Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại/Chương III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Điều 1: Phạm vi và Định nghĩa[sửa]

1. Chương này áp dụng đối với các biện pháp của các Bên tác động đến thương mại dịch vụ.

2. Theo Chương này, thương mại dịch vụ được định nghĩa là việc cung cấp một dịch vụ:

A. từ lãnh thổ của một Bên vào lãnh thổ của Bên kia;
B. tại lãnh thổ của một Bên cho người sử dụng dịch vụ của Bên kia;
C. bởi một nhà cung cấp dịch vụ của một Bên, thông qua sự hiện diện thương mại tại lãnh thổ của Bên kia;
D. bởi một nhà cung cấp dịch vụ của một Bên, thông qua sự hiện diện của các thể nhân của một Bên tại lãnh thổ của Bên kia.

3. Trong phạm vi điều chỉnh của Chương này:

A. "các biện pháp của một Bên" là các biện pháp được tiến hành bởi:
(i) các cơ quan chính phủ và chính quyền ở cấp trung ương, vùng và địa phương; và
(ii) các cơ quan phi chính phủ khi thi hành các chức năng theo sự uỷ quyền của các cơ quan chính phủ và chính quyền ở cấp trung ương, vùng và địa phương.

Khi thi hành các nghĩa vụ và cam kết của mình theo Chương này, mỗi Bên tiến hành các biện pháp hợp lý sẵn có nhằm bảo đảm rằng, các cơ quan chính phủ và chính quyền ở cấp vùng và địa phương và các cơ quan phi chính phủ tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết đó trong phạm vi lãnh thổ của mình;

B. "các dịch vụ" bao gồm bất kỳ dịch vụ nào trong bất kỳ lĩnh vực nào, trừ các dịch vụ được cung cấp khi thi hành thẩm quyền của chính phủ;
C. "một dịch vụ được cung cấp khi thi hành thẩm quyền của chính phủ" là mọi dịch vụ được cung cấp không trên cơ sở thương mại cũng như không có cạnh tranh với một hay nhiều nhà cung cấp dịch vụ.

Điều 2: Đối xử Tối huệ quốc[sửa]

1. Đối với bất kỳ biện pháp nào được Chương này điều chỉnh, mỗi Bên dành ngay lập tức và vô điều kiện cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên đó dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ tương tự của bất kỳ nước nào khác.

2. Một Bên có thể duy trì một biện pháp trái với khoản 1, với điều kiện là biện pháp như vậy được liệt kê trong Danh mục các Ngoại lệ của Điều 2 trong Phụ lục G.

3. Các qui định của Chương này không được hiểu là để cản trở bất kỳ Bên nào trao hay dành các ưu đãi cho các nước láng giềng nhằm thúc đẩy sự lưu thông thương mại dịch vụ được cung cấp và tiêu thụ tại chỗ trong các vùng tiếp giáp biên giới.

Điều 3: Hội nhập Kinh tế[sửa]

1. Chương này không áp dụng đối với các ưu đãi do một Bên đưa ra do việc Bên đó là thành viên hoặc tham gia vào một hiệp định tự do hoá thương mại dịch vụ giữa các bên trong các hiệp định đó, với điều kiện là hiệp định đó:

A. có phạm vi bao quát nhiều lĩnh vực dịch vụ; và
B. có quy định việc không có hoặc loại bỏ hầu hết mọi phân biệt đối xử giữa các bên, theo tinh thần của Điều 7, trong những lĩnh vực dịch vụ thuộc diện điều chỉnh của mục (A), thông qua:
(i) việc loại bỏ các biện pháp phân biệt đối xử hiện có; và/hoặc
(ii) việc cấm các biện pháp phân biệt đối xử mới hoặc cao hơn,

tại thời điểm hiệp định đó có hiệu lực hoặc trên cơ sở một khoảng thời gian nhất định, trừ những biện pháp được phép theo các Điều 1, 2 và 3 của Chương VII.

2. Một nhà cung cấp dịch vụ của bất kỳ Bên nào là một pháp nhân được thành lập theo luật pháp của một bên trong một hiệp định được dẫn chiếu tại khoản 1 sẽ được hưởng sự đối xử theo quy định của hiệp định đó, với điều kiện là nhà cung cấp dịch vụ đó có các hoạt động kinh doanh đáng kể trên lãnh thổ của các bên trong hiệp định đó.

Điều 4: Pháp luật quốc gia[sửa]

1. Trong các lĩnh vực mà các cam kết cụ thể được đưa ra, mỗi Bên bảo đảm rằng, tất cả các biện pháp áp dụng chung có ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ được quản lý một cách hợp lý, khách quan và vô tư.

2. A. Ngay khi thực tiễn cho phép, mỗi Bên duy trì hay thiết lập các cơ quan tài phán hay thủ tục tư pháp, trọng tài hay hành chính để bảo đảm nhanh chóng xem xét lại các quyết định hành chính ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ theo đề nghị của người cung cấp dịch vụ bị ảnh hưởng và trong trường hợp chính đáng, có các biện pháp khắc phục thích hợp. Trong trường hợp các thủ tục đó không độc lập với cơ quan đã đưa ra quyết định hành chính có liên quan, Bên này bảo đảm trên thực tế rằng các thủ tục này cho phép xem xét lại một cách vô tư và khách quan.

B. Các qui định trong mục (A) không được hiểu là yêu cầu một Bên thiết lập các cơ quan tài phán hay thủ tục như vậy nếu như việc đó trái với cơ cấu hiến pháp hay đặc điểm của hệ thống pháp luật của Bên đó.

3. Khi đưa ra yêu cầu cấp phép đối với việc cung cấp một dịch vụ mà một cam kết cụ thể về dịch vụ đó đã được đưa ra, các cơ quan có thẩm quyền của một Bên sẽ, trong khoảng thời gian hợp lý sau khi hồ sơ được coi là hoàn chỉnh theo luật và qui định quốc gia đã được nộp, thông báo cho người nộp đơn về quyết định liên quan đến đơn. Theo đề nghị của người nộp đơn, các cơ quan có thẩm quyền của một Bên sẽ cung cấp không chậm trễ hoặc nếu chậm trễ phải có lý do hợp lý, các thông tin liên quan đến tình trạng giải quyết của đơn.

4. A. Một Bên không đưa ra các đòi hỏi về cấp phép và tiêu chuẩn nghề nghiệp, và tiêu chuẩn kỹ thuật làm vô hiệu hoá hay phương hại đến các cam kết cụ thể mà theo cách thức đó sẽ:

(i) không tuân thủ những tiêu chí sau:
(a) các yêu cầu hay tiêu chuẩn đó dựa trên các tiêu chí khách quan và minh bạch, chẳng hạn như năng lực và khả năng cung cấp dịch vụ;
(b) các yêu cầu hay tiêu chuẩn đó không nặng nề hơn mức cần thiết để bảo đảm chất lượng dịch vụ;
(c) đối với các thủ tục cấp phép, bản thân chúng không tạo ra sự hạn chế đối với việc cung cấp dịch vụ.
(ii) không được mong đợi một cách hợp lý bởi Bên đó tại thời điểm các cam kết về các lĩnh vực đó được đưa ra.
B. Khi quyết định việc một Bên có tuân thủ các nghĩa vụ của mục 4.A hay không, sẽ tính đến các tiêu chuẩn quốc tế của các tổ chức quốc tế liên quan được Bên đó áp dụng.

5. Trong các lĩnh vực mà các cam kết cụ thể đối với các dịch vụ nghề nghiệp đã được đưa ra, mỗi Bên quy định đầy đủ các thủ tục để kiểm tra năng lực của các nhà chuyên môn của Bên kia.

Điều 5: Độc quyền và nhà cung cấp dịch vụ độc quyền[sửa]

1. Mỗi Bên bảo đảm rằng, bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ độc quyền nào trên lãnh thổ nước mình, khi cung cấp dịch vụ độc quyền tại thị trường liên quan, không hành động trái với các nghĩa vụ của Bên đó theo Điều 2 và các cam kết cụ thể.

2. Khi một nhà cung cấp dịch vụ độc quyền của một Bên cạnh tranh một cách trực tiếp hay thông qua một công ty phụ thuộc, trong việc cung cấp một dịch vụ nằm ngoài phạm vi độc quyền được phép của mình và thuộc diện điều chỉnh của các cam kết cụ thể đã được Bên đó đưa ra, Bên này bảo đảm rằng, nhà cung cấp dịch vụ đó không lạm dụng vị trí độc quyền của mình để hoạt động trên lãnh thổ của Bên đó một cách không phù hợp với các cam kết đó.

3. Các qui định của Điều này cũng áp dụng đối với trường hợp các nhà cung cấp dịch vụ độc quyền, khi một Bên, về hình thức hay trên thực tế, (a) cho phép hay thành lập một số lượng nhỏ các nhà cung cấp dịch vụ và (b) cản trở một cách đáng kể sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ đó trên lãnh thổ của mình.

Điều 6: Tiếp cận thị trường[sửa]

1. Đối với sự tiếp cận thị trường thông qua các phương thức cung cấp dịch vụ qui định tại Điều 1, mỗi Bên dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử đã được qui định theo các quy định, hạn chế và điều kiện đã được thoả thuận và chỉ rõ trong Lộ trình Cam kết cụ thể của mình tại Phụ lục G.

2. Trong các lĩnh vực mà các cam kết về tiếp cận thị trường đã được đưa ra, các biện pháp mà một Bên không duy trì hoặc áp dụng trên một phần hay toàn bộ lãnh thổ của mình, trừ khi được qui định khác trong Lộ trình Cam kết cụ thể của mình, được xác định là:

A. các hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ dưới các hình thức hạn ngạch số lượng, độc quyền, các nhà cung cấp dịch vụ độc quyền hay các đòi hỏi kiểm định nhu cầu kinh tế cần thiết;
B. các hạn chế về tổng trị giá của các giao dịch dịch vụ hay tài sản dưới các hình thức hạn ngạch số lượng hay các đòi hỏi kiểm định nhu cầu kinh tế cần thiết;
C. các hạn chế về tổng số các giao dịch dịch vụ hay tổng số lượng đầu ra của dịch vụ thông qua các đơn vị số lượng đã được các định dưới hình thức hạn ngạch hay đòi hỏi kiểm định nhu cầu kinh tế cần thiết;
D. các hạn chế về tổng số thể nhân mà có thể được thuê trong một lĩnh vực dịch vụ cụ thể hay một nhà cung cấp dịch vụ có thể thuê và họ là những người cần thiết, và liên quan trực tiếp tới việc cung cấp một dịch vụ nhất định dưới hình thức hạn ngạch số lượng hay đòi hỏi kiểm định nhu cầu kinh tế cần thiết;
E. các biện pháp hạn chế hay đòi hỏi phải theo các hình thức thực thể pháp lý nhất định hay liên doanh thông qua đó một nhà cung cấp dịch vụ có thể cung cấp một dịch vụ; và
F. các hạn chế về sự tham gia góp vốn nước ngoài nh hạn chế tỷ lệ tối đa đối với phần nắm giữ vốn của bên nước ngoài hay tổng trị giá của từng dự án hay tổng số dự án đầu tư nước ngoài.

Điều 7: Đối xử Quốc gia[sửa]

1. Trong các lĩnh vực dịch vụ nêu trong Lộ trình Cam kết của mình trong Phụ lục G, phù hợp với các điều kiện và các chuẩn mực được đưa ra tại đó, mỗi Bên dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia, đối với tất cả các biện pháp ảnh hưởng đến việc cung cấp các dịch vụ, sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên đó dành cho các dịch vụ và người cung cấp dịch vụ tương tự của mình.

2. Một Bên có thể đáp ứng yêu cầu của khoản 1 thông qua việc dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia sự đối xử tương đồng hay khác biệt về hình thức so với sự đối xử mà Bên đó dành cho các dịch vụ hay nhà cung cấp dịch vụ tương tự của mình.

3. Sự đối xử tương đồng hay khác biệt về hình thức được coi là kém thuận lợi hơn nếu nó làm thay đổi các điều kiện cạnh tranh có lợi hơn cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của Bên này so với các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ tương tự của Bên kia.

Điều 8: Các cam kết bổ sung[sửa]

Các Bên có thể đàm phán các cam kết đối với các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ không phải là đối tượng điều chỉnh của Điều 6 hoặc 7, bao gồm các cam kết về chuẩn mực, tiêu chuẩn hay các vấn đề về cấp phép. Các cam kết này sẽ được đưa vào Lộ trình cam kết của mỗi Bên.

Điều 9: Lộ trình cam kết cụ thể[sửa]

1. Mỗi Bên quy định rõ trong Phụ lục G các cam kết cụ thể mà Bên đó đưa ra theo Điều 6 và 7 của Chương này. Đối với các lĩnh vực mà các cam kết này được đưa ra, Phụ lục đó sẽ chỉ rõ:

A. các qui định, hạn chế và điều kiện về tiếp cận thị trường;
B. các điều kiện và chuẩn mực về đối xử quốc gia;
C. các nghĩa vụ liên quan đến các cam kết bổ sung;
D. lịch trình thực hiện các cam kết đó nếu cần; và
E. thời điểm các cam kết đó có hiệu lực.

2. Các biện pháp không phù hợp với cả Điều 6 và Điều 7 sẽ được liệt kê trong cột liên quan đến Điều 6. Trong trường hợp này, việc liệt kê sẽ được coi là sự qui định một điều kiện hay chuẩn mực đối với cả Điều 7.

3. Lộ trình cam kết cụ thể sẽ là phụ lục của Chương này và là bộ phận không thể tách rời của Chương này.

Điều 10: Khước từ Lợi ích[sửa]

Một Bên có thể từ chối các lợi ích của Chương này:

1. đối với việc cung cấp một dịch vụ, nếu Bên này xác định rằng dịch vụ đó được cung cấp từ hoặc tại lãnh thổ của một nước không phải là một Bên của Hiệp định này;

2. đối với việc cung cấp một dịch vụ vận tải đường biển, trường hợp có thể áp dụng, nếu Bên này xác định rằng dịch vụ đó được cung cấp bởi:

A. một tàu được đăng ký theo luật của một nước không phải là một Bên của Hiệp định này, và
B. một người điều hành hay sử dụng toàn bộ hay một phần tàu đó nhưng của một nước không phải là một Bên của Hiệp định này;

3. đối với một nhà cung cấp dịch vụ là một pháp nhân, nếu Bên đó xác định rằng đó không phải là nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia.

Điều 11: Các định nghĩa[sửa]

Trong phạm vi điều chỉnh của Chương này và Phụ lục G:

1. "biện pháp" là bất kỳ biện pháp nào của một Bên, dưới hình thức luật, qui định, thể lệ, thủ tục, quyết định, hành vi hành chính, hay dưới bất kỳ một hình thức nào khác;

2. "cung cấp một dịch vụ" bao gồm việc sản xuất, phân phối, tiếp thị, bán và cung ứng một dịch vụ;

3. "các biện pháp của các Bên ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ" bao gồm các biện pháp đối với:

A. việc mua, thanh toán hay sử dụng một dịch vụ;
B. việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ mà một Bên yêu cầu phải chào cho công chúng cùng với việc cung cấp một dịch vụ;
C. sự hiện diện, bao gồm cả sự hiện diện thương mại, của các thể nhân của một Bên để cung cấp một dịch vụ tại lãnh thổ của Bên kia.

4. "sự hiện diện thương mại" là một hình thức tổ chức kinh doanh hay ngành nghề bất kỳ, kể cả thông qua:

A. việc thiết lập, mua lại hay duy trì một pháp nhân, hay
B. việc thiết lập hay duy trì một chi nhánh hay văn phòng đại diện,

tại lãnh thổ của một Bên nhằm mục đích cung cấp một dịch vụ;

5. "lĩnh vực" của một dịch vụ là:

A. một hay nhiều, hay tất cả, các ngành của dịch vụ đó khi dẫn chiếu đến một cam kết cụ thể, như đã được chỉ rõ trong Lộ trình cam kết của một Bên,
B. toàn bộ lĩnh vực dịch vụ đó, bao gồm tất cả các ngành dịch vụ của nó nếu không dẫn chiếu tới một cam kết cụ thể;

6. "dịch vụ của Bên kia" là một dịch vụ được cung cấp:

A. từ hay tại lãnh thổ của Bên kia, hay đối với dịch vụ vận tải hàng hải, bởi tàu được đăng ký theo luật của Bên kia, hay bởi một thể nhân của Bên đó cung cấp dịch vụ thông qua vận hành hay sử dụng một phần hay toàn bộ tàu đó; hay
B. trong trường hợp cung cấp dịch vụ thông qua sự hiện diện thương mại, hay sự hiện diện của thể nhân, bởi nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia;

7. "nhà cung cấp dịch vụ" là bất kỳ người cung cấp một dịch vụ nào;

8. "nhà cung cấp dịch vụ độc quyền" là bất kỳ người nào, thuộc nhà nước hay tư nhân, được một Bên cho phép hay thành lập một cách chính thức hay trên thực tế như là một nhà cung cấp duy nhất dịch vụ đó tại thị trường liên quan trên lãnh thổ của Bên đó;

9. "người tiêu dùng dịch vụ" là bất kỳ người nào tiếp nhận hay sử dụng một dịch vụ;

10. "người" là một thể nhân hoặc pháp nhân;

11. "thể nhân của Bên kia" là một thể nhân cư trú tại lãnh thổ của Bên kia, và theo luật của Bên kia:

A. là công dân của Bên kia; hay
B. có quyền cư trú dài hạn tại Bên kia, trong trường hợp một Bên mà:
i) không có công dân; hoặc
ii) dành cho người cư trú dài hạn của mình sự đối xử về cơ bản giống hệt như sự đối xử dành cho công dân của mình liên quan đến các biện pháp có ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ;

12. "pháp nhân" là một thực thể pháp lý bất kỳ được thiết lập hay tổ chức một cách hợp pháp theo luật áp dụng, bất kể vì mục đích lợi nhuận hay phi lợi nhuận, và dưới hình thức sở hữu tư nhân hay Nhà nước, bao gồm mọi công ty, công ty tín thác, công ty hợp danh, liên doanh, doanh nghiệp một chủ hay hiệp hội;

13. "pháp nhân của Bên kia" là một pháp nhân:

A. được thiết lập hay tổ chức theo luật của Bên kia và tiến hành hoạt động kinh doanh một cách đáng kể tại lãnh thổ của Bên kia; hay
B. trong trường hợp cung cấp một dịch vụ thông qua sự hiện diện thương mại, được sở hữu hay kiểm soát bởi:
i) các thể nhân của Bên kia; hay
ii) các pháp nhân của Bên kia được xác định theo mục (i).

14. một pháp nhân được coi là:

A. "thuộc sở hữu" của những người của một Bên nếu những người đó sở hữu hơn 50% vốn cổ phần của pháp nhân đó;
B. "bị kiểm soát" bởi những người của một Bên nếu những người đó có quyền chỉ định đa số các giám đốc của pháp nhân hay chỉ đạo một cách hợp pháp các hoạt động của pháp nhân này;
C. "phụ thuộc" với một người khác khi pháp nhân kiểm soát hay bị kiểm soát bởi người khác này; hoặc khi pháp nhân và người khác này nằm dưới sự kiểm soát của cùng một người;

15. "công ty" là bất kỳ thực thể nào được thiết lập hay tổ chức theo luật áp dụng, bất kỳ vì mục đích lợi nhuận hay phi lợi nhuận, và do chính phủ hay tư nhân sở hữu hay kiểm soát, và bao gồm một công ty, công ty tín thác, công ty hợp danh, doanh nghiệp một chủ, chi nhánh, liên doanh, hiệp hội hay tổ chức khác;

16. "doanh nghiệp" là một công ty.