Cải chánh một điều lầm trong bài Dật sự Ông Ích Khiêm đăng kỳ trước

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cải chánh một điều lầm trong bài Dật sự Ông Ích Khiêm đăng kỳ trước  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6590 (Phụ trương văn chương số 29, thứ bảy 14.11.1931)

Phụ trương văn chương của Trung lập trong hai kỳ trước liền đây, có đăng bài Một vài dật sự của Ông ích Khiêm do ông Thứ Khanh viết ra. Mà nửa bài sau, đăng ở số ra bữa 7 Novembre, có một chỗ sai lầm lắm, cần phải theo thiệt sự mà cải chánh mới đặng.

Trong bài của ông Thứ Khanh, nói như Ông ích Khiêm là người trung trực cương chánh, không thèm a dua với hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, sự ấy không chắc. Có lẽ lại là trái hẳn đi nữa kia.

Ông ích Khiêm vốn là tay có tài, nhưng có tánh kiêu ngạo, khinh đời, vô lễ, hay làm những sự bướng bỉnh, thì đã đành rồi. Nói đến cái tâm địa và cái khí tiết của ông, thì cũng lại là không ra chi, không phải là người quân tử. Đều ấy có sự thiệt làm chứng và hiện nay còn có những người đã được biết ông cũng làm chứng như vậy nữa, ta chớ nên nói sai sự thiệt.

Nguyên ông Khiêm từ khi ở Bắc kỳ về, sau lúc vua Dực Tôn (Tự Đức) băng rồi thì ổng theo phe với ông Tường ông Thuyết mà gây ra những việc loạn trào. Chính mình ông Khiêm đã vâng mạng Tường, Thuyết mà giết vua Hiệp Hòa, chớ ai?

Người ta thuật chuyện lại, mà chính trong sử thiệt lục cũng chép như vầy nữa. Trong khi Tường Thuyết thí vua Hiệp Hòa thì phái ông Khiêm làm quan sứ đi coi việc ấy. Họ giết vua bằng một cách kêu là tam ban trào điển, nghĩa là đưa cho vua một thanh gươm, một ve thuốc độc, một cái giây bằng lụa, tùy vua dùng cái nào thì dùng. Người ta nói lúc đem vua Hiệp Hòa đến một nơi kia, ông Khiêm đưa những vật ấy ra, xin vua tự liệu lấy mà vua không khứng. Rồi chính ông Khiêm bảo lính chận vua xuống và trút thuốc độc vào miệng vua. Vua ngậm cứng răng lại thì họ đổ vào lỗ tai. Bởi vậy khi vua chết rồi, mới le cái lưỡi ra rất dài, bấy giờ có quan ngự sử biên chép lấy sự chết của vua kỹ càng lắm.

Coi đó thì chính ông Khiêm là kẻ đồng ác với Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết; vậy mà nói ông giận hai người đó, là lẽ chi?

Đến như câu: Nhứt giang lưỡng quốc thùy vô thuyết; lục nguyệt tam vương triệu bất tường, mà tác giả nói ông Khiêm làm ra và đem dán ở Ngọ môn, cũng là nói sai.

Ấy là một bài thơ tám câu của người nào đương thời đó làm ra, không biết có dán ở đâu không, chớ hẳn đã truyền tụng từ đó đến giờ. Vả lại trong bài thơ ấy cũng có nói sự ông Khiêm giết vua Hiệp Hòa nữa, cho nên việc nầy đã thành ra án sắt vậy!

Bài thơ đó chúng tôi nhớ được 6 câu như vầy:

Nhứt giang lưỡng quốc thùy vô Thuyết?
Lục nguyệt tam vương triệu bất Tường!
Chẩm quân thủ tước tân danh Nghĩa,
Sát tướng cầu quan bổn tánh Trương.
Khứ quốc khả liên minh triết giã,
Hà thời chiêu tuyết định cang thường?

Nhứt giang lưỡng quốc là một con sông mà hai nước, chớ không phải nhứt gia như ông Thứ Khánh chép và giải nghĩa. Bấy giờ người Pháp đã đóng dinh Khâm sứ và đồn binh bên kia sông Hương, nghiễm nhiên một nước nữa, đối với bên nầy, cho nên nói như vậy.

Lục nguyệt tam vương là sáu tháng mà lập ba ông vua, chớ không phải tứ nguyệt là bốn tháng. Sau khi vua Tự Đức băng rồi, lập ông Dục Đức; phế ông Dục Đức, lập ông Hiệp Hòa; giết ông Hiệp Hòa, lập ông Kiến Phước, tính ra vừa trong sáu tháng.

Ông ích Khiêm khi ở Bắc về triều, đổi tên là Ông Quý Nghĩa. Khi ông vâng mạng giết vua Hiệp Hòa rồi, được phong tước "nam", cho nên câu thứ 5 trong bài thơ nói như thế. Câu ấy nghĩa là: Cái người đánh thuốc độc cho vua mà được phong tước đó mới đổi tên là Nghĩa! - ấy chính là Ông ích Khiêm, chớ còn ai?

Khi họ giết vua Hiệp Hòa, cũng giết luôn quan phụ chánh thứ nhứt là ông Trần Tiễn Thành. Chính ông Trương Đăng Để, người Quảng Ngãi, đi làm việc ấy. Câu thứ 6 nói Trương Đăng Để.

Hồi đó duy có ông Tuy Lý Vương, tên là Miên Trinh, con vua Minh Mạng, có ý phản đối với những việc Tường, Thuyết đã làm cho nên bọn họ mới đày ông Tuy Lý vào Bình Định. Câu kết nói Khá thương cho người khôn sáng bị bỏ nước mà đi, biết bao giờ chiêu tuyết sự oan ức ấy để định cang thường lại! - là nói về việc ông Tuy Lý vậy.

Ông Khiêm hồi đầu theo Tường - Thuyết, song sau lại bị Tường Thuyết xiềng mà đày đi, điều ấy không lấy gì làm lạ. Bởi vì, Tường Thuyết thấy Khiêm làm được việc thí quân mà không gớm tay, sợ để rồi có ngày lại quay mà cắn lại mình, cho nên sau khi xong việc vua Hiệp Hòa rồi, Tường - Thuyết phải trừ ông Khiêm.

Tóm lại ông Khiêm là tay tướng tài thật, theo như An Nam, đánh giặc…… thì ông là người đánh giặc giỏi. Nhưng nói về nhân phẩm thì ông Khiêm quyết không phải là chánh nhân quân tử.

Bấy giờ lại có câu phong dao nầy tưởng là phê bình đúng lắm:

Nước Nam có bốn anh hùng;
Tường gian, Viêm láo, Khiêm khùng, Thuyết ngu!

C. D.