Lòng ngay thiệt một người Thanh ở rẫy

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Truyện Phansa diễn ra quốc ngữ  (1886)  của Jean de La Fontaine, do Trương Minh Ký dịch
Lòng ngay thiệt một người Thanh ở rẫy

Năm 1728, có một người nhà giàu ở nước Đại thanh đi qua Mungteing mà mua bông dệt vải. Nó có một túi bạc một trăm bảy chục lượng, nó làm mất dọc đàng, gần núi xa thành. Rạng ngày mai người làm rẫy nghèo tên là Chi-yeou, đi cầy cấy về tới chưn núi được túi bạc ấy. Nó ở nán lại làm việc cả ngày đặng đợi ai nhìn mà cho lại; song chẳng thấy ai hết. Tới chiều trở về nhà đưa của ấy cho vợ coi, vợ thấy thì rằng: “Ý! Đừng có giữ lấy bạc nầy, nó không phải là của mình, thà nghèo chẳng thà lấy của kẻ khác mà làm giàu; mai ráng tìm kẻ mất cái túi nầy, trả lại cho họ chớ quên.” Lúc ấy người buôn bán đã có dán giấy rao cùng thành thị sự nó mất bạc đó, lại xin kẻ được bạc đem đến cho nó thì nó chịu cho phân nửa. Người làm rẫy hay, chạy báo với quan rằng có được túi bạc ấy, xin quan biểu người buôn bán đến nhà đặng hỏi cho ắt chất. Người buôn bán tới. Chi-yeou xét biết thiệt túi bạc của nó bèn trả lại cho nó. Họ cho nửa phần, không chịu lấy, họ bớt đi thì cũng không chịu lấy mà rằng: “Tôi có lý gì mà lấy nhiều, lấy ít hết thảy là của chú, chú phải đem về hết thảy.”

Ông tri phủ hay chuyện ấy chạy tờ bẩm với quan tổng đốc, người ngợi khen tên làm rẫy, rồi dạy treo bảng trước cửa nhà nó có chữ đề rằng: “chồng với vợ có danh tiếng vì lòng không dục lợi lại có lòng rộng rãi.”

Đức hoàng đế động lòng vì việc tốt nầy, người đọc trong tờ tấu của quan tổng đốc, thì thưởng Chi-yeou như vầy: “Trẫm ban hàm thất phẩm cho người làm rẫy tên là Chi-yeou; được phép mặc áo đội mão phẩm ấy. Lại trẫm ban một trăm lượng bạc đặng rõ trẫm chuộng lòng ngay thẳng dường nào, đặng giục lòng người người bắt chước theo cái lòng ăn ở rất tốt thể ấy.”