Luật Bảo hiểm xã hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2006/Chương VIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Điều 109. Sổ bảo hiểm xã hội[sửa]

  1. Sổ bảo hiểm xã hội được cấp đối với từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này. Mẫu Sổ bảo hiểm xã hội do tổ chức bảo hiểm xã hội quy định.
  2. Sổ bảo hiểm xã hội sẽ được dần thay thế bằng thẻ bảo hiểm xã hội điện tử trong quá trình áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý bảo hiểm xã hội. Chính phủ quy định thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội khi sử dụng thẻ bảo hiểm xã hội điện tử.

Điều 110. Hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội[sửa]

  1. Hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
    a) Tờ khai cá nhân của người lao động theo mẫu do tổ chức bảo hiểm xã hội quy định;
    b) Danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc do người sử dụng lao động lập;
    c) Bản sao quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép hoạt động đối với người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu; hợp đồng lao động đối với người sử dụng lao động là cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động.
  2. Hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là Tờ khai cá nhân theo mẫu do tổ chức bảo hiểm xã hội quy định.
  3. Hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
    a) Tờ khai cá nhân theo mẫu do tổ chức bảo hiểm xã hội quy định;
    b) Danh sách người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp do người sử dụng lao động lập.

Điều 111. Cấp Sổ bảo hiểm xã hội[sửa]

  1. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 110 của Luật này.
  2. Người lao động nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 110 của Luật này.
  3. Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cấp sổ bảo hiểm xã hội trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp; hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 112. Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau[sửa]

  1. Sổ bảo hiểm xã hội.
  2. Giấy xác nhận nghỉ ốm đối với người lao động điều trị ngoại trú, giấy ra viện đối với người lao động điều trị nội trú tại cơ sở y tế, giấy ra viện hoặc phiếu hội chẩn của bệnh viện đối với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.
  3. Xác nhận của người sử dụng lao động về điều kiện làm việc đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên.
  4. Giấy xác nhận của người sử dụng lao động về thời gian nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau, kèm theo giấy khám bệnh của con đối với người lao động nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau.
  5. Danh sách người nghỉ ốm và người nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau do người sử dụng lao động lập.

Điều 113. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản[sửa]

  1. Sổ bảo hiểm xã hội.

Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con hoặc giấy chứng tử trong trường hợp sau khi sinh con mà con chết hoặc mẹ chết.

Trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu, người lao động thực hiện các biện pháp tránh thai phải có giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi phải có chứng nhận theo quy định của pháp luật.

  1. Xác nhận của người sử dụng lao động về điều kiện làm việc đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc theo chế độ ba ca; làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên hoặc xác nhận của người sử dụng lao động đối với lao động nữ là người tàn tật.
  2. Danh sách người hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập.

Điều 114. Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động[sửa]

  1. Sổ bảo hiểm xã hội.
  2. Biên bản điều tra tai nạn lao động, trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì phải có thêm bản sao Biên bản tai nạn giao thông.
  3. Giấy ra viện sau khi đã điều trị tai nạn lao động.
  4. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa.
  5. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động.

Điều 115. Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp[sửa]

  1. Sổ bảo hiểm xã hội.
  2. Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại, trường hợp biên bản xác định cho nhiều người thì hồ sơ của mỗi người lao động có bản trích sao.
  3. Giấy ra viện sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp, trường hợp không điều trị tại bệnh viện thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.
  4. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa.
  5. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp.

Điều 116. Hồ sơ hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ[sửa]

  1. Danh sách người đã hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sức khoẻ còn yếu do người sử dụng lao động lập.
  2. Văn bản đề nghị giải quyết trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.

Điều 117. Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau ốm đau, thai sản[sửa]

  1. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ có liên quan từ người lao động quy định tại Điều 112Điều 113 của Luật này, người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động.
  2. Hằng quý, người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ của những người lao động đã được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại các điều 112, 113116 của Luật này.
  3. Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm quyết toán trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; trường hợp không quyết toán thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 118. Giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp[sửa]

  1. Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại các điều 114, 115116 của Luật này.
  2. Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 119. Hồ sơ hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc[sửa]

  1. Sổ bảo hiểm xã hội.
  2. Quyết định nghỉ việc đối với người đang đóng bảo hiểm xã hội; đơn đề nghị hưởng lương hưu đối với người bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
  3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa đối với người nghỉ hưu theo quy định tại Điều 51 của Luật này.

Điều 120. Hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc[sửa]

  1. Sổ bảo hiểm xã hội.
  2. Quyết định nghỉ việc trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 55; quyết định phục viên, xuất ngũ, thôi việc trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 55 của Luật này.
  3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 55 của Luật này.
  4. Bản sao giấy tờ định cư ở nước ngoài trong trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 55 của Luật này.
  5. Đơn đề nghị của người lao động trong trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 55 của Luật này.

Điều 121. Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc[sửa]

  1. Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất đối với người đang đóng bảo hiểm xã hội và người bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm:
    a) Sổ bảo hiểm xã hội;
    b) Giấy chứng tử, giấy báo tử hoặc quyết định của Toà án tuyên bố là đã chết;
    c) Tờ khai của thân nhân theo mẫu do tổ chức bảo hiểm xã hội quy định;
    d) Biên bản điều tra tai nạn lao động, bệnh án điều trị bệnh nghề nghiệp trong trường hợp chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
  2. Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất của người đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên bao gồm:
    a) Giấy chứng tử, giấy báo tử hoặc quyết định của Toà án tuyên bố là đã chết;
    b) Tờ khai của thân nhân theo mẫu do tổ chức bảo hiểm xã hội quy định.

Điều 122. Giải quyết hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, chế độ tử tuất đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc[sửa]

  1. Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 119, Điều 120 và khoản 1 Điều 121 của Luật này.
  2. Người lao động không còn quan hệ lao động thì trực tiếp nộp hồ sơ cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 119Điều 120 của Luật này.
  3. Thân nhân của người đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên nộp hồ sơ cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 121 của Luật này.
  4. Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ đối với người hưởng lương hưu; mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ đối với trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chế độ tử tuất; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 123. Hồ sơ hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, chế độ tử tuất đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện[sửa]

  1. Hồ sơ hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần bao gồm:
    a) Sổ bảo hiểm xã hội;
    b) Tờ khai cá nhân theo mẫu do tổ chức bảo hiểm xã hội quy định.
  2. Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất bao gồm:
    a) Sổ bảo hiểm xã hội đối với người đang đóng bảo hiểm xã hội;
    b) Giấy chứng tử, giấy báo tử hoặc quyết định của Toà án tuyên bố là đã chết;
    c) Tờ khai của thân nhân theo mẫu do tổ chức bảo hiểm xã hội quy định.

Điều 124. Giải quyết hưởng chế độ hưu trí, chế độ tử tuất đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện[sửa]

  1. Người lao động nộp hồ sơ cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 123, thân nhân của người đang hưởng lương hưu nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 123 của Luật này.
  2. Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ đối với người hưởng lương hưu; mười ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ đối với trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chế độ tử tuất; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 125. Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp[sửa]

  1. Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo mẫu do tổ chức bảo hiểm xã hội quy định.
  2. Bản sao hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hết hạn hoặc thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đúng pháp luật.

Điều 126. Giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp[sửa]

  1. Người lao động nộp hồ sơ cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 125 của Luật này.
  2. Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 127. Hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người chấp hành xong hình phạt tù[sửa]

  1. Đối với người chưa hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, hồ sơ bao gồm:
    a) Sổ bảo hiểm xã hội;
    b) Bản sao giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù;
    c) Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội.
  2. Đối với người đã hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thì hồ sơ bao gồm:
    a) Bản sao giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù;
    b) Đơn đề nghị hưởng tiếp bảo hiểm xã hội.

Điều 128. Giải quyết hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần đối với người chấp hành xong hình phạt tù[sửa]

  1. Người lao động nộp hồ sơ cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 127 của Luật này.
  2. Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 129. Di chuyển nơi hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội[sửa]

Khi người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng chuyển đến nơi ở khác trong nước mà muốn được hưởng bảo hiểm xã hội ở nơi mới thì phải có đơn gửi tổ chức bảo hiểm xã hội nơi đang hưởng.

Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được đơn; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.