Bước tới nội dung

Luân lý giáo khoa thư - Lớp Sơ đẳng/I/52

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

52. — Lòng thí-xả.

Lẽ công-bằng chỉ bắt mình không được phạm đến tính-mệnh[1] người ta, chớ lòng nhân-ái thì có thể khiến mình phải bỏ thân mà cứu người. Không nói gì những người vì tình thân-ái, hoặc vì tình cốt-nhục, như cha mẹ nuôi con, hay là anh em, chị em nuôi nhau, ta thường trông thấy nhiều kẻ chỉ vì chút lòng nhân-ái mà chịu xả-thân để cứu người: nào những kẻ đầy-tớ chịu cực chịu khổ mà theo thầy trong lúc gian-nan, những bậc trung-thần nghĩa-sĩ chịu bỏ mình mà cứu chúa; nào những kẻ nhảy liều xuống nước mà vớt người chết đuối, hoặc xông vào đám lửa mà cứu người bị cháy. Xem như thế thì lòng nhân-ái đáng quí biết là bao nhiêu!

Đến những việc hằng ngày ta vẫn làm, nếu không có chút lòng thí-xả, thì sao cho xứng đáng với nghĩa-vụ của mình, như ông thầy đi dạy học, không quản công lao khó nhọc; người làm thầy thuốc đi chữa những bệnh truyền-nhiễm, không sợ lây; người làm lính đi đánh giặc, liều sống chết ở chỗ chiến-trường để giữ lấy nước nhà, những người ấy đều vì lòng nhân-ái mà ra sức làm việc nghĩa-vụ.

Tiểu dẫn.Liều mình của chúa.

Khi vua Lê Thái-Tổ khởi nghĩa đánh giặc Minh, phải một lần quân giặc vây đánh ngặt quá, ai nấy đều lo sợ, không biết tìm kế gì mà giải thoát được. Bấy giờ có ông Lê-Lai tâu với ngài xin cho đổi mũ áo để thay ngài xông ra chỗ trận-tiền. Quân Tàu trông thấy, tưởng là vua Thái-Tổ thật, xô nhau lại đuổi bắt. Ông
Lê-Lai cứu chúa.
bị quân giặc giết chết. May nhờ có ông chịu bỏ mình như thế, cho nên vua Thái-Tổ mới chạy thoát được.

Giải nghĩa.Xả-thân = bỏ mình. — Chiến-trường = chỗ đánh nhau. — Khởi nghĩa = vì việc nghĩa mà dấy binh đánh giặc.

Câu hỏi. — Lòng nhân-ái có thể khiến ta được thế nào? — Những lúc nào là lúc người ta cần phải có lòng thí−xả? — Vua Lê Thái-Tổ bị vây như thế nào? — Ông Lê-Lai làm gì để cứu chúa?

Cách-ngôn.Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ.

  1. tánh-mạng