Kính đáp Minh Viên tiên sanh về mấy bài thương xác cách đặt quán từ
Bài nầy của tôi lẽ đáng đăng ở Phụ nữ tân văn, song vì báo ấy là tuần báo, ra chậm, vả lại có nhiều bài cần phải đăng hơn, nên tôi xin đăng bài nầy ở đây để đáp lại tiên sanh.
Về Phép làm văn tôi viết đó, tôi đã nói là sự đánh bạo, sự làm thử, cho nên lẽ nào cũng phải có sai lầm. Song, có sai lầm là sai lầm chút đỉnh cái ngọn ngành mà thôi, còn đại thể, như cách đặt quán từ đó, thì ắt là không sai lầm ; ấy là điều tôi đã tự tín.
Mấy bài của tiên sanh chỉ những chỗ lầm của tôi, tôi không thể chịu. Không phải là tôi cứng đầu cứng cổ, bảo không biết nghe, nhưng tại cái lẽ của tiên sanh không đủ làm cho tôi phục.
Tôi thấy như tôi nói một nơi mà tiên sanh nói đi một nơi, thì làm sao quyết được là tôi lầm ?
Tức như trong bài của tôi nói về lịch trình nghiên cứu, là chỉ nói riêng về sự nghiên cứu các quán từ. Còn tiên sanh cử ra cái lịch trình nghiên cứu của mình có A. B. C. ba điều, thì lại là cái lịch trình nghiên cứu toàn thể quốc văn. Như vậy rồi tiên sanh bảo rằng tiên sanh khác với tôi, thì tài gì không khác ? Khác là phải.
Lại như chữ “những” có nhiều nghĩa, há tôi chẳng biết ? Song trong bài của tôi chỉ nói mọi chữ “những” thuộc về quán từ (articles) mà thôi, thì tôi có nói đến nghĩa khác làm gì. Vì chữ “những” có nghĩa khác ấy không phải là quán từ thì tôi không nói đến. Cũng như trong sách Mẹo Lang Sa, chỗ cắt nghĩa chữ le, la, les về article thì không nói đến le, la, les về pronom personnel vậy thôi. Vậy mà tiên sanh nói công dụng chữ “những” rất nhiều, tôi đã bỏ sót đi, lại còn điểm kim tác thiết nữa, thì tôi không hiểu.
Những chỗ tiên sanh đính chánh lại, tôi thấy ra cũng còn lôi thôi lắm.
Như chữ “mấy” mà vừa là chỉ gồm (général), vừa là chỉ phần (partitif) (ở Tiếng dân số 329) thật là không có lẽ, chưa hề có văn pháp nào như vậy. Hai cái phản đối nhau, có thể nào đồng thời đồng địa mà dung nhau. Chính báo Tiếng dân bữa trước đã đem luật mâu thuẫn ra mà bẻ cái ý kiến kia, hôm đây tự mình lại phạm luật rồi.
Chỗ nầy chính tiên sanh lầm mà tiên sanh lại nói tôi lầm. Số là, chữ “mấy” có ba nghĩa : Một nghĩa về quán từ, như tôi đã nói trong bài Phép làm văn ; một nghĩa về trợ động từ (adverbre), như chữ combien của Pháp ; một nghĩa về trạng từ (adjectif) như chữ quelques của Pháp.
Tiên sanh cử ra hai cái ví dụ : Đầu bức thơ viết : Được thư ngài, lật đật viết MẤY lời thưa lại… Cuối bức thơ viết : MẤY lời thành thật, xin ngài lượng xét. Đó, hai chữ “mấy” đó mà tiên sanh cũng đem cho vào quán từ và giải rằng nó vừa chỉ gồm, vừa chỉ phần đó.
Thưa, tiên sanh nói sai đứt đi đâu ! Hai chữ “mấy” ấy là trạng từ, chớ không phải quán từ. Ta nói “mấy lời” đó tức tiếng Pháp nói quelques mots, không ly một cạnh. Ai dám bảo chữ quelques trong tiếng Pháp là article?
Tiên sanh không phân biệt chữ “mấy” quán từ với chữ “mấy” trạng từ, rồi giải rằng “vừa chỉ gồm, vừa chỉ phần” thật là ngang quá. Theo luật mâu thuẫn của luận lý học mà báo Tiếng dân đã nhắc đến trước kia, đã chỉ gồm thôi thì không chỉ phần được ; đã chỉ phần thôi thì không chỉ gồm được.
Tiên sanh nói chữ “các” là chỉ chung, bao quát, là tuyệt đối, “những" là chỉ phần, tách hẳn ra là tương đối ; rồi lấy ví dụ rằng : “Các nước văn minh có nhiều nhà văn học cổ xúy tư tưởng mới thì trình độ dân trí tấn tới mau chóng”.
Chữ “các” trong ví dụ đó tiên sanh cho là chỉ chung, nói bao quát, không có ý chia rẽ. Còn như, cũng câu ấy mà đổi chữ “các” làm chữ “những” thì thành ra có ý tách riêng, có ý phân biệt, không những các nước đã mau đứng hẳn ra ngoài mà nước văn minh nào có ít văn hào, hoặc có văn hào mà không cổ xúy tư tưởng mới, cũng đứng ra ngoài, thế là đứng về mặt tương đối.
Tiên sanh nói rất lạ ! Nếu vậy thì chữ “các” và chữ “những” của tiên sanh lấy gì làm khác nhau ? Bởi vì, trong câu ví dụ ấy mà cứ để chữ “các”, thì các nước dã man cũng đứng hẳn ra ngoài, và nước văn minh nào có ít văn hào, hoặc có văn hào mà không cổ xúy tư tưởng mới, cũng đứng hẳn ra ngoài như vậy. Hà tất đợi đến đem chữ “những” thay vào mới biệt hẳn ra như thế ?
Tiên sanh lại đem chữ “các” của ta mà so ngang với chữ tous les của Pháp, chữ “các, chư, phàm” của Tàu, cũng không đúng hết.
Theo tôi thì chữ “các” của ta chỉ ngang với chữ les của Pháp, chữ “chư” của Tàu mà thôi. Còn tous les và “phàm” tức là “mọi” và “hết thảy” trong tiếng ta.
Đến như chữ “các” – đây nên để chữ Hán, song vì nhà in chúng tôi không có - của Tàu mà tiên sanh đem sánh đồng với chữ “các” của ta, chữ tous les của Pháp thì lại sai đến ngàn dặm ! Chữ “các” trong chữ Hán, nghĩa là “mỗi một", tức là chữ chaque hay chacun trong tiếng Lang Sa. Coi như “Các ngôn kỳ chí ; các ngôn kỳ tử ; các tận sở năng, các thủ sở như ; nhân các hữu tâm ; nhân tâm bất đồng, các như kỳ diện” – còn nhiều quá, không kể hết – thì đủ biết. Tiên sanh có dẫn chữ “Bắc Kinh hiệp ước các khoản” mà dịch ra tiếng Pháp là Tous les articles du traité de Pékin, cũng sai ; vậy phải nói : Chaque article. . . mới đúng.
Tóm lại, mấy bài thương xác của tiên sanh còn lộn xộn lắm, những chỗ tiên sanh chỉ cho tôi lầm thì tôi lại thấy tiên sanh lầm. Song tôi lược trích đại khái ra như trên đây mà thôi, tôi không muốn biện bác cho nhiều làm chi, vì biết cái vấn đề nầy dầu thương xác mấy đi nữa cũng khó lòng giải quyết.
Có nhiều vị gởi thơ đến bàn với tôi về những điều trong bài Phép làm văn. Rồi đây tôi sẽ lược trích ra mà đăng lên Phụ nữ để công chúng xét đoán. Bài của tiên sanh tôi cũng muốn làm như vậy, song vì dài quá, khó mà đón cho đủ ý.
Nay tôi xin tiên sanh lấy ý của mình mà viết lại một bài về cách đặt quán từ cho thật yếu ước[1] mà thật phân minh, để cống hiến cho độc giả, thì tốt hơn bài đã đăng trong Tiếng dân đó, vì tôi thấy nhiều người nói đọc bài ấy mà không hiểu.
Nếu tiên sanh làm như vậy, thì không cần bẻ bác của tôi làm chi nữa. Vì nếu ý kiến của tiên sanh là đúng thì sẽ được thiên hạ công nhận ; còn của tôi mà sai lầm, thì tự nhiên thiên hạ bỏ đi.
Có một điều rất lạ trong bài của tiên sanh mà đến đây tôi mới nói ra. Đoạn đầu hết (số 326), tiên sanh nói : “Đến như quốc văn thì bình sinh tôi không hề nghiên cứu đến”. Thế là tỏ ra rằng từ lúc trẻ cho tới ngày nay tiên sanh chưa hề nghiên cứu chữ quốc ngữ. Cách đó không xa thì tiên sanh lại nói : “Tôi tự xét những chỗ sở đắc trong sự nghiên cứu của tôi” v.v. Vậy thì sự nghiên cứu của tiên sanh mà có sở đắc đó là vào lúc nào ? Nếu như tiên sanh mới nghiên cứu đây, thì xin tiên sanh hãy nghiên cứu thêm nữa.
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Yếu ước : vắn tắt những điểm trọng yếu (theo Đào Duy Anh)