-bè, những cái hít chân vồ-vập của một con chó vui và không ngờ-vực. Du thấy lòng nặng thay! Chàng lấy chân khẽ chạm vào con chó để tỏ tình thương. Con Mực vẫy đuôi mạnh hơn nhưng nhẹ nhẹ lánh ra: dáng-điệu của một kẻ sợ cố cười với người mình sợ. Và tức khắc nó vặn mình đi một cái, rít lên một tiếng ngắn và to: đứa em tưởng anh đá hụt trả thù cho anh bằng một cái đá mạnh vào cạnh sườn con vật. Nó lấm-lét lảng dần, cũng không dám thẳng-thắn ra mặt tránh. Du khẽ trách:

— Sao Thanh ác thế?

— Cần gì? mai làm thịt nó cho anh ăn đấy.

Du thấy cái vui đoàn-tụ giảm đi rất nhiều..

Hình-ảnh con chó ghẻ với một cái buồn rất mơ-hồ cứ lảng-vảng trong óc chàng mãi mãi. Sáng hôm sau, lúc ăn cơm, chàng thấy mực len-lén đi qua cửa, đuôi cúp, đầu cúi xuống, mắt nhìn nghiêng như những người có tính gian. chàng muốn gọi nó vào, muốn để nó đứng giữa hai chân, muốn vừa ăn vừa gẩy cho nó những miếng cơm chung một bát. Nhưng mà không thế được: dịu-dàng quá là yếu linh-hồn, và ai hiểu được rằng chàng lại có thể phí tình thương cho một con chó bẩn ghê-gớm thế?

Bữa ăn xong, con Hoa ra sân, một tay cầm một bát cơm, tay kia nhắc cái thúng tựa ở gốc cau gần đấy, như để rồi sếp bát. Trông thấy cơm, tất cả thú-tính của con vật hoàn-toàn nổi dậy. Nó nhẩy tới, vẫy đuôi, hếch mõm nhìn và đợi. Cơm vừa đổ xuống nó đã vội-vàng chúi mõn ăn ngay. Miếng ăn chưa qua cổ thì cái thúng đã chụp mạnh trên lưng nó. Nó rít lên một tiếng, vùng mạnh cái thân; nhưng Hoa đã tỳ cả người lên cái thúng rồi; con Mực bị thu gọn ở trong vừa-vặn đến nỗi không còn giẫy và kêu được. Lũ trẻ con chạy ùa ra. Chúng lấy sẵn sàng giao, thớt và giây để trói. Phần mở thúng đã đành phải về Du: ông bố vắng nhà thì cả nhà chỉ còn chàng là kẻ đàn ông, mà không lẽ lại đi mượn hàng xóm trói dùm một con chó đã úp gọn-gàng trong thúng? Nhưng thật-thà Du chẳng quen những việc thế này; người ta phải dậy cách cho chàng bắt; cũng chẳng khó khăn gì; chàng chỉ việc hé cạp thúng lên khỏi mặt đất để con chó lách đầu ra; một đứa em sẽ đặt gậy lên cổ chó và chàng phải lấy chân dận xuống... Nào chàng hãy nhích cạp thúng lên! Tí nữa! Tí nữa! mà vững tay một chút! Nhưng tay chàng lại run run. Và khi chó thò được đầu ra thì nó quẫy luôn một cái và vùng ra mất. Nó hoảng-hốt quay lộn mấy vòng, vừa quay vừa ẳng ẳng. Kịp khi Hoa nắm gậy phang chạm phải đuôi, nó mới chợt tỉnh; cắm đầu chạy biến

Con Hoa tủm tỉm cười. Lũ em ngơ-ngác tiếc. Còn Du thì mặt đỏ như gấc chín. Chàng đã yếu tay hơn cả con Hoa. Có lẽ nào chàng lại dịu lòng hơn một người con gái! Và tự nhiên chàng giận Mực. Người ta còn sợ nó đi mất nữa.... Quả nhiên, suốt ngày hôm ấy nó không về. Nó vơ-vẩn ở vườn hàng xóm, lẩn-lút như một con chó dại. Buổi trưa, khi nghe tiếng Hoa gọi về để ăn cơm, nó lút cút cắm đầu chạy xa hơn nữa. Người ta đã tưởng thế là toi. Nhưng tối hôm ấy, khi đã vào giường, Du lại nghe cái thứ tiếng gà gáy của nó rống lên ngoài phía ngõ.

Sáng hôm sau, nó vẫn bỏ cơm. Trưa hôm sau cũng thế. Hễ cứ thấy bóng người là nó lại vừa vẫy đuôi vừa len-lén chạy. Cái vẫy đuôi của nó, Du trông mà thương hại! Chàng sai người đem cơm đổ ra vườn rồi lảng xa đi. Một lúc lâu sau, Mực mới dám lại gần. Nó trông trước trông sau, rón-rén đưa mõm rê trên những hạt cơm, rồi bỗng vô cớ giật nẩy mình, cắm đầu chạy thẳng. Có lẽ cái kỷ-niệm bị úp lần ăn trước loè ra mạnh quá đã quất vào thần-kinh nó như luồng điện chăng? Du thấy bồn xồn rất vẩn-vơ: chàng thương Mực hay sợ nó đi mà chết đói? hay là thẹn sự mình vụng tay? Sau cùng thì chàng bực-bội: chàng tấm-tức nhận ra rằng một con chó đã làm mất sự bình-tĩnh của tâm-hồn chàng. Và đột nhiên chàng muốn giết con Mực lắm.

Chàng còn làm nên trò gì nữa, nếu chỉ giết một con chó mà trái-tim cũng đập?

Sự do-dự đã hết rồi. Khi chỉ có một ý-định thì ý-định dễ thành mạnh-mẽ. Du cứng lòng, và hung-dữ, và muốn giết say-sưa. Chàng tưởng đến cái thú dí lưỡi dao lạnh giá vào súc thịt giẫy lên đành-đạch, và ấn mạnh, ấn mạnh, cái nắm tay gân-guốc, để máu ấm vọt ra từng tia lên cổ tay, lên ngực, lên mặt mình. Vì thế, chiều hôm ấy, khi thấy con chó ở vườn, thì chàng gần reo lên.

Con vật khốn-nạn chống với đói và lo ròng-rã hai hôm nên đã mệt lử rồi. Nó lịm ngủ đi bên bờ giậu. Du cầm cái gậy thật to rón-rén lại gần. Đến tận nơi, giơ gậy lên, chàng bỗng thấy tim run một cái; hơi thở tưởng đột-nhiên muốn tắc, và chàng đành ngừng lại một giây để nhìn con chó. Giấc ngủ của nó đầy ác mộng: thỉnh-thoảng khắp mình nó lại giật lên, Du thấy sự cứng cỏi tiêu-tán hết. Nhưng con chó bỗng giật mình. Sợ nó chạy, Du thẳng cánh vụt mạnh gậy xuống. Bụng nó thót vào rồi lại phình ra như một khối cao-su. Nó kêu rống lên, chạy quanh mấy vòng, rồi chui bừa qua giậu trong khi Du rắm mắt vụt cuống-cuồng mặt đất....

Đêm đã khuya, Du mới lại nghe tiếng Mực rống lên. Chàng bồi-hồi quá, và nhất định không giết con chó còm ấy nữa.

Nhưng gần sáng, chàng còn mơ mơ màng màng thì Hoa đã gọi rối lên. Con vật khốn-nạn không biết mỏi mệt đến bực nào mà ngủ quên ở ngay sân để đến nỗi Hoa chụp được. Lần này người ta cẩn-thận hơn. Hai, ba người du vào một cái gậy tre ngáng sẵn bên cạnh thúng, rồi Hoa mới ý tứ nhích cạp thúng lên. Thấy sáng. Mực nhô ra cái đầu mõm đen và ướt, thở phì-phì. Hoa tì một đầu gối lên mặt thúng rồi mới nhích lên tí nữa. Mực lách cả cái đầu ra. Cái gậy tre đè xuống. Mực không còn đủ thì giờ để kêu...

— Đè chặt đấy! đè thật chặt! đừng thương nó, buông ra giờ nó cắn!...

Du kêu lên thế nhưng tiếng đã run run. Con chó phì ra một cái nữa; hơi thở mới thoát một nửa thì bị tắc. Cái gậy đè sát đất. Mắt nó trợn lên. Tròng đen ươn-ướt cứ đờ dần, đờ dần, rồi ngược lên, lẩn một nửa vào mí mắt. Tròng trắng đã hơi đục. Lúc Hoa trói xong cả trân trước, chân sau thì con chó đã mềm rũ ra. Du quay đi lau nước mắt.

Novembre 1941

NAM-CAO