Luật Đo đạc và bản đồ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2018/Chương II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương II
HOẠT ĐỘNG ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ CƠ BẢN

Điều 10. Nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản

1. Thiết lập hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia, hệ tọa độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia và hệ trọng lực quốc gia.

2. Thiết lập hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia.

3. Xây dựng hệ thống dữ liệu ảnh hàng không và hệ thống dữ liệu ảnh viễn thám.

4. Xây dựng, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; thành lập và cập nhật hệ thống bản đồ địa hình quốc gia.

5. Đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia.

6. Đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính.

7. Chuẩn hóa địa danh.

8. Xây dựng, vận hành công trình hạ tầng đo đạc cơ bản.

Điều 11. Hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia, hệ tọa độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia và hệ trọng lực quốc gia

1. Hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia bao gồm số liệu gốc của hệ tọa độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia, hệ trọng lực quốc gia, độ sâu quốc gia, được xác định thống nhất trong cả nước theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Mỗi số liệu gốc đo đạc quốc gia được gắn với một điểm có dấu mốc cố định, lâu dài được gọi là điểm gốc đo đạc quốc gia.

2. Hệ tọa độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia, hệ trọng lực quốc gia và độ sâu quốc gia được sử dụng để thể hiện kết quả đo đạc và bản đồ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Việc sử dụng hệ tọa độ quốc tế được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường thiết lập, tổ chức xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ công bố hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia, hệ tọa độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia, hệ trọng lực quốc gia để sử dụng thống nhất trong cả nước; thiết lập và công bố các tham số tính chuyển giữa hệ tọa độ quốc gia và hệ tọa độ quốc tế.

Điều 12. Hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia

1. Hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia bao gồm số liệu của mạng lưới tọa độ quốc gia, mạng lưới độ cao quốc gia, mạng lưới trọng lực quốc gia, mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia được thiết lập và sử dụng để thực hiện các hoạt động đo đạc và bản đồ trong cả nước.

2. Hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia được thiết lập theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thiết lập và công bố số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia để sử dụng thống nhất trong cả nước.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 13. Dữ liệu ảnh hàng không

1. Dữ liệu ảnh hàng không được thu nhận từ tàu bay. Việc thu nhận dữ liệu ảnh hàng không phải được Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền trước khi thực hiện để bảo đảm không chồng chéo; không thu nhận dữ liệu ảnh hàng không khi đã có dữ liệu phù hợp.

2. Việc quản lý hoạt động bay dân dụng phục vụ thu nhận dữ liệu ảnh hàng không được thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch bay chụp ảnh hàng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ; xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh hàng không trong cả nước.

4. Bộ Quốc phòng xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch bay chụp ảnh hàng không phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh và mục đích khác do Chính phủ giao.

5. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch bay chụp ảnh hàng không sau khi thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường; cung cấp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường một bộ bản sao dữ liệu ảnh hàng không trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hoàn thành kế hoạch bay chụp.

Điều 14. Dữ liệu ảnh viễn thám

1. Dữ liệu ảnh viễn thám được thu nhận từ vệ tinh viễn thám thông qua trạm thu dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám của Việt Nam và từ nguồn của nước ngoài; được lưu trữ, xử lý, cung cấp đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng chung.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức triển khai việc thu nhận, lưu trữ, xử lý, cung cấp dữ liệu ảnh viễn thám; xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất nhu cầu sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để thống nhất việc thu nhận.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 15. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia

1. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia được xây dựng đồng bộ, thống nhất trong cả nước.

2. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia được quy định như sau:

a) Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ lớn bao gồm 1:2.000, 1:5.000 và 1:10.000;

b) Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ trung bình bao gồm 1:25.000, 1:50.000 và 1:100.000;

c) Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ nhỏ bao gồm 1:250.000, 1:500.000 và 1:1.000.000.

3. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia trên đất liền tỷ lệ 1:2.000 và 1:5.000 được thành lập cho khu vực đô thị, khu vực phát triển đô thị, khu chức năng đặc thù, khu vực cần lập quy hoạch phân khu và quy hoạch nông thôn; cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000 và tỷ lệ nhỏ hơn được thành lập phủ kín đất liền Việt Nam.

4. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia, bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ lớn được thành lập cho khu vực đảo, quần đảo, cửa sông, cảng biển. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ trung bình được thành lập phủ kín nội thủy, lãnh hải. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ nhỏ được thành lập phủ kín vùng biển Việt Nam.

Điều 16. Xây dựng, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và thành lập, cập nhật hệ thống bản đồ địa hình quốc gia

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia trên đất liền tỷ lệ 1:10.000 và tỷ lệ nhỏ hơn;

b) Thành lập, cập nhật hệ thống bản đồ địa hình quốc gia trên đất liền tỷ lệ 1:10.000 và tỷ lệ nhỏ hơn;

c) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu và bản đồ địa hình quốc gia khu vực đảo, quần đảo, bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:10.000 và tỷ lệ nhỏ hơn;

d) Vận hành cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia thuộc phạm vi quản lý.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2.000 và 1:5.000 đối với phần đất liền, khu vực đảo, quần đảo, cửa sông, cảng biển thuộc phạm vi quản lý;

b) Thành lập, cập nhật bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000 và 1:5.000 đối với phần đất liền, khu vực đảo, quần đảo, cửa sông, cảng biển thuộc phạm vi quản lý;

c) Vận hành cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia thuộc phạm vi quản lý;

d) Gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định về sự cần thiết, phạm vi, giải pháp kỹ thuật công nghệ của dự án, nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, thành lập bản đồ địa hình quốc gia quy định tại điểm a và điểm b khoản này trước khi triển khai;

đ) Gửi một bộ dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia quy định tại điểm a và điểm b khoản này cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia phải được cập nhật đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định của Chính phủ.

Điều 17. Đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia

1. Đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia là hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ việc hoạch định, phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật về biên giới quốc gia.

2. Nội dung đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia bao gồm:

a) Thành lập bản đồ địa hình để hoạch định, phân giới, cắm mốc biên giới quốc gia;

b) Đo đạc, chuyển kết quả phân giới, cắm mốc lên bản đồ địa hình;

c) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia;

d) Đo đạc, thành lập, cập nhật bộ bản đồ chuẩn biên giới quốc gia;

đ) Hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ quản lý biên giới quốc gia.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biên giới quốc gia tổ chức thực hiện đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia.

Điều 18. Thể hiện biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ

1. Đường biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ phải được thể hiện chính xác trên sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ.

2. Tổ chức, cá nhân phải sử dụng bản đồ chuẩn biên giới quốc gia hoặc bản đồ biên giới do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp đối với khu vực chưa có bản đồ chuẩn biên giới quốc gia để thể hiện chính xác đường biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ trên sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ công bố bộ bản đồ chuẩn biên giới quốc gia;

b) Hướng dẫn việc thể hiện đường biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ trên sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ.

4. Trường hợp đường biên giới quốc gia chưa được phân định, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thể hiện đường biên giới quốc gia trên các loại bản đồ.

Điều 19. Đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính

1. Đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính là hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính và xác định địa giới hành chính.

2. Nội dung đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính bao gồm:

a) Đo đạc, thành lập bản đồ phục vụ lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp;

b) Đo đạc, chỉnh lý, bổ sung bản đồ địa giới hành chính theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; đo đạc, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do tác động của tự nhiên và quá trình phát triển kinh tế - xã hội;

c) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính;

d) Đo đạc phục vụ giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính các cấp.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện nội dung sau đây:

a) Nội dung quy định tại điểm b và điểm d khoản 2 Điều này đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh;

b) Nội dung quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện nội dung sau đây:

a) Nội dung quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Nội dung quy định tại điểm b và điểm d khoản 2 Điều này đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Điều 20. Yêu cầu, nguyên tắc và các trường hợp chuẩn hóa địa danh

1. Chuẩn hóa địa danh là việc xác minh và thống nhất cách đọc, cách viết tiếng Việt của địa danh.

2. Các địa danh Việt Nam và địa danh quốc tế phải được chuẩn hóa để sử dụng thống nhất.

3. Nguyên tắc chuẩn hóa địa danh bao gồm:

a) Mỗi đối tượng địa lý chỉ gắn với một địa danh;

b) Bảo đảm tính kế thừa, tính phổ thông, tính hội nhập, tôn trọng tín ngưỡng, tập quán và phù hợp với quy tắc ngôn ngữ học;

c) Phù hợp với địa danh được pháp luật quy định hoặc địa danh được sử dụng trong điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Các trường hợp phải chuẩn hóa địa danh bao gồm:

a) Địa danh tại một vị trí địa lý có nhiều tên, nhiều cách đọc, cách viết khác nhau;

b) Xuất hiện hoặc thay đổi đối tượng địa lý dẫn đến sự thay đổi địa danh.

5. Địa danh đã được chuẩn hóa phải được xây dựng thành cơ sở dữ liệu, cập nhật và công bố để sử dụng.

Điều 21. Trách nhiệm chuẩn hóa địa danh, sử dụng địa danh đã được chuẩn hóa

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai việc chuẩn hóa địa danh, thống nhất và ban hành danh mục địa danh đã được chuẩn hóa; xây dựng, cập nhật, công bố cơ sở dữ liệu địa danh đã được chuẩn hóa.

2. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất yêu cầu chuẩn hóa địa danh, cung cấp thông tin về địa danh thuộc phạm vi quản lý cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Đối với địa danh đã được chuẩn hóa, tổ chức, cá nhân phải sử dụng và thể hiện chính xác, thống nhất trong hoạt động đo đạc và bản đồ, bảo đảm phù hợp với từng giai đoạn lịch sử.