Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả/Văn bản liên quan

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Các văn bản liên quan đến Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả.

Quyết định số 1130/TTg[sửa]

QUYẾT ĐỊNH

Số 1130/TTg ngày 26 tháng 12 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ

Về việc Phê duyệt Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả

Thủ tướng Chính phủ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ, ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 25 tháng 10 năm 1989;

Theo đề nghị của Bộ Văn hoá - Thông tin (các Công văn số 2476/VH-BQ ngày 2/8/1997 và số 4177/VH-BQ ngày 1/12/1997), của Bộ Tư pháp (Công văn số 531/PLQT ngày 3/12/1997) và của Bộ Ngoại giao (Công văn số 1535/NG-PLQT ngày 6/12/1997),

Quyết định

Điều 1: Phê duyệt Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả ký ngày 27/6/1997, tại Hà Nội.

Điều 2: Bộ Ngoại giao làm các thủ tục đối ngoại về việc phê duyệt Hiệp định và thông báo cho các cơ quan hữu quan của Việt Nam ngày bắt đầu có hiệu lực của Hiệp định.

K/T. Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng

Đã ký: Phạm Gia Khiêm

Công hàm số 01/NG-PLQT[sửa]

CÔNG HÀM

Số: 01/NG-PLQT

Kính gửi: Bộ Ngoại giao Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kính chào Bộ Ngoại giao Hợp chủng quốc Hoa kỳ và trân trọng thông báo rằng ngày 26 tháng 12 năm 1997 Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê duyệt "Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả", ký tại Hà Nội ngày 27 tháng 6 năm 1997.

Công hàm này là thông báo chính thức của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý phù hợp với Điều 11 của Hiệp định. Chính phủ Việt Nam mong muốn sớm nhận được thông báo tương tự của Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ để Hiệp định trên đây có hiệu lực thi hành.

Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam một lần nữa xin gửi đến Bộ Ngoại giao Hợp chủng quốc Hoa Kỳ lời chào trân trọng.

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 1998

Dấu của Bộ Ngoại giao

Chỉ thị số 04/1998/CT-TTg[sửa]

CHỈ THỊ

số 04/1998/CT-TTg ngày 22 tháng 1 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ

Về các biện pháp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả

Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ hợp chủng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả (sau đây gọi là Hiệp định Quyền tác giả Việt Nam - Hoa Kỳ) ký ngày 27 tháng 6 năm 1997 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26 tháng 12 năm 1997 và sẽ có hiệu lực vào thời điểm các Bên ký kết trao đổi các văn bản thông báo về việc sẵn sàng đảm nhận các nghĩa vụ của Hiệp định này. Việc ký Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả là nhằm thúc đẩy quá trình bình thường hoá quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, tăng cường mối quan hệ giao lưu và phát triển hợp tác văn hoá giữa 2 nước, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ.

Hiệp định quyền tác giả Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết và thực hiện trong bối cảnh Việt Nam đã ban hành những văn bản pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng đáp ứng những yêu cầu cần thiết trong việc bảo hộ quyền của các tác giả trong nước và nước ngoài.

Để bảo đảm việc thực hiện nghiêm chỉnh những cam kết quốc tế về bảo hộ quyền tác giả theo Hiệp định Quyền tác giả Việt Nam - Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các công việc sau đây:

1- Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm:

- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai việc hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả; phổ biến, giới thiệu Hiệp định Quyền tác giả Việt Nam - Hoa Kỳ; tiếp tục đàm phán với phía Mỹ về các thoả thuận hỗ trợ kỹ thuật cho việc thực hiện Hiệp định này.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp soạn thảo và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các quy định của Hiệp định này chậm nhất trước ngày 10 tháng 2 năm 1998 để kịp thời triển khai việc thực hiện Hiệp định ngay sau khi bắt đầu có hiệu lực.

- Củng cố tổ chức chuyên trách quản lý quyền tác giả; bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý trong và ngoài ngành có liên quan về lĩnh vực này.

- Phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thi hành Hiệp định; kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

2- Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Văn hoá - Thông tin và các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về quyền tác giả ở Mỹ; thu thập và xử lý các thông tin liên quan đến việc bảo vệ quyền tác giả của công dân Việt Nam tại Mỹ.

3- Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin và các Bộ, ngành có kế hoạch bồi dưỡng cho các cán bộ có liên quan kiến thức pháp luật về bảo hộ quyền tác giả và nghiệp vụ giải quyết các vụ, việc liên quan đến quyền tác giả.

4- Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ quyền tác giả, tổ chức kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các vụ vi phạm tại địa phương.

5- Giao Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn, đôn đốc và báo cáo kết quả việc thực hiện Chỉ thị này.

k/t. Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng

Đã ký: Phạm Gia Khiêm

Thông tư số 05/1998/TT-BVHTT[sửa]

THÔNG TƯ

số 05/1998/TT-BVHTT ngày 12 tháng 9 năm 1998 của Bộ Văn hoá - Thông tin

Hướng dẫn thi hành một số quy định của Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về Thiết lập quan hệ quyền tác giả

Thực hiện Chỉ thị số 04/1998/CT- TTg ngày 22/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Việt Nam) và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (Hoa Kỳ) về thiết lập quan hệ quyền tác giả (dưới đây gọi là Hiệp định), sau khi trao đổi, thống nhất ý kiến với Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp, Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn thi hành một số quy định của Hiệp định như sau:

1- Tác phẩm được bảo hộ[sửa]

Tác phẩm quy định tại Mục 1.1, 1.3, 1.5 và 1.7 sau đây được bảo hộ tại Hoa Kỳ theo Hiệp định và pháp luật Hoa Kỳ về quyền tác giả. Tác phẩm quy định tại Mục 1.2, 1.4, 1.6 và 1.8 sau đây được bảo hộ tại Việt Nam theo Hiệp định và pháp luật Việt Nam về quyền tác giả quy định tại Chương I, Phần thứ sáu Bộ luật Dân sự và các quy định có liên quan.

1.1. Tác phẩm của tác giả là công dân Việt Nam hoặc người thường trú tại Việt Nam;

1.2. Tác phẩm của tác giả là công dân Hoa Kỳ hoặc người thường trú tại Hoa Kỳ;

1.3. Tác phẩm được công bố lần đầu tại Việt Nam của người không phải là công dân Việt Nam hoặc người không thường trú tại Việt Nam;

1.4. Tác phẩm được công bố lần đầu tại Hoa Kỳ của người không phải là công dân Hoa Kỳ hoặc người không thường trú tại Hoa Kỳ;

1.5. Tác phẩm mà một công dân Việt Nam hoặc người thường trú tại Việt Nam được hưởng những quyền kinh tế theo luật quyền tác giả tại Hoa Kỳ hoặc tác phẩm mà những quyền kinh tế thuộc về một pháp nhân do một công dân Việt Nam hoặc người thường trú tại Việt Nam kiểm soát trực tiếp, gián tiếp hoặc có quyền sở hữu đối với phần lớn cổ phần hoặc tài sản của pháp nhân đó, với điều kiện là: quyền kinh tế nói trên phát sinh trong vòng 1 năm kể từ ngày công bố lần đầu tác phẩm đó tại một nước thành viên của một điều ước đa phương về quyền tác giả và tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam là thành viên của điều ước nói trên;

1.6. Tác phẩm mà một công dân Hoa Kỳ hoặc người thường trú tại Hoa Kỳ được hưởng những quyền kinh tế theo luật quyền tác giả tại Việt Nam hoặc tác phẩm mà những quyền kinh tế thuộc về một pháp nhân do một công dân Hoa Kỳ hoặc người thường trú tại Hoa Kỳ kiểm soát trực tiếp, gián tiếp hoặc có quyền sở hữu đối với phần lớn cổ phần hoặc tài sản của pháp nhân đó, với điều kiện là: quyền kinh tế nói trên phát sinh trong vòng 1 năm kể từ ngày công bố lần đầu tác phẩm đó tại một nước thành viên của một điều ước đa phương về quyền tác giả và tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực, Hoa Kỳ là thành viên của điều ước nói trên;

1.7. Tác phẩm của tác giả là công dân Việt Nam hoặc người thường trú tại Việt Nam và các tác phẩm đã được công bố lần đầu tại Việt Nam trước khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực nhưng chưa thuộc về công cộng tại Việt Nam sau khi hưởng toàn bộ thời hạn bảo hộ.

Trường hợp thời hạn bảo hộ đối với các tác phẩm trên đây theo pháp luật Hoa Kỳ ngắn hơn thời hạn bảo hộ theo pháp luật Việt Nam, tác phẩm không được bảo hộ tại Hoa Kỳ nếu tại thời điểm Hiệp định bắt đầu có hiệu lực thời hạn bảo hộ theo pháp luật Hoa Kỳ đã kết thúc.

1.8. Tác phẩm của tác giả là công dân Hoa Kỳ hoặc người thường trú tại Hoa Kỳ và các tác phẩm đã được công bố lần đầu tại Hoa Kỳ trước khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực nhưng chưa thuộc về công cộng tại Hoa Kỳ sau khi hưởng toàn bộ thời hạn bảo hộ.

Trường hợp thời hạn bảo hộ đối với các tác phẩm trên đây theo pháp luật Việt Nam ngắn hơn thời hạn bảo hộ theo pháp luật Hoa Kỳ, tác phẩm không được bảo hộ tại Việt Nam nếu tại thời điểm Hiệp định bắt đầu có hiệu lực thời hạn theo pháp luật Việt Nam đã kết thúc.

2- Phạm vi các quyền được bảo hộ[sửa]

2.1. Các quyền được bảo hộ theo Hiệp định bao gồm:

a. Các quyền tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều 5 Hiệp định.
b. Ngoài các quyền tối thiểu quy định tại điểm a nói trên, người không phải là công dân Hoa Kỳ hoặc người không thường trú tại Hoa Kỳ có tác phẩm công bố lần đầu tại Hoa Kỳ, công dân Hoa Kỳ, người thường trú tại Hoa Kỳ có tác phẩm còn được hưởng các quyền theo Hiệp định tại Việt Nam không kém thuận lợi hơn công dân Việt Nam theo pháp luật Việt Nam.
c. Ngoài các quyền tối thiểu quy định tại điểm a nói trên, người không phải là công dân Việt Nam hoặc người không thường trú tại Việt Nam có tác phẩm công bố lần đầu tại Việt Nam, công dân Việt Nam, người thường trú tại Việt Nam có tác phẩm còn được hưởng các quyền theo Hiệp định tại Hoa Kỳ không kém thuận lợi hơn công dân Hoa Kỳ theo pháp luật Hoa Kỳ.

2.2. Hạn chế và ngoại lệ

a. Sự bảo hộ đối với các tác phẩm quy định tại Mục 1.1, 1.3, 1.5 và 1.7 của Thông tư này tại Hoa Kỳ phải tuân theo các hạn chế và ngoại lệ theo Hiệp định và pháp luật Hoa Kỳ.
b. Sự bảo hộ đối với các tác phẩm quy định tại Mục 1.2, 1.4, 1.6 và 1.8 của Thông tư này tại Việt Nam phải tuân theo các hạn chế và ngoại lệ theo Hiệp định và pháp luật Việt Nam.

3- Đăng ký tác phẩm[sửa]

3.1. Các tác phẩm quy định tại Mục 1.1, 1.3, 1.5 và 1.7 của Thông tư này có thể đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ phù hợp với pháp luật Hoa Kỳ.

3.2. Các tác phẩm quy định tại Mục 1.2, 1.4, 1.6 và 1.8 của Thông tư này có thể đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam.

3.3. Quyền tác giả đối với tác phẩm được bảo hộ không phụ thuộc vào việc tác phẩm đã đăng ký hoặc chưa đăng ký.

4- Ngăn ngừa và xử lý vi phạm quyền tác giả[sửa]

4.1. Mọi cá nhân, pháp nhân có hoạt động liên quan đến tác phẩm quy định tại Mục 1.2, 1.4, 1.6, và 1.8 của Thông tư này tại Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Hiệp định và pháp luật Việt Nam, thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa hành vi vi phạm quyền hoặc lợi ích được bảo hộ, thương lượng hoà giải trước khi khiếu kiện trong trường hợp có vi phạm nhằm giảm thiểu thiệt hại và chi phí có thể phát sinh.

4.2. Mọi cá nhân, pháp nhân có quyền hoặc lợi ích đối với các tác phẩm quy định tại Mục 1.2, 1.4, 1.6 và 1.8 của Thông tư này được bảo hộ theo Hiệp định tại Việt Nam có quyền thực hiện các biện pháp được pháp luật Việt Nam quy định để bảo vệ quyền hoặc lợi ích của mình khi bị vi phạm tại Việt Nam.

4.3. Mọi cá nhân, pháp nhân có quyền hoặc lợi ích đối với các tác phẩm quy định tại Mục 1.1, 1.3, 1.5, và 1.7 của Thông tư này được bảo hộ theo Hiệp định tại Hoa Kỳ có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Hiệp định, các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam, pháp luật Hoa Kỳ và có quyền thực hiện các biện pháp được pháp luật Hoa Kỳ quy định để bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi bị vi phạm tại Hoa Kỳ.

4.4. Việc giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm quy định tại Mục 1.1, 1.3, 1.5, và 1.7 của Thông tư này tại Hoa Kỳ được thực hiện theo Hiệp định và pháp luật Hoa Kỳ.

4.5. Việc giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm quy định tại Mục 1.2, 1.4, 1.6, và 1.8 của Thông tư này tại Việt Nam được thực hiện theo Hiệp định và pháp luật Việt Nam.

5- Sử dụng tác phẩm sau khi Hiệp định có hiệu lực[sửa]

5.1. Đối với các tác phẩm quy định tại Mục 1.2, 1.4, 1.6, và 1.8 của Thông tư này đã được phổ biến tại Việt Nam trước ngày Hiệp định bắt đầu có hiệu lực mà chưa có sự thoả thuận giữa bên sử dụng và chủ sở hữu tác phẩm, tuỳ thuộc vào loại hình tác phẩm, có thể tiếp tục được sử dụng trong một thời gian thích hợp phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế, với điều kiện là việc sử dụng đó không ảnh hưởng bất hợp lý đến lợi ích chính đáng của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.

5.2. Trừ các trường hợp hạn chế và ngoại lệ theo quy định của pháp luật Việt Nam, các cá nhân, tổ chức Việt Nam muốn sử dụng các tác phẩm quy định tại Mục 1.2, 1.4, 1.6, và 1.8 của Thông tư này phải tiến hành thương lượng và ký kết hợp đồng với các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm hoặc đại diện hợp pháp của họ. Việc ký kết hợp đồng được thực hiện theo quy định tại Mục 3, Chương I, Phần thứ sáu, Bộ luật Dân sự, Chương III, Nghị định 76/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự và các quy định có liên quan. Hợp đồng sử dụng tác phẩm và các tài liệu liên quan sẽ là cơ sở để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam xét duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của các cá nhân, tổ chức Việt Nam.

6- Tổ chức thực hiện[sửa]

6.1. Cục Bản quyền tác giả có nhiệm vụ giúp Bộ Văn hoá - Thông tin tổ chức kiểm tra và giám sát việc thi hành Hiệp định; tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Hiệp định trong phạm vi cả nước; phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan khác chuẩn bị và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/1998/CT-TTg ngày 22/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư này và Kế hoạch thực hiện Hiệp định ban hành kèm theo Quyết định số 280/1998/QĐ-BVHTT ngày 27/2/1998 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin.

6.2. Thanh tra chuyên ngành văn hoá thông tin của Bộ Văn hoá - Thông tin và các Sở Văn hoá - Thông tin có nhiệm vụ giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm theo trình tự hành chính.

6.3. Các Cục, Vụ và tổ chức liên quan khác thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với Cục Bản quyền tác giả hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thi hành Hiệp định trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của tổ chức mình.

6.4. Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, giám sát và làm báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện Hiệp định tại địa phương gửi Bộ Văn hoá - Thông tin (Cục Bản quyền tác giả).

6.5. Các quy định của Thông tư này sẽ được áp dụng kể từ ngày Hiệp định bắt đầu có hiệu lực.

6.6. Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu có khó khăn, vướng mắc, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Văn hoá - Thông tin cần thông báo kịp thời về Bộ Văn hoá - Thông tin để Bộ Văn hoá - Thông tin xem xét, xử lý.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin

Đã ký: Nguyễn Khoa Điềm

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".