Luật Giao thông đường bộ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2001/Chương III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Điều 37. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và phân loại đường bộ[sửa]

  1. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe và hành lang an toàn đường bộ.
  2. Mạng lưới đường bộ gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng.
  3. Đường bộ được đặt tên hoặc số hiệu và phân thành các cấp đường.
  4. Chính phủ quy định việc phân loại, đặt tên hoặc số hiệu đường và tiêu chuẩn kỹ thuật của các cấp đường bộ.

Điều 38. Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ[sửa]

  1. Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải căn cứ vào chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đô thị là bộ phận quan trọng của quy hoạch phát triển đô thị phải đồng bộ với quy hoạch các công trình ngầm và công trình kỹ thuật hạ tầng khác của đô thị.

Quỹ đất dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đô thị phải bảo đảm tỷ lệ thích hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài của giao thông đô thị.

Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sau khi phê duyệt phải được công bố rộng rãi để nhân dân biết.

Chính phủ quy định trình tự, thủ tục lập, phê duyệt và công bố quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Điều 39. Phạm vi đất dành cho đường bộ[sửa]

Phạm vi đất dành cho đường bộ gồm đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ.

  1. Trong phạm vi đất dành cho đường bộ, nghiêm cấm xây dựng các công trình khác, trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đó.

Trên đất hành lang an toàn đường bộ được tạm thời sử dụng, khai thác nhưng không được làm ảnh hưởng đến an toàn công trình và an toàn giao thông đường bộ.

  1. Chính phủ quy định cụ thể phạm vi đất dành cho đường bộ, việc sử dụng, khai thác đất hành lang an toàn đường bộ và việc xây dựng các công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

Điều 40. Bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn giao thông của công trình đường bộ[sửa]

Công trình đường bộ xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện an toàn giao thông cho mọi đối tượng tham gia giao thông, trong đó có người tàn tật.

Công trình đường bộ phải được thẩm định về an toàn giao thông ngay từ khi lập dự án, thiết kế, thi công và cả trong quá trình khai thác theo quy định của pháp luật.

Điều 41. Công trình báo hiệu đường bộ[sửa]

  1. Công trình báo hiệu đường bộ gồm:
    a) Đèn tín hiệu giao thông;
    b) Biển báo hiệu;
    c) Cọc tiêu, rào chắn hoặc tường bảo vệ;
    d) Vạch kẻ đường;
    e) Cột cây số;
    f) Các báo hiệu khác.
  2. Đường bộ trước khi đưa vào khai thác phải được lắp đặt đầy đủ công trình báo hiệu đường bộ theo thiết kế được phê duyệt.

Điều 42. Thi công công trình trên đường bộ đang khai thác[sửa]

  1. Việc thi công công trình trên đường bộ đang khai thác chỉ được tiến hành khi đã có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  2. Trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.
  3. Thi công các công trình trên đường đô thị phải tuân thủ các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này và các quy định sau đây:
    a) Chỉ được đào đường để sửa chữa các công trình hoặc xây dựng mới hầm kỹ thuật ngang qua đường nhưng phải có kế hoạch hàng năm thống nhất trước với cơ quan quản lý đường đô thị, trừ trường hợp có sự cố đột xuất;
    b) Phải có phương án thi công và thời gian thi công thích hợp với đặc điểm từng đường phố để không gây ùn tắc giao thông;
    c) Khi thi công xong phải hoàn trả phần đường theo nguyên trạng; đối với công trình ngầm phải lập hồ sơ hoàn công và chuyển cho cơ quan quản lý đường đô thị.

Điều 43. Quản lý, bảo trì đường bộ[sửa]

  1. Đường bộ đưa vào khai thác phải được quản lý, bảo trì với các nội dung sau đây:
    a) Theo dõi tình trạng công trình đường bộ; tổ chức giao thông; kiểm tra, thanh tra việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
    b) Bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất.
  2. Trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo trì đường bộ được quy định như sau:
    a) Hệ thống quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm;
    b) Hệ thống đường tỉnh, đường đô thị do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm. Việc quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định;
    c) Đường chuyên dùng, đường được đầu tư xây dựng không bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước do chủ đầu tư tổ chức quản lý, bảo trì.

Điều 44. Nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ[sửa]

  1. Nguồn tài chính bảo đảm cho việc quản lý, bảo trì đường bộ bao gồm:
    a) Ngân sách nhà nước cấp;
    b) Các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
  2. Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ.

Điều 45. Xây dựng đoạn đường giao cắt giữa đường bộ với đường sắt[sửa]

Việc xây dựng đoạn đường giao cắt giữa đường bộ với đường sắt phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; có thiết kế bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện an toàn giao thông được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 46. Bến xe, bãi đỗ xe, nơi đỗ xe[sửa]

  1. Bến xe, bãi đỗ xe phải xây dựng theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
  2. Trong đô thị, việc xây dựng trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, trung tâm dịch vụ thương mại, văn hoá và khu dân cư phải có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của công trình.

Điều 47. Bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ[sửa]

  1. Phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ, phần trên không, phần dưới mặt đất, phần dưới mặt nước có liên quan đến an toàn công trình và an toàn giao thông đường bộ.
  2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tham gia ứng cứu bảo vệ công trình đường bộ.
  3. Người nào phát hiện công trình đường bộ bị hư hỏng hoặc bị xâm hại, hành lang an toàn bị lấn chiếm phải kịp thời báo cho chính quyền địa phương, cơ quan quản lý đường bộ hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý; trong trường hợp cần thiết có biện pháp báo hiệu ngay cho người tham gia giao thông biết.
  4. Khi nhận được tin báo, các cơ quan có trách nhiệm phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.