Bước tới nội dung

Luật Dầu khí nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2022/Chương V

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương V
HOẠT ĐỘNG DẦU KHÍ

Điều 42. Dự án phát triển mỏ dầu khí trên đất liền; dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển

1. Trong quá trình lập kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí, nếu xét thấy cần thiết xây dựng chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển ngoài diện tích hợp đồng ban đầu phục vụ khai thác, xử lý và vận chuyển dầu khí để sản xuất ra dầu khí thương phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của dự án phát triển mỏ dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thực hiện dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển.

2. Việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất (nếu có) đối với dự án phát triển mỏ dầu khí trên đất liền, dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển được thực hiện như sau:

a) Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất đối với dự án phát triển mỏ dầu khí trên đất liền trước khi kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí được phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này và đối với dự án phát triển mỏ dầu khí theo chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển trước khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thực hiện dự án theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp: dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 héc ta trở lên; đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 héc ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 héc ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 héc ta trở lên;

b) Trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này, đối với dự án phát triển mỏ dầu khí trên đất liền, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trước khi kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí được phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này; đối với dự án phát triển mỏ dầu khí theo chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất cùng với chấp thuận triển khai dự án theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Sau khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất và kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng, đất đối với dự án để triển khai phát triển mỏ dầu khí.

3. Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện khoản 1, điểm b và điểm c khoản 2 Điều này và hồ sơ trình Quốc hội quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 43. Lập, phê duyệt chương trình hoạt động và ngân sách hoạt động hằng năm

1. Căn cứ vào các cam kết trong hợp đồng dầu khí và chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt (nếu có), nhà thầu lập chương trình hoạt động và ngân sách hoạt động hằng năm trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt.

2. Nội dung chính của chương trình hoạt động và ngân sách hoạt động hằng năm bao gồm:

a) Nội dung công việc;

b) Dự toán chi phí;

c) Kế hoạch sử dụng nhân lực.

Điều 44. Lập, thẩm định, phê duyệt chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí

1. Trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí, trên cơ sở quy định trong hợp đồng dầu khí, nhà thầu lập chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thẩm định, phê duyệt.

2. Nội dung chính của chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí bao gồm:

a) Tổng quan về hợp đồng dầu khí;

b) Lịch sử tìm kiếm thăm dò, thẩm lượng, phát triển và khai thác dầu khí (nếu có);

c) Tài liệu về địa chất, địa vật lý, tài liệu khoan, tài liệu khảo sát và nghiên cứu khác;

d) Đặc điểm địa chất, hệ thống dầu khí, đánh giá tài nguyên dầu khí;

đ) Tiến độ thực hiện, khối lượng công việc, dự toán chi phí;

e) Kế hoạch thực hiện công tác an toàn và bảo vệ môi trường bao gồm cả an toàn và xử lý sự cố, giải pháp ngăn chặn và xử lý các nguy cơ gây ô nhiễm;

g) Dự kiến kết quả đạt được, đánh giá rủi ro tìm kiếm thăm dò dầu khí;

h) Kết luận và kiến nghị.

3. Nội dung thẩm định chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí bao gồm:

a) Đánh giá sự phù hợp của tài liệu về địa chất, địa vật lý, tài liệu khoan, tài liệu khảo sát và nghiên cứu khác;

b) Đánh giá tính hợp lý của số liệu về đặc điểm địa chất, hệ thống dầu khí, đánh giá tài nguyên dầu khí;

c) Đánh giá tính khả thi, hợp lý của tiến độ thực hiện, khối lượng công việc, dự toán chi phí;

d) Đánh giá sự đáp ứng yêu cầu về an toàn và bảo vệ môi trường;

đ) Đánh giá kết quả đạt được và các rủi ro tìm kiếm thăm dò dầu khí.

4. Trong trường hợp có sự thay đổi các nội dung chính của chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí quy định tại khoản 2 Điều này, nhà thầu đề nghị điều chỉnh chương trình, trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thẩm định, phê duyệt.

5. Trong quá trình phát triển mỏ dầu khí, khai thác dầu khí, nhà thầu có thể đề xuất tiến hành thăm dò dầu khí bổ sung và lập chương trình thăm dò dầu khí bổ sung, trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thẩm định, phê duyệt theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 45. Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí

1. Trên cơ sở kết quả thăm dò, thẩm lượng dầu khí, nếu phát hiện dầu khí có tính thương mại trong diện tích hợp đồng dầu khí, nhà thầu lập báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt.

2. Nội dung chính của báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí bao gồm:

a) Lịch sử tìm kiếm thăm dò, thẩm lượng, phát triển và khai thác dầu khí;

b) Tài liệu khảo sát địa chấn và phương pháp địa vật lý thăm dò khác; tài liệu khoan; tài liệu khảo sát và nghiên cứu khác;

c) Địa chất khu vực, địa chất mỏ;

d) Thông số vỉa chứa bao gồm thành tạo địa chất các thân chứa dầu khí, địa vật lý giếng khoan, công nghệ mỏ, kết quả khai thác, bơm ép dầu, khí, nước (nếu có);

đ) Tính toán dầu khí tại chỗ ban đầu, trữ lượng dầu khí của phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí;

e) Kết luận và kiến nghị.

3. Nội dung thẩm định báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí bao gồm:

a) Đánh giá kết quả thực hiện công tác thăm dò, thẩm lượng dầu khí;

b) Tính hợp lý về địa chất, mô hình địa chất vỉa chứa, thông số vỉa chứa và công nghệ mỏ;

c) Tính hợp lý và độ tin cậy của kết quả tính toán dầu khí tại chỗ ban đầu và trữ lượng dầu khí.

4. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tài nguyên, trữ lượng dầu khí của các mỏ dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam và cập nhật hằng năm thông tin về tài nguyên, trữ lượng dầu khí báo cáo Bộ Công Thương.

5. Nhà thầu có trách nhiệm cập nhật báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí của từng mỏ trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có dòng dầu, khí đầu tiên được khai thác thương mại và sau đó cập nhật định kỳ 05 năm. Trường hợp tổng lượng dầu khí tại chỗ ban đầu có thay đổi lớn hơn 15% so với phê duyệt gần nhất, nhà thầu lập báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí cập nhật trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt theo quy định của Điều này.

6. Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí.

Điều 46. Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí

1. Sau khi báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí được phê duyệt, nhà thầu triển khai thực hiện giai đoạn phát triển mỏ dầu khí và lập kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt.

2. Nội dung chính của kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí bao gồm:

a) Lịch sử tìm kiếm, thăm dò, thẩm lượng dầu khí, mô hình địa chất của mỏ và kế hoạch thẩm lượng ở giai đoạn tiếp theo;

b) Công nghệ mỏ và hệ số thu hồi dầu khí sơ bộ; các phương án phát triển dự kiến và phương án lựa chọn;

c) Dự báo sản lượng khai thác và quản lý vận hành mỏ;

d) Thiết kế sơ bộ theo các phương án phát triển lựa chọn và xác định sơ bộ chi phí đầu tư;

đ) Công nghệ khoan, kế hoạch khoan và hoàn thiện giếng;

e) Kế hoạch thực hiện công tác an toàn và bảo vệ môi trường;

g) Đánh giá kinh tế, kỹ thuật và lựa chọn phương án phát triển thích hợp tại thời điểm lập báo cáo;

h) Các thông số, tiêu chí chính của phương án được lựa chọn làm cơ sở để lập thiết kế kỹ thuật tổng thể;

i) Phương án tiêu thụ khí sơ bộ;

k) Đánh giá mức độ rủi ro công nghệ, biến động giá dầu và tài chính của dự án;

l) Dự kiến tiến độ thực hiện;

m) Đối với dự án phát triển mỏ dầu khí trên đất liền, dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển, ngoài những nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản này phải có các nội dung chính sau đây theo quy định của pháp luật về xây dựng: sơ bộ nhu cầu sử dụng đất; nhu cầu sử dụng tài nguyên; sự phù hợp của dự án với chiến lược, quy hoạch có liên quan; đánh giá tác động kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của dự án;

n) Kết luận và kiến nghị.

3. Nội dung thẩm định kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí bao gồm:

a) Đánh giá sự phù hợp của công nghệ mỏ, dự báo sản lượng và hệ số thu hồi dầu khí sơ bộ;

b) Đánh giá sự phù hợp của các phương án phát triển dự kiến và phương án lựa chọn về công nghệ khoan, công nghệ khai thác; các thông số, tiêu chí chính của phương án được lựa chọn làm cơ sở để lập thiết kế kỹ thuật tổng thể;

c) Đánh giá sự đáp ứng yêu cầu về an toàn và bảo vệ môi trường;

d) Tính hợp lý trong đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế, kỹ thuật; mức độ rủi ro công nghệ, biến động giá sản phẩm và tài chính của dự án;

đ) Đánh giá sự phù hợp với các quy hoạch có liên quan;

e) Nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với nội dung quy định tại điểm m khoản 2 Điều này.

4. Việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí thay cho việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng của dự án dầu khí theo quy định của Luật Xây dựng.

5. Khi thay đổi phương án phát triển lựa chọn, nhu cầu sử dụng đất (nếu có), phương án tiêu thụ khí trong kế hoạch đại cương phát triển mỏ đã được phê duyệt, nhà thầu trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí. Việc điều chỉnh nội dung khác của kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, phê duyệt.

6. Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí.

Điều 47. Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí

1. Sau khi kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí được phê duyệt, trong trường hợp cần nghiên cứu, thu thập bổ sung thông tin để giảm thiểu rủi ro sau này, nhà thầu có thể lập kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt.

2. Nội dung chính của báo cáo kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí bao gồm:

a) Kết quả nghiên cứu đặc điểm địa chất mỏ;

b) Số liệu và các phân tích thành phần, tính chất chất lưu và vỉa chứa, các nghiên cứu về mô hình mô phỏng mỏ, công nghệ mỏ và thiết kế khai thác, dự báo về sản lượng khai thác dầu khí, hệ số thu hồi dầu khí;

c) Các thông tin về công nghệ khai thác và các nghiên cứu khả thi;

d) Công nghệ khoan và hoàn thiện giếng;

đ) Mô tả hệ thống công trình và thiết bị khai thác được sử dụng;

e) Báo cáo thuyết minh thiết kế kỹ thuật tổng thể;

g) Các kế hoạch về bảo vệ tài nguyên, môi trường, sinh thái bao gồm cả an toàn và xử lý sự cố, giải pháp ngăn chặn, xử lý các nguy cơ gây ô nhiễm và thu dọn công trình dầu khí;

h) Tính toán tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh tế của dự án khai thác sớm mỏ dầu khí;

i) Đánh giá mức độ rủi ro công nghệ, biến động giá dầu thô và tài chính của dự án;

k) Tiến độ thực hiện;

l) Ước tính chi phí thu dọn công trình dầu khí;

m) Thỏa thuận khung bán khí đối với dự án khai thác khí;

n) Đối với dự án phát triển mỏ dầu khí trên đất liền, dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển, ngoài những nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản này phải có các nội dung chính sau đây theo quy định của pháp luật về xây dựng: thông tin hiện trạng sử dụng đất, điều kiện thu hồi đất, nhu cầu sử dụng đất; địa điểm xây dựng; phương án kết nối hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài công trình; giải pháp về xây dựng, vật liệu chủ yếu được sử dụng; đánh giá tác động kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của dự án;

o) Kết luận và kiến nghị.

3. Nội dung thẩm định kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí bao gồm:

a) Đánh giá sự phù hợp với phương án được lựa chọn trong kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí;

b) Đánh giá sự phù hợp của địa chất mỏ, tính chất chất lưu và vỉa chứa, mô hình mô phỏng mỏ, thiết kế khai thác, sản lượng khai thác dầu khí, hệ số thu hồi dầu khí;

c) Đánh giá sự phù hợp của công nghệ khoan, công nghệ khai thác, hệ thống công trình và thiết bị;

d) Đánh giá tính hợp lý trong đánh giá hiệu quả kinh tế; mức độ rủi ro công nghệ, biến động giá sản phẩm và tài chính của dự án; tiến độ thực hiện;

đ) Đánh giá sự phù hợp của các giải pháp thiết kế, tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế kỹ thuật tổng thể;

e) Đánh giá sự đáp ứng yêu cầu về an toàn và bảo vệ môi trường;

g) Nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với nội dung quy định tại điểm n khoản 2 Điều này.

4. Việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí thay cho việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của dự án dầu khí theo quy định của Luật Xây dựng.

5. Nhà thầu trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí trong trường hợp việc điều chỉnh dẫn đến tổng mức đầu tư tăng thêm dưới 10% đối với các nội dung sau đây:

a) Điều chỉnh số lượng, kích thước đường ống nội mỏ, điều chỉnh công suất thiết bị để tăng hiệu quả dự án cũng như tăng hệ số thu hồi dầu khí;

b) Điều chỉnh tối ưu vị trí, thứ tự và số lượng giếng khoan để gia tăng sản lượng, trữ lượng hoặc tối ưu hóa đầu tư;

c) Áp dụng giải pháp kỹ thuật bổ sung, mở vỉa mới được phát hiện trong quá trình khoan phát triển để gia tăng sản lượng khai thác, nâng cao hiệu quả của dự án;

d) Khai thác thử nghiệm nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu khí;

đ) Khoan bổ sung các giếng khoan đan dày.

6. Nhà thầu trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí trong các trường hợp khác ngoài quy định tại khoản 5 Điều này.

7. Sau khi hoàn tất kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, nhà thầu trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, báo cáo Bộ Công Thương kết quả thực hiện kế hoạch khai thác sớm và cập nhật mô hình khai thác cùng các số liệu và phân tích chứng minh, kết luận về khả năng áp dụng sơ đồ thử nghiệm cho khai thác toàn mỏ dầu khí.

8. Chính phủ quy định về điều kiện để lập kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí và hồ sơ, trình tự, thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí.

Điều 48. Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí

1. Sau khi kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí được phê duyệt hoặc trước khi kết thúc thời hạn thực hiện của kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, nhà thầu lập kế hoạch phát triển mỏ dầu khí trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt.

2. Nội dung chính của báo cáo kế hoạch phát triển mỏ dầu khí bao gồm:

a) Kết quả thực hiện của kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí (nếu có);

b) Kết quả nghiên cứu đặc điểm địa chất mỏ;

c) Số liệu và các phân tích thành phần, tính chất chất lưu và vỉa chứa, các nghiên cứu về mô hình mô phỏng mỏ, công nghệ mỏ và thiết kế khai thác, dự báo về sản lượng khai thác dầu khí, hệ số thu hồi dầu khí;

d) Các thông tin về công nghệ khai thác và các nghiên cứu khả thi;

đ) Công nghệ khoan và hoàn thiện giếng;

e) Mô tả hệ thống công trình và thiết bị khai thác được sử dụng;

g) Báo cáo thuyết minh thiết kế kỹ thuật tổng thể;

h) Các kế hoạch về bảo vệ tài nguyên, môi trường, sinh thái bao gồm cả an toàn và xử lý sự cố, giải pháp ngăn chặn, xử lý các nguy cơ gây ô nhiễm và thu dọn công trình dầu khí;

i) Tính toán tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh tế của dự án;

k) Đánh giá mức độ rủi ro công nghệ và tài chính của dự án;

l) Tiến độ, lịch trình thực hiện;

m) Thống kê những nguyên tắc, quy định kỹ thuật được áp dụng trong quá trình khoan khai thác;

n) Thỏa thuận khung bán khí đối với dự án khai thác khí;

o) Ước tính chi phí thu dọn công trình dầu khí;

p) Đối với dự án phát triển mỏ dầu khí trên đất liền, dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển, ngoài những nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản này phải có các nội dung chính sau đây theo quy định của pháp luật về xây dựng: thông tin hiện trạng sử dụng đất, điều kiện thu hồi đất, nhu cầu sử dụng đất; địa điểm xây dựng; phương án kết nối hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài công trình; giải pháp về xây dựng, vật liệu chủ yếu được sử dụng; đánh giá tác động kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của dự án;

q) Kết luận và kiến nghị.

3. Nội dung thẩm định kế hoạch phát triển mỏ dầu khí bao gồm:

a) Đánh giá sự phù hợp với phương án được lựa chọn trong kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí;

b) Đánh giá sự phù hợp của địa chất mỏ, tính chất chất lưu và vỉa chứa, mô hình mô phỏng mỏ, thiết kế khai thác, sản lượng khai thác dầu khí, hệ số thu hồi dầu khí;

c) Đánh giá sự phù hợp của công nghệ khoan, công nghệ khai thác, hệ thống công trình và thiết bị;

d) Đánh giá tính hợp lý trong đánh giá hiệu quả kinh tế; mức độ rủi ro công nghệ, biến động giá sản phẩm và tài chính của dự án; tiến độ thực hiện;

đ) Đánh giá sự phù hợp của các giải pháp thiết kế, tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế kỹ thuật tổng thể;

e) Đánh giá sự đáp ứng yêu cầu về an toàn và bảo vệ môi trường;

g) Nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với nội dung quy định tại điểm p khoản 2 Điều này.

4. Việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí thay cho việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của dự án dầu khí theo quy định của Luật Xây dựng.

5. Nhà thầu trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch phát triển mỏ dầu khí trong trường hợp việc điều chỉnh dẫn đến tổng mức đầu tư tăng thêm dưới 10% đối với các nội dung sau đây:

a) Điều chỉnh số lượng, kích thước đường ống nội mỏ, điều chỉnh công suất số lượng thiết bị để tăng hiệu quả dự án hoặc tăng hệ số thu hồi dầu khí;

b) Điều chỉnh tối ưu vị trí, thứ tự và số lượng giếng khoan để gia tăng sản lượng, trữ lượng hoặc tối ưu hóa đầu tư;

c) Áp dụng giải pháp kỹ thuật bổ sung, mở vỉa mới được phát hiện trong quá trình khoan phát triển để gia tăng sản lượng khai thác, nâng cao hiệu quả của dự án;

d) Khai thác thử nghiệm nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu khí;

đ) Khoan bổ sung các giếng khoan đan dày.

6. Nhà thầu trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch phát triển mỏ dầu khí trong các trường hợp khác ngoài quy định tại khoản 5 Điều này.

7. Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí.

Điều 49. Đốt và xả khí

1. Nhà thầu có trách nhiệm thu gom khí sau khi đã sử dụng nội mỏ (nếu có) trong quá trình khai thác dầu khí và phải lập phương án thu gom khí trong kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí hoặc kế hoạch phát triển mỏ dầu khí.

2. Nhà thầu được đốt và xả khí trong các trường hợp sau đây:

a) Trong quá trình thử vỉa để thông và làm sạch giếng; hoàn thiện, sửa chữa hoặc xử lý giếng và để giải tỏa áp suất giếng;

b) Trong trường hợp khẩn cấp nhằm bảo đảm an toàn cho người, tài sản và hoạt động dầu khí hoặc trong trường hợp hệ thống xử lý, vận chuyển khí tạm ngưng hoạt động do sự cố;

c) Theo kế hoạch đốt và xả khí hằng năm liên quan đến an toàn vận hành, bảo dưỡng định kỳ của mỏ dầu khí được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt.

Điều 50. Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch thu dọn công trình dầu khí

1. Trong quá trình tiến hành hoạt động dầu khí, sau khi kết thúc từng giai đoạn hoặc kết thúc hợp đồng dầu khí, nhà thầu phải thu dọn các công trình dầu khí không còn sử dụng hoặc không thể tiếp tục phục vụ cho hoạt động dầu khí do bị hư hỏng nặng, không phù hợp với công nghệ gây ảnh hưởng đến an toàn và hiệu quả của hoạt động dầu khí.

2. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày có dòng dầu, khí đầu tiên được khai thác thương mại từ diện tích hợp đồng dầu khí, nhà thầu phải lập kế hoạch thu dọn công trình dầu khí trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt.

3. Chậm nhất là 01 năm trước ngày kết thúc hợp đồng dầu khí hoặc kết thúc thời gian khai thác mỏ dầu khí, nhà thầu phải cập nhật kế hoạch thu dọn công trình dầu khí trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt.

4. Nội dung chính của kế hoạch thu dọn công trình dầu khí bao gồm:

a) Danh mục, mô tả các phương tiện, tổ hợp thiết bị, các kết cấu công trình của công trình dầu khí cần thu dọn;

b) Các giải pháp và phương án kỹ thuật thực hiện việc thu dọn công trình dầu khí;

c) Kế hoạch quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, kế hoạch quan trắc môi trường, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, kế hoạch bảo đảm an toàn trong quá trình thu dọn công trình dầu khí;

d) Ước tính chi phí thu dọn, kế hoạch và tiến độ trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí;

đ) Tiến độ thực hiện công việc thu dọn công trình dầu khí.

5. Nội dung thẩm định kế hoạch thu dọn công trình dầu khí bao gồm:

a) Đánh giá sự phù hợp của danh mục các phương tiện, tổ hợp thiết bị, các kết cấu công trình của công trình dầu khí cần thu dọn;

b) Đánh giá sự phù hợp của các giải pháp và phương án kỹ thuật thực hiện việc thu dọn công trình dầu khí;

c) Đánh giá sự phù hợp của kế hoạch quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, quan trắc môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, bảo đảm an toàn;

d) Đánh giá sự phù hợp và tính hợp lý trong ước tính chi phí thu dọn, kế hoạch và tiến độ trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí, tiến độ thực hiện.

6. Nhà thầu trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch thu dọn công trình dầu khí trong trường hợp bổ sung, mở rộng các hạng mục công trình, thiết bị, giếng khoan dẫn đến dự toán chi phí trong kế hoạch thu dọn công trình dầu khí được phê duyệt gần nhất tăng thêm dưới 20%.

7. Trong quá trình triển khai dự án phát triển, khai thác dầu khí nếu xét thấy công trình dầu khí bị sự cố không có khả năng sửa chữa, khắc phục hoặc không bảo đảm an toàn để duy trì hoạt động, nhà thầu trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, phê duyệt phương án thu dọn.

8. Nhà thầu trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch thu dọn công trình dầu khí trong các trường hợp sau đây:

a) Bổ sung, mở rộng các hạng mục công trình, thiết bị, giếng khoan hoặc thay đổi về yêu cầu công nghệ, kỹ thuật, trượt giá dịch vụ dẫn đến dự toán chi phí trong kế hoạch thu dọn công trình dầu khí được phê duyệt gần nhất tăng thêm từ 20% trở lên;

b) Thu dọn công trình dầu khí phải thực hiện từng phần trong trường hợp chưa xác định trong kế hoạch thu dọn công trình dầu khí đã được phê duyệt hoặc hoãn thu dọn hoặc để lại công trình dầu khí.

9. Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt kế hoạch thu dọn công trình dầu khí.

Điều 51. Quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí

1. Việc bảo đảm tài chính cho nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí được thực hiện theo phương thức lập quỹ.

2. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày có dòng dầu, khí đầu tiên được khai thác thương mại từ diện tích hợp đồng dầu khí, nhà thầu phải lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí. Quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí được trích hằng năm trên cơ sở kế hoạch thu dọn công trình dầu khí được phê duyệt và nộp về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Mức trích nộp quỹ của mỗi nhà thầu tương ứng với tỷ lệ quyền lợi tham gia của nhà thầu đó trong hợp đồng dầu khí và được tính vào chi phí thu hồi của hợp đồng dầu khí.

3. Trước khi kết thúc hợp đồng dầu khí hoặc kết thúc thời hạn giai đoạn khai thác dầu khí của mỏ, nhà thầu phải hoàn thành trích nộp quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí.

4. Việc quản lý quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện, đúng quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu về thu dọn công trình dầu khí theo kế hoạch thu dọn công trình dầu khí được phê duyệt. Trong thời gian chưa sử dụng quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi số tiền của quỹ vào ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối; tiền lãi phát sinh hằng năm sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật có liên quan được ghi tăng vào quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí.

5. Trong trường hợp số dư của quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí không đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết cho việc thu dọn công trình dầu khí, nhà thầu phải đóng góp bổ sung để bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí. Trường hợp số dư của quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí lớn hơn nhu cầu cần thiết cho việc thu dọn công trình dầu khí thì khoản chênh lệch sau khi hoàn thành nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí sẽ được hoàn trả cho các bên tham gia hợp đồng dầu khí theo quy định của hợp đồng dầu khí.

6. Chính phủ quy định chi tiết việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí.

Điều 52. Thực hiện thu dọn công trình dầu khí

1. Nhà thầu có nghĩa vụ thực hiện thu dọn công trình dầu khí theo kế hoạch thu dọn công trình dầu khí được phê duyệt. Việc thu dọn công trình dầu khí phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Nhà thầu trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương chấp thuận việc để lại một phần hoặc toàn bộ công trình dầu khí; hoãn thu dọn một phần hoặc toàn bộ công trình dầu khí.

3. Nhà thầu phải tiến hành ngay việc thu dọn từng phần hoặc toàn bộ công trình dầu khí hư hỏng nặng; công trình dầu khí xuống cấp nghiêm trọng không có khả năng sửa chữa, khắc phục ảnh hưởng đến an toàn của hoạt động dầu khí.

4. Trong quá trình khai thác dầu khí, nhà thầu được tiến hành thu dọn trước từng phần hoặc một số hạng mục, thiết bị và hủy bỏ các giếng khoan có trong kế hoạch thu dọn công trình dầu khí đã được phê duyệt mà không còn công năng sử dụng nhằm giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng theo quy định tại khoản 7 Điều 50 của Luật này.

5. Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt việc để lại, hoãn thu dọn hoặc thực hiện thu dọn một phần hay toàn bộ công trình dầu khí.