Bước tới nội dung

Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2024/Chương I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về vị trí, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, nguồn lực, chế độ, chính sách; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công nghiệp quốc phòng, an ninh là bộ phận quan trọng, ngành đặc thù của công nghiệp quốc gia, thành phần cơ bản của thực lực, tiềm lực quốc phòng, an ninh; có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm, dịch vụ khác phục vụ quốc phòng, an ninh; góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.

2. Động viên công nghiệp là một nhiệm vụ của động viên quốc phòng, huy động một phần hoặc toàn bộ năng lực của doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang thuộc mọi thành phần kinh tế để sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật cho Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ; nghiên cứu, sản xuất vật tư kỹ thuật phục vụ quốc phòng. Động viên công nghiệp được chuẩn bị và thực hiện từ thời bình, thực hành động viên khi có lệnh động viên cục bộ hoặc tổng động viên và trong tình trạng chiến tranh.

3. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là cơ sở được đầu tư bằng nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập hoặc phê duyệt chủ trương thành lập hoặc Bộ Quốc phòng được giao quản lý, làm nòng cốt trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp.

4. Cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt là cơ sở được đầu tư bằng nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập hoặc phê duyệt chủ trương thành lập hoặc Bộ Công an được giao quản lý, làm nòng cốt trong xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh.

5. Cơ sở huy động là doanh nghiệp, tổ chức ngoài lực lượng vũ trang hoặc doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, đủ điều kiện theo quy định của Luật này được huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh.

6. Cơ sở công nghiệp động viên là doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang đủ điều kiện động viên công nghiệp, được đăng ký, quản lý và hoàn chỉnh dây chuyền động viên công nghiệp theo quy định của Luật này để thực hiện động viên công nghiệp.

7. Vũ khí trang bị kỹ thuật bao gồm các loại vũ khí, tổ hợp vũ khí, đạn dược, phương tiện, khí tài, trang bị kỹ thuật bổ trợ, phần mềm và sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu, tác chiến không gian mạng để phục vụ lực lượng vũ trang nhân dân, cơ yếu và các lực lượng thực thi pháp luật khác.

8. Vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược là vũ khí trang bị kỹ thuật có công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, có tính tích hợp hệ thống, uy lực mạnh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.

9. Vật tư kỹ thuật bao gồm các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, chi tiết, cụm chi tiết, bán thành phẩm, thiết bị, phụ tùng, phương tiện dùng cho hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ.

10. Phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ bao gồm các loại máy móc, thiết bị, hệ thống thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ, phần mềm, sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu, an ninh mạng và các phương tiện khác để phục vụ nghiệp vụ công tác công an và các lực lượng thực thi pháp luật khác.

11. Phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt là phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ có tính năng hiện đại, công nghệ cao, có tính phòng ngừa, răn đe, đấu tranh trấn áp, tạo sự đột phá trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thuộc Danh mục tài sản đặc biệt trong Công an nhân dân.

12. Công nghệ lưỡng dụng là công nghệ phục vụ cho cả mục đích quốc phòng, an ninh và dân sinh.

13. Dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh là các dịch vụ về tư vấn, phi tư vấn, thương mại, đầu tư, công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh do cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh và các tổ chức khác đủ điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật.

14. Sản xuất quốc phòng, an ninh là quá trình tạo ra các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh. Sản xuất quốc phòng, an ninh bao gồm:

a) Sản xuất quốc phòng là quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật; sản xuất sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu, tác chiến không gian mạng; sản xuất vật tư kỹ thuật và sản phẩm khác phục vụ quốc phòng, an ninh;

b) Sản xuất an ninh là quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ; sản xuất sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu trong công tác công an; sản xuất sản phẩm an ninh mạng; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí theo quy định của pháp luật; sản xuất vật tư kỹ thuật và sản phẩm khác phục vụ an ninh.

15. Sản phẩm quốc phòng, an ninh là sản phẩm được tạo ra từ hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh, bao gồm sản phẩm quốc phòng và sản phẩm an ninh.

16. Sản phẩm động viên công nghiệp bao gồm vũ khí trang bị kỹ thuật được sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng và vật tư kỹ thuật được sản xuất trong thời bình, khi có lệnh động viên cục bộ hoặc tổng động viên và trong tình trạng chiến tranh do cơ sở công nghiệp động viên thực hiện.

17. Dây chuyền động viên công nghiệp là hệ thống trang thiết bị công nghệ, phương tiện, nhân lực được bố trí, vận hành đồng bộ để sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, sản xuất vật tư kỹ thuật để thực hiện động viên công nghiệp.

18. Chỉ tiêu động viên công nghiệp là số lượng sản phẩm động viên công nghiệp thực hiện theo quyết định giao nhiệm vụ động viên công nghiệp.

19. Chuẩn bị động viên công nghiệp là thực hiện các hoạt động và biện pháp để sẵn sàng thực hành động viên công nghiệp; sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp theo chỉ tiêu được giao.

20. Thực hành động viên công nghiệp là thực hiện kế hoạch động viên công nghiệp khi có lệnh động viên cục bộ hoặc tổng động viên và trong tình trạng chiến tranh.

21. Công nghệ nền là công nghệ làm cơ sở cho các công nghệ khác ứng dụng trong quá trình sản xuất quốc phòng, an ninh.

22. Công nghệ lõi là công nghệ cốt lõi, có tính quyết định đối với việc hình thành và bảo đảm chất lượng sản phẩm quốc phòng, an ninh.

23. Tổng công trình sư là người đứng đầu, chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình, đề án, dự án nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

Điều 3. Áp dụng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và pháp luật có liên quan

1. Hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp với luật khác về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đối với các nội dung sau đây:

a) Phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp; việc chuyển nguồn ngân sách mua sắm, sản xuất sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt;

b) Giao nhiệm vụ, đặt hàng sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh; hình thức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu sản xuất cung cấp sản phẩm quốc phòng, an ninh; Hội đồng thẩm định đối với dự án nhóm A; hình thức lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn nhà thầu đối với chương trình, dự án đầu tư, mua sắm vật tư sản xuất phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh có nội dung được xác định bí mật nhà nước độ Tối mật trở lên; đàm phán, ký kết hợp đồng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài;

c) Thẩm quyền phê duyệt và ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia; dự toán kinh phí dự phòng đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt;

d) Giá vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ khi áp dụng phương pháp định giá chung có nội dung đặc thù; thực hiện chỉ định nhà cung cấp và áp dụng hình thức đàm phán giá đối với việc mua sắm sản phẩm mẫu, vật tư, bán thành phẩm đặc chủng phục vụ sản xuất quốc phòng, an ninh;

đ) Miễn trách nhiệm dân sự khi thực hiện hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh; quy định về chế độ, chính sách đối với chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư;

e) Chế độ, chính sách đối với người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.

3. Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp khác với quy định của Luật này thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó, trừ quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 4. Vị trí, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp

1. Công nghiệp quốc phòng là thành phần của công nghiệp quốc phòng, an ninh, có nhiệm vụ sau đây:

a) Thực hiện sản xuất quốc phòng;

b) Bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang nhân dân, cơ yếu và các lực lượng thực thi pháp luật khác;

c) Cất trữ vật tư kỹ thuật cho công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp;

d) Đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng;

đ) Hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng;

e) Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

g) Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Công nghiệp an ninh là thành phần của công nghiệp quốc phòng, an ninh, có nhiệm vụ sau đây:

a) Thực hiện sản xuất an ninh;

b) Bảo đảm phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng Công an nhân dân, cơ yếu và các lực lượng thực thi pháp luật khác;

c) Cất trữ vật tư kỹ thuật cho công nghiệp an ninh;

d) Đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp an ninh;

đ) Hợp tác quốc tế về công nghiệp an ninh;

e) Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

g) Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Động viên công nghiệp là một nhiệm vụ của động viên quốc phòng, bao gồm các hoạt động sau đây:

a) Khảo sát, lựa chọn, đăng ký, quản lý, theo dõi năng lực doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp;

b) Đánh giá khả năng bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt và bảo đảm từ các nguồn khác để xác định nhu cầu động viên công nghiệp;

c) Xây dựng kế hoạch động viên công nghiệp;

d) Giao nhiệm vụ, chỉ tiêu động viên công nghiệp; giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu để sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp;

đ) Hoàn chỉnh, quản lý, duy trì năng lực dây chuyền động viên công nghiệp;

e) Sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp;

g) Diễn tập động viên công nghiệp;

h) Thực hành động viên công nghiệp.

Điều 5. Nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

1. Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước.

2. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, chủ động hội nhập quốc tế, trong đó nội lực là yếu tố quyết định.

4. Phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống.

5. Cơ cấu tổ chức bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, hoạt động đồng bộ, thống nhất, phù hợp với đặc thù lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

6. Gắn kết chặt chẽ và phát huy tối đa năng lực của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh trùng lặp trong đầu tư xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

7. Động viên công nghiệp được chuẩn bị và thực hiện từ thời bình; bảo đảm chủ động, kịp thời, đầy đủ, đáp ứng nhu cầu khi có lệnh động viên cục bộ hoặc tổng động viên và trong tình trạng chiến tranh. Động viên công nghiệp được tiến hành trên cơ sở năng lực của doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn đóng vai trò chủ đạo. Xây dựng mạng lưới cơ sở công nghiệp động viên rộng khắp, đa dạng về sản phẩm, gắn kết chặt chẽ với hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt.

Điều 6. Chính sách của Nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

1. Ưu tiên bảo đảm ngân sách, có chính sách, cơ chế đặc thù cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

2. Xây dựng, phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, thiết kế, chế tạo với sản xuất, sửa chữa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.

3. Ưu tiên nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh.

4. Huy động tối đa nguồn lực của công nghiệp quốc gia, xây dựng và phát triển công trình hạ tầng phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; thu hút, đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

5. Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, gắn kết chặt chẽ, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

6. Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

7. Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Điều 7. Ban chỉ đạo Nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Ban chỉ đạo Nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tổ chức chỉ đạo, điều hành về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Ban chỉ đạo Nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Làm lộ bí mật nhà nước về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp.

2. Hủy hoại, cố ý làm hỏng, mua, bán, tặng cho, cho thuê, cầm cố, thế chấp, khai thác, sử dụng trái phép trang thiết bị và tài sản khác do Nhà nước giao cho cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở công nghiệp động viên.

3. Mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vật tư kỹ thuật và sản phẩm động viên công nghiệp.

4. Chiếm đoạt, sử dụng, mua, bán và chuyển giao trái phép thông tin, tài liệu, sáng chế, quy trình và bí quyết công nghệ thuộc bí mật nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

5. Cản trở, trốn tránh trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, trong chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp.

6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

7. Phân biệt đối xử về giới trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.