Bước tới nội dung

Cho tôi ly nữa

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cho tôi ly nữa  (1940) 
của Nguyễn Bính

Ban đầu được đăng trên báo Tiểu thuyết thứ Năm, sau in trong tập thơ Tâm hồn tôi do nhà xuất bản Nguyễn Cường ấn hành. Tập thơ này được trao giải khuyến khích bởi Tự Lực văn đoàn.

Chả biết là yêu hay chả yêu
Tình cô bán rượu sớm, trưa, chiều.
Tôi ưa say lắm, nhưng nghèo lắm
Có được bao nhiêu mua bấy nhiêu.

Cô bán cho tôi ly rượu nhỏ
Của người ẩn sĩ trốn giàu sang.
Tôi say mơ thấy trăm vườn cúc
Một sáng mùa xuân mở cánh vàng.

Hãy chuốc cho tôi ly rượu nữa
Của người cuồng sĩ ghét công danh.
Tôi say mơ thấy đời đen trắng
Bụi đỏ... Ai người đôi mắt xanh.

Hãy chuốc cho tôi ly nhỏ nữa
Của người thi sĩ trọ Tràng Yên.
Tôi say mơ thấy vì tiên trích
Vua gọi mà không chịu xuống thuyền.

Cho tôi ly nữa, thêm ly nữa
Uống thực say rồi nhớ cố nhân.
Rồi nếu tiền tôi không đủ trả
Lo gì, tôi có áo mùa xuân.

Đừng lo, cô nhé, tôi giàu lắm
Này áo khinh cừu, ngựa ngũ hoa.
Mất hết ngàn vàng tôi lại có
Cho tôi ly nữa để tôi ca.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)