Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa  (2000) 
của Hội nghị ngoại giao

Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (dưới đây gọi tắt là “hai Bên ký kết”);

Nhằm giữ gìn và phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc;

Nhằm bảo tồn và khai thác bền vững tài nguyên sinh vật biển trong Vùng nước Hiệp định ở vịnh Bắc Bộ;

Nhằm mục đích tăng cường hợp tác nghề cá giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ;

Căn cứ theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là các quy định liên quan trong “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” ký ngày 10 tháng 12 năm 1982 cũng như Hiệp định giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước ký ngày 25 tháng 12 năm 2000 (dưới đây gọi tắt là “Hiệp định phân định vịnh bắc Bộ”);

Qua hiệp thương hữu nghị, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nhau trong vịnh Bắc Bộ, bình đẳng cùng có lợi;

Đã thoả thuận như sau:

Phần I: Các quy định chung[sửa]

Điều 1[sửa]

Hiệp định này áp dụng cho một phần vùng đặc quyền kinh tế và một phần vùng giáp giới lãnh hải của hai nước trong vịnh Bắc Bộ (dưới đây gọi tắt là “Vùng nước Hiệp định”).

Điều 2[sửa]

Hai bên ký kết tiến hành hợp tác nghề cá trong Vùng nước Hiệp định trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nhau. Việc hợp tác nghề cá này không ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh hải của mỗi nước và các quyền lợi khác mà mỗi Bên ký kết được hưởng trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Phần II: Vùng đánh cá chung[sửa]

Điều 3[sửa]

1. Hai bên ký kết nhất trí thiết lập Vùng đánh cá chung trong vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước, nằm về phía Bắc của đường đóng cửa vịnh Bắc Bộ, về phía Nam của vĩ tuyến 200 Bắc và cách đường phân định được xác định trong Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ (dưới đây gọi tắt là “Đường phân định”) 30,5 hải lý về mỗi phía.

2. Phạm vi cụ thể của Vùng đánh cá chung là vùng nước nằm trong các đoạn thẳng tuần tự nối liền các điểm sau đây:

Điểm 1: Vĩ độ 17°23’38’’ Bắc Kinh độ 107°34’43’’ Đông
Điểm 2: Vĩ độ 18° 09'20" Bắc Kinh độ 108° 20'18" Đông
Điểm 3: Vĩ độ 18°44'25" Bắc Kinh độ 107° 41'51" Đông
Điểm 4: Vĩ độ 19°08'09" Bắc Kinh độ 107°41'51" Đông
Điểm 5: Vĩ độ 19°43'00" Bắc Kinh độ 108°20'30" Đông
Điểm 6: Vĩ độ 20°00'00" Bắc Kinh độ 108°42'32" Đông
Điểm 7: Vĩ độ 20°00'00" Bắc Kinh độ 107°57'42" Đông
Điểm 8: Vĩ độ 19°52'34" Bắc Kinh độ 107°57'42" Đông
Điểm 9: Vĩ độ 19°52'34" Bắc Kinh độ 107°29'00" Đông
Điểm 10: Vĩ độ 20°00'00" Bắc Kinh độ 107°29'00" Đông
Điểm 11: Vĩ độ 20°00'00" Bắc Kinh độ 107°07'41" Đông
Điểm 12: Vĩ độ 19°33'07" Bắc Kinh độ 106°37'17" Đông
Điểm 13: Vĩ độ 18°40'00" Bắc Kinh độ 106°37'17" Đông
Điểm 14: Vĩ độ 18°18'58" Bắc Kinh độ 106°53'08" Đông
Điểm 15: Vĩ độ 18°00'00" Bắc Kinh độ 107°01'55" Đông
Điểm 16: Vĩ độ 17°23'38" Bắc Kinh độ 107°34'43" Đông

Điều 4[sửa]

Hai Bên ký kết tiến hành hợp tác nghề cá lâu dài trong Vùng đánh cá chung trên tinh thần cùng có lợi.

Điều 5[sửa]

Hai Bên ký kết căn cứ theo điều kiện môi trường tự nhiên, đặc điểm của tài nguyên sinh vật, nhu cầu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, cũng như những ảnh hưởng đối với hoạt đọng nghề cá của mỗi Bên ký kết trong Vùng đánh cá chung, cùng đặt ra những biện pháp về việc bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững tài nguyên sinh vật trong Vùng đánh cá chung.

Điều 6[sửa]

Hai Bên ký kết tôn trọng nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, căn cứ vào sản lượng được phép đánh bắt được xác định trên cơ sở kết quả điều tra liên hợp định kỳ về nguồn lợi thuỷ sản và những ảnh hưởng đối với hoạt động nghề cá của mỗi Bên ký kết cũng như nhu cầu của sự phát triển bền vững, thông qua Uỷ ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt - Trung được thành lập theo điều 13 của Hiệp định này, hàng năm xác định số lượng tàu cá của mỗi Bên ký kết vào hoạt động đánh bắt trong Vùng đánh cá chung.

Điều 7[sửa]

1. Mỗi Bên ký kết thực hiện chế độ cấp phép đánh bắt đối với tàu cá Bên mình tiến hành hoạt động nghề cá trong Vùng đánh cá chung. Việc cấp phép đánh bắt phải căn cứ theo số lượng tàu cá hoạt động đánh bắt mà Uỷ ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt - Trung định ra cho năm đó, đồng thời thông báo cho Bên ký kết kia tên, số hiệu tàu cá được cấp phép. Hai Bên ký kết có nghĩa vụ giáo dục và đào tạo những ngư dân vào tiến hành hoạt động nghề cá trong Vùng đánh cá chung.

2. Tất cả những tàu cá vào tiến hành hoạt động nghề cá trong Vùng đánh cá chung đều phải xin phép cơ quan được trao thẩm quyền của Chính phủ nước mình và sau khi nhận được giấy phép đánh bắt mới có thể vào tiến hành hoạt động nghề cá trong Vùng đánh cá chung. Tàu cá của hai Bên ký kết vào hoạt động nghề cá trong Vùng đánh cá chung cần phải được đánh dấu theo qui định của Uỷ ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt - Trung.

Điều 8[sửa]

Khi tiến hành hoạt động nghề cá trong Vùng đánh cá chung, công dân và tàu cá của mỗi Bên ký kết phải tuân thủ những quy định về bảo tồn và quản lý nguồn lợi thuỷ sản của Uỷ ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt - Trung; phải viết chính xác nhật ký đánh bắt theo yêu cầu của Uỷ ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt - Trung, đồng thời phải nộp cho cơ quan được trao thẩm quyền của Chính phủ nước mình trong thời gian quy định.

Điều 9[sửa]

1. Căn cứ vào các quy định do Uỷ ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt - Trung đặt ra trên cơ sở phù hợp với đặc điểm của Vùng đánh cá chung cũng như phù hợp với luật pháp của mỗi nước về bảo tồn và quản lý nguồn lợi thuỷ sản, cơ quan có thẩm quyền của mỗi Bên ký kết thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát đối với công dân và tàu cá của hai Bên ký kết ở Vùng đánh cá chung thuộc vùng nước của mình.

2. Khi cơ quan có thẩm quyền của một Bên ký kết phát hiện công dân và tàu cá bên ký kết kia vi phạm các quy định của Uỷ ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt - Trung ở Vùng đánh cá chung thuộc vùng nước của mình thì có quyền xử lý các hành vi vi phạm đó theo các quy định của Uỷ ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt - Trung, và nên thông báo nhanh chóng cho bên ký kết kia tình hình liên quan và kết quả xử lý theo đường do Uỷ ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt - Trung thoả thuận. Các tàu cá và thuyền viên bị bắt giữ cần phải được phóng thích nhanh chóng sau khi có sự bảo lãnh thích đáng hoặc những bảo đảm khác.

3. Khi cần thiết, cơ quan có thẩm quyền của hai Bên ký kết có thể phối hợp với nhau cùng kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm các quy định về bảo tồn và quản lý nguồn lợi thuỷ sản của Uỷ ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt - Trung trong Vùng đánh cá chung.

4. Mỗi Bên ký kết có quyền căn cứ vào luật pháp của nước mình xử phạt những tàu cá chưa được cấp phép mà vào Vùng đánh cá chung thuộc vùng nước của mình tiến hành hoạt động nghề cá, hoặc tuy được cấp phép vào Vùng đánh cá chung nhưng có các hoạt động bất hợp pháp ngoài hoạt động nghề cá.

5. Mỗi Bên ký kết nên tạo thuận lợi cho những tàu cá đã được cấp phép của Bên ký kết kia được vào Vùng đánh cá chung. Cơ quan có thẩm quyền của mỗi Bên ký kết không được lạm dụng chức quyền, cản trở những công dân và tàu cá đã được cấp phép của Bên ký kết kia tiến hành hoạt động nghề cá bình thường trong Vùng đánh cá chung. Nếu một Bên ký kết phát hiện cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia tiến hành thực thi pháp luật không theo biện pháp quản lý chung do Uỷ ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt - Trung đặt ra thì có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đó giải thích, khi cần thiết, có thể đưa ra thảo luận và giải quyết tại Uỷ ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt - Trung.

Điều 10[sửa]

Mỗi Bên ký kết có thể áp dụng bất kỳ một phương thức hợp tác hoặc liên doanh quốc tế nào trong khuôn khổ quy mô đánh bắt của Bên mình trong Vùng đánh cá chung. Tất cả tàu cá được cấp phép hoạt động nghề cá theo các phương thức hợp tác hoặc liên doanh nói trên trong Vùng đánh cá chung đều phải tuân theo những quy định về bảo tồn và quản lý nguồn lợi thuỷ sản do Uỷ ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt - Trung đặt ra, treo quốc kỳ của Bên ký kết cấp phép đó và tiến hành đánh dấu theo quy định của Uỷ ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt - Trung, hoạt động nghề cá trong Vùng đánh cá chung tại Vùng nước của Bên ký kết cấp phép đó.

Phần III: Dàn xếp quá độ=[sửa]

Điều 11[sửa]

1. Mỗi Bên ký kết nên đưa ra dàn xếp quá độ đối với hoạt động nghề cá hiện có của Bên ký kết kia trong vùng đặc quyền kinh tế nước mình nằm về phía Bắc Vùng đánh cá chung (tính từ vĩ tuyến 200 Bắc). Việc dàn xếp quá độ bắt đầu được thực thi kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực. Bên ký kết kia nên áp dụng biện pháp giảm dần hàng năm hoạt động nghề cá nói trên. Việc dàn xếp quá độ sẽ kết thúc trong vòng bốn năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực.

2. Phạm vi vùng nước dàn xếp quá độ và biện pháp quản lý đối với việc dàn xếp quá độ sẽ do hai Bên ký kết quy định bằng hình thức Nghị định thư bổ sung. Nghị định thư bổ sung đó là bộ phận không thể tách rời của Hiệp định này.

3. Sau khi dàn xếp quá độ kết thúc, trong điều kiện giống nhau, mỗi Bên ký kết nên ưu tiên cho phép Bên ký kết kia vào đánh bắt theo chế độ vùng đặc quyền kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế nước mình.

Phần IV: Vùng đệm cho tàu cá nhỏ[sửa]

Điều 12[sửa]

1. Để tránh xảy ra tranh chấp do việc tàu cá loại nhỏ của hai Bên ký kết đi nhầm vào lãnh hải của Bên ký kết kia, hai Bên ký kết thiết lập vùng đệm cho tàu cá loại nhỏ ở vùng giáp giới lãnh hải của hai nước, chiều dài tính từ điểm đầu tiên của đường phân định kéo về phía Nam theo đường phân định 10 hải lý, chiều rộng lùi về mỗi phía 3 hải lý tính từ đường phân định, phạm vi cụ thể được tạo thành bởi các đoạn thẳng tuần tự nối các điểm sau đây:

Điểm 1: Vĩ độ 21°28'12.5" Bắc Kinh độ 108°06'04.3" Đông
Điểm 2: Vĩ độ 21°25'40.7" Bắc Kinh độ 108°02'46.1" Đông
Điểm 3: Vĩ độ 21°17'52.1" Bắc Kinh độ 108°04'30.3" Đông
Điểm 4: Vĩ độ 21°18'29.0" Bắc Kinh độ 108°07'39.0" Đông
Điểm 5: Vĩ độ 21°19'05.7" Bắc Kinh độ 108°10'47.8" Đông
Điểm 6: Vĩ độ 21°25'41.7" Bắc Kinh độ 108°09'20.0" Đông
Điểm 7: Vĩ độ 21°28'12.5" Bắc Kinh độ 108°06'04.3" Đông

2. Nếu một Bên ký kết phát hiện tàu cá loại nhỏ của Bên ký kết kia vào hoạt động nghề cá trong vùng đệm cho tàu cá loại nhỏ thuộc vùng nước của mình có thể cảnh cáo và áp dụng các biện pháp cần thiết để buộc tàu đó rời khỏi vùng nước đó, nhưng nên kiềm chế: không bắt bớ, giam giữ, xử phạt hoặc dùng vũ lực; nếu xảy ra tranh chấp liên quan đến hoạt động nghề cá thì nên báo cáo Uỷ ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt - Trung để giải quyết; nếu xảy ra những tranh chấp ngoài hoạt động nghề cá thì do các cơ quan có thẩm quyền liên quan của mỗi nước giải quyết theo luật pháp của nước mình.

Phần V: Ủy ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt - Trung[sửa]

Điều 13[sửa]

1. Để thực thi Hiệp định này, hai Bên ký kết quyết định thành lập Uỷ ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt - Trung (sau đây gọi tắt là “Uỷ ban Liên hợp nghề cá”). Uỷ ban Liên hợp nghề cá gồm mỗi Bên ký kết một đại diện do Chính phủ Bên ký kết đó bổ nhiệm và một số uỷ viên.

2. Uỷ ban Liên hợp nghề cá sẽ đặt ra những quy định cụ thể về cơ chế hoạt động của mình.

3. Uỷ ban Liên hợp nghề cá có chức trách như sau:

3.1 Hiệp thương những vấn đề liên quan đến bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi thuỷ sản trong Vùng nước Hiệp định, đồng thời đề xuất kiến nghị với Chính phủ hai nước.
3.2 Hiệp thương về những việc liên quan tới hợp tác nghề cá của hai nước ở Vùng nước Hiệp định, đồng thời đề xuất kiến nghị với Chính phủ hai nước.
3.3 Căn cứ theo Điều 5 của Hiệp định này đặt ra những quy định về bảo tồn và quản lý nguồn lợi thuỷ sản trong Vùng đánh cá chung cũng như các biện pháp thực thi các quy định đó.
3.4 Căn cứ theo Điều 6 của Hiệp định này hàng năm xác định số lượng tàu cá của mỗi Bên ký kết vào hoạt động đánh bắt trong Vùng đánh cá chung.
3.5 Hiệp thương và quyết định những việc khác liên quan tới Vùng đánh cá chung.
3.6 Thực hiện chức năng của mình theo các quy định của Nghị định thư bổ sung về dàn xếp quá độ.
3.7 Giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động nghề cá xảy ra trong Vùng đệm cho tàu cá loại nhỏ.
3.8 Tiến hành chỉ đạo việc xử lý đối với những tranh chấp nghề cá và sự cố gây thiệt hại trên biển trong phạm vi chức năng của mình.
3.9 Tiến hành đánh giá tình hình chấp hành Hiệp định này và báo cáo Chính phủ hai nước.
3.10 Có thể kiến nghị với Chính phủ hai nước về việc bổ sung, sửa đổi Hiệp định này, Phụ lục của Hiệp định này và Nghị định thư bổ sung của Hiệp định này.
3.11 Tiến hành hiệp thương những công việc khác mà hai Bên ký kết cùng quan tâm.

4. Tất cả mọi kiến nghị và quyết định của Uỷ ban Liên hợp Nghề cá đều phải được sự nhất trí của đại diện hai Bên ký kết.

5. Uỷ ban Liên hợp nghề cá mỗi năm họp một đến hai lần và luân phiên tổ chức tại hai nước. Khi cần thiết, có thể triệu tập hội nghị bất thường sau khi có sự nhất trí của đại diện hai Bên ký kết.

Những điều khoản khác[sửa]

Điều 14[sửa]

Để đảm bảo an toàn hàng hải, giữ gìn an ninh và trật tự hoạt động đánh bắt trên biển, xử lý kịp thời, thuận lợi các tai nạn trên biển trong Vùng nước Hiệp định, mỗi Bên ký kết nên có sự chỉ đạo, giáo dục pháp luật và áp dụng các biện pháp cần thiết khác đối với công dân và tàu cá của nước mình.

Điều 15[sửa]

1. Khi công dân và tàu các của một Bên ký kết gặp nạn hoặc tình hình khẩn cấp khác tại vùng biển của Bên ký kết kia cần cứu giúp thì Bên ký kết kia có nghĩa vụ tiến hành việc cứu trợ và bảo hộ, đồng thời nhanh chóng thông báo tình hình liên quan cho cơ quan hữu quan của Bên ký kết đó.

2. Khi công dân và tàu cá của một Bên ký kết do thời tiết xấu hoặc gặp tình hình khẩn cấp khác phải lánh nạn, thì có thể thông qua liên hệ với cơ quan hữu quan của Bên ký kết kia căn cứ vào Phụ lục của Hiệp định này và các quy định của Uỷ ban Liên hợp nghề cá để tới Bên ký kết kia lánh nạn. Công dân và tàu cá trong thời gian lánh nạn cần phải tuân thủ pháp luật và quy định liên quan của Bên ký kết kia, đồng thời phải phục tùng sự quản lý của cơ quan hữu quan của Bên ký kết kia.

Điều 16[sửa]

Mỗi Bên ký kết căn cứ theo các quy định của “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” ngày 10 tháng 12 năm 1982 bảo đảm quyền đi qua vô hại và đi lại thuận lợi cho tàu cá của Bên ký kết kia.

Điều 17[sửa]

1. Hai Bên ký kết nên tiến hành hợp tác nghiên cứu khoa học về nghề cá và bảo tồn tài nguyên sinh vật biển trong Vùng nước Hiệp định.

2. Mỗi Bên ký kết có thể tiến hành hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học nghề cá trong Vùng nước Hiệp định thuộc Bên mình.

Phần VII: Các điều khoản cuối cùng[sửa]

Điều 18[sửa]

Bất cứ tranh chấp nào nảy sinh giữa hai Bên ký kết trong việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này nên được giải quyết thông qua thương lượng hữu nghị.

Điều 19[sửa]

Những Phụ lục của Hiệp định này và Nghị định thư bổ sung của Hiệp định này là bộ phận không thể tách rời của Hiệp định này.

Điều 20[sửa]

Hiệp định này, những Phụ lục của Hiệp định này và Nghị định thư bổ sung của Hiệp định này có thể được bổ sung, sửa đổi thông qua thương lượng giữa hai Bên ký kết.

Điều 21[sửa]

Các toạ độ địa lý của Vùng đánh cá chung được quy định trong khoản 2 điều 3 của Hiệp định này và các toạ độ địa lý của Vùng đệm cho tàu cá nhỏ được quy định trong khoản 1 Điều 12 của Hiệp định này được xác định trên Tổng đồ toàn diện vịnh Bắc Bộ và Bản đồ chuyên đề cửa sông Bắc Luân, là các bản đồ được đính kèm theo Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ.

Điều 22[sửa]

1. Hiệp định này, sau khi được hai Bên ký kết hoàn thành trình tự pháp luật của mỗi nước, sẽ có hiệu lực vào ngày được thoả thuận trong văn kiện trao đổi giữa Chính phủ hai nước.

2. Hiệp định này có hiệu lực trong vòng 12 năm và mặc nhiên gia hạn thêm ba năm. Sau khi thời gian gia hạn kết thúc, việc hợp tác tiếp theo do hai Bên ký kết hiệp thương thoả thuận.

Hiệp định này được ký tại Bắc Kinh ngày 25 tháng 12 năm 2000, thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

Đại diện Chính phủ
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Đại diện Chính phủ
nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
Đã ký Đã ký
Nguyễn Dy Niên
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Đường Gia Triền
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó được miễn trừ theo Điều 5 của Luật Bản quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Các tác phẩm được miễn bảo hộ bảo quyền bao gồm các văn bản của chính phủ Trung Quốc, các văn bản tư pháp và các bản dịch chính thức của chúng; tin tức thời sự (sự kiện thuần túy trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, tạp chí, phát thanh và truyền hình theo Điều 5 Quy định thực hiện Luật Bản quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), cùng với lịch, bảng số, các mẫu thông dụng khác và công thức.