Lời tuyên cáo của Nội các Trần Trọng Kim
Ngày 25 tháng hai năm Ất-Dậu tức là ngày mồng chín tháng ba năm 1945 quân đội Đại-Nhật-Bản đã đánh đổ chủ quyền người Pháp trong toàn hạt Đông Dương. Sau đó đức Kim-Thượng đã tuyên bố nước Việt-Nam độc lập. Đồng thời thủ tướng Koiso báo cáo rằng nước Nhật không tham vọng nước ta.
Thế là sau 80 năm áp chế, nước ta đã khôi phục nền tự chủ và địa vị của một nước văn hiến ở cõi Á-Đông.
Chúng ta không thể quên ơn nước Đại-Nhật-Bản đã giải phóng cho ta, không quên ơn đức Kim Thượng đã quả quyết dắt dân ta lên đường độc lập, không thể quên ơn bao nhiêu nghĩa sĩ xưa nay đã hy sinh để nêu cao cái tinh thần phấn đấu của giống nòi.
Muốn giữ vững nền độc lập, quốc dân ta phải gắng sức làm việc và chịu nhiều sự hy sinh nữa. Hiện nay thế giới còn ở trong vòng chiến tranh, công cuộc kiến thiết quốc gia còn nhiều nỗi khó khăn. Lại vì bom đạn của quân địch sang tàn phá làm cản trở sự giao thông, khiến cho mấy mươi vạn người sinh trưởng trên khoảng đất phì nhiêu mà đành phải chịu chết đói.
Tuy kinh-tế khó khăn, nhưng trên nhờ lòng tin cậy của Đức Kim Thượng, dưới nhờ sự ủng hộ của quốc dân, ngoài tin vào lòng thành thực của nước Đại-Nhật-Bản, chúng tôi hết sức theo đuổi mục đích là họp nhất tất cả các phần tử quốc dân để củng cố độc lập của Quốc-gia và gây mạnh cái tinh thần yêu nước trong mọi giai tầng xã hội.
Chính phủ sẽ lập ra một Kỷ-niệm-đài để ghi công các bậc anh hùng vì nòi giống, sẽ tìm mọi cách để các chính khách còn phiêu lưu được trở về tổ quốc, sẽ xóa bỏ những hình án bất công, để những người ái quốc còn bị giam cầm trong lao ngục có thể tùy tài sức mà tham dự vào công cuộc kiến thiết quốc gia.
Ngoài việc tiếp tế lương thực cho nhân dân và việc chuẩn cấp cho hàng triệu người bị khủng hoảng về nạn đói ở miền Bắc, thuế khóa lần lần định lại cho công bằng và cho từ Bắc chí Nam thuế nghịch thành duy nhất.
Công việc kiến thiết quốc gia sẽ cần đến tài lực và nhiệt tâm của tất cả mọi người trong nước. Đoàn kết quốc dân để gây thành một mãnh lực, đặt những cơ quan để liên lạc mật thiết chánh phủ và dân chúng, đó là những việc mà nội các sẽ chú ý đặc biệt.
Nội các sẽ trù tính cách thống nhất pháp luật trong toàn quốc và tránh sự lạm quyền sẽ tìm phương chia quyền hành chính và tư-pháp.
Nạn tham nhũng là cái tệ dung túng từ trước, cần phải trừ cho tiệt, nước ta đã bước vào một kỷ nguyên mới, kẻ nào không biết cải tà qui chánh, sẽ phải trừng trị rất nghiêm.
Vận nước mai sau là cốt ở thanh niên bây giờ cho nên chính phủ rất chú trọng đào tạo những người mạnh mẽ, khí khái, có nghề nghiệp, có tổ chức, có huấn luyện, để bảo về nền độc lập đương gây.
Về phương diện kinh tế trong lúc chiến tranh chưa kết liễu và phải sống cách biệt với ngoài, nước ta chưa có thể thực hành ngay một chương trình to tát. Những chính phủ sẽ dự bị một công cuộc tổ chức mới, chú trọng nhất là nâng cao trình độ sinh hoạt của dân chúng. Muốn thi hành chính sách ấy tuy quốc gia phải đảm nhận một phần lớn trách nhiệm, nhưng cũng cần sự hợp tác của tất cả đoàn thể và cá nhân.
Lĩnh mệnh của Đức-Kim-Thượng, đương trách nhiệm nặng nề đối với quốc dân, chúng tôi hiểu rõ ràng bước đầu phải đi mà đi phải thận trọng. Chúng tôi xin tuyên thệ với quốc dân đem hết tâm trí để theo đuổi mục đích duy nhất là xây đắp nền độc lập nước nhà, không tư vị cá nhân hay đảng phái. Chúng tôi chắc rằng mọi người trong quốc dân cũng một lòng vì nước, giữ thái độ bình tỉnh và tuân theo kỷ luật, để làm hết phận sự. Mong nền móng xây đắp được vững vàng để cơ đồ nước Việt Nam ta muôn đời trường cửu.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".