Công hàm ngày 19 tháng 10 năm 1972 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Công hàm ngày 19 tháng 10 năm 1972 của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi Hoa Kỳ  (1972) 

Trước khi đạt được thoả thuận về dự thảo Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tháng 10 năm 1972, trong các ngày 18, 19 và 20 tháng 10 năm 1972, Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã trao đổi với nhau ba bức công hàm quan trọng để thoả thuận về một số điểm trong dự thảo Hiệp định. Sau đây là Công hàm ngày 19 tháng 10 năm 1972 của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi Hoa Kỳ:

CÔNG HÀM CỦA VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ GỬI HOA KỲ
Ngày 19 tháng 10 năm 1972


Các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nhận được Công hàm của Mỹ chuyển hồi 16 giờ ngày 18 tháng 10 năm 1972 nhân danh Tổng thống Mỹ.

Sau đây là Công hàm nhân danh Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chuyển đến Tổng thống Mỹ.

1- Sau nhiều lần gặp riêng, đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đại diện Mỹ đã đi đến thoả thuận về những vấn đề cơ bản để chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Hai bên cũng thoả thuận về ngày Tiến sĩ Henry A. Kissinger vào Hà Nội và ngày ký chính thức Hiệp định tại Paris. Đúng như Tổng thống Mỹ khẳng định trong Công hàm của Mỹ ngày 18 tháng 10 năm 1972, hai bên chỉ còn chưa thoả thuận về hai vấn đề còn lại là điều 7 và điều 8 của bản dự thảo Hiệp định.

2- Để tỏ thái độ nghiêm chỉnh và thiện chí của mình, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà làm hết sức mình để gạt bỏ những trở ngại cuối cùng nhằm hoàn thành bản Hiệp định, bảo đảm ngày Tiến sĩ Henry A. Kissinger vào Hà Nội và ngày ký chính thức Hiệp định như đã thoả thuận.

Do đó, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đồng ý công thức do phía Mỹ đưa ra về vấn đề thay thế vũ khí nói trong điều 7 và những đề nghị của Tiến sĩ Henry A. Kissinger về điều 8 trong cuộc gặp riêng ngày 17 tháng 10 năm 1972.

Về vấn đề thay thế vũ khí trong điều 7, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đồng ý công thức mà Mỹ đưa ra trong lần gặp ngày 17 tháng 10 năm 1972: "Vì mục đích duy trì hoà bình, không phải để tấn công, hai bên miền Nam sẽ được phép từng thời gian thay thế vũ khí, đạn dược, dụng cụ chiến tranh bị hao mòn hoặc hư hỏng từ sau khi ngừng bắn, trên cơ sở một đổi một, cùng đặc điểm và tính năng, có sự giám sát của Ban Liên hợp quân sự hai bên miền Nam Việt Nam và của Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát."

Về điều 8, căn cứ vào đề nghị của Mỹ trong cuộc gặp riêng ngày 17 tháng 10 năm 1972, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đồng ý công thức do Mỹ đưa ra như sau:

"Điều 8 - (a) Việc trao trả những nhân viên quân sự và thường dân nước ngoài của các bên bị bắt sẽ tiến hành song song và hoàn thành cùng một ngày với việc rút quân nói trong điều 5. Các bên sẽ trao đổi danh sách đầy đủ những nhân viên quân sự và thuờng dân nước ngoài nói trên vào ngày ký kết Hiệp định này."

"(b) Các bên sẽ giúp đỡ nhau tìm kiếm tin tức về những nhân viên quân sự và thường dân nước ngoài của các bên bị mất tích trong chiến đấu, xác định vị trí và bảo quản mồ mả của những người bị chết, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc cất bốc và hồi hương hài cốt và có những biện pháp khác cần thiết để tìm kiếm tin tức những người vẫn còn coi là mất tích trong chiến đấu."

"(c) Vấn đề các nhân viên dân sự Việt Nam khác bị giam giữ ở miền Nam Việt Nam không bao gồm trong điều 8 (a) ở trên sẽ do các bên miền Nam Việt Nam giải quyết trên cơ sở nguyên tắc của điều 21 (b) của Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ngày 20 tháng 7 năm 1954. Những bên miền Nam Việt Nam sẽ làm việc đó trên tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc, nhằm chấm dứt thù hằn để giảm đau khổ và đoàn tụ các gia đình."

"Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ cố gắng hết sức mình để giải quyết những vấn đề trong vòng ba tháng sau khi ngừng bắn có hiệu lực."

Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ghi nhận lời cam kết đơn phương của Tiến sĩ Henry A. Kissinger: "Chính phủ Mỹ sẽ dùng ảnh hưởng tối đa của mình để làm cho số lớn nhân viên dân sự bị giam giữ ở miền Nam Việt Nam được trao trả trong hai tháng và số còn lại sẽ được trao trả hết trong tháng thứ ba".

Với cố gắng lớn để giải quyết những trở ngại cuối cùng nói trên, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà coi như vậy là văn bản Hiệp định đã được hai bên thoả thuận hoàn toàn về tất cả các vấn đề. Hai bên không được có sự thay đổi gì nữa, như Tiến sĩ Henry A. Kisssinger đã hứa hẹn trong các cuộc gặp riêng.

3- Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cho rằng việc thoả thuận về hai vấn đề còn lại cuối cùng để hoàn thành văn bản của Hiệp định đã gạt bỏ mọi trở ngại cho việc ký kết chính thức Hiệp định vào ngày 30 tháng 10 năm 1972 tại Paris theo đúng thời gian biểu mà hai bên đã thoả thuận trong lần gặp ngày 11 tháng 10 năm 1972. Do đó cần phải được thực hiện những điều đã thoả thuận về việc Tiến sĩ Henry A. Kissinger vào Hà Nội theo thời gian đã định mà không cần có cuộc gặp mới giữa Tiến sĩ Henry A. Kissinger và cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tại một địa điểm khác trước khi Tiến sĩ Henry A. Kissinger vào Hà Nội như phía Mỹ mới đề nghị trong công hàm ngày 18 tháng 10 năm 1972. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đồng ý với phía Mỹ là cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, kể cả Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, với Tiến sĩ Henry A. Kissinger ở Hà Nội sẽ thảo luận về quan hệ giữa hai nước sau chiến tranh.

4- Như vậy là Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà một lần nữa đã có những cố gắng rất lớn để bảo đảm thực hiện đúng thời gian biểu mà hai bên đã thoả thuận, nhằm nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình.

Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhắc lại những việc chính trong thời gian biểu mà hai bên đã thoả thuận trong lần gặp riêng ngày 1 tháng 10 năm 1972:

  • Mỹ chấm dứt ném bom và thả mìn miền Bắc Việt Nam ngày 21 tháng 10 năm 1972.
  • Tiến sĩ Henry A. Kissinger gặp những nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hà Nội ngày 22 và 23 tháng 10 năm 1972; đồng thời ký tắt Hiệp định tại Hà Nội.
  • Ký Hiệp định chính thức tại Paris giữa Bộ trưởng Ngoại giao của hai bên đúng ngày 30 tháng 10 năm 1972.

5- Để đáp ứng thiện chí của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chính phủ Mỹ có trách nhiệm giữ đúng những điều đã thoả thuận trong nội dung Hiệp định và đúng thời gian biểu đã thoả thuận.

Nếu phía Mỹ cứ tiếp tục mượn cớ này hoặc cớ khác trì hoãn việc thực hiện thời gian biểu mà hai bên đã thoả thuận thì cuộc đàm phán nhất định sẽ hoàn toàn tan vỡ, chiến tranh ở Việt Nam sẽ kéo dài và phía Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những việc xảy ra đó trước nhân dân Mỹ, nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.[1]

   




Chú thích

  1. Lưu Văn Lợi-Nguyễn Anh Vũ. Các cuộc đàm phán Lê Đức Thọ-Kissinger tại Paris (Phụ lục số II ). NXB Công an nhân dân. Hà Nội. 2002. trang 627-629.