Luật Bảo hiểm xã hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2006/Chương II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Luật Bảo hiểm xã hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2006
của Quốc hội Việt Nam
Chương II: Quyền, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức bảo hiểm xã hội

Điều 15. Quyền của người lao động [sửa]

Người lao động có các quyền sau đây:

  1. Được cấp sổ bảo hiểm xã hội;
  2. Nhận sổ bảo hiểm xã hội khi không còn làm việc;
  3. Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời;
  4. Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:
    a) Đang hưởng lương hưu;
    b) Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;
    c) Đang hưởng trợ cấp thất nghiệp;
  5. Uỷ quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội;
  6. Yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin quy định tại điểm h khoản 1 Điều 18; yêu cầu tổ chức bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin quy định tại khoản 11 Điều 20 của Luật này;
  7. Khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội;
  8. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Trách nhiệm của người lao động [sửa]

  1. Người lao động có các trách nhiệm sau đây:
    a) Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này;
    b) Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội;
    c) Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội theo đúng quy định;
    d) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
  2. Ngoài việc thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn có các trách nhiệm sau đây:
    a) Đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội;
    b) Thông báo hằng tháng với tổ chức bảo hiểm xã hội về việc tìm kiếm việc làm trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp;
    c) Nhận việc làm hoặc tham gia khoá học nghề phù hợp khi tổ chức bảo hiểm xã hội giới thiệu.

Điều 17. Quyền của người sử dụng lao động [sửa]

Người sử dụng lao động có các quyền sau đây:

  1. Từ chối thực hiện những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
  2. Khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội;
  3. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Trách nhiệm của người sử dụng lao động [sửa]

  1. Người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau đây:
    a) Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 92 và hằng tháng trích từ tiền lương, tiền công của người lao động theo quy định tại khoản 1 Mục 1#91|Điều 91 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội;
    b) Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội của người lao động trong thời gian người lao động làm việc;
    c) Trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người đó không còn làm việc;
    d) Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ, đóng và hưởng bảo hiểm xã hội;
    đ) Trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động;
    e) Giới thiệu người lao động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 41, Điều 51 và điểm b khoản 1 Điều 55 của Luật này;
    g) Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
    h) Cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu;
    i) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
  2. Ngoài việc thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này, hằng tháng người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 102 và trích từ tiền lương, tiền công của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 102 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Điều 19. Quyền của tổ chức bảo hiểm xã hội [sửa]

Tổ chức bảo hiểm xã hội có các quyền sau đây:

  1. Tổ chức quản lý nhân sự, tài chính và tài sản theo quy định của pháp luật;
  2. Từ chối yêu cầu trả bảo hiểm xã hội không đúng quy định;
  3. Khiếu nại về bảo hiểm xã hội;
  4. Kiểm tra việc đóng bảo hiểm xã hội và trả các chế độ bảo hiểm xã hội;
  5. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội;
  6. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội;
  7. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm xã hội [sửa]

Tổ chức bảo hiểm xã hội có các trách nhiệm sau đây:

  1. Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; hướng dẫn thủ tục thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội;
  2. Thực hiện việc thu bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này;
  3. Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội; thực hiện việc trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, thuận tiện và đúng thời hạn;
  4. Cấp sổ bảo hiểm xã hội đến từng người lao động;
  5. Quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;
  6. Thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội;
  7. Tổ chức thực hiện công tác thống kê, kế toán, hướng dẫn nghiệp vụ về bảo hiểm xã hội;
  8. Giới thiệu người lao động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 41 của Luật này;
  9. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội; lưu trữ hồ sơ của người tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;
  10. Định kỳ sáu tháng, báo cáo Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội về tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội. Hằng năm, báo cáo Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội;
  11. Cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền được hưởng chế độ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu;
  12. Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  13. Giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện bảo hiểm xã hội;
  14. Thực hiện hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội;
  15. Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.