Hưởng ứng với bạn đồng nghiệp Ngày nay: Xin quan Toàn quyền cho báo chí An Nam một đạo luật mới

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Hưởng ứng với bạn đồng nghiệp Ngày nay: Xin quan Toàn quyền cho báo chí An Nam một đạo luật mới  (1937) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 30 (13 Mars 1937), trang 1; số 31 (20 Mars 1937), trang 1.

I

Sau khi thất vọng về sự xin cho báo chí xứ ta được hoàn toàn tự do như báo chí bên Pháp, bạn đồng nghiệp Ngày nay chúng tôi ở Hà Nội vừa rồi đã đổi hẳn luận điệu.

Trong bài xã thuyết ở Ngày nay số 7 ra ngày 21 Février, ông Hoàng Đạo không còn yêu sách những điều viển vông như trước nữa, mà sụt xuống một mực vừa phải hơn.

Đại ý bài ấy muốn chính phủ lập riêng cho báo chí An Nam một đạo luật. Nhờ đạo luật ấy báo chí An Nam được chút “bảo đảm cho sinh mạng của mình”. Bạn đồng nghiệp chúng tôi không chối cái nguyên tắc hiện hành: các báo có thể bị đóng cửa; nhưng chỉ xin một điều, “quyền đóng cửa ấy không ở Chính phủ mà ở tòa án”.

Thật là một sự thỉnh cầu chánh đáng, lần nầy chúng tôi xin hưởng ứng với bạn đồng nghiệp.

Cũng đồng là xin mà xin một cách thái quá, nhà cầm quyền chẳng những không cho mà còn có thể đổ lỗi cho kẻ xin: vì nghĩ vậy mà lần trước chúng tôi không tán thành. Còn xin một cách chánh đáng, xin một cách có thể cho được, mà nếu không cho, ấy là tại sự hẹp lượng của người đương đạo, kẻ đi xin không có lỗi gì hết: vì vậy mà lần nầy chúng tôi hưởng ứng.

Nối lời bạn đồng nghiệp, chúng tôi xin phô bày những lời thỉnh cầu đầy đủ hơn và giải thích nó rõ ràng hơn.

Báo chí An Nam trong cõi Đông Pháp từ trước đến giờ chịu trị dưới những nghị định hà khắc lại phiền phức. Điều đó không thích hợp với sự tiến hóa của báo chí ngày nay nữa. Nếu cứ để vậy mãi thì không lợi cho nhân dân về đường ngôn luận, cũng không lợi cho chính phủ về mặt đồng tất dân tình. Vì những lẽ ấy, chúng tôi xin quan Toàn quyền một phiên cải cách, ban cho báo chí An Nam một đạo luật mới.

Lấy ý kiến một cá nhân, chúng tôi chưa dám nói đạo luật ấy sản sanh ra cách nào và trong nó sẽ chứa những điều chi; chúng tôi chỉ bày tỏ một vài chỗ quan trọng, nhất là về chỗ sống chết của tờ báo.

Một tờ báo được xuất bản, lâu nay vẫn buộc phải xin phép, thì bây giờ chúng tôi cũng tạm giữ cái nguyên tắc ấy, chỉ xin đạo luật ấy sẽ định rõ cho người xin phép có những điều kiện thế nào thì được cho phép.

Theo như trước, sự cho phép ra báo, hội đồng ở phủ Toàn quyền nghe theo các quan địa phương, và các quan địa phương nghe theo tòa Liêm phóng của địa hạt mình. Như vậy chỉ là một việc làm theo thói quen, không có nghĩa lý gì hết.

Không có nghĩa lý như cái trường hợp này mà chúng tôi chỉ cử ra lấy một thôi.

Trong khi ông Nguyễn Tường Tam làm báo Phong hóa, đứng xin một cái báo khác, tên là Vui, chính phủ không cho. Không cho, chẳng biết vì cớ gì. Nói về học thức, ông Tam đậu cử nhân khoa cách trí; nói về tiền, ông Tam đã có tiền mà làm báo Phong hóa; nói về nghề, ông Tam đã ở trong nghề ba bốn năm: Như vậy sao lại không cho?

Không cho ông Nguyễn Tường Tam mở báo Vui, trong khi ấy chính phủ lại cho ông Lê Cường mở Hà Nội báo. Mà ông Lê Cường là một người thợ nhà in mới ra khỏi xưởng và mở cửa hàng cao đan hoàn tán, nếu dựa theo ba điều kiện vừa kể trên đó thì ông nầy chẳng có cái gì cho chính phủ đáng cho phép mở một tờ báo hơn ông Tam.

Như thế, sự cho phép hay không cho phép chẳng phải bằng vào điều kiện gì hết mà có lẽ chỉ cứ lời tòa Liêm phóng. Ý chừng lúc bấy giờ tòa Liêm phóng Hà Nội trình cho chính phủ biết rằng ông Nguyễn Tường Tam làm báo Phong hóa hay công kích các nhà tai mắt, cho nên không cho; còn ông Lê Cường chỉ là người buôn bán tầm thường, cho nên cho.

Thôi, chúng tôi cũng chịu sự xét đoán như vậy là phải đi nữa là sự cho phép hay không cho phép cũng vẫn còn là vô nghĩa lý. Vì trong khi không cho ông Tam tờ báo mới là Vui ấy, chính phủ cũng còn vẫn để ông làm tờ Phong hóa, như thế có tổn được chút nào sự công kích của ông? Còn ông Lê Cường, sau đó một năm, tờ Hà Nội báo bị đóng cửa, thì té ra ông cũng không phải chỉ một người buôn bán tầm thường!

Thế thì chính phủ đã thấy cái sự cho hay không cho của mình là vô nghĩa lý chưa? đã thấy cái sự xét đoán của tòa Liêm phóng là chẳng đâu vào đâu cả chưa?

Cái chế độ ấy nếu cứ còn hoài thì các nhà báo chúng tôi khổ không gì bằng, vì sống trong một sự vô nghĩa lý!

Cái chế độ ấy nhất định là phải xoá bỏ.

Trong đạo luật mới, xin định rõ cho chúng tôi, những điều kiện thế nào thì xin báo được. Trong chúng tôi, ai có đủ điều kiện ấy mà xin mở báo thì chính phủ phải cho. Nếu không cho, chúng tôi có quyền kêu nài ở tòa án.

Được vậy thì sự sản sanh của một tờ báo mới có giá trị; và những người chỉ có tiền mà kém học thức không khi nào mong có được một tờ báo trong tay mình để muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, như cái hiện trạng xấu ngày nay. [HẾT KỲ 1]

II


CẤM MỘT TỜ BÁO SẼ LÀ QUYỀN CỦA TÒA ÁN

Trong bài trước chúng tôi đã nói về sự khai sanh của một tờ báo, phải lập sẵn những điều kiện nhất định, ai xin mở báo mà có đủ những điều kiện ấy thì sẽ được cho phép, chứ không tùy ý riêng của chính phủ, muốn cho ai thì cho, muốn không cho ai thì không cho. Đến bài nầy, chúng tôi nói về khi một tờ báo bị cấm thì phải thế nào.

Theo lề lối hiện hành lâu nay, một tờ báo khi bị cấm xuất bản cũng hầu như bởi sự vô nghĩa lý trong khi nó được thấy mặt trời. Nghĩa là cái tờ báo bị cấm ấy nó không biết vì mình có tội gì cả.

Mỗi khi cấm xuất bản một tờ báo, chính phủ chỉ đưa giấy cho tờ báo ấy biết là bị cấm mà thôi, chứ không nói rõ vì duyên cớ gì, thế thì nó còn biết gì được nữa?

Thật là ngang quá, không còn có lẽ công bình chút nào hết!

Phải chi những tờ báo bị cấm ấy, đều là báo có ý phản đối chính phủ, tuyên truyền cách mạng thì người ta cũng còn hiểu được. Ngặt vì có những tờ báo rất ôn hòa, không một vẻ gì có thể bảo là “làm nhiễu loạn cuộc trị an” được, mà cũng bị cấm.

Cũng vì vậy mà đối với chính phủ, làng báo chúng tôi có sự hồ nghi nầy không thể gọi được là sự hồ nghi phi lý: hễ tờ báo nào chạy nhiều, cũng là một cớ cho chính phủ cấm.

Tức như trong khoảng hai năm 1929 và 1930, tờ Thần chung và tờ Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn, mỗi tờ phát hành đều ngoài mười ngàn số, thì đều nối nhau bị cấm cả, mà chẳng một tờ nào được biết mình có tội chi.

Nghề làm báo, ai cũng trông báo chạy cho nhiều. Mà ở xứ nầy, báo chạy nhiều lại là một cái tội để cho phải chết, như thế còn ai làm gì được nữa!

Hiện nay, các báo An Nam ở Đông Pháp vì sự bấp banh ấy mà tờ nào cũng chịu thiệt hại đủ các phương diện: Độc giả không chịu mua dài hạn, và có mua cũng không chịu trả tiền trước; các nhà công thương không vững lòng mà đăng quảng cáo; còn các đại lý bán lẻ thì cứ dùng dằng về sự trả tiền... Ai nấy đối với một tờ báo nào bất luận, đều không tin sự sống lâu bền của nó, thì nó còn sống với ai được chứ?

Ở trong cái tình cảnh như thế mà mỗi khi các quan thủ hiến địa phương tiếp chuyện một nhà báo nào, hoặc diễn thuyết mà có nói đến báo chí, cũng đều ca tụng sự đối đãi khoan hồng của chính phủ và chúc cho các báo những là khoách trương, tấn bộ, thì thật chẳng khác nào chửi làng báo chúng tôi!

Vì các lẽ ấy, chúng tôi xin quan Toàn quyền Brévié một đạo luật mới, trong đạo luật ấy, định cái “số tử” của một tờ báo cho có nghĩa lý cũng như định cái “số sanh” của nó cho có nghĩa lý mà chúng tôi đã nói trong bài xã thuyết số vừa rồi.

Trong đạo luật mới ấy xin chỉ rõ cho các nhà báo biết những cái gì là cái mình không có phép nói đến. Và mỗi khi một nhà báo nào phạm phép, chính phủ muốn đóng cửa thì phải đưa ra tòa án để thanh minh cái tội nó ra. Tòa án có chiếu luật mà buộc tội một tờ báo phải chết, thì khi ấy chính phủ mới ra lệnh cấm nó được.

“Các báo có thể bị đóng cửa; chỉ cái quyền đóng cửa ấy không ở chính phủ mà ở tòa án”. Đó là một điều thỉnh cầu rất hợp lý của bạn đồng nghiệp Ngày nay chúng tôi ở Hà Nội mà, tưởng chẳng có lẽ nào, quan Toàn quyền Brévié, người thay mặt cho chiến tuyến Bình dân, người thay mặt cho Nhân đạo, và Công lý, lại chẳng đủ nghe.

*

* *

Hiện nay có những tin về báo chí mà trong đó, làng báo Đông Pháp chúng tôi để rất nhiều hy vọng: Các báo đăng rằng ở bên Pháp, tại Hạ nghị viện, có nhiều ông nghị viên xin cho báo chí thuộc địa được tự do; và, theo như tòa Phúc án xử vụ báo Dân quyền vừa rồi, thì các báo ở Nam Kỳ là xứ thuộc địa cũng có lẽ được tự do xuất bản.

Những tin ấy tuy đáng mừng nhưng chỉ sợ nó không thực hiện. Hễ một khi nó là những tin hão thì báo giới chúng ta lại sống trong chế độ eo hẹp như xưa. Bởi vậy, muốn cho chắc, chúng tôi tưởng không gì bằng xin quan Toàn quyền một đạo luật mới, như chúng tôi nói đây, nó tuy không làm cho chúng ta được hoàn toàn tự do, chứ cũng còn dễ chịu hơn trước. Các bạn đồng nghiệp từ Nam chí Bắc hẳn cũng đồng một ý với chúng tôi vậy.

Riêng về các báo Trung Kỳ, theo lề lối hiện hành, phải chịu trị dưới pháp luật Nam triều, là một sự thiệt hại rất lớn mà tờ báo này đã có giãi bày ở mấy số trước. Vậy trong đạo luật mới ấy, chúng tôi cũng xin quan Toàn quyền xoá bỏ điều đó mà minh định cho các báo ấy được ở dưới quyền pháp luật Lang-sa. Một lần nữa, chúng tôi xin nhắc các bạn Tiếng dân, Tràng An, Vì Chúa, Nhành lúa, Kinh tế tân văn, Sao Mai, Đông Dương hoạt động, các báo ở Trung Kỳ, đồng thanh với chúng tôi để giải cứu cho mình ra khỏi sự trói buộc phi lý ấy.

SÔNG HƯƠNG