Chánh phủ Tàu dời đô hai lần không phải là cái điềm chiến bại

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Chánh phủ Tàu dời đô hai lần không phải là cái điềm chiến bại  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6656 (15. 2. 1932)

Từ hôm Nhựt - Huê đánh nhau gắt gớm đến nay, theo báo Tàu thì nói quân Tàu được thắng nhiều trận, còn bên Nhựt kéo quân qua chừng nào thì chết chừng nấy, và chiến hạm bị chìm máy bay bị rớt không biết bao nhiêu. Nhưng đồng thời lại có tin nói chánh phủ Tàu dời kinh đô hoài. Lần đầu, từ Nam Kinh dời về Lạc Dương, rồi lần thứ hai từ Lạc Dương lại dời về Khai Phong nữa.

Người Việt Nam mình không phải khù khờ, chỉ không phải ai nói thế nào thì nghe thế ấy đâu, cho nên thấy những tin trên đó không khỏi sanh mối nghi ngờ, họ bèn hỏi nhau: – Lạ! có lẽ nào nói láo? Tàu thắng, thắng cái gì mà cứ dời đô mãi đi vậy? Người khác cũng phụ họa: – Ừ, khả nghi lắm mà. Kinh đô là cái gốc của nước, nếu quân mình thắng luôn quân bên địch, cái gốc bền vững, không sợ lung lay, thì có việc chi mà dời? Nay dời kinh đô đi luôn luôn như vậy mà nói rằng thắng trận, thì cũng khả nghi thật. Những lời ấy chúng tôi thường nghe người ta bàn luận mấy bữa nay. Mà, không nói hàm hồ, trên một tờ báo quốc văn cũng đã có thấy thở ra cái ý nghi ngờ ấy.

Chúng tôi nói: Không phải. Sự nghi ngờ ấy chẳng qua do cái óc cũ mà ra. Cái tri thức của thế kỷ trước mà bình luận việc binh cơ chiến trận ngày nay, thật nó không nhằm vào đâu cả. Sự chánh phủ Tàu dời đô hai lần đây, không phải là cái điềm chiến bại đâu. Xin bà con chớ tưởng vậy mà lầm.

Thuở xưa, hồi còn quân chủ, chỗ kinh đô là căn bổn của một nước, là vì có ông vua ở đó, khi nào giặc hãm tới kinh đô, ông vua phải chạy ra ngoài, ấy là nước nguy rồi, mất rồi, giặc bèn bách hiếp mà yêu cầu khoản nầy khoản nọ, và bảo chi cũng phải nghe nấy. Trải xem lịch sử, thấy bao nhiêu nước đời xưa trong cơn bị ngoại dịch bằng lăng, cũng thường có xảy ra sự ấy, bởi vậy, trong lúc đó, cái nước bị xâm lược đó, thường phải dời kinh đô đi. Dời kinh đô đi để giữ cho còn ông vua, vì họ nghĩ rằng hễ ông vua còn là nước không mất.

Cái nước không có ông vua ở đời nay, thì không còn như vậy nữa. Cho nên cái kinh đô ngày nay cũng không hệ trọng cho lắm bằng đời xưa. Cái óc của con người ở nước dân chủ đối với kinh đô phải khác với cái óc của con người ở nước quân chủ hồi xưa mới được.

Cái kinh đô của một nước ở vào lúc chiến tranh như nước Tàu ngày nay là quý cho sự giao thông được thuận tiện, phát ra hiệu lịnh cho dễ dàng thôi. Chớ đã không có ông vua rồi thì nó không còn có giá trị như hồi trước nữa đâu.

Ngày nay, ở nước Tàu, nếu quân Nhựt tới chiếm Nam Kinh, bắt lão Lâm Sum đi, hay là bợ lão Uông Tinh Vệ mất, là nước Tàu cũng chưa mất mà. Nếu ai đã hiểu cái lẽ ấy thì sẽ hiểu sự dời đô của chánh phủ Tàu là thuộc về phương diện quân sự, chớ không phải thuộc về phương diện quốc gia.

Nam Kinh, chỗ đó có địa thế tốt, hồi bình thời thì thật là một nơi kinh đô xứng đáng, nhưng đến lúc chiến tranh, nó không tiện. Không tiện, vì nó sát với sông Dương Tử, mà con sông nầy, lâu nay đã thành con sông chung cho Vạn quốc thông hành, vậy nếu giặc đem  ít chục chiếc tàu binh tới đóng đó thì cái kinh thành có hạ được không còn chưa biết, chớ việc giao thông tin tức chắc đã vì đó mà bị cản trở. Cho nên bỏ Nam Kinh dời lên Lạc Dương là để tránh mũi giặc và cũng tìm nơi giao thông tin tức cho tiện hơn.

Lạc Dương và Khai Phong cũng đều ở về tỉnh Hà Nam hết, mà đời xưa cũng đã nhiều trào vua đóng kinh đô ở đấy. Lạc Dương từ xưa đã kêu là chỗ "tử chiến chi địa", vì nó là bình nguyên, không có non sông hiểm trở, cũng còn không tiện nữa, cho nên dời về Khai Phong.

Khai Phong gần với Trịnh Châu. Ở đây hiện có bốn con đường xe lửa tréo nhau như chữ "thập". Một đường xuống Nam Kinh, Thượng Hải; một đường lên Lạc Dương, Đồng Quan; một đường ra Bắc Bình; một đường vô Hán Khẩu.

Như vậy, sự giao thông tin tức, sự phát ra hiệu lịnh cho các nơi sẽ là tiện lợi biết bao. Vì cớ ấy nên lần sau hết, họ lại dời về Khai Phong.

Coi đó thì biết sự dời đô của chánh phủ Tàu mấy hôm nay chỉ là cốt cho tiện về việc quân sự, chớ không phải sợ mất kinh đô là mất nước mà phải dời đô đâu.

(Bị kiểm duyệt bỏ)

Cho nên, lấy cái óc cũ mà bàn việc mới thì nó sai xa lắc, không ăn thua vào đâu hết. Ở đời nầy, chúng ta nên bỏ hết những cái quan niệm hồi thế kỷ XIX đi mới nói chuyện được.

PHAN KHÔI