Hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học và công nghệ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Thống nhất Tanzania

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học và công nghệ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Thống nhất Tanzania  (2004) 

BỘ NGOẠI GIAO

Số: 14/2005/LPQT Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2004


Hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học và công nghệ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Thống nhất Tanzania có hiệu lực từ ngày 01 tháng 12 năm 2004./.


TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ PHÓ VỤ TRƯỞNG

Nguyễn Hoàng Anh


HIỆP ĐỊNH HỢP TÁC KINH TẾ, TH­ƯƠNG MẠI, VĂN HOÁ, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA THỐNG NHẤT TANZANIA.

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Tanzania, dưới đây gọi tắt là "hai Bên";

Với lòng mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học và công nghệ giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, có tính đến những nhu cầu và khả năng của mỗi nước;

Nhận rõ sự cần thiết tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác vì mục tiêu chung của hai nước và đóng góp tích cực vào sự nghiệp hợp tác ở hai khu vực,

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1. Trên cơ sở tôn trọng những cam kết quốc tế của mình và phù hợp với khả năng và luật pháp hiện hành của mỗi nước, hai Bên sẽ tạo những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hợp tác song phương về kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học và công nghệ.

Điều 2. Căn cứ Hiệp định này, hai Bên sẽ triển khai những hình thức hợp tác khác nhau thông qua các thỏa thuận và hợp đồng giữa các cơ quan và các ngành hữu quan của hai nước, đặc biệt là trong những ngành kình tế có triển vọng hợp tác và phát triển.

Điều 3. Xét nhu cầu và khả năng hợp tác hiện nay của hai nước, những lĩnh vực hai Bên có khả năng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và chuyên gia, gồm:

1. Nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác nước ngầm và hệ thống tưới cho cây trồng nông nghiệp;

2. Hạ tầng cơ sở;

3. Kinh tế, thương mại;

4. Khoa học và công nghệ;

5. Môi trường

6. Y tế, văn hóa, các vấn đề xã hội;

7. Công nghiệp;

8. Bất kỳ lĩnh vực hợp tác nào khác do hai Bện thỏa thuận.

Điều 4. Xét tầm quan trọng của việc tạo ra những thuận lợi về tài chính để bảo đảm thực hiện các dự án chung, hai Bên thỏa thuận phối hợp tìm kiếm những nguồn vốn cần thiết trên cơ sở xem xét từng dự án cụ thể.

Điều 5. Hiệp định này không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện những thỏa thuận song phương hoặc đa phương mà mỗi Bên là một bên ký kết.

Điều 6. Hai Bên sẽ chỉ định và ủy quyền cho các cơ quan chuyên trách theo dõi thực hiện Hiệp định này.

Hai Bên sẽ giải quyết bằng thương lượng thân thiện mọi tranh chấp xảy ra trong quá trình giải thích hoặc thực hiện Hiệp định này.

Điều 7. Hai Bên sẽ xem xét việc lập ủy ban Hỗn hợp liên Chính phủ Việt Nam Tanzania vào thời gian thích hợp để theo dõi và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong quá trình thực hiện Hiệp định này.

Điều 8. Hiệp định này có hiệu lực năm (5) năm kể từ ngày ký và được mặc nhiên gia hạn thêm năm (5) năm tiếp theo trừ khi một Bên thông báo bằng văn bản cho Bên kia về ý định chấm dứt Hiệp định sáu (6) tháng trước khi Hiệp định chấm dứt hiệu lực.

Theo yêu cầu của một Bên, Hiệp định này có thể được bổ sung, sửa đổi trên cơ sở thỏa thuận song phương. Trong trường hợp Hiệp định này chấm dứt hiệu lực, các điều khoản của Hiệp định này sẽ tiếp tục áp dụng cho các chương trình hoặc dự án đã được ký kết trong khuôn khổ của Hiệp định này, nhưng chưa được hoàn thành khi Hiệp định này chấm dứt hiệu lực.

Làm tại Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2O04, thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh; các văn bản đều có giá trị như nhau./.


THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

THỨ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO



Nguyễn Phú Bình

THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ THỐNG NHẤT TANZANIA

THỨ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ



Tiến sĩ Abdulkader Shareef