Luật Dân quân tự vệ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2009/Chương IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Điều 37. Lập, phê chuẩn kế hoạch hoạt động[sửa]

1. Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở chủ trì phối hợp với cơ quan có liên quan lập, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch hoạt động của dân quân tự vệ thuộc quyền theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trình Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp trên trực tiếp phê chuẩn

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định nội dung, trình tự lập và phê chuẩn kế hoạch hoạt động của dân quân tự vệ.

Điều 38. Hoạt động sẵn sàng chiến đấu.[sửa]

1. Đơn vị dân quân tự vệ phải duy trì chế độ hoạt động theo các trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chỉ đạo và bảo đảm hoạt động sẵn sàng chiến đấu của dân quân tự vệ thuộc quyền.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định nhiệm vụ, nội dung, chế độ hoạt động của dân quân tự vệ trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu và của sở chỉ huy các cấp về công tác dân quân tự vệ.

Điều 39. Hoạt động chiến đấu của dân quân tự vệ[sửa]

1. Nội dung hoạt động chiến đấu của dân quân tự vệ gồm:

a) Làm nòng cốt xây dựng làng, xã chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật;

b) Phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và lực lượng khác đánh địch tiến công bằng hỏa lực;

c) Bảo vệ việc phòng tránh, sơ tán của cơ quan, tổ chức và nhân dân; phối hợp với Công an nhân dân và lực lượng khác bảo vệ an ninh, trật tự ở khu căn cứ hậu phương, khu sơ tán nhân dân và cơ sở kinh tế, xã hội trong thời chiến;

d) Độc lập hoặc phối hợp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong khu vực phòng thủ dưới sự chỉ huy của người chỉ huy cơ quan quân sự cấp trên trực tiếp;

đ) Tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị trong thời chiến và làm nòng cốt cùng nhân dân đấu tranh chính trị.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chỉ đạo việc bảo đảm hoạt động chiến đấu của dân quân tự vệ thuộc quyền trong khu vực phòng thủ.

Điều 40. Hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo[sửa]

1. Dân quân tự vệ có trách nhiệm phối hợp với bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, Công an nhân dân và lực lượng khác nắm tình hình an ninh trật tự, sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam.

2. Chính phủ quy định việc phối hợp của dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo.

Điều 41. Hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội[sửa]

1. Dân quân tự vệ có trách nhiệm phối hợp với Công an nhân dân và lực lượng khác nắm tình hình, tuần tra, canh gác, bảo vệ mục tiêu, bảo vệ sản xuất, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.

2. Chính phủ quy định việc phối hợp của dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.

Điều 42. Vận động nhân dân và tham gia xây dựng cơ sở[sửa]

1. Dân quân tự vệ phải gương mẫu chấp hành và có trách nhiệm tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

2. Đơn vị dân quân tự vệ có trách nhiệm phối hợp với lực lượng khác tham gia các cuộc vận động, phong trào của địa phương xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện.

Điều 43. Hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, bảo vệ môi trường[sửa]

1. Dân quân tự vệ là lực lượng nòng cốt tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn ở cơ sở theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân các cấp; phối hợp với lực lượng khác trên địa bàn làm nhiệm vụ bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch bệnh.

2. Chính phủ quy định việc phối hợp giữa dân quân tự vệ với kiểm lâm và lực lượng khác trong công tác bảo vệ và phòng, chống cháy rừng.

Điều 44. Thẩm quyền điều động dân quân tự vệ[sửa]

1. Trong trường hợp chưa đến mức ban bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp nhưng cần thiết sử dụng dân quân tự vệ thì thẩm quyền điều động được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam điều động dân quân tự vệ trong phạm vi cả nước;

b) Tư lệnh Quân khu điều động dân quân tự vệ trong địa bàn quân khu sau khi thống nhất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dân quân tự vệ được điều động;

c) Tư lệnh Quân chủng Hải quân điều động dân quân tự vệ biển sau khi thống nhất với Tư lệnh Quân khu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi có dân quân tự vệ biển được điều động;

d) Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội điều động dân quân tự vệ trong địa bàn thành phố Hà Nội sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

đ) Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh điều động dân quân tự vệ trong địa bàn cấp tỉnh sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Tư lệnh Quân khu;

e) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện điều động dân quân tự vệ trong địa bàn cấp huyện sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh;

g) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở điều động dân quân tự vệ thuộc quyền làm nhiệm vụ trong phạm vi của xã, cơ quan, tổ chức sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.

2. Trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp, việc điều động, sử dụng dân quân tự vệ thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi có dân quân tự vệ được điều động phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định điều động của cấp có thẩm quyền.