Luật Du lịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2017/Chương V
Chương V
KINH DOANH DU LỊCH
Mục 1
DỊCH VỤ LỮ HÀNH
Điều 30. Phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành
1. Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa.
2. Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.
3. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Điều 31. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành
1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bao gồm:
a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
b) Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng;
c) Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.
2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế bao gồm:
a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
b) Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng;
c) Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.
3. Doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều này được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều này được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
4. Chính phủ quy định chi tiết về việc ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này.
5. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành; nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa và nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.
Điều 32. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
c) Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
d) Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;
đ) Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại điểm c khoản 1 Điều 31 của Luật này.
2. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được quy định như sau:
a) Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở;
b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.
Điều 33. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
c) Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
d) Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại điểm c khoản 2 Điều 31 của Luật này;
đ) Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.
2. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được quy định như sau:
a) Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế nộp 01 bộ hồ sơ đến Tổng cục Du lịch;
b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Du lịch thẩm định, cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
Điều 34. Cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành
1. Doanh nghiệp đề nghị cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong trường hợp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành bị mất hoặc bị hư hỏng.
2. Trình tự, thủ tục cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành được quy định như sau:
a) Doanh nghiệp gửi đơn đề nghị cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép có trách nhiệm cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Tổng cục Du lịch thông báo cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở khi cấp lại Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
Điều 35. Cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành
1. Doanh nghiệp đề nghị cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong các trường hợp sau đây:
a) Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
b) Thay đổi phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
2. Hồ sơ đề nghị cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
b) Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp;
c) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành phù hợp với phạm vi kinh doanh trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
3. Trình tự, thủ tục cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành được quy định như sau:
a) Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy phép;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép có trách nhiệm cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Tổng cục Du lịch thông báo cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở khi cấp đổi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
Điều 36. Thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành
1. Doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong các trường hợp sau đây:
a) Chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, giải thể hoặc phá sản;
b) Không đáp ứng một trong các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật này;
c) Không đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này;
d) Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh;
đ) Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật;
e) Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh;
g) Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 37 của Luật này, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch;
h) Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
2. Doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này chỉ được đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành sau 06 tháng kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực. Doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại các điểm d, đ, e, g và h khoản 1 Điều này chỉ được đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành sau 12 tháng kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực.
3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Điều 37. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành
1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Xây dựng, quảng cáo, bán và tổ chức thực hiện các dịch vụ du lịch, chương trình du lịch cho khách du lịch theo phạm vi kinh doanh quy định trong giấy phép;
b) Bảo đảm duy trì các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật này; công khai tên doanh nghiệp, số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch, trong hợp đồng lữ hành, trên ấn phẩm quảng cáo và trong giao dịch điện tử;
c) Thông báo về việc thay đổi người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành, gửi hồ sơ về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành thay thế cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép trong thời hạn 15 ngày kể từ khi thay đổi;
d) Cung cấp thông tin về chương trình, dịch vụ, điểm đến du lịch cho khách du lịch;
đ) Mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch;
e) Sử dụng hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn khách du lịch theo hợp đồng lữ hành; chịu trách nhiệm về hoạt động của hướng dẫn viên du lịch trong thời gian hướng dẫn khách du lịch theo hợp đồng;
g) Chấp hành, phổ biến, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật, quy định của nơi đến du lịch; ứng xử văn minh, tôn trọng bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam và nơi đến du lịch; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch trong thời gian tham gia chương trình du lịch;
h) Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, kế toán, lưu giữ hồ sơ theo quy định của pháp luật;
i) Áp dụng biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch; kịp thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tai nạn, rủi ro xảy ra với khách du lịch và có biện pháp khắc phục hậu quả;
k) Quản lý khách du lịch theo chương trình du lịch đã thỏa thuận với khách du lịch.
2. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Quyền và nghĩa vụ quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h, i và k khoản 1 Điều này;
b) Bảo đảm duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật này; công khai tên doanh nghiệp, số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch, trong hợp đồng lữ hành, trên ấn phẩm quảng cáo và trong giao dịch điện tử;
c) Hỗ trợ khách du lịch làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, hải quan.
3. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch ra nước ngoài có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Quyền và nghĩa vụ quy định tại các điểm a, c, d, đ, g, h, i và k khoản 1, điểm b và điểm c khoản 2 Điều này;
b) Sử dụng hướng dẫn viên du lịch quốc tế để đưa khách du lịch ra nước ngoài theo hợp đồng lữ hành; chịu trách nhiệm về hoạt động của hướng dẫn viên du lịch trong thời gian đưa khách du lịch ra nước ngoài.
Điều 38. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ lữ hành
1. Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn với đối tác Việt Nam để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp đổi, thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại các điều 31, 33, 34, 35 và 36 của Luật này.
3. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ lữ hành có các quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 37 của Luật này.
Điều 39. Hợp đồng lữ hành
1. Hợp đồng lữ hành là sự thỏa thuận việc thực hiện chương trình du lịch giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với doanh nghiệp, khách du lịch hoặc đại diện của khách du lịch.
2. Hợp đồng lữ hành phải được lập thành văn bản.
3. Hợp đồng lữ hành phải có các nội dung sau đây:
a) Mô tả rõ ràng số lượng, chất lượng, giá dịch vụ, thời gian, cách thức cung cấp dịch vụ trong chương trình du lịch;
b) Giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán;
c) Điều khoản loại trừ trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng;
d) Điều kiện và trách nhiệm tài chính liên quan đến việc thay đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng;
đ) Điều khoản về bảo hiểm cho khách du lịch.
Điều 40. Kinh doanh đại lý lữ hành
1. Kinh doanh đại lý lữ hành là việc tổ chức, cá nhân nhận bán chương trình du lịch của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành cho khách du lịch để hưởng hoa hồng.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh đại lý lữ hành phải đăng ký kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có hợp đồng đại lý với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.
3. Trường hợp khách du lịch mua chương trình du lịch thông qua đại lý lữ hành thì hợp đồng lữ hành được giao kết giữa khách du lịch và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành giao đại lý; trong hợp đồng phải ghi tên, địa chỉ của đại lý lữ hành.
Điều 41. Hợp đồng đại lý lữ hành
1. Hợp đồng đại lý lữ hành phải được lập thành văn bản giữa bên giao đại lý là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành và bên nhận đại lý là tổ chức, cá nhân kinh doanh đại lý lữ hành.
2. Hợp đồng đại lý lữ hành phải có các nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ của bên giao đại lý và bên nhận đại lý;
b) Chương trình du lịch, giá bán chương trình du lịch được giao cho đại lý, mức hoa hồng đại lý, thời điểm thanh toán;
c) Quyền và trách nhiệm của các bên;
d) Thời hạn hiệu lực của hợp đồng đại lý.
Điều 42. Trách nhiệm của bên giao đại lý lữ hành
1. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên nhận đại lý lữ hành.
2. Tổ chức thực hiện chương trình du lịch do bên nhận đại lý lữ hành bán; chịu trách nhiệm với khách du lịch về chương trình du lịch giao cho bên nhận đại lý lữ hành.
3. Hướng dẫn, cung cấp cho bên nhận đại lý lữ hành thông tin liên quan đến chương trình du lịch.
Điều 43. Trách nhiệm của đại lý lữ hành
1. Thông báo cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh, địa điểm kinh doanh, thông tin về doanh nghiệp giao đại lý lữ hành.
2. Thực hiện việc bán chương trình du lịch đúng nội dung và đúng giá như hợp đồng đại lý; không được tổ chức thực hiện chương trình du lịch.
3. Lập và lưu giữ hồ sơ về chương trình du lịch đã bán cho khách du lịch theo quy định của pháp luật.
4. Treo biển đại lý lữ hành ở vị trí dễ nhận biết tại trụ sở đại lý.
Điều 44. Văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài
1. Việc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại.
2. Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài.
Mục 2
VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH
Điều 45. Kinh doanh vận tải khách du lịch
1. Kinh doanh vận tải khách du lịch là việc cung cấp dịch vụ vận tải đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, đường bộ chuyên phục vụ khách du lịch theo chương trình du lịch, tại khu du lịch, điểm du lịch.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khách du lịch quy định tại khoản 1 Điều này phải đáp ứng điều kiện kinh doanh vận tải; quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của phương tiện vận tải; điều kiện của người điều khiển phương tiện vận tải, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên từng loại phương tiện vận tải theo quy định của pháp luật.
3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch sau khi có ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điều 46. Cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch
1. Phương tiện vận tải khách du lịch được cấp biển hiệu khi đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 45 của Luật này.
2. Phương tiện vận tải khách du lịch có biển hiệu được vận tải hành khách theo hợp đồng và được ưu tiên bố trí nơi neo đậu, dừng, đỗ để đón, trả khách du lịch tại sân bay, bến cảng, nhà ga, bến xe, trong khu du lịch, gần điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và được hoạt động không hạn chế thời gian trên các tuyến giao thông dẫn tới các điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm cung ứng dịch vụ du lịch theo quy định của chính quyền địa phương.
3. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch.
Điều 47. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khách du lịch
1. Vận tải khách du lịch theo hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, với khách du lịch theo hành trình, tuyến đường phù hợp.
2. Mua bảo hiểm cho khách du lịch theo phương tiện vận tải.
3. Bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định trong suốt quá trình khai thác, sử dụng phương tiện vận tải.
4. Gắn biển hiệu vận tải khách du lịch ở nơi dễ nhận biết trên phương tiện vận tải.
Mục 3
LƯU TRÚ DU LỊCH
Điều 48. Các loại cơ sở lưu trú du lịch
1. Khách sạn.
2. Biệt thự du lịch.
3. Căn hộ du lịch.
4. Tàu thủy lưu trú du lịch.
5. Nhà nghỉ du lịch.
6. Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê.
7. Bãi cắm trại du lịch.
8. Các cơ sở lưu trú du lịch khác.
Điều 49. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch
1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch bao gồm:
a) Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
b) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
c) Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.
2. Chính phủ quy định chi tiết điểm c khoản 1 Điều này.
Điều 50. Xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch được xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm 01 sao, 02 sao, 03 sao, 04 sao và 05 sao.
3. Thẩm quyền thẩm định, công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch được quy định như sau:
a) Tổng cục Du lịch thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 04 sao và hạng 05 sao;
b) Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 01 sao, hạng 02 sao và hạng 03 sao.
4. Hồ sơ đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm:
a) Đơn đề nghị công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
b) Bản tự đánh giá chất lượng của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định trong tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch;
c) Danh sách người quản lý và nhân viên trong cơ sở lưu trú du lịch;
d) Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ và giấy chứng nhận thời gian làm việc trong lĩnh vực du lịch của người quản lý, trưởng bộ phận trong cơ sở lưu trú du lịch.
5. Trình tự, thủ tục công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung;
b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp với tổ chức xã hội - nghề nghiệp về du lịch thẩm định và ra quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch; trường hợp không công nhận, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
6. Quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch có thời hạn 05 năm. Sau khi hết thời hạn, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có nhu cầu đăng ký xếp hạng lại cơ sở lưu trú du lịch thực hiện theo quy định tại các khoản 4, 5 và 7 Điều này.
7. Phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
8. Biển công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch được gắn ở khu vực cửa chính của cơ sở lưu trú du lịch.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu biển công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch.
Điều 51. Công bố, kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú du lịch
1. Tổng cục Du lịch công bố danh sách cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng theo thẩm quyền; hướng dẫn, kiểm tra việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch của cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh; tổ chức kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc.
2. Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh công bố danh sách cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng theo thẩm quyền; tổ chức kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn.
Điều 52. Thu hồi quyết định công nhận hạng, thay đổi hạng cơ sở lưu trú du lịch
1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch thu hồi quyết định công nhận hạng đối với cơ sở lưu trú du lịch không duy trì chất lượng theo tiêu chuẩn đã được công nhận.
2. Khi có sự thay đổi về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định lại để công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thay đổi hạng cơ sở lưu trú du lịch thực hiện theo quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 50 của Luật này.
Điều 53. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có quyền sau đây:
a) Từ chối tiếp nhận khách du lịch có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy của cơ sở lưu trú du lịch hoặc khi cơ sở lưu trú du lịch không còn khả năng đáp ứng yêu cầu của khách du lịch;
b) Hủy bỏ hợp đồng cung cấp dịch vụ đối với khách du lịch có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy của cơ sở lưu trú du lịch.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật này;
b) Niêm yết công khai giá bán hàng hóa và dịch vụ, nội quy của cơ sở lưu trú du lịch;
c) Bồi thường thiệt hại cho khách du lịch theo quy định của pháp luật về dân sự;
d) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú du lịch khi có sự thay đổi về tên cơ sở, quy mô, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật;
đ) Chỉ được sử dụng từ “sao” hoặc hình ảnh ngôi sao để quảng cáo về hạng cơ sở lưu trú du lịch sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch;
e) Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, kế toán theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch đã được công nhận hạng có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;
b) Treo biển công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch và quảng cáo đúng với loại, hạng đã được công nhận;
c) Duy trì chất lượng của cơ sở lưu trú du lịch theo đúng loại, hạng đã được công nhận.
Mục 4
DỊCH VỤ DU LỊCH KHÁC
Điều 54. Các loại dịch vụ du lịch khác
1. Dịch vụ ăn uống.
2. Dịch vụ mua sắm.
3. Dịch vụ thể thao.
4. Dịch vụ vui chơi, giải trí.
5. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
6. Dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch.
Điều 55. Phát triển các loại dịch vụ du lịch khác
Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động sau đây:
1. Đầu tư, xây dựng các chuỗi nhà hàng ăn uống, khu ẩm thực, lễ hội ẩm thực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị ẩm thực truyền thống, tiếp thu tinh hoa ẩm thực thế giới.
2. Đầu tư, xây dựng các khu phố mua sắm, trung tâm mua sắm, chuỗi cửa hàng kinh doanh hàng hóa, đồ lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ có xuất xứ trong nước, cửa hàng miễn thuế; tổ chức các chương trình khuyến mại hàng năm.
3. Đầu tư phát triển dịch vụ du lịch gắn với thể thao trên cơ sở tài nguyên du lịch và lợi thế về địa hình của Việt Nam; tổ chức các sự kiện thể thao để thu hút khách du lịch.
4. Xây dựng và tổ chức các chương trình nghệ thuật biểu diễn truyền thống và đương đại; kết nối hệ thống bảo tàng, nhà hát với hoạt động du lịch; khai thác trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống hấp dẫn khách du lịch; xây dựng các công viên chủ đề, trung tâm giải trí.
5. Cung cấp các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp trên cơ sở khai thác giá trị y học cổ truyền, y học hiện đại.
6. Cung cấp các dịch vụ có liên quan khác theo nhu cầu của khách du lịch và phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 56. Công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch khác được tự nguyện đăng ký công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Hồ sơ đăng ký công nhận bao gồm:
a) Đơn đề nghị theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
b) Bản thuyết minh đáp ứng các tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
3. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch khác nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi đặt cơ sở kinh doanh;
b) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định và công nhận; trường hợp không công nhận, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Phí thẩm định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
5. Quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch có thời hạn 03 năm. Sau khi hết thời hạn, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch khác có nhu cầu đăng ký công nhận lại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
6. Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra chất lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đã được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn; thu hồi quyết định công nhận trong trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch không bảo đảm các tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch theo quy định của pháp luật.
7. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành tiêu chuẩn và mẫu biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác.
Điều 57. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch
1. Được đưa vào cơ sở dữ liệu xúc tiến du lịch quốc gia.
2. Được ưu tiên tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch do cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương và địa phương tổ chức.
3. Được treo biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và sử dụng danh hiệu này để quảng cáo, thu hút khách du lịch.
4. Phải bảo đảm điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan trong suốt quá trình kinh doanh.