Kho sử liệu không đâu bằng Quốc Sử quán nhưng các ngài ở đó đang làm gì?
Chúng tôi đã hiến trong Sông Hương cho bạn đọc một món quà rất ngon lành, rất bổ ích, là mục “Sử học”. Đã ngon đã bổ mà lại mới nữa, vì trước đến giờ, nó chưa hề có trên báo chí nào.
Quả nhiên mục ấy với mục “Sử liệu từng mảnh vụn” đã được nhiều bạn trẻ hoan nghinh. Có người viết thư cho chúng tôi, nói đùa rằng mê hai mục ấy lắm, chẳng khác mê cô nhân tình của mình.
Chẳng lấy gì làm lạ hết. Cái gì nó đã rung động và đánh nhịp với lòng người ta thì tự nhiên nó phải thế.
Người mình, nhất là bạn trẻ trong vòng vài ba mươi tuổi, đương ở vào một cái thời kỳ đói khát về tri thức. Muốn học mà chẳng biết học cái gì. Sau khi cái tư tưởng quốc gia đã sôi nổi trong óc mọi người, mà muốn biết ít nhiều chuyện xưa tích cũ của Tổ quốc cũng không tìm đâu ra. Món sử ký dạy trong nhà trường lại sơ lược quá, đỡ đói còn không đỡ được, chứ đừng nói no nữa. Thật thế, người mình hiện đương bị cái nạn đói về sử, cho nên vừa thấy được món lê hoắc tầm thường cũng cầm bằng cao lương mỹ vị.
Cho được cứu cái nạn ấy, chúng tôi xin làm hết bổn phận và hết sức. Nhưng trước một công việc to tát, không thể không khiến chúng tôi đoái lại địa vị và tài lực của mình mà thấy mình như hột muối đem bỏ biển. Đồng thời, chúng tôi phải ngóng cổ trông lên cái cơ quan nào lớn lao và có sức đầy đủ hơn chúng tôi.
Chúng tôi muốn nói Quốc Sử quán: một cái kho sử liệu, súc tích một trăm năm nay rất dư dật mà “chẳng ai chịu khuân nó ra để cứu cơ!”.
Lập ra từ buổi quốc sơ, Quốc Sử quán chẳng những chuyên giữ việc tu Quốc Sử mà còn thu thái và tàng trữ những bổn sách thuộc về loại sử của nước ta từ xưa đến nay. Thuở vua Thánh Tổ, từng mấy phen vua xuống chỉ cho thông quốc, nhất là Bắc Kỳ, ai có sách gì chép chuyện bản quốc thì dâng lên, không bằng lòng dâng thì mượn mà biên lấy, rồi cất vào Quốc Sử quán.
Không cứ sách, cho đến bản sách nữa, là thứ bản gỗ, mỗi pho hàng mấy vạn tấm, thuở đó cũng có chở bằng thuyền từ Nam hoặc Bắc về Kinh, chứa vào Quốc Sử quán mà bây giờ chẳng biết mất hay còn.
Ngày xưa trong Kinh thành, gần Tịnh Tâm, có một cái lầu gọi là Tàng thơ lâu, hễ mãn một năm, những công văn, tấu sớ trong các bộ các viện loại ra thì chứa vào đó. Không nhớ năm nào, cái lầu ấy hư, người ta không tu bổ nữa mà đem hết thảy văn thơ gửi vào Quốc Sử quán.
Trong những văn thơ ấy tất nhiên là có chứa nhiều sử liệu rất trọng yếu. Họp với hết thảy các sách tích trữ từ xưa đến nay ở đó, chúng làm cho sự giàu có của Quốc Sử quán càng ngày càng hơn.
Bởi vậy thuở trước các quan ở Sử quán đông lắm. Ở đó vẫn bị kêu là chỗ “nhàn tản” nhưng không phải là ở dưng mà không làm việc. Người ta ở dưng trong Sử quán mà không làm việc để được xứng với cái danh “nhàn tản” chỉ mới từ hồi Thành Thái tới giờ.
Sau khi thất thủ, tựa hồ không còn ai thiết đến sách vở nữa, đến sử nữa, từ đó trước sân Sử quán đầy những cỏ mọc và con đường đi vào, đến mùa mưa, đầy những bùn, quá cái mương trâu ở nhà quê.
Cho đến bây giờ, các quan ở đó, từ quan Tổng tài giở xuống cũng còn được mươi ông. Nhưng hình như các ngài chỉ ở mà giữ sách thôi không làm gì cả, vì, người ta nói, không có việc mà làm. Quốc Sử thì giáp một năm đằng đẵng mới biên được mấy dòng, giá ngủ luôn cả năm rồi thức làm một giờ cũng thừa ra!
Muốn có việc mà làm, đã đỡ buồn lại có ích, xin các ngài dốc kho ra, cung cấp hằng đống sử liệu cho quốc dân chúng tôi.
Chúng tôi không mong các ngài làm sử cho chúng tôi học. Chúng tôi chỉ cầu các ngài dịch những sách cổ, những công văn, tấu sớ ra quốc ngữ.
Dịch xong, các ngài xin Chính phủ bỏ tiền ra in. Chúng tôi cũng không cầu phát sách không cho chúng tôi nữa, hễ có sách, ai nấy sẽ vui lòng mua mà đọc.
Những việc xảy ra trong nước một trăm năm nay thế nào, hầu hết người dân trong nước đều mù tịt. Chúng tôi đã nói trên kia rằng họ đương đói về sử. Thừa dịp ấy, có mấy tay văn sĩ lém viết ra những cuốn “tam sao thất bổn” cũng gọi rằng sử để đánh lừa người ta, mà các ngài là đích tôn của Quốc Sử lại điềm nhiên tọa thị cho đành?
Xin các ngài làm việc đi, dịch đi, cung cấp sử liệu cho quốc dân đi. Một cơ quan lớn như Quốc Sử quán hẳn có tài liệu dồi dào đã đành mà cũng có sức để làm việc ấy mạnh hơn tờ báo Sông Hương này vậy.
SÔNG HƯƠNG