Bước tới nội dung

Luật Chăn nuôi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2018/Chương IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Luật Chăn nuôi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2018
Chương IV. ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ CHĂN NUÔI, XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI

Chương IV
ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ CHĂN NUÔI, XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI

Mục 1
ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ CHĂN NUÔI

Điều 52. Quy mô chăn nuôi

1. Quy mô chăn nuôi bao gồm các loại sau đây:

a) Chăn nuôi trang trại bao gồm chăn nuôi trang trại quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ;

b) Chăn nuôi nông hộ.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 53. Đơn vị vật nuôi và mật độ chăn nuôi

1. Đơn vị vật nuôi là đơn vị quy đổi của gia súc, gia cầm theo khối lượng sống, không phụ thuộc vào giống, tuổi và giới tính. Mỗi đơn vị vật nuôi tương đương với 500 kg khối lượng vật nuôi sống.

2. Mật độ chăn nuôi được tính bằng tổng số đơn vị vật nuôi trên 01 ha đất nông nghiệp.

3. Việc xác định quy mô chăn nuôi phải căn cứ vào mật độ chăn nuôi.

4. Chính phủ quy định mật độ chăn nuôi cho từng vùng căn cứ vào chiến lược phát triển chăn nuôi, công nghệ chăn nuôi, môi trường sinh thái.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào mật độ chăn nuôi của vùng quy định mật độ chăn nuôi của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 54. Kê khai hoạt động chăn nuôi

1. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với Ủy ban nhân dân cấp xã.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định loại, số lượng vật nuôi phải thực hiện kê khai, thời điểm kê khai và mẫu kê khai hoạt động chăn nuôi.

Điều 55. Chăn nuôi trang trại

1. Chăn nuôi trang trại phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Vị trí xây dựng trang trại phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, chiến lược phát triển chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 53 của Luật này;

b) Có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi;

c) Có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

d) Có chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi;

đ) Có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 01 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi;

e) Có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại.

2. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

Điều 56. Chăn nuôi nông hộ

Chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

1. Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người.

2. Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi.

3. Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

Điều 57. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân chăn nuôi

1. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi có quyền sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân đã thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54 của Luật này được hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất khi bị thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật;

b) Được hưởng chính sách của Nhà nước có liên quan đến hoạt động chăn nuôi;

c) Được tập huấn, đào tạo về chăn nuôi;

d) Quảng bá sản phẩm theo quy định của pháp luật;

đ) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến chăn nuôi theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi có nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54 của Luật này;

b) Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi;

c) Xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

d) Bảo đảm đối xử nhân đạo với vật nuôi theo quy định của pháp luật.

Điều 58. Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

2. Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi được cấp lại trong trường hợp sau đây:

a) Bị mất, bị hỏng;

b) Thay đổi thông tin về tổ chức, cá nhân trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi bị thu hồi trong trường hợp sau đây:

a) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi;

b) Cơ sở chăn nuôi trang trại không còn đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này;

c) Cơ sở chăn nuôi trang trại có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

4. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

Mục 2
XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI

Điều 59. Xử lý chất thải trong chăn nuôi trang trại

1. Chất thải chăn nuôi bao gồm chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, nước thải chăn nuôi, khí thải và chất thải khác.

2. Việc xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản;

b) Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng;

c) Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

3. Việc xử lý nước thải chăn nuôi được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

b) Nước thải chăn nuôi đã xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi được sử dụng cho cây trồng;

c) Nước thải chăn nuôi chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng.

4. Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi.

5. Việc xử lý chất thải khác phải tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

Điều 60. Xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ

Chủ chăn nuôi nông hộ phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

1. Có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh;

2. Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

Điều 61. Xử lý tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi

1. Tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi bao gồm tiếng ồn phát ra từ vật nuôi, thiết bị sử dụng trong hoạt động chăn nuôi.

2. Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại, chủ chăn nuôi nông hộ phải xử lý tiếng ồn phát ra trong hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi.

Điều 62. Quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

1. Sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trước khi lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định của pháp luật;

b) Có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng;

c) Thông tin về sản phẩm đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

d) Sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi lần đầu được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam có chứa chất mới chưa qua khảo nghiệm ở Việt Nam phải khảo nghiệm trước khi công bố sản phẩm.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 63. Quản lý cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

1. Quản lý cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi bao gồm:

a) Địa điểm sản xuất nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại;

b) Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

c) Dây chuyền, trang thiết bị phù hợp để sản xuất sản phẩm;

d) Thiết bị, dụng cụ đo lường để giám sát chất lượng, bảo đảm độ chính xác theo quy định của pháp luật về đo lường;

đ) Kho bảo quản sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi cần chế độ bảo quản riêng;

e) Người phụ trách kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, hóa học, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.