Hán văn độc tu 1932/Bài học thứ mười lăm
I. Những câu vấn đáp
[sửa]1. 五 味 (vị là mùi), 何 味 ? 五 色 何 色 ? − Nghĩa: Ngũ vị là những vị gì? Ngũ sắc là những sắc gì?
辛 (tân là cay), 甘, 酸 (thoan là chua), 苦 (khổ là đắng), 鹹 (hàm là mặn), 五 味 也。青 (thanh là xanh), 黃 (hoàng là vàng), 赤 (xích là đỏ) 白 (bạch là trắng), 黑 (hắc là đen), 五 色 也。此 五 色 者 謂 之 正 色;其 餘 謂 之 間 (gián là xen) 色. − Nghĩa: Cay, ngọt, chua, đắng, mặn, là ngũ vị (năm mùi) vậy. Xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, là ngũ sắc (năm màu) vậy. Năm sắc đó gọi là chánh sắc; còn những sắc khác gọi là gián sắc.
2. 何 謂 八 音? − Nghĩa: Gì gọi là bát âm (tám thứ tiếng)?
古 人 所 用 以 爲 樂 (nhạc) 器 (khí là đồ) 之 物 有 八, 八 者 所 發 (phát) 之 音, 謂 之 八 音, 即 匏 (bào), 土, 革 (cách), 木, 石, 金, 絲 (ty, tư), 竹 (trúc), 是 也. − Nghĩa: Cái vật của người đời xưa dùng để làm nhạc khí có tám thứ; cái tiếng của tám thứ ấy phát ra, gọi là bát âm, tức là: bào, thổ, cách, mộc, thạch, kim, tư, trúc, phải vậy.
3. 易 有 八 卦 (quái là quẻ), 其 名 爲 何? − Nghĩa: Kinh Dịch có bát quái (tám quẻ), tên nó là gì?
八 卦 者﹕乾 (kiền) 一, 兌 (đoài) 二, 離 (ly) 三,震 (chấn) 四, 巽 (tốn) 五, 坎 (khảm) 六, 艮 (cấn) 七, 坤 (khôn) 八, 是 也. − Nghĩa: Tám quẻ ấy là: quẻ Kiền thứ nhứt, quẻ Đoài thứ hai, quẻ Ly thứ ba, quẻ Chấn thứ tư, quẻ Tốn thứ năm, quẻ Khảm thứ sáu, quẻ Cấn thứ bảy, quẻ Khôn thứ tám, phải vậy.
4. 八 卦 之 象 (tượng) 若 何 ? 其 用 可 得 而 言 歟 (dư)? − Nghĩa: Cái tượng của bát quái như thế nào? Sự dùng của nó có thể nói ra được dư?
據 易 言﹕乾 爲 天, 坤 爲 地,巽 爲 風,震 爲 雷 (lôi là sấm sét), 離 爲 火,坎 爲 水,艮 爲 山,兌 爲 澤 (trạch là chằm), 此 八 卦 之 象 也。若 其 爲 用 甚 玄 (huyền), 不 能 以 一 言 畢 (tất là hết) 之 矣! − Nghĩa: Theo lời kinh Dịch: Kiền là trời, Khôn là đất, Tốn là gió, Chấn là sấm sét, Ly là lửa, Khảm là nước, Cấn là núi, Đoài là chằm: ấy là cái tượng của bát quái vậy. Đến như sự làm dùng của nó rất là huyền diệu, chẳng có thể lấy một lời mà hết đó được!
5. 三 代 (đại, đợi là đời) 是 何 時 代 ? 距 (cự là cách) 今 幾 (kỷ) 何 年 ? − Nghĩa: Tam đợi ấy là thuộc về thời đại nào? Cách nay bao nhiêu năm?
三 代 是 夏, 商 (Thương), 周 (Châu) 三 朝 (triều), 屬 (thuộc) 於 上 古 時 代, 距 今 已 三 千 年 以 上 矣. − Nghĩa: Tam đợi ấy là Hạ, Thương, Châu ba triều, thuộc về thời đợi thượng cổ, cách nay đã ba ngàn năm nhẫn lên rồi.
6. 吾 人 與 三 代 相 隔 (cách) 太 還, 乃 儒 者 屢 稱 之, 何 耶? − Nghĩa: Chúng ta với tam đợi cách nhau xa quá, thế mà kẻ nho hằng đem tam đợi ra mà nói, tại sao?
儒 者 以 爲 三 代 多 聖 (thánh) 君 賢 相 (tướng), 其 時 天 下 常 得 太 平,故 言 治 者 必 稱 三 代. − Nghĩa: Kẻ nho lấy làm thuở tam đợi nhiều ông vua thánh, ông tướng hiền, lúc ấy thiên hạ thường được thái bình, cho nên ai nói chuyện trị an cũng ắt đem tam đợi ra mà nói.
II. Cắt nghĩa thêm
[sửa]餘 là dư, là thừa, là lẻ, như 百 有 餘 年, thuộc về nghĩa ấy. Ở đây nghĩa là ngoài ra bao nhiêu. Nói 其 餘 hay nói 其 他 (tha là khác) cũng được, giống như chữ les autres.
間 色 là sắc xen lộn, đối với 正, tức như sắc hồng (紅), sắc lục (綠), sắc tử (紫 là tía, tím), đều là gián sắc vậy.
Chữ 樂 có ba âm: 1. nhạc; 2. lạc, nghĩa là vui; 3. nhạo, nghĩa là ưa thích. Nhạc khí tức là instruments de musique.
Bào là bầu, như cái đờn bầu của ta; bên Tàu đời xưa cũng dùng bầu làm cái sinh (笙) cái vu (竽) là hai thứ nhạc khí. Thổ là cái nhạc khí gì dùng đất mà làm, như bên Tàu đời xưa có cái nhưỡng (壤). Cách là da thuộc rồi, như các thứ trống. Mộc là cây, như cái sinh. Thạch là đá, như cái khánh (磬). Kim là đồ nhạc bằng đồng, như cái chập chỏa. Ty là tơ, như các thứ đờn. Trúc là tre, như ống tiêu, ống sáo.
Bát quái có hai cách sắp, một cách sắp như đây, ấy là theo "phép dịch hậu thiên", của Văn Vương; còn một cách sắp: Kiền, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, ấy là theo "phép dịch tiên thiên", của Phục Hy. Phục Hy ở trước Văn Vương đến hàng ngàn năm.
象 có nghĩa là con voi, ở đây nghĩa là cái biểu tượng, tiếng nôm không có tiếng gì dịch ra được hết, phải dùng tiếng Pháp là symbole.
歟 là lời hỏi dùng ở cuối câu, cũng như chữ 耶. Nguyên đời xưa dùng chữ 與 mà đọc là dư, đến sau người ta thêm 欠 (khiếm là thở ra, là thiếu) một bên để phân biệt với 與 là cùng. Tiếng ta cũng dùng dư hoặc ư mà làm lời hỏi.
澤 chỉ về chỗ nước tụ lại, như các cái hồ lớn và biển. Tiếng "chằm" ấy là tiếng xưa của ta, nay ít thấy dùng. Như biển hồ ở Cao Miên ấy là một cái chằm đó.
Chữ 若 đây nghĩa là đến như; muốn đổi làm chữ 至 (nghĩa là đến) cũng được.
玄 là abstrait, đối với chữ 著 (trứ) hoặc 察 (sát) là concret, tiếng ta cũng không có tiếng để dịch được.
距 là cách nhau, nói về không gian hay thời gian đều được cả. Tiếng nom là 距 離 (distance).
幾 (ky) ở đây đọc kỷ. 幾 何 là bao nhiêu. Lại có một tiếng nữa: 若 干 (nhược can), cũng đồng một nghĩa.
Nhơn đây nói luôn: Nhiều người không hiểu tại sao Tàu lại dịch chữ Géomètrie ra là kỷ hà học. Họ thấy chữ 幾 何 nghĩa là bao nhiêu, nên họ tưởng dịch như vậy ắt có nghĩa gì. Không ngờ Tàu dịch đó chỉ là dịch âm có hai vần gé-ô mà thôi. Géo, Tàu đọc như 幾 何. Hiện nay nhiều nhà học giả đúng đắn đã bỏ cái tên ấy đi, vì cho là dịch âm có hai vần thì không đủ mà lại dễ làm cho hiểu lầm, nên khi nào nói đến Géomètrie thì dùng chữ 形 學 (hình học).
Chữ 乃 nghĩa là bèn, là là, nhưng ở đây nghĩa khác, cắt nghĩa là thế mà mới hiệp với bổn ý. Khi nào câu có hai proposition, tỏ ý đáng thế nầy mà thế khác, thì proposition sau dùng chữ 乃 được.
以 爲 là verbe kép.
相 (tương) là nhau, đây đọc là tướng, tiếng nom.
Chữ 稱 là khen, là xưng ra, mà cũng có nghĩa là cầm cái gì giơ lên. Cho nên đây cắt nghĩa đem ra mà nói là đúng lắm. Chữ 稱 ấy cũng như chữ 舉 (cử), nghĩa là cất lên, đưa lên. Vậy chữ 稱 trong câu trả lời đây cũng đổi làm chữ cử được.
Chữ 必 đây có ý là thế nào cũng, hễ nói đến thì...
III. Văn pháp Chữ 之
[sửa]Chữ 之 có năm nghĩa khác nhau, thuộc về năm mối tiếng.
Một là thuộc về pronom, dùng để thế cho người hoặc sự vật, giống chữ le, la, les, trong tiếng Pháp, nhưng trong khi thế có ba cách nên phân biệt:
a) cách minh chỉ: ở trên có nom, pronom hay là cả một proposition, ở dưới dùng chữ 之 thế lại, như vậy, sự chỉ rõ ràng, cho nên gọi là minh chỉ. Như: 學 而 時 習 之 ("Luận ngữ", học mà hằng tập đó). Chữ 之 chỉ lên chữ học: Tập cái gì? Tập cái mình đã học.
予 所 否 (phủ là làm điều không phải) 者, 天 厭 (yểm là nhàm, đây nghĩa là dứt) 之! 天 厭 之 ! ("Luận ngữ", lời đức Khổng thề với Tử Lộ: Ta có làm điều không phải, Trời dứt đó! Trời dứt đó!) Chữ 之 chỉ lên chữ 予: Trời dứt ai? Dứt ta.
有 冉 曰: 夫 子 爲 (vị) 衛 君 乎 ? 子 貢 (cống) 曰: 諾 (nặc là ừ, phải), 吾 將 問 之 ("Luận ngữ": Nhiễm Hữu nói rằng: Phu tử có vì vua nước Vệ chăng? Tử Cống nói: Phải, ta sẽ hỏi đó). Chữ 之 chỉ lên cả câu Phu tử vị Vệ quân hồ: Hỏi cái gì? Hỏi đức Phu tử có vị vua nước Vệ chăng. Nhẫn lên là cách minh chỉ.
b) cách ám chỉ: Ở trên không có nom hay pronom nào hết, dùng chữ 之 chỉ thinh không, nhưng không thể hiểu lầm được, ấy là trông ý có chỗ chỉ nhứt định, song không nói rõ ra, cho nên kêu là ám chi. Như:
父 母 愛 之 喜 而 不 忘;父 母 惡 (ố là ghét) 之 勞 (lao là nhọc) 不 怨 (oán là hờn). ("Mạnh Tử": cha mẹ yêu đó, mừng mà chẳng quên; cha mẹ ghét đó, nhọc mà chẳng hờn). Hai chữ 之 đều chỉ về người làm con, không có thể lộn với ai hết, cho nên không hiểu lầm được, bởi vì chỉ có con thì mới được cha mẹ yêu hoặc bị cha mẹ ghét mà thôi.
c) cách phiếm chỉ: ở trên không có gì hết, thình lình dùng chữ 之 mà cũng chẳng chỉ vào ai; ấy là chỉ bông lông, nên gọi là phiếm (泛) chỉ. Như: 知 之 爲 知 之, 不 知 爲 不 知,是 知 也 ("Luận ngữ", lời đức Khổng bảo Tử Lộ: Biết đó làm biết đó, chẳng biết làm chẳng biết, ấy là biết vậy). Hai chữ 之 không chỉ nhứt định việc gì, chỉ gì cũng được cả.
Hai là thuộc về préposition, giống chữ de trong tiếng Pháp, trước kia đã học qua nhiều lần rồi.
Ba là thuộc về conjonction, để nối nom hay verbe với adjectif. Như về muộn thì nói 歸 之 晚, nói dài thì nói 言 之 長, v.v... Trong "Luận ngữ" cũng có câu 德 (đức) 之 不 修 (tu), 學 之 不 講 (giảng), hai câu nầy theo tiếng ta thì nói: đức chẳng tu, học chẳng giảng, không cần chữ gì để nối hết. Mà trong câu chữ Hán đó nếu bỏ hai chữ 之 đi cũng không mất nghĩa. Vậy cho biết chữ 之 nầy không hệ trọng mấy.
Bốn là thuộc về verbe, nghĩa là đi, là qua, như chữ 往.
Năm là thuộc về adjectif démonstratif, nghĩa là ấy, như chữ 此. Trong kinh Thi có câu: 之 子 于 歸, nghĩa là: Nàng ấy về nhà chồng.
Có một điều nên chăm nhớ là về chữ 之 của điều thứ nhứt, trong khi đặt nó vào câu négatif phải để nó trên verbe.
Trong câu positif thì nói xuôi, để chữ 之 dưới verbe, nói 有 之; nhưng hễ trong câu négatif thì phải nói 未 之 有, chớ không được nói 未 有 之.
Trong "Luận ngữ" có câu đức Khổng thưa cùng chúa Linh Công nước Vệ rằng: 軍 (quân) 旅 (lữ) 之 事, 未 之 學 也. Nghĩa là: Cái việc quân lữ (việc chiến trận), chưa hề học đó vậy. Nhưng ngài nói 未 之 學, chớ không nói 未 學 之.
Luật nầy trước kia đã học qua, không những chữ 之, hễ trong câu négatif có dùng pronom thì đều như vậy hết, nay nhắc lại cho nhớ.
IV. Những thành ngữ dùng vào Quốc văn
[sửa]喜 出 望 外 = Hỉ xuất vọng ngoại: Mừng ra ngoài sự trông. Là nói mừng quá lắm. Vốn trông không đến như thế mà được như thế, ví như chỉ trông thi đậu mà thôi, chớ không trông đậu đầu, mà nay được đậu đầu, nên nói mừng ra ngoài sự trông.
一 諾 千 金 = Nhứt nặc thiên kim: Một tiếng ừ đáng ngàn vàng. Nói tiếng ừ chắc chắn lắm, hễ hứa rồi thì không bao giờ sai lời. Nói vậy cũng như bây giờ ta nói "Dấu ký tên có giá trị".
習 慣 若 自 然 = Tập quán nhược tự nhiên: Tập quen rồi thì như là tự nhiên trời sanh ra vậy. Trên câu nầy còn câu 少 成 若 天 性 (thiếu thành nhược thiên tánh) nữa, nghĩa là: Làm cho nên từ hồi nhỏ thì như là tánh trời. Ý cũng giống nhau.
兵 不 厭 詐 = Binh bất yểm trá: Việc binh chẳng nhàm sự dối. Nói việc đánh giặc với nhau thì dối trá mấy cũng vừa, không biết nhàm, vì trong khi đánh giặc hay phỉnh dối nhau để cầu thắng nhau.
勞 而 無 功 = Lao nhi vô công: Nhọc mà không công. Làm hao sức mà không được việc gì hết.
怨 不 在 大 = Oán bất tại đại: Sự hờn chẳng ở việc lớn. Ý nói việc nhỏ cũng đủ làm cho người ta hờn, chớ không đợi việc lớn.
V. Tập đặt chữ 之
[sửa]1. Con chim đậu trên cây, tôi lấy súng bắn chết nó. 2. Sớm mai nay tôi ra cửa, gặp một người ăn mày; không đợi nó xin, tôi lấy một đồng tiền cho nó. 3. Người đàn bà nầy đẹp lắm, thế mà chồng nàng chẳng yêu nàng. 4. Bạn tôi có đứa gái bé, tôi yêu nó lắm, mỗi khi đến nhà bạn, thế nào tôi cũng cho nó đồ chơi. 5. Một con chó nằm giữa đường, xe điện đi qua chận nó. Con chó chết, chủ nó không nhìn; thây phơi giữa đường lâu ước ba giờ đồng hồ, người đi đường nhóm lại coi rất đông. Sau có hai người lính cảnh sát đến, kêu xe chở đem đi, đi đâu không biết.
1. 鳥 集 干 樹 上,我 以 鎗 擊 斃 之。
2. 今 晨 我 出 門,遇 一 乞 者;不 待 其 請,我 以 一 錢 與 之。
3. 此 婦 甚 美, 而 其 夫 不 之 愛。
4. 我 友 有 一 幼 女,我 甚 愛 之;每 至 友 家,必 給 之 以 玩 物。
5. 一 犬 臥 于 路 中,電 車 過 而 壓 之。犬 斃, 其 主 不 之 認;屍 陳 于 路 約 三 小 時 之 久;行 人 聚 觀 者 甚 眾。後 有 警 兵 二 人 至,呼 車,載 之 而 去,不 知 何 往。
Giải những chữ khó và cách đặt: 集 tập là đậu, nói về chim. 樹 thọ là cây đương đứng: plante. Cũng có nghĩa là trồng cây: planter.
鎗 thương là súng. 擊 kích là đánh. Nói về bắn súng, quen nói kích hơn là 射 (xạ là bắn cung). – 斃 tệ, là làm cho chết. Đây nói 死 cũng được, song không đúng bằng 斃. – 晨 thần, là sớm mai. – 錢 tiền là đồng tiền. – 與 đây là cho, verbe như donner. – 給 cấp cũng là cho. – 玩 ngoạn là ngắm, 玩 物, nom kép, là đồ chơi của con nít. – 電 điện là điện khí, chớp. – 壓 áp là chận, đè. – 主 chủ là chủ. – 認 nhận là nhìn. – 屍 thi, là thây, của người hay của vật đều được. – 陳 trần là bày ra. – 約 ước, là ước chừng, environ. – 聚 tụ là nhóm; – 觀 quan là xem, coi. Tụ quan là verbe kép. – 眾 chúng, là đông. – 警 cảnh là ra hiệu răn người. Cảnh binh đây vốn là 警 察 兵 (cảnh sát binh) mà nói tắt đi là cảnh binh. – 呼 là thở ra, học rồi; đây nghĩa là kêu. – 載 tải, là chở. – 小 時 là giờ đồng hồ.
Câu 1, chữ 之 chỉ lên chữ 鳥. Câu 2, chữ 之 chỉ lên chữ 乞 者. Bất đãi kỳ thỉnh vốn phải cắt nghĩa là chẳng đợi sự xin của nó. Câu 3, chữ 之 chỉ lên chữ 此 婦, vì là négatif, nên phải để nó trên verbe 愛. Câu 4, hai chữ 之 đều chỉ lên chữ 幼 女. Chữ 必 để nẩy ý thế nào cũng. Câu 5, chữ 之 thứ nhứt chỉ lên con chó; chữ thứ nhì chỉ con chó chết rồi, vì négatif nên phải để trên verbe 認; chữ thứ ba khác, không phải một loại với mấy chữ kia, mà là préposition, như chữ de, nghĩa là sự lâu của ba giờ đồng hồ; chữ thứ tư chỉ lại cái thây con chó.
Không nói 犬 死 mà nói 犬 斃, vì tệ nghĩa là làm cho chết, verbe actif, mà nói thế nầy thành ra như passif, có bị đè nó mới chết; vả lại tỏ nghĩa đã chết rồi, giống như particif passé.
行 人 聚 觀 者 甚 眾, chữ 者 nầy để ngăn lấy một phần lớn của người đi đường. Vì đi đường cũng có người đi luôn, đây chỉ nói những người đứng lại coi rất đông mà thôi. Nếu không có chữ 者, thành ra bao nhiêu người đi đường đều đứng lại coi hết thảy.
*
* *
Lời phụ theo:
[sửa]Trong bài học thứ mười hai có để lời hỏi người học trò thì trong ba ngày 8, 9, 10 Novembre vừa rồi, chúng tôi nhận được cả thảy 11 lá thơ trả lời.
Một điều đáng mừng là người nào cũng cho hai bài học mười một và mười hai là vừa sức cả, không có gì khó cho mình. Như thế thì chúng tôi cứ y vậy mà soạn bài học, càng ngày càng tới, như kế hoạch đã định từ trước.
Trong đó có lá thơ ông Đỗ Hữu Khoán, thú y ở Sóc Trăng đáng chú ý hơn, vậy xin lược thuật một đoạn đầu ra đây:
"Thưa ông,
Từ trước tôi chưa hề biết chữ Hán nào mà mới bắt đầu học với khoa "Hán văn độc tu" của ông. Nay mới được 12 bài học, mà khá, học được chữ nào chắc chữ nấy, hiểu nghĩa và biết cách dùng.
Tôi xin trả lời câu hỏi của ông trong bài thứ mười hai:
Bài thứ mười một có hơi dễ một chút mà bài mười hai thì vừa sức học. Theo ý tôi, cách đặt để, văn pháp, vấn đáp, văn liệu, thành ngữ đều dễ hiểu, dễ học, dễ nhớ, duy có sự nhớ mặt chữ là khó thôi.
Bài thứ mười một có hơi dễ, bởi trong ấy có trên 30 chữ mới mà thôi; còn bài thứ mười hai vừa sức học, bởi trong ấy có trên 50 chữ mới.
Vậy tôi ước ao từ nay ông sắp mỗi bài cho được 50 chữ mới thì người học được khoẻ và ít mất ngày giờ..."
Coi đó thì một người xưa nay chưa hề học chữ Hán nào hết, nay mới bắt đầu, mà đối với bài thứ mười một cũng còn cho là dư sức nữa kia. Vậy là tốt lắm! Nếu là dư sức lại càng tốt lắm!
Nếu cái ý kiến ông Đỗ có thể đại biểu cho phần đông thì chúng tôi sẽ theo mà soạn mỗi bài cho được 50 chữ mới.
Ông Đỗ có hỏi mấy điều, xin đáp ở số tới.