Bước tới nội dung

Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2024/Chương II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương II
CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH

Mục 1
QUY HOẠCH CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, QUY HOẠCH CÔNG NGHIỆP AN NINH

Điều 9. Nguyên tắc lập quy hoạch công nghiệp quốc phòng, quy hoạch công nghiệp an ninh

1. Quy hoạch công nghiệp quốc phòng, quy hoạch công nghiệp an ninh là quy hoạch ngành quốc gia; được lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh theo quy định của Luật này và pháp luật về quy hoạch.

2. Bảo đảm đồng bộ và có quy mô hợp lý, phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh.

3. Khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, nguồn lực trong nước và nước ngoài để xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

Điều 10. Căn cứ lập quy hoạch công nghiệp quốc phòng, quy hoạch công nghiệp an ninh

1. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các chiến lược về quốc phòng, an ninh; nhu cầu bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng thực thi pháp luật khác.

2. Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia; nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; quy hoạch thời kỳ trước.

3. Khả năng cân đối nguồn lực đầu tư của Nhà nước và nguồn lực hợp pháp khác cho xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

Điều 11. Nội dung quy hoạch công nghiệp quốc phòng, quy hoạch công nghiệp an ninh

1. Phân tích, đánh giá về yếu tố, điều kiện tự nhiên, tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

2. Dự báo xu thế phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh trong thời kỳ quy hoạch.

3. Xác định yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đối với công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; cơ hội và thách thức đối với phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

4. Quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ.

5. Hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, hệ thống cơ sở công nghiệp an ninh.

6. Các chương trình, dự án trọng điểm.

7. Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

8. Nội dung khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Điều 12. Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch công nghiệp quốc phòng, quy hoạch công nghiệp an ninh

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an giao nhiệm vụ lập quy hoạch công nghiệp quốc phòng, quy hoạch công nghiệp an ninh cho cơ quan chuyên môn quản lý về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

2. Cơ quan lập quy hoạch thực hiện các nội dung sau đây:

a) Xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Xây dựng quy hoạch và trình Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an gửi lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, đơn vị có liên quan về quy hoạch;

c) Tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trình Hội đồng thẩm định quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ thành lập;

d) Nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện quy hoạch báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Việc công bố quy hoạch công nghiệp quốc phòng, quy hoạch công nghiệp an ninh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

4. Việc điều chỉnh quy hoạch công nghiệp quốc phòng, quy hoạch công nghiệp an ninh khi có sự thay đổi về căn cứ lập quy hoạch và được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Mục 2
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT QUỐC PHÒNG, AN NINH

Điều 13. Yêu cầu quản lý hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh

1. Bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa và khai thác, sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ.

2. Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong quản lý hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh; kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, tiến độ, quy trình sản xuất từ giai đoạn lập kế hoạch sản xuất đến khi nghiệm thu và bàn giao sản phẩm.

3. Việc cung cấp sản phẩm quốc phòng, an ninh thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng và các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật này và pháp luật về đấu thầu. Ưu tiên thực hiện hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng sản phẩm quốc phòng, an ninh tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt theo kế hoạch sản xuất quốc phòng, kế hoạch sản xuất an ninh.

4. Kế hoạch sản xuất quốc phòng, kế hoạch sản xuất an ninh phù hợp với nhu cầu trang bị và bảo đảm duy trì năng lực sản xuất của dây chuyền sản xuất quốc phòng, an ninh.

5. Việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh phải bảo đảm bảo mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 14. Nội dung quản lý hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh

1. Nội dung quản lý hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh bao gồm:

a) Xây dựng, phê duyệt danh mục sản phẩm quốc phòng, an ninh; kế hoạch sản xuất quốc phòng, kế hoạch sản xuất an ninh;

b) Giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu;

c) Bảo đảm sản xuất;

d) Tổ chức sản xuất;

đ) Nghiệm thu, bàn giao sản phẩm;

e) Báo cáo, kiểm tra.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất quốc phòng, kế hoạch sản xuất an ninh thuộc phạm vi quản lý.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết khoản 1 Điều này.

Điều 15. Giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý, cơ sở công nghiệp an ninh do Bộ Công an quản lý

1. Giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng sản phẩm quốc phòng, an ninh phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của lực lượng vũ trang;

b) Sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh để thực hiện nhiệm vụ cấp bách;

c) Sản phẩm quốc phòng, an ninh sản xuất đơn chiếc;

d) Sản phẩm quốc phòng chỉ do một cơ sở công nghiệp quốc phòng sản xuất; sản phẩm an ninh chỉ do một cơ sở công nghiệp an ninh sản xuất;

đ) Sản phẩm quốc phòng, an ninh chưa xây dựng được định mức kinh tế - kỹ thuật;

e) Trường hợp khác để bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

2. Việc giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý, cơ sở công nghiệp an ninh do Bộ Công an quản lý được quy định như sau:

a) Cơ quan trực tiếp quản lý cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh được giao nhiệm vụ, ngân sách sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh;

b) Cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh có chức năng, nhiệm vụ và đủ năng lực sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh.

3. Thẩm quyền giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm quốc phòng và ngân sách cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng; Bộ trưởng Bộ Công an giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm an ninh và ngân sách cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công an;

b) Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho cơ sở công nghiệp quốc phòng thuộc quyền có chức năng, nhiệm vụ sản xuất sản phẩm quốc phòng; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công an giao nhiệm vụ cho cơ sở công nghiệp an ninh thuộc quyền có chức năng, nhiệm vụ sản xuất sản phẩm an ninh.

Điều 16. Đặt hàng sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý, cơ sở công nghiệp an ninh do Bộ Công an quản lý

1. Đặt hàng sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh được thực hiện thông qua hợp đồng giữa cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh.

2. Đặt hàng sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Sản phẩm quốc phòng, an ninh đã có định mức kinh tế - kỹ thuật;

b) Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, chế thử, thử nghiệm, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng sản phẩm quốc phòng, an ninh;

c) Sản phẩm quốc phòng, an ninh sản xuất loạt;

d) Để đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong trường hợp cần thiết.

3. Việc đặt hàng sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh tại cơ sở công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý, cơ sở công nghiệp an ninh do Bộ Công an quản lý được quy định như sau:

a) Cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các lực lượng thực thi pháp luật khác được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, cá nhân có nhu cầu và đủ điều kiện quản lý, sử dụng sản phẩm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;

b) Cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh nhận đặt hàng có chức năng, nhiệm vụ và đủ năng lực sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh phù hợp yêu cầu đặt hàng.

Điều 17. Đấu thầu sản xuất, cung cấp sản phẩm quốc phòng, an ninh đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý, cơ sở công nghiệp an ninh do Bộ Công an quản lý

1. Hình thức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu để sản xuất, cung cấp sản phẩm quốc phòng, an ninh thực hiện theo hình thức đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

2. Việc đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với gói thầu theo quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Điều 18. Giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp và ngân sách cho cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.

2. Cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp cho cơ sở công nghiệp động viên.

3. Cơ sở công nghiệp động viên tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 7 Điều 29 của Luật này thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Việc chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc giao nhiệm vụ, đặt hàng sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp.

Điều 19. Giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đối với cơ sở huy động

1. Cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu.

2. Việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đối với cơ sở huy động được quy định như sau:

a) Giao nhiệm vụ được thực hiện đối với lĩnh vực quy định tại khoản 4 Điều 29 của Luật này;

b) Đặt hàng được thực hiện đối với lĩnh vực quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật này;

c) Chỉ định thầu được thực hiện đối với lĩnh vực quy định tại các khoản 1, 2, 5, 6 và 7 Điều 29 của Luật này. Việc chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định việc giao nhiệm vụ, đặt hàng cho cơ sở huy động.

Mục 3
NGUỒN LỰC CHO CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH

Điều 20. Nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Ngân sách nhà nước.

2. Nguồn tài chính của doanh nghiệp gồm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và các nguồn vốn huy động hợp pháp theo quy định của pháp luật.

3. Nguồn từ Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các quỹ hợp pháp khác chi cho công nghiệp quốc phòng, an ninh.

4. Nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 21. Quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Ưu tiên phân bổ nguồn lực trong kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm cho nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, an ninh của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

2. Nhà nước bảo đảm cấp đủ vốn điều lệ ban đầu, đầu tư bổ sung và tăng vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước cho cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.

3. Trong trường hợp cấp bách, được sử dụng dự phòng ngân sách trung ương để thực hiện nhiệm vụ đầu tư, sản xuất sản phẩm công nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

4. Lợi nhuận sau thuế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật, được sử dụng toàn bộ để thực hiện các nhiệm vụ sau đây theo quy định của Chính phủ:

a) Trích lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh;

b) Hỗ trợ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất sản phẩm mới, công nghệ cao và bù đắp chi phí cho doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt không thành công;

c) Nộp ngân sách nhà nước phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập, chi cho các nhiệm vụ quy định tại điểm a và điểm b khoản này để Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao nhiệm vụ, đặt hàng sản xuất hoặc mua sắm vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.

5. Ngân sách mua sắm, sản xuất sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt nếu chưa sử dụng hết thì được phép chuyển nguồn đến khi nghiệm thu, thanh lý hợp đồng hoặc kết thúc nhiệm vụ.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 22. Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương, do Chính phủ quản lý để hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

2. Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh được hình thành từ các nguồn tài chính sau đây:

a) Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;

b) Nguồn vốn hợp pháp được cấp có thẩm quyền quyết định;

c) Nguồn trích lập từ lợi nhuận sau thuế theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21 của Luật này;

d) Đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước;

đ) Nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh được quy định như sau:

a) Không vì mục đích lợi nhuận;

b) Quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả;

c) Hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý, phân bổ và sử dụng Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Điều 23. Hoạt động đầu tư, sản xuất phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Chương trình, dự án trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh được tập trung nguồn lực, bố trí đủ vốn và ưu tiên đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

2. Chương trình, dự án đầu tư, mua sắm vật tư có nội dung được xác định bí mật nhà nước độ Tối mật trở lên theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước để triển khai nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh thì các gói thầu thuộc chương trình, dự án đầu tư, mua sắm đó được xác định là gói thầu cần thực hiện để bảo vệ bí mật nhà nước và được chỉ định thầu. Việc chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

3. Chương trình, dự án nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt được áp dụng trình tự, thủ tục đầu tư công khẩn cấp theo quy định của Luật Đầu tư công. Việc mua sắm sản phẩm mẫu, vật tư, bán thành phẩm đặc chủng phục vụ sản xuất quốc phòng, an ninh được thực hiện chỉ định nhà cung cấp và áp dụng hình thức đàm phán giá theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

4. Đối với dự án đầu tư tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh trong bước phê duyệt chủ trương đầu tư cho phép đàm phán, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài để có cơ sở lập thẩm định phê duyệt dự án đầu tư.

5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với chương trình, dự án nhóm A trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh thuộc phạm vi quản lý.

Điều 24. Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

1. Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Phù hợp với chủ trương, chiến lược xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; phát huy nội lực trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;

b) Sản phẩm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thực hiện theo cơ chế giao nhiệm vụ từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, đánh giá, sản xuất thử đến nghiệm thu sản phẩm xác định đủ điều kiện sản xuất;

c) Tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng tài liệu thiết kế, tài liệu công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất quốc phòng, an ninh;

d) Đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất.

2. Nội dung hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong công nghiệp quốc phòng, an ninh bao gồm:

a) Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và sản phẩm phục vụ dân sinh;

b) Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tài liệu thiết kế và tài liệu công nghệ trong sản xuất quốc phòng, an ninh;

c) Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, cải tiến, hiện đại hóa trang thiết bị, dây chuyền sản xuất để bảo đảm an toàn và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tính lưỡng dụng;

d) Nghiên cứu nội dung, phương pháp và điều kiện bảo đảm đánh giá chất lượng sản phẩm của quá trình sản xuất quốc phòng, an ninh;

đ) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học cơ bản; phát triển, làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi, công nghệ chế tạo sản phẩm phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh;

e) Tìm kiếm, giải mã, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ cao phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh;

g) Hợp tác chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất quốc phòng, an ninh.

Điều 25. Nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh bao gồm:

a) Nhân lực tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt, cơ sở công nghiệp quốc phòng khác, cơ sở công nghiệp an ninh khác;

b) Nhân lực tại cơ sở công nghiệp động viên trực tiếp tham gia nhiệm vụ động viên công nghiệp;

c) Nhân lực tại cơ sở huy động trong thời gian thực hiện nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

2. Nhân lực tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt, cơ sở công nghiệp quốc phòng khác, cơ sở công nghiệp an ninh khác bao gồm:

a) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng làm việc tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an làm việc tại cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt;

b) Lao động hợp đồng;

c) Chuyên gia, nhà khoa học theo hình thức thuê khoán hoặc hợp tác tư vấn;

d) Người có ngành nghề, trình độ chuyên môn phù hợp được cấp có thẩm quyền điều động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh trong tình trạng chiến tranh và tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

3. Căn cứ yêu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan, cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong nước và nước ngoài xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực. Ưu tiên xây dựng chương trình về đào tạo, bồi dưỡng tổng công trình sư phục vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

4. Ưu tiên tuyển dụng nhà khoa học, chuyên gia, người lao động có tay nghề cao đã tham gia và hoàn thành chương trình, đề án, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh vào làm việc tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.

5. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong phạm vi quản lý, xây dựng quy chế tuyển dụng; chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, nhân lực trong ngành nghề, lĩnh vực mà quân đội, công an có nhu cầu để phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh; bố trí công việc theo chức danh biên chế, diện quản lý phù hợp với lĩnh vực đào tạo.

Điều 26. Dự trữ vật tư kỹ thuật công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh

1. Nhà nước bảo đảm việc dự trữ vật tư kỹ thuật phục vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh mà trong nước chưa sản xuất được; thực hiện dự trữ vật tư kỹ thuật đáp ứng nhu cầu sử dụng thời bình và năm đầu chiến tranh, cho nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc trong tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lập danh mục, xây dựng kế hoạch dự trữ vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và năm đầu chiến tranh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lập danh mục, xây dựng kế hoạch dự trữ vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc trong tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh, bổ sung danh mục vật tư kỹ thuật dự trữ cho công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

Điều 27. Đất sử dụng cho công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Đất sử dụng cho công nghiệp quốc phòng, an ninh là đất quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong phạm vi quản lý, chủ trì, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập, tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh theo quy định của pháp luật về đất đai, trong đó có đất phục vụ xây dựng và phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.

Mục 4
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH LƯỠNG DỤNG

Điều 28. Phát triển công nghệ lưỡng dụng

1. Nhà nước ưu tiên, khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ lưỡng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Việc chuyển giao công nghệ lưỡng dụng được thực hiện như sau:

a) Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt được chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp dân sinh để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu;

b) Cơ sở công nghiệp dân sinh có công nghệ tiên tiến, hiện đại được chuyển giao công nghệ và tham gia hoạt động nghiên cứu, sản xuất, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; ưu tiên công nghệ có khả năng tạo ra các sản phẩm mới và phát triển các loại vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng danh mục công nghệ lưỡng dụng được ưu tiên đầu tư phát triển trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 29. Lĩnh vực tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh đối với cơ sở huy động

1. Nghiên cứu, sản xuất chi tiết, phụ tùng, vật tư, bán thành phẩm của sản phẩm quốc phòng, an ninh.

2. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nền, công nghệ lõi phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

3. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; cung cấp sản phẩm, dịch vụ về quản trị doanh nghiệp, an toàn thông tin, công nghệ cao.

4. Dịch vụ thanh toán và cấp tín dụng.

5. Chuyển giao công nghệ cho cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.

6. Sản xuất sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh thông qua liên doanh, liên kết với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.

7. Cung ứng, dự trữ, bảo quản vật tư sản xuất quốc phòng, an ninh.

Điều 30. Điều kiện, hình thức tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh của cơ sở huy động

1. Cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh;

b) Bảo đảm an toàn, bí mật;

c) Đối với doanh nghiệp ngoài điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này phải bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh thông qua hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa công nghiệp dân sinh và công nghiệp quốc phòng, an ninh. Trường hợp cung cấp dịch vụ thanh toán, cấp tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 31. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh

1. Cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh có các quyền sau đây:

a) Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh;

b) Được cung cấp và sử dụng thông tin trong phạm vi phục vụ triển khai nhiệm vụ hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh;

c) Khi trực tiếp tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh thuộc lĩnh vực quy định tại Điều 29 của Luật này được hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại các điểm c, d, đ khoản 1 Điều 64 của Luật này và pháp luật về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

2. Cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh theo đúng phạm vi, nhiệm vụ, kế hoạch, lĩnh vực được giao và tuân thủ hợp đồng đã ký kết;

b) Bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;

c) Chấp hành chế độ kiểm tra, báo cáo về hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật.

Điều 32. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt tham gia sản xuất sản phẩm phục vụ dân sinh

1. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt thực hiện sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ dân sinh có các quyền sau đây:

a) Sử dụng nhân lực, cơ sở vật chất để nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ dân sinh, tham gia phát triển kinh tế - xã hội; chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp dân sinh;

b) Được ưu đãi về tín dụng, đất đai và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật khi tham gia nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới, hiện đại, có vai trò dẫn dắt đối với công nghiệp quốc gia và nền kinh tế;

c) Liên doanh, liên kết, hợp tác với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ dân sinh theo quy định của pháp luật.

2. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt thực hiện sản xuất sản phẩm phục vụ dân sinh có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo toàn vốn theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

b) Bảo đảm an toàn, bí mật nhà nước trong quá trình tham gia sản xuất sản phẩm, dịch vụ phục vụ dân sinh;

c) Thực hiện hạch toán riêng đối với doanh thu từ sản phẩm, dịch vụ phục vụ dân sinh.

Mục 5
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

Điều 33. Hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng

1. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt.

2. Cơ sở công nghiệp quốc phòng khác.

3. Cơ sở huy động tham gia công nghiệp quốc phòng.

4. Cơ sở công nghiệp động viên.

Điều 34. Tiêu chí, loại hình cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt

1. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

a) Là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc tổ chức được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập, phê duyệt chủ trương thành lập hoặc Bộ Quốc phòng được giao quản lý;

b) Có chức năng, nhiệm vụ: nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật; sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược; sản xuất vật tư kỹ thuật; sản xuất sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu, tác chiến không gian mạng; đào tạo nhân lực cho công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp; hoạt động thương mại quân sự, cung cấp dịch vụ công nghiệp quốc phòng; cất trữ vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật cấp chiến lược;

c) Có tổ chức, biên chế tương đương cấp lữ đoàn trở lên trong Quân đội nhân dân.

2. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt gồm các loại hình sau đây:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

b) Đơn vị sự nghiệp công lập;

c) Cơ sở cất trữ vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật cấp chiến lược.

3. Căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Bộ Quốc phòng lập Danh mục cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 35. Hoạt động của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt

1. Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật phục vụ quốc phòng, an ninh; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vật tư kỹ thuật; sản xuất sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu, tác chiến không gian mạng phục vụ quốc phòng, an ninh.

2. Sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ khác bảo đảm hoạt động công nghiệp quốc phòng.

3. Đào tạo nhân lực cho công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp.

4. Chuyển giao công nghệ, tài liệu, hướng dẫn, đào tạo, huấn luyện nhân lực; tham gia nghiệm thu sản phẩm, dây chuyền; kiểm tra, tiếp nhận sản phẩm trong chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp.

5. Cất trữ vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật cấp chiến lược cho công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp.

6. Liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Điều 36. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của cơ sở công nghiệp quốc phòng khác

1. Cơ sở công nghiệp quốc phòng khác là cơ sở được đầu tư bằng nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập hoặc được giao quản lý để phục vụ quốc phòng, an ninh. Cơ sở công nghiệp quốc phòng khác có chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí trang bị kỹ thuật cấp chiến thuật, chiến dịch;

b) Cất trữ, bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật và vật tư kỹ thuật;

c) Chuyển giao công nghệ, tài liệu, hướng dẫn, huấn luyện nhân lực; tham gia nghiệm thu sản phẩm, dây chuyền; kiểm tra, tiếp nhận sản phẩm trong chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp.

2. Cơ sở công nghiệp quốc phòng khác có tổ chức, biên chế tương đương cấp trung đoàn trở xuống trong Quân đội nhân dân.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế của cơ sở công nghiệp quốc phòng khác.

Điều 37. Hoạt động của cơ sở công nghiệp động viên

1. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ động viên công nghiệp.

2. Bồi dưỡng chuyên môn cho người lao động bố trí trong dây chuyền động viên công nghiệp.

3. Quản lý số lượng, chất lượng trang thiết bị chuyên dùng, tài liệu công nghệ được giao.

4. Quản lý kế hoạch động viên công nghiệp.

5. Thực hiện các hoạt động để duy trì năng lực của dây chuyền động viên công nghiệp và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp theo nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao.

6. Thực hiện nhiệm vụ trong chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp theo quy định của Luật này.

Mục 6
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG NGHIỆP AN NINH

Điều 38. Hệ thống cơ sở công nghiệp an ninh

1. Cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.

2. Cơ sở công nghiệp an ninh khác.

3. Cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp an ninh.

Điều 39. Tiêu chí, loại hình cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt

1. Cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

a) Là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc tổ chức được Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập, phê duyệt chủ trương thành lập hoặc Bộ Công an được giao quản lý;

b) Có chức năng, nhiệm vụ: nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt; sản xuất vật tư kỹ thuật; sản xuất sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu trong công tác công an theo quy định của pháp luật về cơ yếu; sản xuất sản phẩm an ninh mạng; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí theo quy định của pháp luật; hoạt động thương mại an ninh, cung cấp sản phẩm, dịch vụ an ninh; đào tạo nhân lực; cất trữ phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, vật tư kỹ thuật;

c) Có tổ chức biên chế từ cấp phòng trở lên trong Công an nhân dân.

2. Cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt gồm các loại hình sau đây:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

b) Đơn vị sự nghiệp công lập;

c) Cơ sở cất trữ phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, vật tư kỹ thuật.

3. Căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Bộ Công an lập Danh mục cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 40. Hoạt động của cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt

1. Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vật tư kỹ thuật; sản xuất sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu trong công tác công an theo quy định của pháp luật về cơ yếu, sản phẩm an ninh mạng phục vụ công tác công an; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí theo quy định của pháp luật.

2. Sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ khác bảo đảm hoạt động công nghiệp an ninh.

3. Đào tạo nhân lực cho công nghiệp an ninh.

4. Chuyển giao công nghệ, tài liệu, hướng dẫn, đào tạo, huấn luyện nhân lực; tham gia nghiệm thu sản phẩm, dây chuyền; kiểm tra, tiếp nhận sản phẩm cho công nghiệp an ninh.

5. Cất trữ phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, vật tư kỹ thuật cho công nghiệp an ninh.

6. Liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Điều 41. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của cơ sở công nghiệp an ninh khác

1. Cơ sở công nghiệp an ninh khác là cơ sở được đầu tư bằng nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập hoặc được giao quản lý để phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Cơ sở công nghiệp an ninh khác có chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật cho phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ;

b) Cất trữ, bảo quản phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và vật tư kỹ thuật.

2. Cơ sở công nghiệp an ninh khác có tổ chức, biên chế tương đương cấp phòng trở xuống trong Công an nhân dân.

3. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế của cơ sở công nghiệp an ninh khác.

Mục 7
TỔ HỢP CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

Điều 42. Chức năng, nhiệm vụ, thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng

1. Tổ hợp công nghiệp quốc phòng là hệ thống liên kết, hợp tác của cơ sở công nghiệp quốc phòng, tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 30 của Luật này, do cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt làm hạt nhân để hình thành chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm quốc phòng theo nhóm, chuyên ngành sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật.

2. Tổ hợp công nghiệp quốc phòng có chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất quốc phòng;

b) Làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi, chuyển giao, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại;

c) Huy động nguồn lực quốc gia phát triển công nghiệp quốc phòng;

d) Nghiên cứu, sản xuất sản phẩm phục vụ dân sinh, chuyển giao công nghệ phù hợp cho công nghiệp dân sinh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;

đ) Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tham gia xuất khẩu sản phẩm quốc phòng.

3. Thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng bao gồm:

a) Hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt;

b) Thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng gồm tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài Quân đội nhân dân; tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở đào tạo.

4. Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 43. Hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng

1. Hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt có đủ nguồn lực, tiềm lực khoa học và công nghệ để chủ trì, dẫn dắt, định hướng tổ chức nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, sản xuất và hoàn chỉnh sản phẩm quốc phòng.

2. Hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng được hưởng các chính sách sau đây:

a) Nhà nước giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện chương trình nghiên cứu, thiết kế, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật theo chuyên ngành sản phẩm; tự chủ điều phối trong nghiên cứu, sản xuất, huy động năng lực của các thành phần tổ hợp công nghiệp quốc phòng;

b) Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ chương trình nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật do Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng;

c) Sử dụng một phần từ Quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp để hỗ trợ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;

d) Sử dụng cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư để phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

3. Hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng có trách nhiệm sau đây:

a) Lập danh sách thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng, ưu tiên cơ sở công nghiệp động viên, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt;

b) Tổ chức điều phối, chủ trì nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, thử nghiệm sản phẩm của tổ hợp công nghiệp quốc phòng;

c) Hoàn chỉnh và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ của tổ hợp công nghiệp quốc phòng;

d) Bảo đảm bí mật nhà nước, an ninh, an toàn trong quá trình liên doanh, liên kết, ký hợp đồng với các thành phần của tổ hợp;

đ) Xây dựng, ban hành, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế hoạt động của tổ hợp công nghiệp quốc phòng;

e) Hạch toán theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 44. Thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng

1. Thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng được thành lập theo quy định của pháp luật và có ngành nghề sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực hoạt động phù hợp với nhu cầu của tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

2. Thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng tham gia thông qua việc liên doanh, liên kết, ký hợp đồng với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, cung cấp dịch vụ của tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

3. Thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 31 của Luật này.

Điều 45. Chính sách của Nhà nước đối với tổ hợp công nghiệp quốc phòng

1. Tạo điều kiện thúc đẩy liên doanh, liên kết giữa các thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

2. Khuyến khích xây dựng chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia để nghiên cứu, phát triển công nghệ nền, công nghệ lõi phục vụ sản xuất, chế tạo hệ thống vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược.

3. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.